Kiriko – Nghệ thuật chạm khắc thủy tinh đầy mê hoặc của Nhật Bản

Đất nước Nhật Bản có rất nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo mang những nét đặc trưng riêng của mình. Trong đó, Kiriko là một trong những nghệ thuật đặc sắc của người Nhật, được hình thành từ lâu đời. Đây là nghệ thuật chạm khắc thủy tinh với những tác phẩm đặc sắc được tạo ra, mang đến sự lôi cuốn kỳ lạ cho mọi người.

Kiriko có từ 1.000 năm trước, dưới bàn tay của các nghệ nhân sử dụng thủy tinh làm ra các đồ vật, sau đó chạm khắc lên bề mặt thủy tinh để tạo ra những đường nét hình học tinh tế, hoa văn trang nhã, giúp món đồ thủy tinh trong suốt càng trở nên lấp lánh.

Kiriko ngoài việc dùng để sản xuất các đồ dùng, vật dụng đơn giản sử dụng trong đời sống hàng ngày như: đĩa, cốc, chén, bình hoa,… còn được sử dụng trong nhiều mục đích khác, chẳng hạn như đồ trang trí, đồ chơi, đồ lưu niệm, dùng làm chụp đèn trong lĩnh vực trang trí nội thất. Thậm chí, Kiriko còn được sử dụng trong hệ thống đèn đường chiếu sáng tại các khu đô thị.

Sáng tạo hơn, các nghệ nhân Kiriko đã dùng thủy tinh để tạo ra mặt dây chuyền, vỏ đồng hồ và vô số mặt hàng trang sức khác. Mục tiêu của họ là đưa sản phẩm thủy tinh Kiriko vào đời sống hàng ngày từ những vật dụng đơn giản đến các mặt hàng chất lượng cao.

Được biết, để có được những sản phẩm Kiriko, trước tiên người ta phải làm ra thủy tinh. Nguyên liệu chính dùng để sản xuất thủy tinh Kiriko là dioxit silic, hay còn gọi là silicat, có trong cát và là thành phần hóa học của thạch anh. Trong thủy tinh có chứa chì tinh thể, giúp tạo ra sự lấp lánh. Nguyên liệu sẽ được nung ở nhiệt độ 1.050 độ C rồi người ta thổi để tạo hình khi thủy tinh còn ở dạng nóng chảy. Sau khi đã thành hình, thủy tinh sẽ được khắc hoa văn để tạo ra sản phẩm thủy tinh Kiriko.

Mặc dù ra đời khá muộn so với các nghề thủ công khác như: gốm sứ, dệt vải, lụa, giấy,… nhưng nghề chế tác thủy tinh pha lê Nhật Bản nhanh chóng đạt độ tinh xảo, đậm tính nghệ thuật không thua kém những nhãn hiệu pha lê hàng đầu thế giới. Nghệ thuật truyền thống này bắt đầu hình thành ở Nhật Bản từ năm 1834. Ngoài tên gọi là Kiriko, nó còn có nhiều tên khác như: “Kiriko-Garasu”, “Kiriko-Zaiku”.

Có hai loại chính của Kiriko truyền thống, đó là: Edo Kiriko và Satsuma Kiriko, tuy nhiên chúng có nhiều khác biệt.

Edo Kiriko có nguồn gốc từ Edo, vốn là tên cũ của Tokyo. Sáng lập Edo Kiriko được cho là Kagaya Kyubei. Sau khi Kagaya Kyubei hoàn thành nghiên cứu của mình tại Osaka, một thành phố đã phát triển các phương pháp sáng tạo về sản xuất thủy tinh, ông quay trở lại Odenmacho, Edo và mở một cửa hàng thủy tinh sản xuất nhiệt kế và kính đeo mắt vào năm 1834.

Thuỷ tinh dùng cho Edo Kiriko có ít nhất hai lớp: lớp ngoài có màu và lớp trong thì trong suốt. Một nghệ nhân sẽ khắc tạo hoa văn lên lớp thuỷ tinh bên ngoài. Quá trình này gồm 6 bước cơ bản:

Bước 1: Waridashi. Mẫu vật thô được đặt trên bàn xoay, người thợ dùng bút màu đặc biệt để phác thảo những đường cơ bản định hướng việc cắt gọt. Tương tự như một hoạ sĩ truyện tranh chia khung và phác khối thô định hình nhân vật, tính cá nhân của người khắc Edo Kiriko được thể hiện ngay từ công đoạn tạo đường cơ bản này. Ngày nay, ta có thể vẽ lên thuỷ tinh một cách dễ dàng nhưng thuở Edo Kiriko còn sơ khai, nghệ nhân phải dùng que tre để có thể tạo nét lên thuỷ tinh.

