Hầu hết khách du lịch lần đầu đặt chân đến Nhật Bản đều ấn tượng về một đất nước quá sạch sẽ: không khí trong lành, hoàn toàn không có rác trên đường phố, nước uống trực tiếp an toàn, nhà vệ sinh thân thiện, trang phục thanh lịch, cửa hàng tiện lợi gọn gàng ngăn nắp,… Chính bản thân người dân nơi đây giữ mọi thứ sạch sẽ bởi đó là văn hóa, là tôn giáo của họ.
Những biểu hiện tiêu biểu về sự sạch sẽ ở Nhật Bản
- Dân tộc thích tắm rửa nhất
Sự sạch sẽ của Nhật Bản không tách rời khỏi việc người Nhật thích tắm rửa. Đa số mọi người mỗi ngày tắm 2 lần vào sáng và tối, quần áo mặc hôm nay tuyệt đối sẽ không giống hôm qua.
Khi đi công tác hoặc du lịch, mỗi khi đến khách sạn thì phải tắm rửa, ngâm suối nước nóng, thay quần áo ngay, sau đó mới làm những việc khác. Đồng thời việc thích sạch sẽ này hoàn toàn không chỉ có ở phụ nữ, nam giới Nhật Bản cũng vô cùng xem trọng bề ngoài và mùi hương cơ thể, vì vậy trong các cửa hàng ở Nhật, không chỉ có sản phẩm dưỡng da và mỹ phẩm cho nữ mà còn có rất nhiều loại sản phẩm dưỡng da, nước thơm miệng và mặt nạ dành cho nam.
- Quần áo sạch sẽ nhất
Không thể nghi ngờ về việc trang phục của người Nhật luôn có thể gây ấn tượng về sạch sẽ gọn gàng, nếu đứng ở các cao ốc ở Nhật và phóng tầm mắt nhìn ra bên ngoài, du khách sẽ khó mà phân biệt được các nhân viên công sở mặc trang phục xám đen với những người xung quanh. Trang phục của người Nhật dùng nhiều tông màu sậm, thường sẽ dùng màu đen, trắng và xám, chỉ cần thoải mái và đơn giản là được.
- Từ trang phục đến đế giày
Những người từng đến “xứ Phù Tang” đều cảm nhận được việc mang một đôi giày đi một vòng trên đường phố, giày hoàn toàn sẽ không bị bẩn.
Bởi vì có thói quen ngồi trên mặt đất, người Nhật vô cùng chú ý đến vệ sinh dưới chân, họ đều phải tháo giày rồi mới được bước vào cửa.
Ở trường học cũng vậy, tiểu học và cấp hai đều có tủ giày chuyên dụng trước cửa, các em học sinh phải thay giày phù hợp hoặc mang bao giày trước khi vào lớp, có trường còn yêu cầu học sinh mang cùng một kiểu giày đế mềm. Trước khi học thể dục, học sinh còn phải thay sang giày thể thao, vừa tránh bị thương lại vừa giữ cho mặt đất sạch sẽ.
- Tờ tiền sạch sẽ, phẳng phiu
Ngay cả tiền giấy được rút từ các cây ATM cũng sắc nét và sạch sẽ “như một chiếc áo mới”. Trong các cửa hàng, khách sạn và thậm chí trên taxi, người Nhật có một khay dùng để đựng tiền, bởi tiền vốn bẩn. Người khác sẽ cầm tiền từ trong khay đựng.
- Vòi nước “thần kỳ”
Khắp nơi trên đường phố Nhật Bản đều có thể nhìn thấy các vòi nước uống trực tiếp để mọi người giải khát, trong nhà của người Nhật về cơ bản cũng có thể trực tiếp lấy nước uống từ vòi. Bởi vì nhà máy nước của Nhật có kỹ thuật lọc nước rất cao, nước bình thường và cả nước bẩn sau khi được xử lý qua nhiều tầng lọc với than hoạt tính, ozone và sinh học,… thì đã có thể dùng để uống trực tiếp. Người dân cũng không cần lo lắng nhà máy nước làm gian dối, bởi vì một khi bị phát hiện thì tiền phạt đủ để khiến nhà máy đóng cửa.
