Nhắc đến những mỹ nhân nổi tiếng của Nhật Bản ở thế kỷ XX thì không thể thiếu cái tên “Nakamura Kiharu”. Bà là một Geisha nổi tiếng, hiện thân cho những giá trị truyền thống Nhật Bản.
Không chỉ là bông hoa xinh đẹp của “xứ Phù Tang”, Nakamura Kiharu còn sở hữu một loạt kỷ lục: người phụ nữ đầu tiên tại Nhật Bản lấy được bằng phi công, từng tiếp đón nhiều nhân vật nổi tiếng, hay Geisha đầu tiên giao tiếp được tiếng Anh. Tài sắc vẹn toàn là vậy, nhưng cuộc đời Nakamura cũng lắm gập ghềnh, bất trắc với hai cuộc hôn nhân đổ vỡ. Nhưng trên hết, bà mang khát vọng thay đổi cách nhìn sai lệch về nghề Geisha (nghệ giả) trong con mắt của người nước ngoài.
Kiharu Nakamura, tên thật là “Yamamoto Kazuko”, sinh ngày 14/04/1913 tại tỉnh Hokkaido. Bà là con gái yêu của một bác sĩ tại quận Ginza của Tokyo.
Thiếu nữ Kiharu Nakamura khi ấy yêu thích việc dạo quanh quận Ginza và nhanh chóng bị thu hút trước vẻ kiều diễm của các Geisha có khuôn mặt trắng sứ, khoác lên mình những bộ cánh Kimono lộng lẫy. Vào khoảng những năm 20, cộng đồng Geisha phát triển mạnh mẽ tại “xứ Phù Tang” và có khoảng 80.000 Geisha trên khắp Nhật Bản.
Bất chấp sự e dè của cha mẹ đối với nghề này, Kiharu Nakamura vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê. Năm 15 tuổi, cô bắt đầu theo học lớp nghệ thuật ca múa Nhật Bản hiện đại, trà đạo và cắm hoa. Lúc này, cô lấy nghệ danh “Kiharu”, có nghĩa là “mùa xuân hạnh phúc”. Ngay từ thời điểm này, Nakamura đã sớm bộc lộ tài năng hiếm có. Những người hướng dẫn bà đặc biệt bị ấn tượng bởi cách đi đứng thanh lịch cùng chút run rẩy trong chất giọng khi bà cất tiếng hát. Kiharu Nakamura cũng được dạy cách chơi đàn Shamisen và trống tay Tsuzumi. Giữa những “đồng môn” của mình, cô nổi bật hơn cả nhờ chăm chỉ học tiếng Anh; cô trở thành Geisha đầu tiên của “xứ sở hoa anh đào” giao tiếp thuần thục bằng Anh ngữ.
Có thể nói, điều khác biệt lớn nhất của Kiharu Nakamura với những Geisha ngày ấy chính là việc cô theo học tiếng Anh song song với khóa đào tạo Geisha. Với khả năng ngôn ngữ tốt, sự nhanh nhạy, khéo léo, thận trọng và những ngón nghề điêu luyện đã đưa tên tuổi cô trở thành Geisha hàng đầu. Cô được mệnh danh là Geisha duy nhất biết nói tiếng Anh lúc đó. Vì vậy, cô thường được giao việc tiếp những vị khách nước ngoài quan trọng, những nhà ngoại giao, người đứng đầu Chính phủ, hay những ngôi sao như: Vua hài Charlie Chaplin, ngôi sao bóng chày Babe Ruth, ngôi sao Hollywood Paulette Goddard, nhà soạn nhạc người Anh Leopold Stokowski, ông trùm báo chí người Mỹ William Randolph Hearst và tiểu thuyết gia, họa sĩ, đạo diễn người Pháp Jean Cocteau. Trong đó, Jean Cocteau đã dành niềm ái mộ đặc biệt cho Kiharu Nakamura, ông đã dành cả tuần bên cô và sáng tác nên bài thơ “Geisha”.
Danh tiếng ngày càng vang xa, Kiharu Nakamura được cảnh sát vũ trang Nhật Bản nhắm tới để trở thành điệp viên thu thập thông tin từ các vị khách nước ngoài khi Thế chiến thứ hai bắt đầu, tương tự như nữ điệp viên người Hà Lan Mata Hari. Tuy nhiên, cô đã sớm kết thúc sự nghiệp Geisha để kết hôn với nhà ngoại giao Ota Shintaro. Sau đó, hai vợ chồng son đã chuyển đến sống tại Calcutta, Ấn Độ. Trong thời gian sinh sống tại nước Ấn, Kiharu Nakamura đã chuyển các tài liệu mật cho nhà cách mạng Subhas Chandra Bose – người anh hùng của Ấn Độ tại nơi ẩn náu của ông trên dãy Himalaya.
Sau khi hạ sinh con trai đầu lòng, cuộc hôn nhân của Kiharu Nakamura kết thúc chóng vánh khi cô đệ đơn ly hôn và quay trở về quê nhà Nhật Bản vào năm 1942. Những năm tháng chiến tranh nổ ra, cô cùng con trai sống tại vùng nông thôn nước Nhật.