Bước 2: Arazuri. Mẫu vật với những đường vẽ cơ bản sẽ được chạm khắc bằng một đĩa cắt quay ở tốc độ cao làm bằng vật liệu rất cứng, bề mặt phủ bột kim cương. Nghệ nhân không thể chỉ nhìn các đường nét có sẵn mà phải phác hoạ rất nhiều trong đầu cần cắt như thế nào, vì thế hình dạng, độ nông sâu của từng vết cắt đều phản ánh sự tinh tế và lành nghề của người tạo ra nó.

Bước 3: Sanbankake. Bột nhám mịn hơn được sử dụng cùng với đĩa kim loại ở bước trước để phục vụ việc khắc hoa văn chi tiết hơn. Độ rộng dài, nông sâu và hình dáng của từng vết cắt được tỉ mỉ thực hiện để tạo nên hoa văn mong muốn. Đây là công đoạn quan trọng quyết định tạo hình của các hoa văn hiện hữu trên thành phẩm.

Bước 4: Ishikake. Dùng một đĩa đứng bằng đá mài để mài bóng những vết cắt, đem đến vẻ lấp lánh cho bề mặt thuỷ tinh. Nếu bước này làm không tốt, thành phẩm sẽ không thể nào đạt được độ tinh xảo mong muốn.

Bước 5: Migaki. Nghệ nhân dùng gỗ, nút bần hoặc cao su để đánh bóng từng vết cắt một cách cẩn thận. Gần đây, một số kỹ thuật mới như đánh bóng bằng axit cũng được sử dụng để giảm thiểu thời gian, tuy nhiên các nghệ nhân trung thành với truyền thống vẫn sẽ miệt mài chăm chút từng vết chạm khắc bằng chính đôi tay của mình.

Bước 6: Bafukake. Bước cuối cùng là phủ chất mài mòn (chất đánh bóng) kín mặt thuỷ tinh và đánh bóng thêm lần nữa. Chọn loại chất đánh bóng nào và số lượng bao nhiêu tuỳ thuộc vào mỗi nghệ nhân. Thành quả sau cùng chính là những tạo tác Edo Kiriko lung linh bóng bẩy.

Đặc trưng của Edo Kiriko là kỹ thuật cắt sâu, dứt khoát, chính xác và tinh xảo. Nếu quan sát kỹ mặt cắt của sản phẩm, chúng ta dễ dàng nhận thấy vô số hoa văn hình học tinh xảo, giúp người sử dụng sản phẩm cầm nắm dễ dàng hơn. Ngoài ra, do được làm từ loại kính trong, kết hợp với đường cắt phức tạp nên Edo Kiriko phản chiếu ánh sáng lung linh của cầu vòng ngũ sắc.

Và điểm cuốn hút nhất của Edo Kiriko có lẽ nằm ở những họa tiết được chạm khắc quá mức tỉ mỉ, luôn thoả mãn thị giác của người sử dụng. Đa số các mẫu họa tiết này đều lấy cảm hứng từ trang phục và vật dụng truyền thống của Nhật Bản. Đơn cử như Hakkaku Kagome là hoạ tiết hình bát giác lấy cảm hứng từ các mũi đan trên tấm lưới tre quen thuộc ở làng quê Nhật xưa, trong khi Yarai dựa trên sự kết hợp của hàng rào tre và gỗ thời bấy giờ. Hoa cúc và lá hình lục giác – những họa tiết phổ biến trên Kimono – cũng thường xuyên được thể hiện trên các sản phẩm Edo Kiriko.

Trong số các sản phẩm Edo Kiriko, sản phẩm được yêu thích là chén uống rượu lạnh hoặc bình đựng rượu…Vẻ đẹp trong suốt của Edo Kiriko rất thích hợp khi uống rượu Nhật, làm phong phú thêm cho bàn ăn khi tiếp khách. Hiện tại, Edo Kiriko được chính thức công nhận là “Thủ công truyền thống” của cả Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật cũng như chính quyền thành phố Tokyo.

