Khám phá “thiên đường ẩm thực” Aichi qua 14 món đặc sản hấp dẫn

Aichi nằm ở khu vực Chubu với thủ phủ là thành phố Nagoya là tỉnh có dân số lớn thứ 4 Nhật Bản. Ngoài việc nổi tiếng với ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hàng không vũ trụ – nơi đặt trụ sở của hãng xe Toyota Motor, quê hương của các Samurai và sở hữu nhiều khu du lịch nổi tiếng, Aichi còn được biết đến là “thiên đường” ẩm thực hấp dẫn với rất nhiều món ngon nổi tiếng. 

Với nền văn hóa ẩm thực độc đáo và mạnh mẽ mà không nơi nào khác ở Nhật Bản có được, các món ăn ở Aichi có hương vị đậm đà và đa dạng. Cùng với đó là việc sử dụng và kết hợp nhiều nguyên liệu địa phương và công thức nấu ăn truyền thống để cho ra những món ăn đặc sắc nhất. Dưới đây sẽ là 14 món ăn đặc sản của tỉnh Aichi sẽ làm xiêu lòng lữ khách:

1 – Inarizushi

Inarizushi là cơm Sushi được phủ một lớp đậu phụ chiên với hương vị ngọt ngào. Nó cũng được biết đến là một trong những món ăn hấp dẫn mà du khách có thể tìm thấy khi du lịch Aichi. Món cơm Sushi được gói trong lớp vỏ đậu phụ ngọt chiên giòn tẩm gia vị này còn gọi là Abura-age. Người ta cho rằng món Sushi bắt nguồn từ phong tục gói cơm vào Abura-age để dâng cho thần Inari, vì đây là món ăn ưa thích của vị thần cáo linh thiêng này. Ngày nay, nhiều quán ăn còn biến tấu sáng tạo Inarizushi theo nhiều cách riêng, chẳng hạn như: Sushi phủ thịt lợn Miso và lươn nướng.

2 – Torafugu

Tỉnh Aichi có sản lượng đánh bắt cá nóc hổ (Torafugu) vào loại hàng đầu tại Nhật Bản. Vì vậy, sẽ thật thiếu sót khi bỏ qua các món ngon được chế biến từ loài cá này khi nhắc đến ẩm thực tỉnh Aichi. Torafugu nằm trong danh sách 100 loại cá nóc ăn được và được mệnh danh là “Vua cá nóc”, và cũng là một món ăn khá xa xỉ. Vì nội tạng của cá nóc có độc, chỉ những đầu bếp giàu kinh nghiệm được cấp phép đặc biệt mới có thể chế biến món này.

Thời điểm để thưởng thức Torafugu kéo dài từ mùa thu đến đông, đặc biệt là mùa đông. Thịt cá có kết cấu dai, vị ngọt tinh tế và vị ngon umami, phần da lại chứa nhiều collagen và có kết cấu vừa giòn lại dẻo như thạch. Cá nóc hổ được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng, có thể kể đến như: Tessa (Sashimi cắt lát mỏng khiến thực khách phải hài lòng vì độ dai cùng vị ngọt lan tỏa), Tetchiri (món lẩu đậm đà từ thịt và xương cá nóc hổ), Karaage (cá nóc hổ chiên với lớp vỏ giòn rụm và bên trong mềm mại), hay món Hirezake (vây cá được phơi khô rồi nướng, sau đó ngâm vào rượu Sake và uống nóng),…

3 – Hitsumabushi

Tỉnh Aichi nổi tiếng với nghề nuôi lươn, và Isshiki-cho ở thành phố Nishio thuộc tỉnh Aichi chiếm đến 20% sản lượng lươn của cả nước. Do đó, nhắc đến ẩm thực tỉnh Aichi, không thể bỏ qua món cơm lươn Hitsumabushi. Dù thoạt nhìn có vẻ giống món cơm lươn nướng Unadon thông thường, nhưng Hitsumabushi lại có điểm khác biệt, trong đó thú vị nhất là có thể thưởng thức theo các cách khác nhau.