Sau khi tuyên bố đầu hàng của Thiên hoàng Hirohito được phát sóng trên truyền hình vào năm 1945, Kiharu Nakamura quyết định quay trở lại Tokyo. Tại đây, một lần nữa cô lên xe hoa và người chồng lần này là nhiếp ảnh gia Nakamura Masaya. Thế nhưng, cuộc tình này cũng không đem lại cho cô hạnh phúc viên mãn – mối quan hệ này đã kết thúc vào năm 1956.
Vào thời gian này, cô vỡ mộng về cuộc sống tại Nhật Bản bởi ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, việc Hoa Kỳ chiếm đóng đã gây ra nhiều sự đổi thay lớn lao trong lòng xã hội Nhật Bản. Nghề Geisha mà cô dành tất cả tình yêu cũng đã bị nhơ nhuốc phần nào khi nhiều phụ nữ Nhật giả mạo tự xưng là Geisha đã bán thân cho lính Mỹ. Nhanh chóng sau đó, hình ảnh Geisha tương đồng với “gái làng chơi” dần phổ biến với lính Mỹ. Với mong muốn thay đổi quan niệm sai lầm này, cô đã chuyển đến sống tại New York.
Tại “xứ cờ hoa”, Kiharu Nakamura thường được bắt gặp đang dạo phố trong những bộ Kimono lộng lẫy, xa hoa. cô dày công dạy dỗ nhiều cô gái muốn trở thành Geisha, hướng dẫn họ cách chơi đàn Shamisen, nhảy múa. Cũng tại đây, cô trở thành cầu nối giữa những người nước ngoài yêu thích văn hóa Nhật Bản với nghệ thuật Geisha truyền thống. Vốn ngôn ngữ tốt giúp cô giải thích nghĩa từng từ ngữ trong từng bài hát Nhật Bản.
Với bề dày kinh nghiệm, Kiharu Nakamura còn đảm nhiệm công việc tư vấn cho nhiều vở opera, sách và phim nói về cuộc sống của các nghệ giả. Cô đã hướng dẫn cho các giọng ca opera đảm nhận vai diễn Cio-Cio-San trong vở opera “Madama Butterfly” của tác giả người Ý Giacomo Puccini, có sự góp mặt của nữ ca sỹ tài năng Anna Moffo. Cựu Geisha hướng dẫn họ cách đứng lên sao cho thật uyển chuyển từ tư thế ngồi quỳ gối và cách đi khép hai chân.
Không dừng lại ở đó, Kiharu Nakamura còn trở thành cố vấn cho bộ phim “Seek and Destroy” (năm 1995) và các sản phẩm của vở nhạc kịch “Pacific Overtures”. Kiharu Nakamura cũng là một trong số những Geisha được phỏng vấn bởi nhà văn Arthur Golden để viết nên cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của ông: “Memoirs of a Geisha” (Hồi ức của một Geisha), năm 1997. Tuy nhiên cuốn sách này về sau vấp phải nhiều chỉ trích khi bóp méo một số sự thật về giới Geisha.
Tên tuổi của Kiharu Nakamura trở nên nổi tiếng hơn nữa vào năm 1983 khi cô xuất bản cuốn hồi ký best-seller “The Memoir of a Tokyo-bom Geisha”. Cuốn tiểu sử này đã được dịch sang 8 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim và kịch truyền hình, mô tả Kiharu Nakamura như một Geisha duy nhất nói được tiếng Anh ở Tokyo trước thời chiến thế giới thứ hai. Ngoài ra, cô cũng là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng khác.
Thỉnh thoảng về thăm quê hương, Kiharu Nakamura thường có những buổi diễn thuyết, xuất hiện trên truyền hình bày tỏ sự thất vọng trước sự mất mát của những giá trị truyền thống Nhật Bản.
Cống hiến cả đời để làm thay đổi nhận định sai lệch về Geisha, Kiharu Nakamura đã ra đi thanh thản vào ngày 05/01/2004, hưởng thọ 90 tuổi. Chính nhà làm phim Artemis Willis đã thông báo với giới truyền thông tin tức Kiharu Nakamura qua đời. Vào thời điểm đó, ông đang đảm nhiệm vai trò đạo diễn bộ phim tài liệu về cuộc đời của bà, mang tên: “Smoke and Mirrors: A Geisha Story”. Vào cuối năm 2004, bộ phim đã được ra mắt công chúng.
Đến nay, Kiharu Nakamuravẫn được nhớ đến là một trong những Geisha nổi tiếng nhất mọi thời đại, người dành tình yêu mãnh liệt cho nghề.
Tour Nhật Bản sẽ thật đặc biệt nếu được ngắm nhìn vẻ đẹp của Geisha tại các quán ăn truyền thống và tìm hiểu thêm về cuộc đời của những nàng Geisha nổi tiếng một thời. Hãy khám phá nét văn hóa đặc sắc này khi đến Nhật Bản nhé!