Khi nhắc về thành phố Nikko xinh đẹp của Nhật Bản, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến Đền Nikko Toshogu. Các trang quảng cáo luôn gợi ý địa danh này cho du khách bởi vẻ đẹp thu hút của nó. Nhưng trên thực tế, thành phố này còn nổi tiếng với Khu “2 Đền 1 Chùa”.
Hầu hết, các đền chùa tại thành phố Nikko được xây dựng vào thế kỷ XVII, được ví như “Di Hoà Viên của Nhật Bản” bởi kiến trúc độc đáo, tinh xảo làm từ những thợ thủ công lành nghề nhất. 9 quốc bảo cùng 94 tài sản văn hoá vô cùng quý giá của Nhật Bản cùng cả quần thể nằm gọn giữa núi rừng chập chùng quanh năm… cây tốt tươi, búp chen lá chen cành. Cảnh sắc hữu tình, nhất là vào mùa thu đến đây ngắm lá vàng lá đỏ cứ gọi là “rụng tim”. Khu này thường được người dân Nhật gọi với tên gọi dân dã là Khu “2 Đền 1 Chùa” vì ở đây du khách sẽ phải đi thăm 2 ngôi đền thờ Thần đạo: Đền Nikko Tosho-gu, Đền Futarasan và Chùa Phật giáo Rinno.
Đền Niiko Toshogu
Đền Nikko Toshogu dành riêng để thờ Tokugawa Ieyasu (1543-1616), người sáng lập Edo Bakufu (còn gọi là Mạc phủ Tokugawa, 1603-1867). Hầu hết các đền thờ đều được xây dựng dưới triều đại của Tướng quân Tokugawa thứ 3 – Tokugawa Iemitsu (1604-1651).
Tokugawa Ieyasu là một người rất nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản và vẫn cố gắng giúp đỡ đất nước khi về già. Trong di chúc của mình, ông đã nêu tâm nguyện là hãy xây một đền thờ nhỏ ở Nikko để thờ mình. Và ông sẽ là người giám hộ cho đất nước. Ngôi đền này có chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc với lối kiến trúc được thiết kế rất công phu, chạm khắc nhiều nơi và có dát vàng lấp lánh.
Đền Nikko Toshogu cùng với cổng Yomeimon được bao phủ bởi nhiều tác phẩm điêu khắc bằng gỗ tuyệt đẹp. Người ta nói rằng, tất cả các thợ mộc xây đền chùa giỏi nhất trong cả nước đã được huy động để làm lên ngôi đền này và mọi người cũng thường bảo rằng nhìn kiến trúc điêu khắc nơi đây khiến họ quên đi mệt mỏi. Từ Kairo (hành lang) đến hai phía của cổng, các cột trụ và tòa nhà được phủ lớp sơn mài rực rỡ và các tác phẩm điêu khắc mang một vẻ đẹp lộng lẫy. Rất nhiều hình ảnh của những con vật có trong những tác phẩm điêu khắc ở đây được xem như biểu tượng của hòa bình. Trong số đó, du khách sẽ tìm thấy một bức điêu khắc cổ khắc họa “Ba chú khỉ thông thái”: Mizaru, Iwazaru, Kikazaru, nổi tiếng đại diện cho câu châm ngôn: “Không xem điều ác, không nói điều xấu, không nghe điều ác”, câu nói này được Giáo phái Tendai, một trường phái Phật giáo Nhật Bản giảng dạy. Ngoài ra, ngôi đền còn có còn những bức chạm khắc về những chú mèo đang ngủ, đây là biểu tượng trong thời đại của tướng quân Tokugawa Ieyasu. Thời đó rất ít chuột nên những chú mèo không cần làm việc, mà chỉ ngủ. Vì thế, hình ảnh mèo ngủ có ý nghĩa “thiên hạ thái bình”.