Hitsumabushi gồm cơm trắng đựng trong một chiếc bát gỗ lớn (Hitsu), được phủ bởi những lát lươn nướng vàng óng đẫm nước sốt. Khác với lươn nướng Việt Nam thường được cắt khúc và không rút xương, lươn trong món Hitsumabushi sẽ được lọc xương, xiên và nướng trên than hồng.

Để thưởng thức Hitsumabushi, đầu tiên, hãy chia cơm ra làm 4 phần. Sau đó, lấy một phần cơm lươn vào bát và thưởng thức để cảm nhận hương vị tự nhiên của lươn nướng. Kế đến, tiếp tục lấy thêm một phần cơm vào bát nhưng lần này hãy thêm vào các gia vị như: Wasabi, hành xanh hay rong biển khô rồi trộn đều và thưởng thức. Sau khi đã lưng bụng với hai phần ăn trước, hãy ăn cùng với nước dùng Dashi hoặc trà đi kèm trong suất ăn. 

Món cơm lươn Hitsumabushi được cho là xuất hiện lần đầu tại Nagoya vào cuối thời Minh Trị (1868 – 1912). Nó được phục vụ như là món ăn cuối cùng trong các bữa tiệc kaiseki, và các gia vị như nước trà được thêm vào để làm cho món ăn thêm phần sảng khoái.

4 – Súp Miso đỏ

Súp Miso có vô số lợi ích cho sức khỏe mà người Nhật Bản tin tưởng và sử dụng trong suốt hàng trăm năm. Miso còn có thể ăn kèm với bất kỳ món ăn nào trong các bữa ăn. Khác với những loại Miso thông thường, Miso đỏ được ủ trong khoảng 4 – 5 tháng. Chính nhờ thế, chất bổ dưỡng của chúng được giữ ở mức cao, cực kỳ có lợi cho sức khỏe.

Du lịch Aichi, du khách không thể bỏ qua món súp Miso hạt dẻ với vị ngon hấp dẫn cùng độ béo béo ai cũng thích mê. Ăn Miso đỏ vào buổi sáng, du khách sẽ cảm nhận được sự tinh tế trong vị giác và độ ấm nóng lan tỏa ra toàn cơ thể. Trong thành phần của súp Miso còn có đậu phụ Tofu – món ăn được xếp hàng dinh dưỡng bậc nhất Nhật Bản.

5 – Miso Nikomi Udon

Mì Miso Nikomi Udon là một trong những món ăn rất được yêu thích có dùng Miso đỏ và đây là một món ăn nóng rất phổ biến ở tỉnh Aichi. “Nikomi” có nghĩa là món hầm hoặc luộc vì các nguyên liệu được đun sôi trong nước dùng Miso và Dashi.

Sợi mì Udon trong món Miso Nikomi Udon cứng hơn hơn so với sợi Udon trong các món khác. Điều này là do sợi mì được nhào bột mà không dùng muối.

Mì Miso Nikomi Udon thường gồm có thịt gà, rau, Kamaboko và một quả trứng sống được đập thẳng vào nước dùng và sau đó được khuấy lên trước khi ăn. Món này thường được phục vụ trong một nồi sứ để giữ được độ nóng.

6 – Kishimen

xr:d:DAFuaQsgbEg:786,j:7150998947616219860,t:23110907

Kishimen là tên gọi của một loại mì dẹt Nhật Bản. Nó thường được tìm thấy nhiều nhất ở thành phố Nagoya thuộc tỉnh Aichi. Những sợi mì này dài, mềm và dày, thường được phục vụ trong nước dùng màu trắng (muối) hoặc đỏ (nước tương), đôi khi có thêm một chút rượu sake ngọt để tăng thêm hương vị. Món ăn thường bao gồm các thành phần như: đậu phụ chiên giòn, chả cá hấp và rau Bina, trong khi cá ngừ bào thường được rắc lên trên trước khi phục vụ. 