Vì được sản xuất tại thị trấn Satsuma, thuộc tỉnh Kagoshima hiện nay, nên Satsuma Kiriko trở thành tên gọi chính thức của dòng sản phẩm thủy tinh truyền thống ở Nhật Bản. Satsuma Kiriko ra đời vào thế kỷ 19, khoảng cuối thời Edo bởi gia tộc Satsuma thuốc triều đại phong kiến Shimazu Narioki.

Một kiểu chạm khắc thủy tinh khác là Satsuma Kiriko ở phiên Satsuma (tỉnh Kagoshima ngày nay, thuộc Kyushu, phía Nam Nhật Bản). Satsuma Kiriko xuất hiện từ những năm 1840. Khi đó, vị lãnh chúa phong kiến thứ 26 (vị lãnh chúa cai trị lãnh thổ vào thời điểm đó) của Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima) là Shimazu Narioki đã bắt đầu sản xuất các sản phẩm thủy tinh, khởi nguồn cho sự ra đời của Satsuma Kiriko. Narioki tập trung vào sản xuất dược phẩm và đã mời thợ chế tác thủy tinh Shimoto Kamejiro từ Edo (nay là Tokyo) đến để sản xuất loại thủy tinh chịu được kích ứng từ hóa chất.

Sau đó, đến thời của vị lãnh chúa phong kiến thứ 27 là Shimazu Nariakira, kỹ thuật chế tác thủy tinh phát triển nhanh chóng nhờ vào chính sách hiện đại hóa. Những người thợ đã thành công trong việc phát triển kỹ thuật tạo màu cho thủy tinh, loại thủy tinh có màu hồng đậm tuyệt đẹp đã được đặt tên là “Thủy tinh hồng của Satsuma”. Chính sách hiện đại hóa cùng với sự phát triển vượt bậc về kĩ thuật đã biến hoạt động sản xuất thủy tinh Satsuma trở thành một môn nghệ thuật, thu hút sự chú ý không chỉ từ Nhật Bản mà cả từ nước ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển của Satsuma Kiriko đã đột ngột dừng lại. Cái chết đột ngột của Shimazu Nariakira vào năm 1858 làm cho ngành công nghiệp sản xuất thủy tinh Satsuma Kiriko bị thu hẹp về tài chính. Đồng thời, chiến tranh Satsuma (trận chiến giữa phiên Satsuma và Anh năm 1863) diễn ra cùng thời điểm đó đã làm cho ngành sản xuất bị phá hủy. Chỉ trong vòng hơn 20 năm, ngành sản xuất thủy tinh Satsuma Kiriko đã bị đình trệ hoàn toàn.

Khoảng 100 năm sau, khi thủy tinh Satsuma Kiriko chỉ còn là kí ức, dự án khôi phục ngành sản xuất thủy tinh Satsuma Kiriko đã được diễn ra vào năm 1985. Với sự hợp tác của tỉnh Kagoshima, dự án được tiến hành chủ yếu bởi Công ty TNHH Shimadzu, và cùng năm đó, “Công ty TNHH thủ công mĩ nghệ thủy tinh Satsuma” được thành lập. Các thợ thủ công chế tác thủy tinh và các chuyên gia từ khắp nơi trên đất nước đã tập trung lại để khôi phục sản xuất dựa vào việc tham khảo một số tài liệu liên quan còn sót lại và các sản phẩm thật. Kết quả là thủy tinh màu khi đó đã được tái hiện lại một cách chân thực, và ngày nay nhiều sản phẩm mới với nhiều màu sắc đang được bán trên thị trường.

Satsuma Kiriko sử dụng thủy tinh phủ màu độc đáo, tông màu đậm hơn và các nét cắt cũng lớn hơn so với Edo Kiriko. Đặc trưng của Satsuma Kiriko là phương pháp tạo màu nhạt dần. Khi nhìn vào bề mặt của các vết cắt trên nền thủy tinh, chúng ta có thể nhìn thấy màu sắc trang trí dọc theo đường cắt chuyển từ màu đỏ sậm ở trung tâm sang nhạt dần về hai bên. Kỹ thuật vẽ màu nhạt dần được đánh giá là kỹ xảo độc đáo ra đời tại Nhật Bản.