- Thực phẩm thân thiện với môi trường
Nhắc đến ẩm thực của Nhật Bản, mọi người đều sẽ nhớ đến hai từ “tinh xảo” và “thanh đạm”. Ẩm thực Nhật Bản không chỉ đẹp mà còn bảo vệ môi trường.
Là một dân tộc sống ở vùng biển, người Nhật thích ăn cá tươi, khi ăn uống rất ít dùng cách nấu ăn nặng dầu mỡ như chiên, xào,… Ở Nhật Bản, rau củ chỉ cần rửa dưới vòi nước một lần là có thể ăn trực tiếp, bởi vì tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu của Nhật rất cao, dư lượng thuốc trừ sâu trong rau củ rất ít, các bà nội trợ hoàn toàn không cần phải lo lắng.
- Phân loại rác cẩn thận
Ở Nhật Bản, thông thường rác được phân chia thành 4 loại, rác cháy được, rác không cháy được, chai nhựa và lon, chai thủy tinh. Tương ứng mỗi loại rác sẽ có thùng rác riêng biệt.
Ở Nhật Bản, khi vứt rác, đầu tiên mọi người phải kiểm tra xem hôm nay loại rác nào sẽ được phép vứt. Ở đây, vào các ngày trong tuần sẽ có quy định rõ loại rác nào sẽ được phép vứt. Tuy nhiên, tùy vào từng địa phương sẽ có lịch vứt rác và cách phân loại rác khác nhau.
Thêm vào đó, khi vứt rác, đầu tiên là phải bỏ rác vào bao, vào đêm trước ngày thu rom rác phải mang bao rác ra để ở nơi vứt rác đã được quy định. Bởi vì sáng hôm sau, nhân viên thu gom rác sẽ đến gom rác vào sáng sớm. Ngoài ra, để ngăn ngừa chim hoặc những con vật khác sẽ bới lục thùng rác, cũng có những nơi phải dùng lưới chuyên dụng để trùm lên các bao rác.
- Dịch vụ công cộng với tiêu chuẩn cao
Ngành dịch vụ vô cùng chu đáo của Nhật Bản cũng rất chặt chẽ trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Vào những ngày trời mưa, các cửa hàng sẽ chuẩn bị túi ni lông để du khách gói dù ướt của mình lại, tránh nước mưa nhỏ trên nền đất.
Ở Shinkansen (một hệ thống đường sắt cao tốc ở Nhật Bản) cũng vậy: nhân viên vệ sinh có thể hoàn thành công việc quét dọn xe lửa trong vòng 7 phút, khi bước vào xe, du khách sẽ được chào đón bởi không khí trong lành thơm tho, mọi thứ đều như mới.
- Nhiều xe, ít khí thải
Tuy 60% các hộ gia đình ở Nhật Bản đều có xe riêng, nhưng cũng có nhiều người vẫn lựa chọn giao thông công cộng hoặc tàu điện ngầm, mạng lưới giao thông công cộng kết nối chặt chẽ như mạng nhện và vô cùng đúng giờ – đủ để đưa mọi người đến bất cứ đâu. Đồng thời, việc quản lý ô nhiễm xe hơi nghiêm ngặt cũng khiến cho khí thải “không có nơi trú ngụ”, dù là những chiếc xe nhập khẩu danh tiếng “hạng sang” cũng không trốn được việc phải lắp đặt hệ thống kiểm soát khí thải.
- Văn hóa nhà vệ sinh
Ở Nhật Bản, bồn cầu thông minh đã đạt 70% tỉ lệ sử dụng phổ biến trong các hộ gia đình, dù là khách sạn nhỏ thì nhà vệ sinh cũng được lắp đặt bồn cầu thông minh.
