Thưởng thức các món ăn thơm ngon, đặc trưng của mùa thu Nhật Bản

Mùa thu là mùa thời tiết trở nên “dịu dàng” hơn, là thời điểm những tán lá cây bắt đầu thay mình đổi sắc từ xanh sang vàng đỏ. Mùa thu ở Nhật Bản cực kỳ nổi tiếng đối với khách du lịch nước ngoài vì ngoài cảnh sắc thơ mộng thì đây cũng là thời gian hoàn hảo để thưởng thức những món ăn đặc biệt chỉ có vào mùa thu.

Cá Thu đao nướng (Sanma No Shioyaki)

Cá Thu đao (Sanma) là loài cá được đánh bắt từ thượng nguồn vùng vịnh Nemuro lừng danh, mang hương vị đặc trưng của mùa thu Nhật Bản bởi vì chúng sinh sản và thơm ngon nhất trong thời điểm này.

Để thưởng thức hương vị cá tươi ngon, cách chế biến phổ biến nhất là nướng chúng cùng với muối, quýt yuzu và tương. Cá được đem nướng trên than củi, phần da vàng rụm giòn tan bên ngoài hòa cùng thịt cá ngọt tự nhiên bên trong như tan trên đầu lưỡi sẽ làm bất kì vị thực khách nào. Cá ngon nhất phải ăn khi còn nóng, ăn kèm củ cải nghiền, nước tương, cùng một ly Sake nhẹ để tăng hương vị.

Oden

Oden là món ăn yêu thích của người dân địa phương và khách du lịch trong mùa thu Nhật Bản, thường được dùng trong bữa trưa hoặc bữa tối. Đây là một món súp có hương vị đậu nành cùng các thành phần đi kèm khác như trứng luộc, Daikon (củ cải Nhật Bản), bánh cá, cuộn bắp cải, đậu phụ nhồi thịt và mochi. Ngoài ra, một số nơi khác còn thêm vào các thành phần tốt cho sức khỏe hơn như rong biển hoặc Konnyaku (một loại thạch cứng có hàm lượng calo thấp làm từ khoai tây konnyaku). Hương vị thanh đạm, nhẹ nhàng của Oden sẽ khiến du khách thích thú.

Nấm Matsutake

Nhật Bản là quê hương của nhiều loại nấm bản địa phong phú, một nguyên liệu quan trọng thường xuyên xuất hiện trong các món ăn truyền thống của quốc gia này. Trong số đó thì Nấm Matsutake là loại phổ biến nhất và đặc biệt chỉ xuất hiện vào mùa thu.

Loại nấm này được mệnh danh là “vua của các loại thực phẩm mùa thu” bởi không chỉ có hương vị thơm ngon mà giá thành cũng rất đắt, có thể lên đến 100USD. Nguyên nhân vì nấm Matsutake không thể được nuôi trồng nhân tạo và chúng chỉ xuất hiện vào những tháng mùa thu.

Với thực phẩm “thượng hạng” này, người Nhật sẽ dùng chúng để chế biến cùng với cơm, Teishoku (set ăn kiểu Nhật truyền thống), Chwanmushi (trứng hấp nấm) và đặc biệt là món súp nấm Matsutake Dobin Mushi.

Món Matsutake Dobin Mushi được phục vụ trong một ấm trà bằng đất sét (Dobin). Để thưởng thức, thực khách sẽ rót nước súp từ trong ấm ra một cái chén nhỏ và tận hưởng hương vị thơm ngon của món ăn cùng những loại rau đi kèm. Súp nấm có vị ngọt thanh của nước dùng, có vị đậm đà của các nguyên liệu như tôm, tảo biển, thịt gà và mùi thơm đặc trưng của nấm. Món súp sẽ ngon hơn khi dùng kèm một vài giọt chanh như Yuzu hoặc trái cây Sudachi xanh da.

Tempura lá phong (Tempura Momiji)

Vào mùa thu, cả Nhật Bản ngập trong sắc đỏ của những chiếc lá phong. Và trong thời tiết se lạnh ấy, người Nhật lại có thói quen thưởng thức Tempura Momiji – món ăn được chế biến từ chính lá phong.

