Top 17 bộ phim Nhật Bản mang đến sự thỏa mãn thị giác lẫn vị giác cho khán giả

Ẩm thực luôn là một đề tài thu hút những nhà làm phim muốn thử thách và khám phá bởi tính sáng tạo và thẩm mỹ tinh tế qua từng món ăn. Với một đất nước có nền ẩm thực phong phú như Nhật Bản, thì đây quả là kho tàng để những người làm nghệ thuật khai thác.

Nền ẩm thực Nhật Bản luôn “ghi điểm” bởi hương vị tươi ngon và sự tinh tế trong việc tôn vinh trọn vẹn nét tinh hoa từ món quà của thiên nhiên. Và vẻ đẹp của ẩm thực đã được khắc họa một cách sống động, giàu chất điện ảnh, hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc qua nhiều tác phẩm truyền hình.

Từ câu chuyện về cuộc sống, người Nhật đã làm nên những bộ phim ý nghĩa về việc thưởng thức và nấu nướng. Dưới đây là loạt bộ phim truyền hình “tẩm bổ” đôi mắt của du khách và truyền tải những thông điệp ý nghĩa thông qua đồ ăn, thức uống:

1 – Watashitachi wa Douka Shiteiru (2020)

Kịch bản của bộ phim được chuyển thể từ cuốn Manga cùng tên của tác giả Natsumi Ando, xoay quanh mối quan hệ yêu hận tình thù của Nao Hanaoka (Minami Hamabe) và Tsubaki Takatsuki (Ryusei Yokohama). Chàng và nàng vốn là thanh mai trúc mã, lớn lên bên nhau tại một tiệm bánh Wagashi cổ. Thế nhưng, một biến cố đã xảy ra chia tách họ, mẹ Nao bị buộc tội sát hại bố của Tsubaki và sau đó đã qua đời trong nhà tù. Nao mang mối hận mà trưởng thành, sau đó vì muốn rửa oan cho mẹ mà cô đã đồng ý làm vợ của nam chính. Và từ đây, những chuyện kỳ bí trong gia đình dòng họ Takatsuki danh giá dần được hé lộ.

Ngoài câu chuyện tình đẹp đầy trắc trở của Nao và Tsubaki, phim còn khai thác về nghề làm bánh Wagashi. Mỗi chiếc bánh được tạo hình và bài trí tuyệt đẹp, hiện lên tinh tế, tỉ mỉ trong từng khung hình và mang một câu chuyện, ý nghĩa riêng biệt.

2 – The Curry Songs (2020)

Một đĩa cà ri để bắt đầu điều kỳ diệu, kết nối hai trai tim cô đơn của hai người đàn ông. Đây là điều mà tác phẩm “The Curry Songs” muốn gửi gắm đến người xem. Cà ri có thể chữa lành, xoa dịu nỗi đau về tâm hồn như cái cách mà món ăn này mang đến cho cuộc sống của Yoichiro (Shinnosuke Mitsushima) và Nita (Ouji Suzuka).

Yoichiro là một người từng bị bỏ rơi từ lúc còn bé, không nơi nương tựa, anh phải học cách sống tự lập trong cô độc. Định mệnh đưa anh tình cờ gặp gỡ với một sinh viên đại học nhút nhát, mang trong mình khát khao trở thành nghệ sĩ nổi tiếng – Nita.

Hai con người không tương đồng và xa lạ đó đã thành tri kỷ chỉ qua một đĩa cà ri. Và từ đây bắt đầu một hành trình mới với hai nam chính khi họ hiểu được những bài học “rất đời”, cảm nhận được sự ấm áp, an nhiên thanh thản qua món cà ri thơm phức nóng hổi.

3 – Grande Maison Tokyo (2019)

“Grande Maison Tokyo” là một bộ phim về ẩm thực Nhật Bản rất đáng xem, nhiều khán giả nhận xét sau khi xem là chỉ muốn lập tức sang ngay đất nước này để thưởng thức ngay lập tức.

Nội dung nói về một đầu bếp tài năng – Obana Natsuki nhưng một lần xui rủi đã gây nên một vụ ngộ độc thực phẩm khiến cả nước chấn động, từ đó anh cũng bị thực khách quay lưng. Obana Natsuki rất tức giận vì mình bị chơi xấu sau lưng nên đã quyết định gây dựng lại sự nghiệp từ con số không và tìm ra kẻ chủ mưu đứng sau vụ này. Bên cạnh việc đi tìm chính nghĩa của nhân vật chính thì phim cũng mang đến cho khán giả những phân cảnh quay món ăn vô cùng hấp dẫn, tinh tế và truyền tải đến người xem rằng sau mỗi món ăn chính là tâm huyết của người đầu bếp.