Trong khuôn viên Đền Nikko Toshogu, du khách còn được chiêm ngưỡng Tòa tháp Goju-no-tou, cao 36m, chạm khắc hình 12 con giáp. Với kiến trúc độc đáo, một trụ đỡ chính xuyên suốt các tầng đã giúp Đền Nikko Toshogu đứng vững qua những cơn động đất ở Nhật Bản từ khi được xây đựng đến nay. Kỹ thuật truyền thống này đã được áp dụng cho các công trình hiện đại của Nhật Bản ngày nay như tháp Tokyo Skytree, tòa nhà Landmark Tower.
Đền Futarasan
Futarasan là một Đền thờ Shinto khá quan trọng ở Nikko và được nhiều khách nước ngoài ghé thăm. Nơi đây thờ 3 vị thần: Okuninushi, Tagorihime và Ajisukitakahikone. Ngôi đền được xây dựng trên núi cao vì người dân địa phương tin rằng những ngọn núi cao là nơi có quyền năng điều khiển mây, mưa, sấm sét và tuyết. Khi ghé thăm quan đền, du khách sẽ thấy được nhiều công trình kiến trúc cổ xưa cũng như một vài hiện vật có giá trị văn hoá, lịch sử.
Cùng với cây cầu linh thiêng Shinkyo, ngôi đền Futarasan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Shinkyo được coi là một trong ba cây cầu vĩ đại nhất Nhật Bản, bao gồm: cầu Saruhashi ở tỉnh Yamanashi và cầu Kintaikyo ở tỉnh Yamaguchi. Trong thời xưa, chỉ những lãnh chúa mới được phép đi qua cây cầu này, tuy nhiên, nó đã được mở cửa cho công chúng kể từ năm 1973. Cây cầu sơn son hài hòa với khung cảnh xung quanh là địa điểm rất lý tưởng để chụp ảnh. Thời điểm đẹp nhất để du khách ghé thăm cây cầu Shinkyo là vào mùa thu từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 khi sắc lá mùa thu phong phú hòa quyện với làn nước trong xanh của sông Daiya.
Chùa Rinnoji
Chùa Rinnoji là một tu viện Phật giáo Thiên Thai Tông. Tu viện được xây dựng từ thế kỷ VIII trong thời kỳ Nara và được mở rộng bởi các Shogun (còn gọi là Mạc Chúa, một cấp bậc trong quân đội và danh hiệu của Nhật Bản) nhà Tokugawa. Chùa Rinnoji là một trong 3 công trình kiến trúc thuộc quần thể đền thờ Toshogu, đền Futarasan và chùa Rinno trên núi Nikko.
Trước thời kỳ Minh Trị, Phật giáo và đạo Shinto ở Nhật Bản không tách rời nhau hoàn toàn. Vùng núi Nikko chính là nơi mà Thần (đạo Shinto), Phật (Phật giáo) và Núi (tự nhiên) hòa làm một. Sang thời Minh Trị, đạo Shinto được tôn làm quốc đạo, Phật giáo và đạo Shinto có sự phân định rạch ròi. Lúc này, một số kiến trúc trên núi Nikko mới được xếp vào công trình của Chùa Rinnoji.
Đồng thời năm 1911, Tam Phật Đường được xây dựng tại chùa Rinno. Bên trong Tam Phật đường có 3 bức tượng Phật sơn son thếp vàng rất nổi tiếng được điêu khắc từ đầu thời kỳ Edo đó là: Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, Phật A di đà và Phật Bồ Đà với chiều cao từ đài sen lên đỉnh là 8m.
Quần thể 2 ngôi đền và 1 ngôi chùa gồm: Toshogu, Futarasan và Rinnoji rất nổi tiếng không chỉ tại Nikko mà còn cả nước Nhật Bản, đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” năm 1999.
Thành phố Nikko quả là một địa danh độc đáo tại Nhật Bản với những đền chùa lâu đời. Nếu du khách là một người yêu thích văn hóa “xứ Phù Tang” và say mê những câu chuyện thần thoại bí ẩn thì đừng quên ghé thăm Khu “2 Đền 1 Chùa” tại Nikko khi có dịp du lịch Nhật Bản nhé!