Tại Nhật Bản, hàng năm có 15 ngày lễ quốc gia được tổ chức một cách hoành tráng và chuyên nghiệp. Trong đó phải kể đến Ngày Kính Lão. Đây là dịp để toàn bộ người dân trên khắp nước Nhật bày tỏ niềm tôn kính đối với những thế hệ đi trước, những người ông người bà trong gia đình.
Số lượng người cao tuổi tại Nhật Bản đã tăng đến mức kỷ lục. Theo Cục Điều tra quốc gia, hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản là 83 tuổi. Trên tổng dân số 127 triệu người thì có đến 33,5 triệu người là người cao tuổi. Cũng vì lý do này, người cao tuổi ở Nhật Bản rất được kính trọng. Bởi vậy, nơi đây có hẳn một ngày Kính Lão.
Ngày Kính Lão (Keiro no hi) là một ngày lịch đỏ, tức ngày lễ quốc gia của Nhật Bản. Ngày Kính Lão rơi vào ngày thứ hai của tuần thứ ba tháng 9 hàng năm. Đây là ngày lễ để tri ân những người cao tuổi, dịp để những người con xa nhà trở về quây quần với gia đình hoặc nhớ đến người thân trong gia đình, đặc biệt là ông bà của mình.
Sẽ không có giới hạn độ tuổi cho đối tượng được tôn vinh trong ngày Kính Lão. Nhiều người nghĩ rằng ngày này dành cho ông bà, trong khi nhiều người lại cho rằng ngày này dành cho những ai trên 60 hoặc 70 tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng như Luật Phúc lợi Xã hội Nhật Bản, đối tượng từ 65 tuổi trở lên được coi là người cao tuổi. Thực tế thì từ bao nhiêu tuổi trở lên cũng không quan trọng đến vậy, quan trọng đây là ngày mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn kính đối với những người lớn tuổi, thế hệ đi trước chúng ta.
Ngày Kính lão hiện nay được cho là có nguồn gốc từ ngày Toshiyori (Toshiyori no hi – “Ngày Dân gian truyền thống”) được khởi sướng bởi trưởng làng Kadowaki Masao của làng Nomadani thuộc tỉnh Hyogo vào năm 1947, nhằm nhắc nhở mọi người trân trọng tưởng niệm công ơn các già làng – những người miệt mài truyền bá kiến thức làm nông lưu giữ cho con cháu đến muôn đời sau. Khi đó, ngày Toshiyori được chỉ định là ngày 15/9, vì đây là lúc thời tiết mát mẻ và vụ mùa vừa xong nên thích hợp để tổ chức tiệc tùng.
Đến năm 1950, ngày Toshiyori bắt đầu phổ biến trên toàn tỉnh Hyogo và từ năm 1954 thì ngày này chính thức được xem như là một ngày lễ quốc gia và kỷ niệm rộng rãi trên toàn Nhật Bản. Tuy nhiên, vì có nhiều ý kiến tranh cãi về cách gọi “Toshiyori no hi” nên ngày này đã được đổi tên thành “Rojin no hi”. Năm 1966, một lần nữa ngày Kính Lão được đổi tên thành “Keiro no hi” và từ đó đến hiện tại không có lần thay đổi tên nào nữa.
Ngoài ra, trước kia ngày Kính Lão được chỉ định là ngày 15/9, tuy nhiên sau khi chế độ “Thứ Hai vui vẻ” (Happy Monday) được thông qua thì ngày này đã chính thức được chuyển sang ngày thứ Hai tuần thứ 3 của tháng 9 từ năm 2003 để tạo thành 3 ngày nghỉ liên tiếp là thứ Bảy, Chủ nhật và thứ Hai.
So với các ngày lễ khác ở “xứ Phù Tang”, ngày Kính Lão là ngày lễ khá mới, chưa có nhiều tập tục truyền thống lắm. Thường mọi người sẽ về quê hoặc đến nhà thăm ông bà, bố mẹ. Con cháu sẽ biếu ông bà, bố mẹ những món quà để thể hiện tấm lòng của mình. Đó có thể là những món quà đắt tiền, đồ dùng tiện ích, cũng có thể là những món quà tự tay làm như bánh ngọt, quần áo hoặc chỉ đơn giản là mâm cơm quây quần bên gia đình. Nhưng trên tất cả, có lẽ món quà ông bà, bố mẹ yêu thích nhất là tình yêu của con cháu đối với chính mình. Ngoài ra, một số hoạt động vui chơi cũng được tổ chức để phục vụ nhu cầu giải trí của người già.
Vào năm 2013, thị trấn Taka thuộc tỉnh Hyogo, nơi bắt nguồn của ngày Kính Lão, đã cho ra mắt bài hát tên là “Kitto arigatou”. Bài hát này được chọn ra từ 1.310 bài hát do các học sinh trong tỉnh gửi về cho chính quyền địa phương. Lời bài hát giản dị, đáng yêu nhưng lại thể hiện được sự kính trọng và tình cảm chân thành của thế hệ sau dành cho thế hệ đi trước. Bài hát đã chạm được đến trái tim của người nghe.
Ngày Kính Lão cùng với rất nhiều ngày lễ quốc gia và các lễ hội độc đáo khác đã góp phần tạo nên cho đất nước Nhật Bản một nền văn hoá đặc sắc “níu chân” biết bao lữ khách từ khắp nơi trên thế giới. Hãy thực hiện một chuyến du lịch Nhật Bản để có cơ hội khám phá nhiều hơn nhé!