Nhật Bản là một quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi khi nhắc tới đất nước này, người ta có thể dễ dàng nhắc tới những biểu tượng đặc trưng, chẳng hạn như Quốc kỳ.
Quốc kỳ Nhật Bản chính thức được gọi là “Nisshoki”, có nghĩa là “ánh nắng mặt trời” và cũng được gọi là “Hinomaru” có nghĩa là “vòng tròn của mặt trời”.
Quốc kỳ Nhật Bản có hình chữ nhật với một tỷ lệ 2:3, nền trắng và một vòng tròn màu đỏ ở trung tâm (vòng tròn màu đỏ chiếm 3/5 chính giữa của Quốc kỳ). Trong đó, màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết và chính trực, màu đỏ tượng trưng cho sự chân thành và nhiệt tình.
Trong tư tưởng của người phương Đông, hình ảnh vòng tròn màu đỏ chính là hiện thân cho mặt trời mọc. Và vì thế nên Nhật Bản thường được gọi là “đất nước mặt trời mọc”.
Không đơn thuần là một biểu tượng của vầng mặt trời chói lọi, đối với người Nhật, mặt trời đỏ còn là hiện thân của nữ thần Amaterasu, vị thần mặt trời khai phá ra đất nước Nhật Bản trong truyền thuyết. Bà cũng là tổ tiên của các vị Thiên hoàng trong những câu chuyện thần thoại Nhật Bản.
Theo như huyền sử Nhật Bản thì nữ thần Amaterasu đã tạo ra nước Nhật Bản cách đây 2.700 năm, người Nhật cũng tin rằng bà là tổ tiên của Thiên hoàng đầu tiên. Vậy nên các Thiên hoàng còn được gọi bởi cái tên “Thiên tử” (Con trời) và nước Nhật là “xứ sở của mặt trời”. Các thư tịch cổ ghi lại rằng lá cờ này lần đầu tiên được dùng bởi Thiên hoàng Văn Vũ khi ông dùng nó để biểu tượng cho mặt trời trong một công đường xử án năm 701. Lá cờ này cũng được dùng bởi các tướng quân Nhật trong thế kỷ 13 khi họ đương đầu với đội quân xâm lược đến từ Mông Cổ.
Lá cờ Hinomaru này lần đầu tiên được công nhận chính thức vào ngày 27/2/1870 với tư cách là cờ của thuyền buôn và thương gia “xứ Phù Tang” và trở thành lá cờ quốc gia đầu tiên được thông qua tại Nhật Bản năm 1870-1885 (Tết Nguyên Đán dương lịch năm thứ 5 đời Minh Trị, người dân thành Tokyo yêu cầu treo cờ chúc mừng và việc này đã được quan Thái chính cho phép, từ đó về sau lá cờ Mặt trời chính thức được quy định là Quốc kỳ Nhật Bản).
Việc sử dụng lá cờ đã gặp rất nhiều hạn chế trong thời gian bị chiếm đóng của Nhật Bản sau Thế chiến II (Trong thời gian đó, để được treo Hinomaru người ta cần phải có sự chấp thuận từ Tư lệnh Tối cao của Đồng Minh tại Nhật Bản là Douglas MacArthur. Ban đầu có những hạn chế nghiêm ngặt về việc treo Hinomaru do nó bị coi là gắn liền với những hành động quân sự bị chỉ trích của Nhật trong chiến tranh, song không đến mức độ cấm hoàn toàn). Và phải tới năm 1999 khi các điều luật của Nhật Bản được thông qua lá cờ Hinomaru chính thức được công nhận là lá cờ quốc gia.
Được phát triển từ lá cờ Hinomaru, hiệu kỳ của Đội tự vệ Nhật Bản và Đội tự vệ trên bộ Nhật Bản sử dụng một phiên bản có thiết kế mặt trời với tám tia màu đỏ hướng ra ngoài, gọi là Hachijō-Kyokujitsuki. Ngoài ra còn có là cờ với mặt trời và 16 tia đỏ gọi là Jyūrokujō-Kyokujitsu-ki từng được quân đội Nhật Bản sử dụng, đặc biệt là Lục quân Đế quốc Nhật Bản và Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Tại các quốc gia Châu Á từng bị Nhật Bản chiếm đóng, hiệu kỳ này vẫn mang ý nghĩa tiêu cực gợi nhớ đến những tội ác mà quân đội Nhật Bản gây ra trên đất nước của họ.
Với những thông tin trên, bài viết hi vọng đã đem đến chia sẻ hữu ích, giúp du khách hiểu rõ hơn về ý nghĩa cũng như lịch sử của Quốc kỳ Nhật Bản. Nếu du khách muốn khám phá nhiều hơn, hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản nhé!