Tempura Momiji dù đã qua công đoạn tẩm bột, chiên, nhưng nó vẫn giữ nguyên được hình dáng của chiếc lá phong ban đầu. Điều đó cho thấy được quá trình chế biến Tempura lá phong đòi hỏi rất nhiều công sức với thời gian chuẩn bị lên tới cả năm trời.

Ban đầu, người Nhật Bản lên núi vào mùa lá phong để nhặt những chiếc lá rụng. Họ sẽ lựa địa điểm thật kỹ, chọn những chiếc lá sạch, ít rách để Tempura ngon, đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, những chiếc lá được chọn để làm Tempura phải là lá màu vàng vì lá phong vàng có gân lá mềm hơn, dễ ăn hơn và khi ướp với muối cũng không bị đổi màu. Sau khi nhặt về, nguời Nhật sẽ rửa thật sạch lá phong rồi đem ướp muối và ủ trong khoảng 1 năm. Công đoạn ướp muối này giúp lá mềm, mất vị hăng và khi chiên giòn mang lại vị đậm đà hơn. Một năm sau khi đã đủ thời gian ủ thì họ sẽ cắt cuống lá, rửa sạch muối rồi tẩm với bột có đường và mè rồi cho vào chảo ngập dầu chiên lên, tạo thành món Tempura lá phong nổi tiếng này.

Du khách nếm thử món ăn này sẽ cảm nhận được một độ giòn đặc trưng với hương vị mặn, ngọt, thêm chút bùi pha thêm chút ngậy của mè khiến du khách nhớ mãi không quên.

Cơm gạo mới (Shinmai)

Shinmai hay còn được gọi là “lúa mới” (vụ thu hoạch lúa đầu tiên vào mùa thu). Loại gạo này được cho là mềm, ngọt và có hương vị hoàn toàn khác biệt so với lúa thu hoạch ở các thời điểm khác và chỉ có vào tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

Món cơm gạo mới Shinmai được nấu kèm với nấm, hạt dẻ, khoai lang hoặc đặc biệt hơn là loại hạt bạch quả chỉ có vào mùa thu. Trong tiết trời mùa thu, thưởng thức món gạo mới sẽ cho thực khách những trải nghiệm ẩm thực đặc biệt và cảm nhận được sự tinh tế trong nền ẩm thực Nhât Bản.

Hạt dẻ (Kuri)

Kuri là một loại hạt có hương vị đặc trưng và phổ biến của mùa thu Nhật Bản. Với hương vị ngọt ngào và thơm ngậy đặc trưng, hạt dẻ được rang như một món ăn nhẹ (Yaki-kuri) hoặc nấu cùng với cơm (Kurigohan). Hạt dẻ cũng được sử dụng trong một số đồ ngọt truyền thống của Nhật Bản, trong đó phổ biến nhất là Kuri kinton – một loại kẹo được chế biến với thành phần là hạt dẻ được hấp, nghiền và trộn lẫn với đường, tuy đơn giản nhưng loại kẹo này lại có hương vị rất thơm và đặc trưng, được trẻ em lẫn người lớn đặc biệt yêu thích nhất là khi thu về.

Bánh hạt dẻ có tên gọi là Wagashi Kuri Manju cũng rất được ưa chuộng. Những người thợ sẽ trộn hạt dẻ cùng với bột, kết hợp thêm một số loại nguyên liệu khác nữa để cho ra đời một món bánh hạt dẻ với màu vàng óng, thơm mùi của bột, của hạt dẻ.

Quả Hồng (Kaki)

Hồng là loại trái cây đại diện cho ẩm thực Nhật Bản khi tiết trời vào thu. Chúng ngọt, mềm và trông hơi giống cà chua. Kaki được ưa chuộng nhất là ăn trực tiếp giống như những loại hoa quả khác, phần thịt thơm lừng, mềm dẻo sẽ mang đến một hương vị đặc trưng rất riêng khiến du khách cảm nhận mùa thu đan lan tỏa trong từng giác quan.

Quả hồng cũng có thể được phơi khô để làm thành mứt với hương vị lạ miệng hơn. Các quả hồng khi đã đủ lớn người dân sẽ thu hoạch xuống sau đó đem đi gọt vỏ, phơi khô để làm mất đi vị chát. Người ta sẽ treo hồng vào những sợi dây dài và treo lủng lẳng ở trước hay bên hông nhà cho hồng tự khô bằng gió. Đấy sẽ trở thành món hồng sấy dẻo cực kỳ ngon, cắn miếng hồng dẻo dẻo lại ngọt ngọt, nhấp thêm vài ngụm trà như cuộn cả mùa thu của Nhật vào miệng vậy.