Ở Nhật Bản, nhà vệ sinh nhất định sẽ có giấy, một là do sức nước của bồn cầu mạnh, cống thoát nước được thiết kế rộng, mặt khác là do giấy vệ sinh được làm từ bột giấy tái chế sẽ tan khi gặp nước, tránh được sự “ô nhiễm hai lần” đối với môi trường khi vứt giấy vệ sinh.
Ấn tượng hơn cả, nhà vệ sinh có mùi thơm. Những ai từng ở Nhật Bản thì đều sẽ biết việc ở trung tâm thương mại, nếu đi theo mùi thơm thì chắc chắn có thể sẽ tìm thấy nhà vệ sinh. Từng có một nhân viên vệ sinh ở trung tâm thương mại cho biết: quét dọn nhà vệ sinh, không cần phải cố sức, mà phải tốn công suy nghĩ. Nhân viên vệ sinh cần phải dùng nhiều loại nước tẩy rửa, nhiều kiểu dụng cụ, tùy vào chất bẩn khác nhau mà sử dụng trình tự khác nhau để làm sạch nhà vệ sinh, từ dễ đến khó, theo từng bước một, không được sai sót.
- “Nói không với rác”
Ở Nhật Bản, nếu du khách đi xem một trận bóng hoặc một bộ phim, khi rời khỏi rạp, chắc chắn du khách sẽ bị kinh ngạc bởi mức độ sạch sẽ ở những nơi công cộng này: Tất cả khán giả đều sẽ tự giác mang túi bỏng ngô và chai nước đi, ngay cả vỏ hạt dưa đáng ghét nhất cũng không hề xuất hiện trên mặt đất.
- Công trường thi công được bao lại hoàn toàn
Ở Nhật Bản, công trường thi công được bao lại hoàn toàn, không hề có cát bụi bay ra ngoài, quan trọng hơn đó là vật liệu bao quanh công trường còn có thể cách âm và công nhân xây dựng ra vào công trường cũng đều phải thay giày, sẽ không mang đất cát ra bên ngoài. Ngay cả xe bồn cũng sạch sẽ bóng loáng.
Văn hóa toàn dân
Trong 12 năm đi học, từ tiểu học đến trung học, quét dọn là một phần trong lịch trình hàng ngày của học sinh Nhật Bản. Ở nhà cũng vậy, cha mẹ sẽ dạy bọn trẻ rằng sẽ là không tốt nếu chúng không giữ cho mọi thứ cũng không gian của mình sạch sẽ.
Ý thức giữ gìn vệ sinh được đưa vào chương trình học ở các trường Nhật Bản, ngay từ các cấp bé và xuyên suốt lên các cấp lớn. Học sinh sẽ có một môn học bắt buộc có tên là “Kỹ năng lao động”. Các em học sinh không chỉ học nấu ăn, may túi xách mà còn quét dọn trường học định kỳ. Từ lớp học đến hành lang và cả nhà vệ sinh, mỗi lớp có một khu vực vệ sinh của riêng mình trong trường, các em học sinh luân phiên chia lớp dọn dẹp vệ sinh. Học sinh ở Nhật Bản hoàn toàn có thể tự tin nói rằng: “Hãy nhìn xem! Cả trường đều do chúng em dọn dẹp đấy!”. Và như vậy, khi các học sinh Nhật Bản lớn lên, ý niệm của các em về việc tạo nên không gian sạch sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ lớp học lên thành khu phố, thành phố và đất nước.
Nhiều ví dụ khác về sự sạch sẽ của người Nhật đã được lan truyền trên mạng, như quy trình dọn dẹp tàu cao tốc Shinkansen dài tới 7 phút khiến không ít du khách phải trầm trồ. Hay như, trong các giải World Cup ở Brazil (2014) và Nga (2018), các cổ động viên đội tuyển quốc gia Nhật làm cả thế giới ngạc nhiên khi họ ở lại để nhặt rác trên sân vận động. Các cầu thủ cũng giữ cho phòng thay đồ trong tình trạng sạch không một chút vết dơ. “Thật là tấm gương cho tất cả các đội bóng!” – Tổng điều phối viên chung của FIFA Priscilla Janssens từng viết trên Twitter.
