Nếu như vào đêm Giao thừa tại Việt Nam, nhà nhà sẽ tập trung lại để đón xem “Táo quân” thì tại Nhật Bản sẽ có “Kouhaku Uta Gassen”. Đây là một chương trình âm nhạc được tổ chức với sự quy mô và đầu tư lớn nhất trong các chương trình của Nhật Bản hiện nay.
Chương trình “Kouhaku Uta Gassen” có quy tụ của nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng Nhật Bản và được tổ chức thường niên vào ngày 31/12 của đài NHK Nhật Bản. Được biết, chương trình này ra đời vào khoảng năm 1949.
Đúng như tên gọi của nó (“Cuộc chiến âm nhạc Đỏ – Trắng”), những nghệ sĩ tham gia sẽ được chia làm hai đội. Đội Đỏ (Akagumi) gồm những nghệ sĩ, nhóm nhạc nữ; và Đội Trắng (Shirogumi) là tập hợp những nghệ sĩ, nhóm nhạc nam. Trong trường hợp một nhóm nhạc có cả nam và nữ, đội của họ được quyết định bằng giới tính của thành viên hát chính. Ví dụ như band nhạc Ikimonogakari có vocalist là nữ nên sẽ tham gia đội Đỏ. Band nhạc Southern All Stars có vocalist là nam nên tham gia đội Trắng.
Trong suốt chương trình, các nghệ sĩ sẽ tiến hành biểu diễn các ca khúc riêng của mình. Thông thường, mỗi nghệ sĩ sẽ biểu diễn một ca khúc riêng, tuy nhiên những nghệ sĩ nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn hơn có thể biểu diễn nhiều hơn một ca khúc.
Kết quả của chương trình dựa trên quyết định của sự bỏ phiếu của ban giám khảo và khán giả. Ban giám khảo của chương trình thường là những nghệ sĩ kỳ cựu và có sức ảnh hưởng lớn trong làng giải trí Nhật Bản. Phiếu bầu của họ có giá trị tương đương với khán giả. Bên cạnh việc bỏ phiếu quyết định đội thắng thì bán giám khảo còn là những người đưa ra lời khuyên và sự góp ý cho các đội. Khán giả cũng có quyền bỏ phiếu để quyết định đội thắng thông qua bỏ phiếu trực tiếp tại chương trình, qua internet, qua hệ thống tin nhắn,… đội giành nhiều phiếu từ ban giám khảo và khán giả hơn sẽ là đội thắng cuộc.
Có thể nói, chương trình “Kouhaku Uta Gassen” vô cùng nổi tiếng, được xem là một trong những chương trình được tổ chức lớn nhất trong năm của Nhật Bản, chính vì vậy sự đầu tư và dàn nghệ sĩ tham gia cũng sẽ vô cùng hoành tráng. Có rất nhiều sự góp mặt của dàn nghệ sĩ “lão làng”, ban nhạc nổi tiếng tham gia chương trình như: Ayumi Hamasaki, Keisuke Kuwata, nhóm nhạc AKB48, Arashi, EXILE. Trên hết, “Kouhaku Uta Gassen” không chỉ là sân chơi cho các nghệ sĩ nổi tiếng, lão làng mà còn là nơi để các tân binh tỏa sáng. Trong năm vừa qua, một số nghệ sĩ như: Kyary Pamyu Pamyu, Linked Horizon đang có những bước tiến rất nhanh trong sự nghiệp, và sự xuất hiện của họ trong “Kouhaku Uta Gassen” góp sức một phần không hề nhỏ. Với các tân binh, “Kouhaku Uta Gassen” là một cột mốc đáng nhớ và cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp của họ.
Mỗi tiết mục biểu diễn tại “Kouhaku Uta Gassen” đều được đầu tư một cách kỹ lưỡng và chỉn chu nhất về âm thanh, ánh sáng, trang phục và phong cách biểu diễn. Điều này thể hiện rõ nét khi người xem sẽ hoàn toàn bị choáng ngợp trước không gian ánh sáng được dựng một cách công phu và hiện đại, nhiều tiết mục sử dụng một lượng lớn các nghệ sĩ múa phối hợp với nhau một cách ăn ý và chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp mà người dân Nhật và kể cả người nước ngoài có dịp chiêm ngưỡng một lượng lớn các trang phục Kimono được đầu tư công phu, những chiếc váy được thiết kế tinh xảo cùng với nhiều video được truyền hình trực tiếp từ nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Điều này càng thể hiện sự chuyên nghiệp và hoành tráng của chương trình này.
Các dòng nhạc biểu diễn trong “Kouhaku Uta Gassen” chủ yếu là: Pop, Rock và Enka. Các dòng nhạc này thường hướng đến những đối tượng khán giả khác nhau. Nhưng trong “Kouhaku Uta Gassen”, ranh giới này hoàn toàn có thể bị phá bỏ bởi các màn hợp ca. Trong những phần biểu diễn, nhiều ca sĩ trẻ sẽ có cơ hội được hát chung với các nghệ sĩ “lão làng”. Sự giao thoa âm nhạc này khiến tầng lớp khán giả của “Kouhaku Uta Gassen” rất đông đảo và đa dạng.
Trên đây là những thông tin thú vị về chương trình “Kouhaku Uta Gassen” của “xứ Phù Tang”. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản vào dịp Tết, du khách hãy đón xem chương trình này để cảm nhận rõ nét hơn về độ hoành tráng và nét văn hoá đặc sắc của người dân nơi đây nhé!