Noren – chiếc rèm cửa truyền thống ở “xứ Phù Tang”

Với người Nhật, rèm cửa là một nghệ thuật trang trí nội thất độc đáo, không thể thiếu trong mọi không gian sống từ nhà ở đến cửa hàng. Người Nhật luôn lựa chọn những phong cách đơn giản, gần gũi với thiên nhiên cho căn nhà của mình và rèm cửa vải là sự lựa chọn hoàn hảo nhất.

Noren (暖簾) là tên gọi chung của những tấm rèm vải thường được treo ở cửa ra vào, cửa sổ, mái hiên hay ở lối ra vào giữa hai không gian trong nhà. Du khách sẽ thường nhìn thấy Noren ở những nhà hàng, tiệm ăn truyền thống Nhật Bản, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng, khu tắm công cộng Sento,… Nó có công dụng như một loại biển hiệu độc đáo.

Hầu hết Noren đều đặc biệt ở chỗ không che phủ hoàn toàn lối ra vào. Nhờ vậy, Noren tuy dùng để ngăn cách không gian nhưng vẫn giúp không gian thông thoáng, không quá bí bách. Ngoài ra, đặc trưng khác nữa là trên rèm thường có những đường cắt dọc chạy từ mép dưới lên đến gần mép trên, để mọi người có thể vén màn thuận tiện hơn. Những đường cắt này chia một tấm Noren ra làm nhiều mảnh, mỗi mảnh rộng khoảng 35-45cm. Noren thường có từ 2, 3 đến 5 mảnh tùy theo kiểu dáng. Kiểu dáng cơ bản nhất của Noren là loại 3 mảnh, độ dài chừng 113cm. Ngoài ra còn có những kiểu dáng khác với kích thước ngắn hoặc dài hơn.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của người dùng, Noren rất phong phú về chất liệu và màu sắc. Nhưng nhìn chung, chất liệu phù hợp nhất với phom dáng của rèm vẫn là loại vải hơi cứng và người ta vẫn yêu chuộng những màu sắc truyền thống như xanh Indigo, xanh Navy,… hơn cả. Bên cạnh Noren màu trơn, in chữ, cũng có loại in những họa tiết đáng yêu hay những bức tranh Phù thế (Ukiyo-e).

Nguồn gốc ra đời của Noren

Noren có nghĩa là “mành tre ấm áp”. Tên gọi này bắt nguồn từ Phật giáo Thiền tông và được sử dụng rộng rãi từ cuối thời Kamakura.

Không có một nghiên cứu nào khẳng định chính xác thời điểm ra đời của Noren. Một số tài liệu chép rằng có thể Noren xuất hiện đầu tiên vào thời kỳ Jōmon. Người xưa treo những tấm rèm này ở trước cửa chùa, những ngôi nhà ở các vùng quê, làng chài, miền núi để chắn gió, cát và cái lạnh giá rét vào mùa đông. Thuở sơ khai, Noren chỉ đơn giản là một tấm vải trắng hoặc vải màu trơn không hoa văn hay họa tiết.

Đến thời Kamakura, Noren mới bắt đầu phổ biến rộng rãi hơn. Lúc này, ở những gia đình buôn bán xuất hiện dạng Noren có “thông điệp” như nhãn hiệu, hình vẽ đại diện được vẽ chính giữa rèm. Màu sắc cũng phong phú hơn khi mỗi màu đều biểu thị cho một loại hình công nghiệp.

Sang thời kỳ Muromachi (1336-1573), các thương gia Nhật Bản đã bắt đầu đưa ra những ý tưởng thiết kế Noren độc đáo. Thời kỳ này còn rất nhiều người không biết chữ nên họ dùng các ký hiệu đơn giản thay cho chữ viết, chẳng hạn như hình thù động vật, thực vật, các ký hiệu địa lý thiên văn để vẽ lên noren như một phương tiện để đánh dấu số phòng hay phân biệt công dụng của khác nhau của các cửa hiệu.

Đến thời kỳ Edo, tỷ lệ người biết chữ cùng tăng lên, những tấm biển hiện Noren có tên cửa hàng bắt đầu phổ biến rộng rãi hơn. Và bước vào thời Kanei, Noren đã có những bước chuyển mình đáng kể về chất liệu từ sợi gai thô khó nhuộm sang sợi bông dễ nhuộm và màu sắc cũng được sáng tạo đa dạng hơn.

Có thể nói Noren dần đi vào đời sống của người dân Nhật song song với quá trình phát triển kinh tế. Rực rỡ, đa dạng về sắc màu và cầu kỳ trong từng nét hoa văn. Những ý niệm phân chia chức năng của các loại Noren trong mỗi ngành nghề kinh doanh vượt xa khỏi chức năng che chắn thông thường lần lượt ra đời. Người ta thổi hồn vào những tấm rèm Noren, trao gửi những thông điệp ý nghĩa vào đó.

Sự khác biệt của Noren theo vùng miền

Sự khác nhau giữa các loại Noren không chỉ đến từ kích thước hay kiểu dáng mà còn ảnh hưởng bởi yếu tố văn hoá vùng miền. Nếu quan sát kỹ du khách sẽ nhận thấy những tấm Noren ở vùng Kantō được thiết kế với những quai cạp treo đứt quãng, để lộ thanh gỗ vắt ngang khi treo. Còn Noren ở vùng Kansai thì phần treo này được may liền với nhau, người ta sẽ dùng thanh gỗ luồn qua để treo, với cách may này sẽ không lộ thanh gỗ.