Quả Lê Châu Á (Nashi)

Nashi là một loại trái cây phổ biến khác của Nhật Bản trong mùa thu. Do có độ axit thấp và hàm lượng đường cao nên loại lê này rất ngọt và dễ ăn. Nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là phương Tây đến đây chỉ để thưởng thức loại quả ngọn ngọt chỉ có vào mùa thu này.

Khoai lang nướng (Yakiimo)

Hương thơm lan tỏa từng ngóc ngách của những củ khoai lang nướng nhắc nhở người Nhật rằng mùa thu đã đến. Vào thời điểm này, khoai có độ dẻo, vị ngọt và thơm rất hấp dẫn. Thêm vào đó khi nướng trên ngọn lửa than, lớp vỏ cháy xém mang đến chút bùi bùi đầy kích thích.

Vao mùa thu ở “xứ Phù Tang”, khoai lang được nướng và bán ở nhiều nơi từ cửa hàng tiện lợi trên đường phố cho đến quầy hàng thực phẩm tại các lễ hội… Du khách có thể tìm thấy nhiều biến thể và hương vị khác nhau của khoai lang nướng trên khắp Nhật Bản, từ khoai lang đỏ, vàng hay tím (loại khoai đặc biệt nổi tiếng ở Okinawa). Dưới tiết trời se se lạnh của mùa thu Nhật Bản mà được quây quần bên bạn bè, người thân và thưởng thức vài củ khoai lang nướng nóng hổi, thơm ngon thì quả là một trải nghiệm đáng nhớ!

Khoai lang nghiền (Suiito Poteto)

Ẩm thực mùa thu Nhật Bản không thể bỏ qua món khoai lang nghiền rất được phụ nữ Nhật yêu thích khi vào đầu thu. Món khoai lang nghiền sẽ mang đến cho du khách hương vị quyến rũ của khoai, bơ, đường và khiến du khách phải siêu lòng ngay từ miếng đầu tiên.

Bánh bí đỏ

Một món ăn vặt phổ biến nhất khắp mọi đường phố ở Nhật Bản vào mùa thu chính là bánh bí đỏ chiên giòn. Đây là hương vị gắn bó từ thời thơ ấu của nhiều người với cái ngọt béo, giòn tan đan xen một cách hài hòa. Ngoài kiểu chế biến Croquette, trộn cùng thịt rồi lăn qua lớp bột gia vị để tạo thành cuộn bánh nhỏ giòn ruộm, thì bí đỏ cũng được dùng trong các món súp, hầm hay cà ri…

Bánh nướng Momiji Manju

Bánh nướng Momiji Manju là một phiên bản khác bánh rán Doraemon. Đây là loại bánh có tạo hình là chiếc lá phong với nhân mứt và đậu đỏ azuki bên trong. Chiếc bánh này xuất hiện từ đầu những năm 1900 và đã sớm trở thành món ăn mùa thu nổi tiếng tại Nhật Bản, hay còn gọi là mùa lá phong đỏ.

Vỏ bánh được làm từ loại bột truyền thống từ lúa mì, trứng, đường và mật ong. Sau đó hỗn hợp được nướng trong khuôn hình lá phong, biểu tượng của chiếc lá trong mùa hút khách du lịch ở Nhật Bản. Hiện nay, loại bánh này có nhiều biến tấu về hương vị như vỏ từ kem trứng sữa, trà xanh và đậu đỏ.

Ẩm thực mùa thu Nhật Bản khá đa dạng và phong phú nhưng vẫn mang một hương vị đặc trưng rất riêng mà không phải nơi nào cũng có, và càng đặc biệt hơn khi du khách thưởng thức chúng trong tiết trời se se lạnh. Dưới tiết trời se se lạnh, hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên đầy thơ mộng của “xứ Phù Tang” và thưởng thức các món ăn thơm ngon thì còn gì tuyệt vời bằng! Hãy du lịch Nhật Bản và trải nghiệm ngay nhé!