7 – Miso Katsu

Món thịt chiên Katsu có ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, nhưng món Katsu ở Aichi đặc biệt thơm ngon. Phiên bản Katsu của tỉnh Aichi là Miso Katsu – cốt lết heo tẩm bột dày phủ sốt Miso. Miso Katsu thường được ăn kèm với bắp cải thái nhỏ và cơm.

8 – Tebasaki

Tebasaki (tên gọi đầy đủ: “Tebasaki-karaage”) là phần đầu cánh gà được chiên giòn mà không tẩm bột rồi phủ lên một lớp nước sốt mặn ngọt đậm đà gồm tỏi, gừng, tiêu đen, và cuối cùng là rắc thêm gia vị cùng mè rang, tạo nên một hương vị phong phú và ấn tượng. 

Nguồn gốc của món Tebasaki được cho là bắt nguồn từ Izakaya (quán nhậu kiểu Nhật) vào những năm 60. Cánh gà chiên cùng nước sốt đậm đà và kích thước nhỏ gọn, dễ cầm khiến món ăn này trở nên hoàn hảo khi dùng kèm với đồ uống, rất thích hợp cho các buổi tụ họp bạn bè.

9 – Doteni

Món Doteni được chế biến từ lòng bò hoặc thậm chí cả nội tạng lợn được ninh trong thời gian dài với Miso đỏ. Nhiều người có thể khá ngần ngại khi nghe các nguyên liệu để làm nên món ăn này. Nhưng trên thực tế hương vị của nó rất hấp dẫn va đáng để thử. Về cơ bản, Doteni có sự kết hợp hài hoà giữa các thành phần, vị đậm đà và càng ăn càng bắt miệng. Món ăn cũng thường có củ cải Daikon, trứng và các loại gia vị thơm ngon khác.

10 – Chikuwa

Những que xiên màu trắng và nâu giống như thân cây tre thường được dịch là “xiên cá”. Mặc dù không hoàn toàn hấp dẫn khi lần đầu tiên thưởng thức, nhưng những xiên bánh cá lại rất ngon khi được ăn cùng với Oden – món súp tuyệt vời để thưởng thức vào mùa đông Nhật Bản.

Chikuwa được chế biến bằng cách quấn quanh bột cá bằng một thanh tre mỏng nhỏ. Sau đó xiên bánh cá này sẽ được hấp chín bằng hơi nước. Khi đến Toyohashi thuộc tỉnh Aichi, du khách sẽ tìm thấy món Chikuwa tại ga Toyohashi để du khách vừa ăn vừa di chuyển thoải mái.

11 – Bánh Uiro

Món tráng miệng ngon nhất để ăn sau khi thử mọi món ăn đặc sản ở tỉnh Aichi chính là món bánh ngọt Uiro. Bánh Uiro nửa giống Mochi và Yōkan, nửa giống thạch, là bánh hấp được làm từ bột gạo và đường. Món ngọt này rất hợp khi chiêu với một cốc trà thơm!

Món bánh ngọt dẻo dẻo này có nhiều hương vị khác nhau, chẳng hạn như: nhân đậu Azuki truyền thống, Matcha, dâu tây, hạt dẻ, dâu tây và Yuzu.

Một trong những nơi bán bánh Uiro nổi tiếng nhất là ở khu vực ga Nagoya, nhưng du khách cũng có thể tìm được chỗ bán bánh Uiro ngon ở bất kỳ đâu ở tỉnh Aichi.

12 – Bánh Goheimochi

Nếu có dịp đến khu vực miền núi của thành phố Toyota thuộc tỉnh Aichi, du khách có thể tìm thấy Goheimochi, món bánh Mochi nướng với sốt Miso đỏ ngọt ngào. Món ăn vặt thú vị này được bày bán gần như ở khắp mọi nơi. Đặc biệt với mùi thơm đầy hấp dẫn, thậm chí du khách còn có thể xác định được nơi để mua từ xa ngay cả khi đang dạo bộ. Goheimochi là một món ăn địa phương nổi tiếng để mang đi và tốt nhất là du khách nên trải nghiệm nó bằng cách cầm trên tay thưởng thức trong khi đi dạo xung quanh.

