Yokai (sinh vật ma quái) trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản là một thế giới vô cùng khổng lồ và muôn hình vạn vạng. Và trong cái thế giới hữu hình và đáng sợ ấy lại tồn tại một dạng linh hồn được gọi là Tsukumogami (Ma đồ vật). Đạo Shinto tin rằng mọi thứ trên đời đều hiện hữu sự sống ở bên trong, và Tsukumogami cũng xuất phát từ đức tin ấy.
Tsukumogami là những con ma hoặc thực thể sống từ các món đồ vật chứ không phải là những đồ vật bị yểm bùa. Nhiều người tin rằng một đồ vật sẽ trở thành Tsukumogami nếu như bị bỏ rơi và không dùng đến trong 100 năm. Chúng được xem là một hồn ma giận dữ và sống dậy để trả thù chủ nhân của mình. Niềm tin này được cho là bắt nguồn từ một quyển truyện cổ tích thời Muromachi (1336-1573) có tên là “Tsukumogami Enmaki” (Cuộn tranh Tsukumogami).
Các Tsukumogami thường vô hại, mặc dù chúng có xu hướng chơi khăm con người. Tuy nhiên, chúng vẫn có khả năng nổi giận và trả thù những người đã vứt bỏ hoặc đối xử không tốt với chúng.
Hiện nay, các Tsukumogami được phổ biến rộng rãi thông qua sự xuất hiện của chúng trong các trò chơi điện tử, Manga và Anime.
NHỮNG TSUKUMOGAMI PHỔ BIẾN TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN NHẬT BẢN
Borobororton
Futon là loại nệm truyền thống của Nhật Bản. Người ta nói rằng, nếu những chiếc nệm Futon không được giữ gìn tốt, chúng có thể biến thành Boroboroton. Khi chủ nhân đang ngủ, những Borobororton này quấn quanh và siết cổ họ để trả thù cho việc bị ngược đãi. Sau đó, chúng đi loanh quanh trong nhà và siết cổ bất kỳ ai khác mà chúng tìm thấy.
Mokumokuren
Những ngôi nhà kiểu Nhật thường có vách ngăn phòng “Shoji”. Nếu trên tấm Shoji có lỗ, người ta tin rằng những con mắt ma quái sẽ có thể lấp vào những lỗ hổng đó và quan sát người bên trong nhà. Chúng được gọi là “Mokumokuren”. Và mặc dù vô hại nhưng chúng lại trông khá rùng rợn.
Mokumokuren dịch theo nghĩa đen là “nhiều mắt”. Chúng là một trong những cư dân chủ yếu của bất kỳ ngôi nhà ma ám nào ở Nhật Bản. Rất may, việc loại bỏ chúng khá dễ dàng, bằng cách bít lại các lỗ hổng.
Bakezori
Zori là dép truyền thống của Nhật Bản, một loại dép xỏ ngón được làm từ rơm rạ. Nếu trở nên cũ và bị chủ ngược đãi, lãng quên, chúng sẽ mọc tay chân cùng một con mắt lớn ở giữa và biến thành Bakezori. Những Tsukumogami này thích chạy xung quanh trong bóng tối và thực hiện những trò nghịch ngợm. Chúng thường lặp đi lặp lại câu hát: “Kararin! Kororin! Kankororin! Managu mittsu ni ha ninmai!”.
“Managu mittsu ni ha ninmai” được dịch là “ba con mắt và hai cái răng”. Zori có 3 lỗ nơi quai dép được gắn vào, vì vậy “ba mắt” có lẽ ám chỉ chúng. “Hai chiếc răng” là ám chỉ hai miếng gỗ nhỏ ở đế của loại guốc gỗ Nhật Bản (Geta).
Kasa-Obake
Nếu bị bỏ quên, những chiếc ô cũ sẽ trở thành Kasa-Obake. Tên gọi chính thức của nó là “Karakasa Kozou” (Thằng nhãi dù tre) hoặc còn có những cái tên khác như: Karakasa Obake hay Kasabake tùy vào địa phương.
Thông thường, Kasa Obake là con ma có hình dạng cây dù, một mắt, vừa thè lưỡi vừa nhảy lò cò. Trong một vài trường hợp cũng có Kasa Obake có 2 chân.
Người ta cho rằng Kasa Obake là một con quỷ trong bức tranh cuộn “Bách Quỷ Dạ Hành” của họa sĩ Kano Enshin có từ thời Muromachi (Sở dĩ bức tranh có tên là “Bách Quỷ Dạ Hành” vì vào đêm khuya thanh vắng, 100 con ma sẽ xuất hiện, đi chung với nhau, hút sự sợ hãi của con người làm thành sức mạnh riêng). Tuy nhiên, con ma dù trong Bách Quỷ Dạ Hành được mô tả như một cây dù gập lại, ở giữa lộ ra cái đầu người, so với Kasa Obake có phần hơi khác.
Phải đến sau thời Edo, Kasa Obake mới có hình dạng như chúng ta biết ngày nay. Hình ảnh của con ma này có nhiều trên các Obake Karuta (bài ma quỷ – là một loại thẻ bài ở Nhật, mỗi lá bài bao gồm 1 âm tiết minh họa cho một con quái vật trong truyền thuyết Nhật Bản).
