Núi có ý nghĩa rất lớn trong đời sống cũng như văn hóa Nhật Bản. Thậm chí, người Nhật còn có hẳn một ngày kỷ niệm gọi là “Ngày của núi” được tổ chức vào 11/8 hàng năm. Nhắc đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến ngọn núi Phú Sĩ như một biểu tượng quốc gia. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn nổi tiếng với Núi Koyasan – Thánh địa của Giáo phái Shingon.
Núi Koyasan là trung tâm của Giáo phái Shingon (Chân Ngôn Tông), ảnh hưởng từ một giáo phái của Trung Quốc và được du nhập vào Nhật Bản vào năm 805 bởi Kobo Daishi (Hoằng Pháp Đại Sư), hay còn gọi là Kukai. Kukai cũng chính là một trong những nhân vật tôn giáo được sùng kính nhất ở Nhật Bản.
Khu phức hợp chùa trên Núi Koyasan được thành lập vào năm 816. Tất cả bao gồm 117 ngôi chùa, trong đó 4 điểm nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất là: Okunoin, Danjo, Kongobuji, và Fudoin.
Okunoin – ngôi chùa đứng đầu của phái Chân Ngôn tông, tinh thần được gìn giữ và kế thừa hơn 1200 năm, với sự khoan dung, chấp nhận tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc, tôn giáo.
Chùa Okunoin từng là nơi Kobo Daishi thực hành bài tu Nyujo, với con đường hành hương nối dài. Bao quanh là những hàng cây tuyết tùng có tuổi đời 200-500 năm, thậm chí có cây đến 1.000 năm tuổi. Men theo đó là vô số các ngôi mộ độc đáo của dân thường đến lãnh chúa, nhân vật văn hóa.
Muốn đến Chùa Okunion, du khách sẽ phải đi qua cây cầu Ichinohashi (cây cầu thứ nhất). Tại đây, du khách phải cúi đầu thể hiện sự thành tâm của mình trước Kobo Daishi trước khi đặt chân lên cầu. Bên kia cầu là khuôn viên nghĩa trang Okunoin, nghĩa trang lớn nhất Nhật Bản với hơn 200.000 bia mộ nằm dọc con đường dài gần 2km. Cuối con đường là lăng mộ của Kobo Daishi. Sở dĩ nơi đây có nhiều bia mộ vì người Nhật tin rằng khi ở gần Kobi Daishi, họ sẽ nhận được sự thanh thản khi bước qua thế giới bên kia. Có những tấm bia mộ đã được đặt ở đây hàng thế kỷ. Người dân Nhật cũng tin rằng Kobo Daishi không thật sự qua đời mà ông chỉ đang ngồi thiền giữa chốn thanh tịnh và chờ đợi Đức Phật, đồng thời phù hộ độ trì cho những người dân đến cầu ban phúc lành.
Ngay trước lăng mộ của Kobo Daishi là sảnh Torodo. Trong sảnh có treo hơn 10.000 chiếc đèn lồng luôn được thắp sáng. Tới tận ngày nay, các nhà sư ở Chùa Okunoin vẫn duy trì nghi thức Shoujingu – cung cấp hai bữa ăn cho Kobo Daishi và xem nó như một phần của nghi thức cúng bái hàng ngày.
Nếu như Chùa Okunoin là nơi Kobo Daishi thực hành bài tu Nyujo thì Danjou Garan là một trung tâm tu tập, nơi Kobo Daishi chỉ dạy đệ tử của mình. Danjo Garan được Kobo Daishi xây dựng lần đầu và làm nơi tu tập khổ hạnh 1.200 năm trước. Theo truyền thuyết kể lại, Kobo Daishi đã truyền đạt giáo lý Phật Giáo bí truyền thông qua kiến trúc, tượng đài, tranh vẽ. Trong số 19 kiến trúc ở Khu phức hợp Danjo Garan, bao gồm: Kondo, sảnh chính và Chùa Konpon Daito mang tính biểu tượng, với chiều cao ấn tượng lên đến 48,5m.
Chùa Kongobuji ở Núi Koyasan cũng rất nổi tiếng. Tại đây, du khách sẽ được nhìn ngắm chiếc cổng chính – công trình kiến trúc gỗ, cổ nhất trong Kongoburi, được tái xây dựng vào năm 159. Bước vào bên trong, du khách sẽ được trải nghiệm tràn ngập nghệ thuật và lịch sử: Những bức tranh phong cách Kano trên tấm cửa kéo Fusuma; Vườn đá Banryu-tei (Khu vườn này hoàn thành vào năm 1984, kỷ niệm 1.150 năm Kobo Daishi bước vào cõi niết bàn); Tsuchimuro, phòng tường nhằm tăng khả năng giữ nhiệt, vượt qua mùa đông lạnh giá của núi Koyasan; Bếp lớn có khả năng phục vụ đủ cho 2.000 người.
Fudoin là 52 trong số 117 ngôi đền ở Núi Koyasan cho phép du khách được ngủ lại qua đêm. Khung cảnh nơi đây rất thanh tịnh với rừng cây xanh mướt, con đường lát đá sạch sẽ, những nhà hàng, quán cafe và cửa hàng lưu niệm.
Nếu du khách muốn dừng chân nghỉ qua đêm tại Fudoin, du khách sẽ được nhà sư Seioh Yamashina tiếp đãi những bữa cơm ngon lành. Ngoài ra, du khách sẽ phải bất ngờ khi được “gợi ý”: “Nếu bạn muốn uống bia với bữa tối, chúng tôi có Asahi hoặc Kirin”.