Không giống như Mochi thông thường, Goheimochi được phủ một loại nước sốt chua ngọt, thường bao gồm đường, nước tương và rượu mirin. Bánh sau đó được xiên que và nướng. Goheimochi thường được làm theo một trong hai hình dạng: Waraji có hình dạng giống như một chiếc dép truyền thống và bánh Mochi tròn được xiên que. Bánh Mochi thường chỉ được nấu chín một nửa để còn sót lại một số hạt gạo, gạo thường là gạo hạt ngắn nên Goheimochi có kết cấu chắc hơn so với bánh Mochi thông thường.

13 – Nishio Matcha

Cũng với lá trà xanh, nếu người Việt Nam thường để nguyên lá và chỉ uống nước do lá trà tiết ra khi hãm với nước sôi thì người Nhật lại tán nhuyễn lá trà thành loại bột có tên gọi là “Matcha”. Bột Matcha được biết đến với nhiều công dụng về sức khỏe và làm đẹp, cũng như ứng dụng rộng rãi của nó trong ẩm thực.

Thành phố Nishio thuộc tỉnh Aichi vốn được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, đất đai trù phú từ con sông Yahagi-gawa, là một trong những trung tâm sản xuất Matcha lớn nhất Nhật Bản, chiếm khoảng 20% sản lượng Matcha nội địa. Nishio Matcha được đặc trưng bởi những lá trà màu xanh đậm, hương thơm thanh lịch, vị trà êm dịu và phong phú, đạt đến hương vị cân bằng tinh tế. Nó được sử dụng trong món Matcha Latte của nhiều chuỗi cafe lớn nổi tiếng.

Nếu là người yêu thích văn hóa trà của Nhật Bản, khi đến thành phố Nishio, ngoài hoạt động tham quan nhà máy chè và vườn chè, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức Matcha cùng rất nhiều loại đồ ngọt làm từ bột trà xanh Nhật Bản.

14 – Trái cây

Thành phố Gamagori ở phía Đông Nam tỉnh Aichi không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp, suối nước nóng Onsen, nơi đây còn nổi tiếng với vườn quýt Gagamori Orange trải dài.

Quýt Nhật hay “Mikan” có rất ít hoặc không có hạt, thịt mềm và nhiều nước, là một trong những loại trái cây chủ đạo ở Nhật Bản. Bí quyết làm nên đặc sản quýt Gamagori chính là gió ấm phương Nam từ bờ biển thổi qua những cánh đồng phù sa trong vùng. Tại Gagamori Orange Park, du khách có thể trải nghiệm thu hoạch quýt từ tháng 10 đến cuối tháng 12. Hơn nữa, du khách có thể thỏa thích thu hoạch trái cây theo mùa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, chẳng hạn như hái dâu từ tháng 1 đến tháng 5, hái dưa từ tháng 6 đến tháng 9, hái nho từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8,…

Mặc dù là thủ phủ ẩm thực lớn nhất của miền Trung Nhật Bản, nhưng văn hóa ẩm thực của Aichi vẫn chưa được nhiều khách nước ngoài biết đến và còn rất nhiều điều đang chờ được khám phá. Tỉnh Aichi đã phát triển nền văn hóa ẩm thực đặc trưng của riêng mình và người dân địa phương thực sự rất tự hào về các món ăn trong vùng của họ. Mỗi một món ăn đặc sản của Aichi cũng mang những hương vị rất riêng và sức cuốn hút khác lạ. Vì thế, nếu đang lên kế hoạch du lịch Nhật Bản và khám phá Aichi, nhất định đừng bỏ qua những món ăn ngon ở đây nhé!