Tuy xuất hiện rất nhiều trong các truyền thuyết hoặc những bức tranh biếm họa, nguồn gốc của Kasa Obake đến tận bây giờ vẫn còn rất mập mờ. Trong truyền thuyết, Kasa Obake là một con ma chuyên đi hù dọa, lừa gạt người khác. Nó lảng vảng trên đường phố trong những đêm mưa, thổi tung người đi đường hoặc thình lình xuất hiện từ phía sau, dùng chiếc lưỡi dài để liếm vào mặt con người. Nghe có vẻ đáng sợ, nhưng thực chất con ma này chỉ như là một đứa trẻ con thích đùa nghịch và những trò đùa của nó chủ yếu để thu hút sự chú ý của người khác. Tuy đôi lúc đùa quá trớn, nó có thể gây hại cho người khác.
Biwa-bokuboku
Một cây đàn tỳ bà từng được các nhạc công sử dụng thường xuyên bất chợt lại bị chủ nhân bỏ rơi không màng tới nữa, tỳ bà một mình tủi thân, buồn bã sẽ trở thành Biwa-bokuboku (Tỳ Bà Mục). Chúng sẽ có phần cơ thể của con người, mặc áo giống như những thầy tu nhưng phần đầu lại là một cây đàn tỳ bà. Sở dĩ tỳ bà trở thành như vậy là do chất chứa nhiều u sầu bởi nỗi đau bị quên lãng, chúng hóa thành hình dạng này để có thể tự chơi đàn chính mình mà không cần chủ nhân. Âm thanh của nó hay đến nỗi thu hút một con quỷ Oni đến ngồi nghe.
Chochin-Obake
Đèn lồng Chochin – loại đèn lồng bằng giấy hoặc lụa với bộ khung làm bằng tre là hình ảnh rất quen thuộc ở Nhật Bản. Khi chúng cũ đi, phần giấy sẽ rách dọc theo một trong các thanh khung của nó, tạo thành một cái miệng rộng. Một chiếc lưỡi dài ghê rợn xuất hiện. Một hoặc hai mắt cũng bật ra từ nửa trên của đèn lồng, và đôi khi còn mọc thêm cả cánh tay hoặc chân. Chochin cũng có thể trở thành nơi trú ngụ của những linh hồn báo thù. Nếu thắp sáng một Chochin như vậy, linh hồn sẽ được giải phóng và tấn công người thắp đèn.
Morinji-no-Okama
Okama là những chiếc ấm đun nước bằng sắt thường được người Nhật dùng để đun nước pha trà và Morinji-no-Okama có nghĩa là “chiếc ấm đun nước ở chùa Morinji”. Nó có liên quan đến câu chuyện dân gian nổi tiếng của Nhật Bản có tên là “Bunbuku Chagama” kể về một con Tanuki mà biến thành chiếc ấm trà để chọc ghẹo con người.
Ittan-Momen
Ittan-Momen là một tấm vải dài dùng để may đồ bay lượn xung quanh vào ban đêm. Chúng tấn công con người bằng cách quấn quanh và siết cổ khiến họ ngạt thở. So với các Tsukumogami khác được cho là vô hại, chúng lại khá nguy hiểm thay vì chỉ đơn giản là tinh quái. Ittan-Momen được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Kagoshima.
Dù đáng yêu hay đáng sợ, thông qua câu chuyện về Tsukumogami, người Nhật muốn lan truyền bài học về việc trân trọng những đồ vật chúng ta đang sử dụng, bởi không chỉ riêng con người mà chính đồ vật cũng có linh hồn.
SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA TSUKUMOGAMI ĐẾN PHONG TỤC CỦA NHẬT BẢN
Có lẽ do ảnh hưởng bởi những câu chuyện về Tsukumogami mà ở Nhật Bản, quan niệm trân trọng các đồ vật được sử dụng hằng ngày đã trở nên phổ biến từ lâu đời. Một nền văn hóa mà trong đó người ta tiếp tục sử dụng và tái sử dụng các đồ vật cũ theo những cách khác nhau đã được hình thành.
Đồng thời, khi những đồ vật cũ không còn dùng được nữa, người ta sẽ tổ chức một nghi lễ hỏa táng cho chúng gọi là “Otakiage”. Người Nhật quan niệm rằng, khi Tsukumogami sinh ra sẽ đem đến bất hạnh, khiến con người trở nên lầm đường lạc lối. Vào thời Edo, người ta quyết định đem bỏ đồ cũ không còn dùng đến tại đền thờ khi những ngày cuối năm cận kề. Phong tục hỏa táng Otakiage này cho đến nay vẫn còn được duy trì ở một số vùng của Nhật Bản, bao gồm: Lễ tưởng niệm kim chỉ Hari-Kuyo và Lễ tưởng niệm búp bê Ningyo-Kuyo.
Du khách yêu thích những thứ thuộc về hư cấu, bí ẩn? Vậy thì chắc chắn du khách sẽ không thể bỏ qua các truyền thuyết về những Tsukumogami thuộc về thế giới tâm linh Nhật Bản này đâu. Và du khách cũng hãy Book Tour Nhật Bản của chúng tôi để có cơ hội khám phá nhiều hơn về tín ngưỡng dân gian của người Nhật nhé!