Lý giải cho sự khác biệt này đó là yếu tố khác nhau về văn hóa giữa hai vùng miền. Noren ở vùng Kanto chịu ảnh hưởng văn hóa Edo nên mang hơi hướng cởi mở – lộ, ngược lại người Kansai theo văn hóa truyền thống của Cố đô Kyōtō lại có xu hướng đề cao vẻ đẹp từ sự khiêm tốn và ẩn mình.

Các loại Noren muôn màu muôn vẻ

Noren ngày nay đã trở thành nét văn hóa độc đáo chỉ có tại Nhật Bản. Các sản phẩm ngày càng đa dạng về kích thước, màu sắc, chất liệu, hoa văn, vùng miền cũng như chức năng.

Noren thông thường sẽ được xẻ thành nhiều tà (khoảng 2,3 – 5 tà). Loại noren phổ biến nhất hiện nay có chiều dài khoảng 113cm, xẻ 3 tà dài, có thể linh hoạt sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Ngày trước người ta chủ yếu sử dụng chất liệu vải sợi gai thô rất khó in màu. Trải qua quá trình phát triển và cải tiến về chất liệu, người Nhật ngày nay vẫn rất chuộng những tấm rèm noren nhuộm chàm thẫm bình thường. Ngoài ra, nghệ thuật tranh phù thế (ukiyo-e) cũng được kết hợp tinh tế và công phu tạo nên những tác phẩm nghệ thuật trên chính Noren.

Han-noren có chiều dài tiêu chuẩn của tà khoảng 56cm, được cải tiến từ Noren thông thường. Người ta rút ngắn chiều dài đi một nửa, kiểu dáng lưng chừng “nửa kín – nửa hở” này vừa có thể che chắn vừa giúp mọi người có thể nhìn thấy nội thất phía bên trong. Han-noren được sử dụng nhiều ở những nơi như khu suối khoáng nóng, nhà tắm công cộng, tiệm vải, hay những quán ăn theo phong cách truyền thống như tiệm mì, tiệm Sushi, trà quán,… Han-noren tập trung vào các màu sắc rực rỡ hoặc logo, ký tự bắt mắt để thu hút khách hàng.

Naga-noren: Với chiều dài khoảng 160cm xẻ 2 tà, Naga-noren là loại rèm tập trung vào chức năng che chắn cản nắng, gió, bụi bặm và hạn chế người ngoài nhìn vào không gian nội thất bên trong một cửa hàng. Naga-noren còn thường được sử dụng trong các quán trà, nhà hàng truyền thống để đảm bảo sự riêng tư tuyệt đối cho khách hàng. Đặc biệt loại rèm này thường được kết hợp với các gam màu tối như đen hay chàm thẫm, in chữ hoặc họa tiết màu trắng để nổi bật yếu tố truyền thống và sự lịch thiệp.

Mizuhiki-noren có độ dài khoảng 30-40 cm, xẻ nhiều tà được treo trải dài theo mặt tiền ngay lối vào của cửa hiệu. Công dụng chính của nó là trang trí, điểm nhấn chính nằm ở những tà noren nhỏ nhắn kết hợp với nhau tạo nên hình ảnh đáng yêu, thể hiện thiện chí kinh doanh một cách gần gũi, ý nhị và không phô trương của cửa hàng.

Hiyoke-noren là loại rèm có kích thước lớn nhất – chều dài Hiyoke-Noren thường thấy là từ 160 đến 220cm. Công dụng chính của Hiyoke-Noren chính là che nắng, che bụi ở nhiều cửa hàng, từ các quán ăn truyền thống đền các cửa hàng rượu hay gốm sứ… Vì kích thước khá lớn của mình nên đôi khi Hiyoke-Noren còn được in thêm logo, câu slogan, sản phầm khuyên dùng hay thông báo các chương trình ưu đãi, lúc này, tấm rèm Hiyoke-Noren còn được xem như là bộ mặt lớn của cửa hàng.

Ý nghĩa màu sắc của noren trong các ngành nghề kinh doanh

Noren màu xanh Navy hay Noren màu chàm được sử dụng nhiều tại các cửa hàng Kimono. Gam màu này thể hiện sự chắc chắn, phát triển ổn định của một doanh nghiệp.

Noren màu hồng ngày xưa được sử dụng nhiều ở các chốn lầu xanh khu phố đèn đỏ. Nhưng ngày nay màu hồng mang đến sự sang trọng và cao cấp, được sử dụng ở các nhà hàng lớn.

Noren màu trắng được sử dụng nhiều cho các cửa hàng bánh kẹo hay hiệu thuốc. Nền trắng tinh khôi sẽ làm nổi bật các hoạ tiết, ký tự, logo cửa hàng. Đặc biệt, ngày nay người ta dùng noren màu trắng để thể hiện sự sạch sẽ vào mùa hè và thay noren màu vào mùa đông.

Noren màu trà: Trong thời kỳ Edo, Noren màu trà (màu hơi vàng – đất son) là sản phẩm được sử dụng độc quyền cho các hiệu buôn thuốc lá. Tuy nhiên, theo năm tháng những quy ước này cũng dần xóa bỏ, Noren màu trà ngày nay rất được yêu thích và sử dụng rộng rãi trong các ngành nghề kinh doanh.

Noren màu tím đề cao sự cao quý nên thường được dùng trong các phòng trang trí hay thay đồ.

Những chiếc rèm cửa Noren duyên dáng đã góp phần tạo nên những sự khác biệt đến bất ngờ cho văn hóa Nhật Bản. Khi có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy tự mình khám phá thêm về chiếc rèm Noren nhé! Cũng đừng quên mua chúng về làm kỷ niệm. Đó cũng là một cách để du khách hiểu biết thêm về nền văn hoá của đất nước này.