Được biết, nghệ nhân Satsuma Kiriko nổi tiếng với bí quyết tạo màu nhạt dần trên thủy tinh. Trong tiếng Nhật, kỹ thuật đó được gọi là “Bokashi” – một trong những sáng tạo độc đáo của người làm thủy tinh, góp phần hình thành nên nét đặc thù cho dòng sản phẩm này. Trước khi tạo hình cho sản phẩm, người thợ sẽ ốp lớp thủy tinh màu lên bên ngoài lớp thủy tinh trong suốt. Kỹ thuật tạo màu nhạt dần bokashi tiếp tục được thực hiện với công đoạn cắt gọt trên lớp thủy tinh dày Satsuma Kiriko. Những vết cắt xuyên qua lớp thủy tinh màu bên ngoài ăn sâu vào phần thủy tinh trắng tinh khiết bên trong. Đó là yếu tố cốt lõi của kỹ thuật tạo màu nhạt dần Bokashi.

Khác với dòng sản phẩm thủy tinh khắc hoa văn Edo Kkiriko chỉ tập trung vào màu trắng, các sản phẩm của Satsuma Kiriko chú trọng vào 2 tông màu đỏ và xanh. Ngoài ra, đường cắt trang trí trên thủy tinh Satsuma Kiriko cũng lớn hơn.

Từ thủy tinh, người Nhật bắt đầu chuyển kỹ thuật này sang chế tác pha lê và hiện ở Nhật Bản, xưởng chế tác pha lê lâu đời nhất phải nói đến Kagami. Ra đời vào năm 1934 tại thành phố Ryugasaki tỉnh Ibaraki, cha đẻ của công ty cũng chính là Kozo Kagami- một nghệ nhân có kỹ năng chế tác thủy tinh và pha lê điêu luyện, từng có thời gian học tập tại Đức và năm 1927.

Với những kỹ thuật từ tạo hình, cắt gọt, mài dũa, đánh bóng đã phát triển nhiều năm ở Nhật Bản, ông Kozo Kagami đã ứng dụng thêm kỹ thuật phương Tây kết hợp với đường nét, chi tiết đậm tính Á Đông có từ thời kỳ Edo (1603-1868), các sản phẩm của Kozo Kagami tạo ra sản phẩm không chỉ lthủ công đơn thuần mà còn mang đậm tính nghệ thuật. Chỉ 9 năm sau khi thành lập, các sản phẩm của Kagami đã nổi tiếng thế giới qua các triển lãm ở Chicago, Paris, New York,…

Thậm chí, vào năm 1943, Hoàng gia Nhật Bản đã sử dụng pha lê Kagami trong lễ cưới của Công chúa ShigekoHigashikuni và Hoàng tử Morihiro Higashikuni. Và đến tận ngày nay, Hoàng gia Nhật Bản, các vị Đại sứ và Lãnh sự Nhật Bản ở hơn 250 quốc gia trên thế giới vẫn sử dụng đồ pha lê Kagami. Điển hình là tại hội nghị thượng đỉnh cấp cao Nhật Mỹ tháng 4/2014, khi cựu Tổng thống Obama đến thăm Nhật Bản, đã nhận được món quà đặc biệt từ Thủ tướng Shinzo Abe là chiếc bình rượu Sake cùng với hai chén rượu màu xanh và hồng do xưởng Kagami chế tác.

Giờ đây, xưởng này đồng thời cũng là một nhà bảo tàng, nơi trưng bày các tác phẩm của người sáng lập Kozo Kagami và chặng đường phát triển của Kagami với những tác phẩm có giá trị, đại diện tiêu biểu cho ngành chế tác thủy tinh, pha lê Nhật Bản…

Quả thật, nghệ nhân Nhật Bản nói chung vẫn luôn nổi tiếng với sự nhạy cảm và chi tiết. Vẻ đẹp tinh tế của những đường thẳng hoàn hảo được chạm khắc trên bề mặt thuỷ tinh, những hoa văn li ti đòi hỏi bàn tay gọt giũa điêu luyện đến từng góc cạnh nhỏ nhất, hay ưu tiên lựa chọn mẫu hoạ tiết chỉ cần nhìn là nghĩ đến “đất nước mặt trời mọc”, tất cả tạo nên những sản phẩm rất Nhật, như tiêu biểu cho gu thẩm mỹ truyền thống của xứ sở này.

Chắc hẳn du khách sẽ rất thích thú với những sản phẩm tinh tế được tạo ra từ nghệ thuật Kiriko. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, du khách hãy Book Tour Nhật Bản của chúng tôi để khám phá thêm về Kiriko và tìm mua cho mình những sản phẩm đẹp mắt thôi nào!