Cứ tới độ tuổi 20, những chàng trai cô gái tại Nhật Bản sẽ háo hức tham gia ngày Lễ Thành Nhân – Seijin no hi. Đây là ngày lễ có ý nghĩa, đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người.
Trong cuộc đời con người có những thời điểm vô cùng quan trọng đánh dấu một sự kiện trong đời như: lúc sinh ra đời, lúc kết hôn lập gia đình, lúc có con,… Tuy nhiên,. có một thời điểm quan trọng không kém chính là thời điểm trưởng thành của một con người. Để đánh giá một con người và xem họ đã trưởng thành chưa thật là mơ hồ! Tuy nhiên, trong văn hóa Nhật Bản khi thanh niên tròn 20 tuổi thì thời điểm xem họ đã trưởng thành về thể chất lẫn tinh thần. Vào thời điểm trưởng thành, người Nhật thưởng tổ chức một buổi lễ gọi là “Seijin no hi”.
Trong những ngày lễ của “xứ sở hoa anh đào”, Seijin no hi là một ngày lễ đặc biệt và vô cùng quan trọng. Sự kiện này diễn ra vào ngày thứ Hai của tuần thứ hai tháng Giêng hàng năm. Đã từ lâu, ngày lễ này đã trở thành một ngày có ý nghĩa trọng đại và thiêng liêng trong cuộc đời của mỗi chàng trai, cô gái, ngày mà họ chính thức được coi đã bước sang tuổi trưởng thành với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân.
Ngày Lễ Thành Nhân có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với bản thân mỗi chàng trai, cô gái Nhật mà còn có ý nghĩa với cả cha mẹ, đấng sinh thành ra họ. Sau những năm tháng sống một cuộc sống phụ thuộc, được bao bọc bởi gia đình, đến trường và mặc những bộ đồng phục giống với bạn bè cùng trang lứa, giờ đây họ đã trưởng thành cả về thể xác lẫn tâm hồn và được thừa nhận là những công dân thực thụ của xã hội. Những công dân mới này đã có đủ tự tin cũng như tự do để là chính mình, để sống như mình mong muốn, và hơn hết, họ cũng đã mang những quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân.
Lễ Thành Nhân có nguồn gốc từ một nghi thức cổ xưa của người Nhật, được gọi là “Genpuku”. Genpuku thực chất là một sự kiện ăn mừng sự trưởng thành của các bé trai – con của những gia đình Samurai cao quý. Genpuku không quy định rõ ràng độ tuổi dùng để chúc mừng. Tuy nhiên, từ triều đại Nara (710-794) đến triều đại Heian (794-1192), Genpuku chỉ dành cho những bé trai từ 13 đến 16 tuổi. Đối với bé gái thì không gọi là Genpuku, mà lại được gọi là Mogi, và độ tuổi quy định là từ 12 đến 14 tuổi.
Vào những năm đầu của thế kỷ 16, Genpuku được đổi tên thành “Genpuku Shiki”, trong nghi thức này, để chứng minh rằng một người đã trưởng thành, họ thường cắt đi phần tóc ở phía trước trán. Theo dòng chảy của thời gian, nghi thức này dần dần được phổ biến và lan rộng đến cả những tầng lớp bình dân.
Thời chiến quốc, các thanh niên mới lớn, tròn 20 tuổi, còn rất trẻ nhưng đã có thể tham gia trận mạc. Các thanh niên này thường sẽ giắt một lá cờ có vẽ gia huy hoặc hiệu của chủ tướng đằng sau lưng và tiến ra chiến trường. Nó cũng hàm ý rằng, tuổi 20 là tuổi mà thanh niên trai tráng có thể tự đưa ra quyết định, theo con đường võ sĩ tức cầm cờ “旗” xông pha trận mạc, hay là tiếp tục ở nhà bấu váy mẹ. Từ đó mới có Lễ Thành Nhân, tức khi lên 20 tuổi thì người ta có thể tự đưa ra những quyết định quan trọng và tự làm chủ cuộc sống của mình.
