Lễ Higan – lễ Thanh Minh quan trọng của người dân “xứ Phù Tang”

higan 5

“Thanh minh trong tiết tháng ba / Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có nhắc tới ngày Tiết Thanh Minh ở Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, Nhật Bản cũng có lễ hội tương tự như vậy mang tên là “Higan”.

Tiết Thanh Minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Theo quy ước, Tiết Thanh Minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết cốc vũ bắt đầu.

Người Nhật thường gọi Lễ Thanh Minh là Lễ Higan. Đại lễ này ở Nhật Bản đã có hơn 1.000 năm trước. Mặc dù nó tương ứng với 2 ngày Xuân phân và Thu phân của Trung Quốc nhưng chỉ có Nhật Bản coi trọng nó như hai dịp lễ lớn của một năm và có ý nghĩa rất đặc biệt. Theo quan niệm của người Nhật, từ “Hi” trong Higan có nghĩa là bên kia, “Gan” là bờ dùng để nói ám chỉ bờ phía bên kia Tây phương Cực Lạc. Higan chính là cõi niết bàn hay còn gọi là “Cực lạc Tịnh độ” – vùng đất thanh tịnh, một nơi người Phật tử lúc nào cũng ước muốn được đi đến đó sau kiếp này.

higan 2

Vào ngày giữa của lễ thanh minh – mặt trời sẽ mọc ở hướng chính Đông và lặn ở hướng chính Tây – ngay trước cửa Đông của Thế Giới Cực Lạc. Đây là thời gian tốt nhất trong năm để chúng sinh hướng về phía Tây nguyện cầu mong cho linh hồn tổ tiên của họ đang trên đường vãng sinh được chư Phật độ cho siêu thoát khỏi cái kiếp luân hồi.

Là một người rất sùng Đạo Phật và hiếu thảo đối với cha mẹ tổ tiên, Shōmu Tennō (聖武天皇 – Thánh Vũ Thiên Hoàng 701-756) là người khởi xuất cho tục lễ “Higan”. Vua từng viếng chùa đọc kinh cầu siêu. Lúc ông lên ngôi nước Nhật vừa thoát khỏi giai đoạn chiến tranh loạn lạc triền miên. Con người đã tạo ra nhiều ác nghiệp không thuận theo lời Phật dạy. Người ta tin là thời mạt pháp sắp đến. Vì thế họ ước rằng nếu trong kiếp nầy ta chưa làm được thiện nghiệp, ít ra qua sự tu hành nương nhờ công đức Tam Bảo mà thức tỉnh thì có cơ hội sang được bờ bên kia, tức “đáo bỉ ngạn” (到彼岸). Lòng tín ngưỡng của vua dần dà được lan xuống đến dân giả. Sau đó, đến thế kỷ XII, vua Nhật ra chiếu cho nông dân nghỉ việc đồng áng để hưởng vui và báo hiếu tổ tiên, qua đó học hỏi Phật pháp.

higan 1

Ngày nay, Lễ Higan ở Nhật Bản sẽ kéo dài trong suốt một tuần từ ngày 18 đến 24 của tháng 3 hàng năm. Vào những ngày này, người dân đi tảo mộ và làm lễ cúng dường theo lời chỉ dạy của các Sư. Họ học 6 bộ kinh gọi là “Lục ba la mật” (六波羅密) trong dịp này.

higan 4a

Cũng theo phong tục, họ sẽ sửa sang lại mộ, dâng hoa, dâng hương, dâng bánh và rượu Sake. Loại bánh đặc trưng trong ngày này là bánh Botamochi (sẽ được gọi là “Ohagi” trong ngày hạ chí) – loại bánh nếp, dẻo, mềm, hơi ngọt được vắt tròn sau đó được phủ quanh bằng một lớp đậu đỏ hoặc đậu nành đánh nhuyễn.

higan 3

Tiết Thanh Minh tại Nhật Bản còn được xem là thời điểm bắt đầu mùa hoa anh đào nở, báo hiệu cho một mùa xuân bắt đầu. Sau năm 1948, Chính phủ Nhật Bản thêm một ý nghĩa cho Lễ Thanh Minh là ngày ngắm thiên nhiên và sự sống. Ngoài việc thăm mộ phần tổ tiên, người Nhật thường cũng đi chùa, và đền Shinto. Họ đi cầu nguyện hạnh phúc và an vui cho cuộc sống. Trong cảnh nhộn nhịp đó, có những gia đình cả nhà mặc đồ truyền thống, những cô gái mặc Kimono ôm trên tay một hộp gỗ xinh xắn…

Ngoài Lễ Higan, “xứ Phù Tang” còn có rất nhiều lễ hội thú vị đang chờ đón du khách đến trải nghiệm. Vậy còn chần chờ gì nữa mà du khách không cùng bạn bè thực hiện một chuyến du lịch Nhật Bản, đi tham quan, ăn những món ăn truyền thống của người Nhật, và tham gia các lễ hội đặc sắc? Nhất định du khách sẽ có được khoảng thời gian tuyệt vời nhất!