Kabuki – một loại hình nghệ thuật sân khấu vô cùng nổi tiếng của Nhật Bản

Nhắc tới nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, chúng ta có thể khai thác và tìm hiểu trên nhiều khía cạnh khác nhau như kiến trúc, thư pháp, nghệ thuật khắc gỗ, manga, origami,… Trong đó, không thể bỏ qua một loại hình nghệ thuật sân khấu kịch vô cùng nổi tiếng, đó là Kabuki. 

Kabuki là một trong 3 loại hình nghệ thuật sân khấu chính của Nhật Bản, cùng với kịch Noh và kịch rối Bunraku. “Kabuki” (歌舞伎) trong tiếng Hán được hiểu theo nghĩa là “Ca Vũ Kỹ”, “Ca” là ca hát, “vũ” là múa và “kỹ” là kỹ năng. Trong Nhật ngữ, Kabuki có từ nguyên bản là “Kabuku” có ý nghĩa là lời nói, phong thái khác bình thường tạo sự thu hút, chú ý. Kabuki hiểu nôm na là “nghệ thuật ca hát và khiêu vũ”.

Bằng sự kết hợp giữa nghệ thuật diễn xuất, múa và âm nhạc, Kabuki là môn nghệ thuật hết sức độc đáo và hiện được công nhận là một trong những loại hình kịch nghệ truyền thống vĩ đại của thế giới. Để có một mà trình diễn hay, Kabuki phải đạt được sự hài hòa và đặc sắc của nhiều yếu tố bao gồm diễn viên, trang phục, cốt truyện, nội dung truyền tải, hát múa, và lời thoại.

Kabuki ra đời từ đầu thế kỷ 17 và phát triển thịnh hành nhất vào thời kỳ Edo (1603-1868). Theo sử sách ghi lại rằng Kabuki được sáng tạo ra từ một người phụ nữ tên Izumo-no-okuni – người đứng đầu một nhóm phụ nữ chuyên diễn kịch và hát múa tại cố đô Kyoto. Bà đã sáng tạo ra Kabuki năm 1603 dựa trên kịch Noh (loại hình kịch cổ mang mặt nạ) và Hu-ryu (hoạt động diễn múa trong các lễ hội ở “xứ Phù Tang”).

Vào thời kỳ này, Kabuki do phụ nữ được gọi là “Onna – Kabuki” biểu diễn với những điệu múa tình tứ. Nó tạo được sự thu hút mạnh mẽ khán giá mọi tầng lớp. Tuy nhiên, do có những điệu múa “dâm dục” nên phụ nữ bị cấm tham gia diễn kịch này dưới thời chính quyền tướng quân Tokugawa. Và thế là, Wakashu Kabuki (Kabuki nam diễn viên trẻ) thay thế cho Onna – Kabuki biểu diễn cũng rất thành công. Nhưng sau đó cũng bị cấm vào năm 1652. Thay thế “Kabuki nam diễn viên trẻ” là các nghệ sĩ Yaro Kabuki (Kabuki nam giới) biểu diễn với phần tóc mái được cạo để để thể hiện sự trưởng thành. Cũng có những diễn viên nam đóng giả nữ được gọi là “Onnagata”.

Năm 1664 là một mốc quan trọng trong sự phát triển của loại hình kịch Kabuki. Năm đó việc áp dụng kỹ thuật kéo màn khi biểu diễn chính thức xuất hiện tại nhà hát ở Osaka và Edo (nay là Tokyo). Những phông cảnh được thay đổi liên tục trong suốt quá trình diễn giúp cho vở kịch không bị gián đoạn. Đến giai đoạn Genroku (1688-1704) xuất hiện những nhà viết kịch Kabuki. Thời điểm này loại hình kích này được coi là một loại hình kịch nghiêm túc. Có rất nhiều kịch bản được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng và chuyên nghiệp. Thời kỳ này có những nhà viết kịch Kabuki nổi tiếng như ông Chikamatsu Monzaemon. Trải qua những thăng trầm của thế chiến và thay đổi chính quyền, Kabuki cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đến nay, với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí, Kabuki vẫn tương đối được ưa chuộng. Nó được xem là loại hình nghệ thuật truyền thống và được người dân cũng như khách du lịch nước ngoài vô cùng yêu thích.

Các vở kịch Kabuki được chia ra làm 3 thể loại chính. Đầu tiên là Jidaimono hay còn gọi là kịch lịch sử. Các vở kịch Jidaimono thường đề cập đến các sự kiện lịch sử quan trọng trước thời Edo của Nhật Bản. Thể loại kịch thứ hai là Sewamono, mô tả cuộc sống của thị dân và nông dân trong thời Edo. Chủ đề của Sewamono là chuyện gia đình hoặc tình cảm lãng mạn. Cuối cùng là Shosagoto, là kiểu nhạc kịch kết hợp với vũ điệu

Một trong những chủ đề chính kịch trọng tâm nhất của Kabuki là cuộc đụng độ giữa đạo đức và tình cảm con người. Các lý tưởng đạo đức của người Nhật Bản, cả trong lịch sử và ngày nay, chủ yếu dựa vào các triết lý tôn giáo của Thần đạo, Phật giáo và Nho giáo, có xu hướng nhấn mạnh các phẩm chất như sự tận tâm với người lớn tuổi và cộng đồng, trách nhiệm, sự tôn trọng. Tuy nhiên, những cảm xúc như trả thù, ích kỷ, nghĩa vụ và tình yêu thường cản trở tạo ra xung đột trọng tâm của hầu hết các vở kịch. Những điều này thường kết thúc trong bi kịch .

Ngoài ra, Kabuki đôi khi truyền tải các yếu tố giáo dục hoặc cố gắng khơi gợi suy nghĩ, nhưng trọng tâm chính là trải nghiệm cảm giác và cảm nhận qua các phần trình diễn.

Để tạo nên sự thành công của mỗi tiết mục kịch Kabuki là sự tổng hòa của rất nhiều các yếu tố cùng hòa quyện. Trước hết có thể thấy kịch Kabuki có nét sống động qua cách thức trang trí sân khấu và đặc biệt là qua trang phục sặc sỡ của các diễn viên. Trang phục là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp diễn viên thể hiện tốt và hoàn thành vai diễn của mình trọn vẹn. Trong Kabuki, nhân vật nữ sẽ mặc bộ Kimono truyền thống do chính họ tự vẽ, thêu hoặc in hoa văn; còn nam giới mặc trang phục của vő sĩ Samurai, diễn viên phải nhờ đến ít nhất là hai nhân viên phục trang hỗ trợ giúp cho mình. Đặc trưng trong các trang phục là ở màu sắc và các chi tiết trang trí sẽ thể hiện được địa vị và tích cách của nhân vật.

Trong kịch Kabuki, nghệ thuật hóa trang cũng được quy định màu sắc riêng biệt, điển hình như nhân vật nam là màu đỏ tươi; màu đỏ hồng thì dành cho nhân vật nữ; Katakiyaku là tuyến nhân vật xấu với tông màu đen chủ đạo. Về phần môi sẽ được chú trọng khi hóa trang gọi là “xẻ môi” hay “chia môi” chứ không phải là đánh môi như thông thường mọi người hay trang điểm.

Sau khi hóa trang với nhiều lớp mặt nạ làm bằng dầu thực vật và thanh hương liệu… nhân vật nam sẽ có gương mặt trắng xanh, còn nhân vật nữ thì gương mặt trắng bệch. Cùng với đó là mái tóc giả đội kín đầu, điều này sẽ làm cho những người xem không thể biết được gương mặt thật đằng sau lớp hoá trang ấy là như thế nào. Nghệ thuật hóa trang sẽ giúp người xem nhận biết được tính cách tốt xấu của từng nhân vật trong vở diễn.

Ngoài ra, trong Kabuki còn có một số kiểu hóa trang như làm mặt xanh để thể hiện cho các linh hồn, mặt nâu hay xám thể hiện cho vai diễn con vật, ma quỷ. Những nét vẽ trên mặt của diễn viên cũng giúp thể hiện tâm trạng nhân vật tốt hơn, đặc biệt là những cảm xúc mãnh liệt như đau khổ, nóng giận…

Xuyên suốt màn trình diễn của kịch Kabuki, không thể thiếu một nhân tố có ảnh hưởng tới diễn biến xuyên suốt tác phẩm, nhằm đẩy cảm xúc người xem đến cao trào, đó là âm nhạc. Trong Kabuki, âm nhạc hay các bài hát được tạo ra, được trình diễn bởi cả các diễn viên và các nhạc cụ bổ trợ như bộ dụng cụ gõ đơn giản. Các bài hát có thể được biểu diễn bởi một hoặc nhiều ca sĩ gọi là “Utakata” và được đệm thêm âm thanh của Shamisen – một loại đàn li của Nhật Bản. Tùy vào từng tiết mục mà các nhạc công có thể ở vị trí phía sau hoặc bên cạnh sân khấu, cũng có những trường hợp sẽ kết hợp trực tiếp với các diễn viên trên sân khấu.

Một yếu tố thứ hai cũng quan trọng không kém đó là màn thể hiện vũ điệu của vũ công hoặc của chính các diễn viên. Vũ điệu có vai truyền tải được hành động, tâm trạng của nhân vật để người xem có thể cảm nhận và cũng có thể tăng thêm phần độc đáo cho màn biểu diễn. Tuy nhiên, các diễn viên đã được rèn luyện để mỗi nhịp di chuyển và động tác đều được cường điệu hóa, giống như là đang nhảy vậy. Với mỗi tuyến nhân vật lại có một kỹ thuật nhảy riêng sao cho các diễn viên lột tả được chính xác tính cách và tâm lý của nhân vật. Ví dụ như Onnagata (nhân vật nữ) thì sẽ nhảy hoặc múa một cách nhẹ nhàng hơn còn Doki (nhân vật hài) lại có những độc tác độc đáo và mạnh mẽ hơn.

Một đặc trưng khác nữa trong kịch Kabuki là cách thể hiện điệu bộ của nhân vật được gọi là “Mie”. Các diễn viên Kabuki cần phải diễn đạt sao cho bộc lộ lên tất cả cảm xúc nhân vật thông qua điệu bộ và động tác. Cảm xúc mãnh liệt của nhân vật phải được đưa ra hết ở những thời điểm cao trào, kịch tính của vở kịch. Những cảnh diễn Mie phải làm cho các khán giả theo dõi trầm trồ khen ngợi và thích thú thì mới được xem là một vở diễn thành công.

Thật là tuyệt vời khi khám phá thêm một nét văn hóa rất Nhật Bản phải không nào? Du khách đã bị thu hút và tò mò muốn xem kịch Kabuki này chứ? Nếu có cơ hội du lịch Nhật Bản, du khách hãy nhớ dành thời gian thưởng thức buổi biểu diễn Kabuki đặc sắc nhé! Chắc chắn du khách sẽ có thêm được một trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá “xứ Phù Tang”.