Từ năm 1948, ngày Thành Nhân được Chính phủ Nhật Bản chính thức coi là một ngày lễ (ngày lịch đỏ) trong ý hướng: “Khuyến khích chúc mừng những người đã trở thành người lớn trong tinh thần tự giác và tự lập”. Theo luật pháp Nhật Bản thì “những người vừa lớn” này có quyền bầu cử, có thể hút thuốc, có thể uống rượu thoải mái… và cũng có trách nhiệm trong việc xây dựng đất nước.
Trong một thời gian dài, Hiến pháp Nhật Bản chọn ngày 15/1 hằng năm làm ngày để chúc mừng. Hiện nay, lễ hội này được đổi lại thành ngày thứ hai đầu tiên của tuần thứ hai trong năm theo như hệ thống “Thứ Hai Vui Vẻ”. Độ tuổi tham gia cũng đã được đổi thành 20 tuổi. Tuy nhiên, với những người chưa đủ 20 tuổi, nhưng nếu đón sinh nhật lần thứ 20 vào tháng 2, 3, 4 cũng đều có khả năng tham dự buổi lễ.
Seijin no hi thường diễn ra tại các trung tâm văn hóa, văn phòng hành chính địa phương, đền thờ, nhà hát hay sân vận động. Tùy vào từng địa phương thì vị trí và quy mô tổ chức cũng sẽ khác nhau. Tất cả những người thành niên, người mà sẽ sang 20 tuổi giữa mùng 2 tháng 4 của năm trước và mùng 1 tháng 4 của năm hiện tại và những người dân thường trú cùng địa phương được mời đến dự lễ.
Tại Lễ Thành Nhân, các thiếu nữ sẽ trưng diện hết mức, họ sẽ trang điểm những kiểu tóc lạ – đẹp, mặc bộ Furisode – một loại Kimono nhiều màu sắc sinh động, lấp lánh với tay áo rất dài. Bình thường, khi những cô gái Nhật đã đến tuổi trưởng thành, bố mẹ sẽ mua tặng họ một bộ Kimono Furisode mới tinh để đánh dấu dấu mốc quan trọng này. Tuy nhiên, họ cũng có thể sẽ được thừa hưởng những bộ Kimono truyền thống của gia đình mình hoặc nhanh gọn hơn là đi thuê. Trong buổi lễ thành nhân, động tác vẩy tay áo có ý nghĩa nhằm để xua đuổi điều xấu, thanh tẩy ô uế nên việc mặc Furisode có ngụ ý rằng: “gột rửa tâm hồn trước khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời”. Đối với các bạn nam có thể mặc lễ phục (Haori và Hakama), tuy nhiên thường thì họ mặc vest.
Khi buổi lễ bắt đầu diễn ra, các vị lãnh đạo địa phương sẽ đọc lời chúc phúc và những món quà nhỏ sẽ được phát cho những người lớn mới. Các bạn trẻ tham gia đều tự tay chọn những tấm bưu thiếp (bán trước cổng đề), viết những điều mong ước của riêng mình và treo lên giá trong đền với hi vọng tất cả sẽ thành hiện thực trong cuộc đời.
Sau buổi lễ, đó là thời gian liên hoan chào mừng cho “người lớn mới” của Nhật Bản. Các bạn trẻ vây quanh để ăn mừng và nhâm nhi bia rượu – thức uống đầu tiên “chính thức” của họ. Vào buổi tối, những bạn trẻ sẽ được tổ chức tiệc mặn với rất nhiều món ăn truyền thống đến hiện đại, kết thúc một ngày thật sự ý nghĩa.
Lễ Thành Nhân tại Nhật Bản là một ngày lễ trọng đại dành cho những người trẻ – tương lai của đất nước, đánh thức sự trưởng thành về ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy một lần hòa vào không khí vui mừng của ngày lễ đánh dấu tuổi trưởng thành tại “xứ sở hoa anh đào” nhé!