Tại Nhật Bản, một số giáo phái Phật giáo không quá nghiêm ngặt như ở Thái Lan hay Bhutan – nơi mà mọi người bị cấm uống rượu khi ở gần đền, chùa. Ngoài ra, theo sử sách, các thầy tu cũng được phép kết hôn, sinh con đẻ cái và không bị ép buộc chỉ được ăn chay trường. Truyền thống đó được các nhà sư tiếp nối cho đến ngày hôm nay. Hiện Seioh Yamashina là người đứng đầu ở đền Fudoin – giống như cha và ông của ông từng làm.
Tuy được uống bia, nhưng các món ăn tại chùa lại hoàn toàn là đồ chay đạm bạc, phù hợp với tinh thần Phật giáo. Thịt, cá, trứng là những món ăn không có trong thực đơn. Người Nhật gọi phong cách ẩm thực này là “Shojin Ryori” – món ăn chay trong đền, chùa. Shojin Ryori được chuẩn bị cầu kỳ, có tính thẩm mỹ cao, kết hợp trong nhiều bộ đồ dùng sơn mài khác nhau. Shojin Ryori cũng tuân thủ quy tắc của năm, cụ thể là: 5 vị, 5 màu, 5 phương pháp chế biến. Vì thế, mỗi bữa ăn đều có các vị ngọt, cay, chua, đắng, mặn. Sử dụng 5 phương pháp chế biến là nấu, luộc, nướng, hầm, hấp. Bữa ăn cũng bắt buộc phải có 5 màu. Ngoài ra, đặc trưng rất riêng của Shojin Ryori ở Núi Koyasan là có 5 loại rau củ bị cấm, gồm: hành tây, hành lá, hẹ, tỏi và gừng.
Tại Fudoin, vào lúc 7h, nhà sư Seiryu Yamashina sẽ chăm chú vào một quyển sách lớn và thực hiện nghi lễ buổi sáng của mình. Tham gia tụng kinh cùng ông còn có thêm hai nhà sư khác. Ông cầu nguyện cho tất cả những linh hồn tại Fudoin và một xã hội thanh bình. Du khách khi tới đây cũng có thể tham gia vào buổi lễ và được phát cho hai bản đọc bằng tiếng Nhật hoặc Anh nếu muốn tụng cùng. Sau buổi lễ, du khách sẽ được phục vụ bữa sáng Shojin Ryori ngon tuyệt.
Tại Núi Koyasan, du khách cũng có thể lựa chọn tham gia các hoạt động của Phật giáo như:
- Thiền tại Kongobuji và Ekoin được diễn ra 4 lần trong ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu. Ngồi thiền Ajikan là phương pháp được truyền lại bởi Kobi Daishi.
- Nghi thức đốt thanh gỗ Gomadaki tại Muryokoin: Trong phái Chân Ngôn Tông, nghi thức đốt các thanh gỗ Gomagi có ghi các ước nguyện vô cùng quan trọng. Hiện nay, tại Muryokoin và Ekoin đều có nghi thức Gomadaki, thường được tổ chức vào buổi sáng.
- Walking núi Koyasan: Núi Koyasan có những con đường đi bộ dành cho những ai muốn hành hương và rèn luyện bản thân. Như con đường Chouishimichi với các trụ đá Chouishi cao 3m, hay Nyoninmichi dành cho nữ giới.
- Khám phá Bảo tàng Reihokan: Du sẽ được tận mắt chứng kiến một số báu vật tôn giáo và văn hóa được bảo tồn ở Núi Koyasan. Ở đây có hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, bao gồm tượng, tranh Mandala và nhiều công cụ tôn giáo khác. Một trong những tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý nhất là cuộn sách mô tả hình ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong Ngày cuối cùng tại thế. Có rất nhiều người đến đây để chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật này. Bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm theo mùa quanh năm, vì vậy du khách có thể ghé thăm nơi này nhiều lần và rất có thể sẽ thấy nhiều tác phẩm mới.
Hơn thế nữa, khi đến với Núi Koyasan, du khách còn có cơ hội tham gia vào các sự kiện lớn theo mùa, chẳng hạn như:
- Lễ hội lửa núi Koyasan – Gomadaki thông báo mùa leo núi vào mùa xuân. Tổ chức vào 12:30 ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 3 hàng năm. Vị trí tổ chức là tại bãi đỗ xe trước Chùa Sohonzan Kongobuji. Ngọn lửa sẽ được thắp lên, sau buổi biểu diễn với trống và một chuỗi nghi thức.
- Lễ hội Aoba với tổ chức vào ngày 15/6, là lễ hội chúc mừng ngày sinh của Hoằng Pháp Đại Sư. Vào đêm hôm trước sẽ có Hoto Gyoretsu với các hình nhân giấy diễu hành trên phố. Vào ngày lễ hội chính sẽ có cuộc diễu hành Hanami Dotogyo.
- Lễ hội nến là nghi thức tưởng nhớ tổ tiên, với tên gọi “Mantokuyoue”. Được tổ chức tại Chùa Okunoin từ 19:00-21:00 ngày 13/8, với khoảng 100.000 cây nến trải dài trên con đường 2km dẫn vào chùa.
Tất cả các lễ hội đều rất đông vui, khi tham gia, du khách có thể cầu chúc những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cho chuyến du lịch của mình.
Núi Koyasan trong tâm tưởng của người Nhật luôn là một ngọn núi thiêng. Với những vị khách nước ngoài muốn khám phá những điều huyền bí, linh thiêng của Núi Koyasan trong chuyến du lịch Nhật Bản quả thực là một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua!