Nintoku – vị Thiên hoàng hiền đức và phong tình nhất trong lịch sử Nhật Bản

Trong lịch sử Nhật Bản, Nintoku được biết đến là một vị Thiên hoàng hiền đức, hết mực thương yêu và chăm chút dân chúng. Nhưng bên cạnh đó, ông lại là một người phong tình bậc nhất.

Thiên hoàng Nintoku là vị Thiên hoàng thứ 16 của Nhật Bản, và là vị vua thứ hai của Triều đại Ōjin của Nhà nước Yamato. Không chắc chắn về ngày tháng cuộc đời và Triều đại của Thiên hoàng này. Nintoku được coi là đã trị vì đất nước vào cuối thế kỷ 4, đầu thế kỷ 5, nhưng có rất ít thông tin về ông. Theo Nhật Bản Thư Kỷ (Nihon Shoki), ông là con trai thứ tư của Thiên hoàng Ōjin và là cha của các Thiên hoàng Richū, Hanzei, và Ingyō.

Lên ngôi

Khi Hoàng tử Osasagi (sau này là Thiên hoàng Nintoku) còn trẻ, vua cha Ōjin đã vời các nhân sĩ Trung Quốc đến dạy dỗ ông, và thu được những kết quả rất tốt.

Theo cuốn Japan của tác giả David Murray, Thiên hoàng Ōjin muốn phân chia quyền lực giữa 3 Hoàng nam của ông, song lại muốn phong người con út làm Thái tử kế vị. Ōjin đã triệu tập cả 3 Hoàng tử đến và hỏi hoàng tử cả: “Nên chọn ai, con trưởng hay là con út?” Vị hoàng tử cả này liền trả lời rằng người nối ngôi phải là con trưởng. Nhưng Thiên hoàng lại quay sang hỏi người con thứ của mình là Hoàng tử Osasagi, thì Osasagi cho rằng nên chọn con út lên kế vị, do con lớn đang trưởng thành lên nên không biết lo lắng. Thiên hoàng đẹp lòng với câu trả lời này, vì nó đúng ý với Thiên hoàng: Ōjin đã phong con út là Waka-iratsu làm Thái tử và sai Osasagi hỗ trợ em mình. Thiên hoàng cũng giao lại núi, sông, rừng và ruộng đất cho người con trưởng của mình.

Sau khi Ōjin mất vào năm 310, người con út đã khuyên anh mình lên nối ngôi Thiên hoàng; nhưng ông từ chối và nói: “Làm sao anh có thể bất tuân theo những lời răn dạy của phụ hoàng?”. Người con trưởng của Ōjin thấy vậy bèn “đục nước thả câu”, lập mưu tiếm ngôi. Tuy nhiên, vụ phản nghịch đã bị phát giác và người con trưởng bị giết. Trong suốt 3 năm tới, Waka-iratsu vẫn khăng khăng đòi Osasagi lên nắm Đế quyền và cuối cùng vị Hoàng tử út đã tự sát, để lại ngôi báu cho Osasagi – đó chính là Thiên hoàng Nintoku.

Những thành quả dưới sự cai trị của Thiên hoàng Nintoku

Theo sử sách, Nintoku là vị Thiên hoàng hiền đức, rất có lòng thương dân. Ông được xem là vị Thiên hoàng huyền thoại duy nhất gần gũi với lý tưởng Nho giáo, và trở thành ông vua được mến mộ nhất trong ký ức của người Nhật.

Tương truyền, khi đứng trên ngọn đồi cao để quan sát dân tình, Nintoku cảm thấy không có khói bốc lên từ các nhà tranh, và nghĩ là trăm họ bị điêu đứng và đói khổ vì sưu cao thuê nặng, do đó ông đã ban Thánh chỉ xá thuế 3 năm liền. Trong thời gian đó ông cũng không thu thập cả những khoản tiền để tu sửa cung điện và cung cấp áo mũ cho Triều đình. Bản thân Thiên hoàng cũng chỉ ăn mặc giản dị. Nhờ đó, nhân dân đã có đủ lương thực để ăn. Với công đức khôi phục vận mệnh của nước Nhật Bản sau 3 năm trị vì sáng suốt, ông có thể được ví von với Thiên hoàng Minh Trị – người đã hồi phục đất nước sau thời kỳ Mạc mạt.

Sự đức độ và lòng yêu mến nhân dân của Nintoku đã gây cho Hoàng hậu Iwano Hime nổi trận lôi đình: bà tức giận khi thấy ông xá thuế cho trăm họ khiến cung điện của ông bị mục nát. Nhưng rồi, khi hưng thịnh lại, thần dân đã tự nguyện nộp thuế và sửa sang cung vua. Khi lên lại ngọn đồi cũ ngày nào, Thiên hoàng đẹp dạ khi thấy những cánh đồng màu mỡ khói bốc nghi ngút từ các nhà tranh.