Tại Lễ hội Rock Fuji – lễ hội âm nhạc lớn nhất và lâu đời nhất của Nhật Bản – người hâm mộ giữ lại rác cho đến khi họ tìm thấy thùng rác, còn những người hút thuốc được yêu cầu mang theo gạt tàn cầm tay và kiềm chế hút thuốc nếu khói có thể ảnh hưởng đến người khác.
Không khó để bắt gặp những cảnh tượng này ở Nhật Bản, khi vào khoảng 08:00 sáng, nhân viên văn phòng và nhân viên cửa hàng dọn dẹp đường phố; Trẻ em nhặt rác trên gần trường học; Các khu phố tổ chức các buổi vệ sinh tập thể… Khi ai đó bị cảm lạnh hoặc cúm, họ đeo khẩu trang y tế để tránh lây nhiễm cho người khác.
Sạch sẽ là thần linh
Tôn giáo ở Nhật Bản, được thống trị bởi 2 tôn giáo chính: Thần đạo – Shinto (tôn giáo dân gian của người Nhật) và Phật giáo với các tổ chức liên quan. Theo đó, sạch sẽ là một nguyên lý trung tâm của Phật giáo và trong chi phái Thiền tông của Phật giáo, vốn truyền đến Nhật Bản từ Trung Quốc vào thế kỷ 12 và 13, các công việc hàng ngày như dọn dẹp và nấu nướng được coi là cách luyện tâm, không khác gì thiền định. “Trong Thiền tông, tất cả các sinh hoạt hàng ngày, bao gồm thọ thực và dọn dẹp, phải được coi là cơ hội để tu tập. Rửa sạch bụi bẩn ở cả thân và tâm đóng một vai trò quan trọng trong tu tập hàng ngày” – Hòa thượng Eriko Kuwagaki ở chùa Shinshoji ở thành phố Fukuyama, tỉnh Hiroshima, cho biết.
Vậy thì tại sao tất cả các quốc gia Phật giáo không sạch sẽ đến quá mức như Nhật Bản? Vì rất lâu trước khi Phật giáo xuất hiện, Nhật Bản đã có tôn giáo bản địa của mình: Thần đạo (có nghĩa là “Con đường của Thần”), vốn được cho là kết tinh linh hồn của bản sắc Nhật Bản. Và sự sạch sẽ nằm ở trung tâm của Thần đạo. Trong Thần đạo, sự sạch sẽ chính là thần linh.
Một quan niệm then chốt trong Thần đạo là “Kegare” (tạp chất hoặc bụi bẩn), trái ngược với sự thuần khiết. Những biểu hiện về Kegare bao gồm từ cái chết, bệnh tật cho đến hầu như mọi thứ khó chịu. Người dân Nhật hay thực hiện các nghi thức thanh tẩy thường xuyên để đẩy lùi Kegare.
“Nếu một cá nhân bị Kegare gây tổn thương, toàn xã hội có thể bị gây hại”, ông Noriaki Ikeda, phụ tá giáo sĩ Thần đạo tại Đền Kanda ở Hiroshima, giải thích. “Do đó, điều quan trọng là phải thực hành sự sạch sẽ. Điều này giúp bạn thanh lọc bản thân và tránh những thảm họa cho xã hội. Đó là lý do tại sao Nhật Bản là một đất nước vô cùng sạch sẽ”.
Du khách có cảm thấy bội phục đất nước này về mức độ sạch sẽ? Du lịch Nhật Bản, du khách sẽ có cơ hội khám phá thêm về rất nhiều điều hay ho ở đây đấy!