Ngày nay, thú cưng như chó mèo được nhiều người Nhật xem như một thành viên chính thức trong gia đình, vì vậy, nhiều người chủ mong muốn thực hiện các nghi thức tang lễ để tiễn đưa chúng sang thế giới bên kia. Do vậy, nhu cầu tổ chức tang lễ chính thức và đầy đủ dành cho thú cưng qua đời tại Nhật Bản ngày càng tăng, thậm chí còn có cả ngôi chùa trang bị một lò hoả táng riêng dành cho chúng.
Phật giáo du nhập vào Nhật khoảng 1.500 năm trước và những tranh luận về điều xảy ra với vật nuôi sau khi mất không phải là chủ đề được quan tâm nhiều trong những thế kỷ trước. Tuy nhiên, xã hội Nhật Bản đang thay đổi khi con người ngày càng gắn bó với thú cưng. Trước đó, vật nuôi vẫn thường được nuôi ở ngoài vườn hoặc trong sân nhà, nhất là các chú chó, nhưng trong vài thập kỷ trở lại đây, ngày càng có nhiều người sống trong các căn hộ và thú cưng được nuôi trong nhà như một thành viên trong gia đình. Và khi chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong gia đình, chủ nuôi càng muốn tổ chức các nghi lễ mai táng đầy đủ cho thú cưng. Do vậy, rất nhiều ngôi chùa tại các thành phố lớn ở Nhật nhận được nhiều yêu cầu tổ chức tang lễ Phật giáo cho vật nuôi.
Ngay lập tức, rất nhiều vị sư đã từ chối yêu cầu vì họ cho rằng việc con người và vật nuôi được đoàn tụ sau khi chết không có ý nghĩa theo giới luật Phật giáo. Thêm vào đó, hoả táng một con vật và đặt tro cốt của nó vào nghĩa trang của chùa cùng với con người sẽ gây ra sự khó chịu cho những gia đình khác.
Khác với những ngôi chùa từ chối tổ chức tang lễ cho vật nuôi, Kannouji ở Setagaya, Tokyo lại rất hoan nghênh việc này. Đây cũng là nơi chăm sóc những chú mèo đi lạc nên được đặt biệt danh là “Chùa mèo”. Khoảng 15 năm trước, Narita Junkyou – vị chủ trì của chùa Kannouji đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tang lễ cho thú cưng. Đặc biệt, chùa còn đáp ứng mong muốn của người chủ muốn được chôn cất cùng thú cưng. Điều này dẫn đến việc chùa đã bắt đầu bán các mảnh đất dành cho việc chôn cất đặc biệt gọi là “mộ chôn cùng thú cưng”.
Ngôi mộ chôn cùng thú cưng được thiết kế với một không gian riêng để đặt tro cốt của vật nuôi cạnh tro cốt của người chủ. Ông Narita Junkyou tin rằng điều này vừa cho phép chùa đáp ứng mong muốn của chủ nuôi, vừa không làm ảnh hưởng đến các gia đình khác có người thân được chôn cất tại nghĩa trang chùa. Hiện tại, tỉ lệ tổ chức đám tang và lễ tưởng niệm dành cho vật nuôi tại chùa đã cao hơn rất nhiều lần so với tang lễ dành cho người. Thậm chí, trong khuôn viên chùa còn có một lò hoả táng đặc biệt dành cho thú cưng. Những nỗ lực của chùa Kannouji được đánh giá là khá tiến bộ so với những ngôi chùa khác tại Nhật.
Dần dần, các công ty tư nhân đã có nhiều loại hình dịch vụ cho chủ vật nuôi lựa chọn, hỏa táng riêng hoặc hỏa táng tập thể. Nếu muốn, họ cũng có thể yêu cầu một nhà sư đọc kinh trước khi hỏa táng. Ngoài ra, các công ty còn kết hợp với nhiều ngôi đền để cung cấp dịch vụ “làm giỗ đầu” cho các con vật nuôi.
Một nghĩa trang ở thủ đô Tokyo còn quảng cáo những phần mộ dành cho chó mèo, góp phần mở rộng thị trường đặc biệt này và thu hút được sự quan tâm của nhiều người nuôi chó mèo.
Công ty tư vấn JPR ở thành phố Yokohama ước tính rằng thị trường “chuyện hậu sự” cho vật nuôi trị giá hơn 12.000.000.000 Yên.
Tuy nhiên, do thiếu khuôn khổ pháp lý mà những rắc rối xung quanh nơi hỏa táng và phí dịch vụ tang lễ đã nảy sinh.
Không phải lúc nào cũng có thể chọn được một công ty cung cấp dịch vụ tang lễ phù hợp khi mà có tới 1.000 công ty tư nhân trên khắp Nhật Bản. Một chuyên gia đưa ra lời khuyên: “Tốt hơn hết là thu thập thông tin trên mạng Internet, thông qua nguồn tin quen biết hoặc tới các bệnh viện dành cho vật nuôi”.
Giá cả cho một lễ hỏa táng vật nuôi thường là vài chục ngàn Yên và còn tùy thuộc vào trọng lượng của con vật. Trung tâm các vấn đề tiêu dùng quốc gia của Nhật Bản khuyến cáo, để tránh bị hét giá trên trời hoặc không nhận được dịch vụ như mong đợi, các chủ vật nuôi nên xác nhận nội dung hợp đồng bằng văn bản.n Tầm quan trọng của hợp đồng này còn nằm ở chỗ các dịch vụ tang lễ phù hợp có thể giúp hàn gắn nỗi đau và giúp người chủ không phải trải qua cảm giác gọi là “hội chứng mất con vật nuôi yêu quý”.
Trước tình trạng ngày càng có nhiều người muốn làm dịch vụ hỏa táng cho con vật cưng của mình, Tổ chức tang lễ động vật đã ra đời. Ông Ryugen Tanaka, nhà sư trụ trì đền Chofukuji ở quận Osaka và là người đứng đầu tổ chức trên, cho biết: “Chúng tôi đã thống nhất một mức phí chuẩn cho dịch vụ tang lễ là khoảng 30.000 Yên và khoảng 20.000 Yên cho đồ cúng”.
Chính quyền các địa phương cũng yêu cầu các công ty hỏa táng tuân thủ các quy định để không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tuy nhiên, vẫn chưa có điều luật nào trực tiếp quản lý hoạt động của những công ty này và thật khó để giải quyết ngay từ đầu những vướng mắc nảy sinh.
Đất nước – văn hóa và con người Nhật Bản còn có rất nhiều nét độc đáo và thú vị “thu hút” khách du lịch trên thế giới đến khám phá. Du lịch Nhật Bản, tham quan những địa danh hấp dẫn và khám phá những nét văn hóa độc đáo ở nơi đây sẽ giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm tuyệt vời!