“Nhật Bản Thư Kỷ” đã chép lại những thành quả dưới triều ông như sau:

  • Xây dựng đê Horie ở Namba để chống lũ cho đồng bằng Kawachi, và phát triển nó một lần nữa. Đây được coi là công trình quy mô lớn đầu tiên ở Nhật Bản.
  • Lập ra một vùng đất dưới sự kiểm soát trực tiếp của triều đình.
  • Xây dựng đê Yokono (dải đất nằm ngang, Ikuno-ku, Osaka-shi).

Cũng theo Nhật Bản Thư Kỷ, ông là một chiến binh bách thắng. Ông còn xuống lệnh cho các chuyên gia người Triều Tiên tham gia tưới tiêu và sửa sang đê điều. Ngoài ra, người ta nói rằng dưới triều Nintoku, các nhà chép sử được phái đến các tỉnh và nhận lệnh ghi nhận những sự kiện quan trọng rồi báo về Triều đình. Đây là một điểm ngoặt trong lịch sử Nhật Bản vì kể từ đó, các nhà sử học thời ấy đã có những ghi chép văn tự để chúng ta dựa theo.

Một Thiên hoàng phong tình và cơn ghen của Hoàng hậu Iwanohime

Trong cuốn sách “Tình dục trong lịch sử Nhật Bản”, Nakae Katsumi có thuật lại chuyện ghen tuông của Hoàng hậu Iwanohime được ghi lại trong hai cuốn sách “Cổ sự ký” và “Nhật Bản thư kỷ”.

Hoàng hậu Iwanohime là vợ Thiên hoàng Nintoku (khoảng thế kỷ V). Chế độ đa thê lúc bấy giờ là phổ biến nhưng bà là người rất hay ghen. Sách “Cổ sự ký” có hành động lúc ghen của bà là “đập chân bình bịch xuống đất”. Nhưng những cơn ghen của Hoàng hậu Iwanohime cũng không cản nổi tính háo sắc của Thiên hoàng Nintoku.

Một ngày nọ Thiên hoàng Nintoku nhìn thấy một nữ quan tên là Kugahime đi từ ruộng dâu lên và cảm thấy thích nữ quan này. Ông muốn đưa nữ quan này vào hậu cung nhưng Hoàng hậu Iwanohime cố sức ngăn cản. Kết cục ý định không thành nên Thiên hoàng muốn gả nữ quan này cho một người đàn ông khác để có dịp gặp gỡ nhưng nữ quan tuyên bố “sẽ trọn đời độc thân”. Cuối cùng Thiên hoàng Nintoku phải trả Kugahime về nơi cũ.

Ngoài ra, Thiên hoàng Nintoku cũng yêu Công chúa Yata là em cùng cha khác mẹ với mình. Và lần này cũng bị Hoàng hậu Iwanohime phản đối.

Sách “Nhật Bản thư kỷ” có ghi lại hai bài thơ đối đáp giữa Thiên hoàng Nintoku và Hoàng hậu Iwanohime về chuyện công chúa Yata như sau:

Thiên hoàng Nitoku ngâm:

“Anh thề xin hãy tin anh
Nàng kia cũng chỉ là cành hoa chơi
Lúc nào em vắng mới mời
Vui chơi tí chút thì thôi ấy mà”.

Hoàng hậu Iwanohime đáp lại:

“Mặc áo hai tấm chẳng sao
Nhưng giường hai chiếc làm sao bây giờ?”

Bị phản đối quyết liệt, việc đưa Yata vào hậu cung không thành. Nhưng Thiên hoàng Nintoku không từ bỏ ý định này. 8 năm sau, lừa lúc Hoàng hậu Iwanohime đi du lịch tới Kishu, Thiên hoàng đưa Yata vào hậu cung vui vẻ ngày đêm.

Biết chyện Hoàng hậu Iwanohime tức giận không trở về cung mà đến sống ở cung Tsutsukinomiya trong núi. Thiên hoàng Nintoku bao lần cử sứ giả đến thuyết phục nhưng bà kiên quyết không về. Cuối cùng, Thiên hoàng Nintoku phải đích thân đến thuyết phục nhưng Hoàng hậu Iwanohime kiên quyết không tiếp. Thiên hoàng Nintoku phải quay về.

5 năm sau, Hoàng hậu Iwanohime qua đời. Thiên hoàng Nintoku phong cho Yata làm Hoàng hậu nhưng sau đó chẳng bao lâu ông lại đem lòng yêu nhiều người phụ nữ khác.

Người đời sau coi Nintoku là một trong những Thiên hoàng phong tình nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Thiên hoàng Nintoku đã lưu dấu trong lịch sử “xứ Phù Tang” với rất nhiều điều thú vị. Tuy vậy, chính những câu chuyện này lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử Nhật Bản. Nếu du khách muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản nhé!