4 – Kinou Nani Tabeta (2019)

Phim mang đến cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, bình yên và tan chảy cùng những bữa ăn ngon của hai ông chú: Shiro (Hidetoshi Nishijima) và Kenji (Seiyo Uchino). Họ là một cặp đôi trung niên đồng tính, ngày ngày ở bên nhau tận hưởng những bữa cơm gia đình ấm cúng.

Tình yêu của hai người không chứa nhiều yếu tố lãng mạn hay cháy bỏng đam mê, nó cứ chầm chậm, bình dị trôi qua, mỗi ngày đều êm đềm và yên ả. Mối quan hệ ấy bao quanh bởi những khung cảnh nấu nướng hằng ngày của hai người đàn ông, họ tỉ tê tâm sự, kể cho nhau nghe về nỗi buồn, niềm vui sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Mối tình rất đỗi dịu dàng và đáng yêu này sẽ giúp khán giả detox tâm hồn mình, tìm về những điều hạnh phúc giản đơn ở đời thường để khởi đầu một năm mới nhẹ nhàng, bình an.

5 – Pelican: 74 Years of Japanese Tradition (2017)

Bộ phim tài liệu này xoay quanh một tiệm bánh cổ đã hoạt động ở Asakusa hơn 70 năm. Bộ phim kể về sự nỗ lực không ngừng nghỉ để gìn giữ tinh thần thủ công truyền thống trong từng sản phẩm. Tiệm bánh đã thành công khi luôn thu hút lượng lớn khách hàng đến mua mỗi ngày. Bánh mì trắng và bánh cuộn là món ruột của tiệm bánh được làm từ những người thợ chân truyền thế hệ thứ hai.

6 – Otoko Meshi (2016)

Otoko Meshi nói về cậu sinh viên đại học Wakamizu Ryota với cuộc đời đầu sóng gió, vừa thất nghiệp, tính tình lại yếu đuối. Trong một lần đi phỏng vấn xin việc không may Wakamizu Ryota lại bị kéo vào một vụ thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng xã hội đen, trong cái rủi lại có cái may khi anh cứu được ông trùm Yanagiba Ryuichi.

Lúc này, Wakamizu Ryota đã quyết định che giấu Yanagiba Ryuichi trong nhà của mình khỏi những kẻ thù ngoài kia. Không ngờ rằng ông trùm này lại là một bậc thầy về nấu ăn, Yanagiba Ryuichi đã sử dụng thức ăn còn thừa trong tủ lạnh và chế biến ra rất nhiều món ăn khác nhau. Cũng từ đây hàng loạt các món ăn ngon cùng câu chuyện oái oăm về ông trùm giỏi nấu ăn và anh chàng thất nghiệp bắt đầu.

7 – Mare (2015)

Bộ phim thuật lại hành trình trưởng thành của Mare Tsumura (Tao Tsuchiya), từ cô nữ sinh mang theo ước mơ hoài bão đến học việc cho tới khi trở thành bà chủ tiệm bánh ngọt tại Noto.

Cô thôn nữ Mare trải qua biết bao biến cố mà đến Tokyo lập nghiệp, tại đây cô đã nỗ lực tìm thấy hạnh phúc cho mình, đạt được thành công trong sự nghiệp làm bánh cũng như có một cuộc tình đẹp như mơ với chàng trai Keita (Kento Yamazaki).

Thông qua quá trình học làm bánh của Mare, phim đã vẽ nên một câu chuyện lãng mạn, gần gũi và thể hiện rõ tinh thần không bỏ cuộc, luôn chiến đấu hết mình vì ước mơ của người trẻ. Bộ phim “Mare” đưa khán giả hòa mình vào không gian bình dị mà thơ mộng cùng sự ngọt ngào đến “lịm tim” từ những chiếc bánh đẹp mê ly.

8 – Tenno no Ryouriban (2015)

Với “Tenno no Ryouriban”, người hâm mộ sẽ được chiêm ngưỡng tài năng ẩm thực của “lãng khách Kenshin” Sato Takeru. Nam diễn viên trẻ tài năng đã chứng minh được khả năng biến hóa đa dạng qua các dạng vai diễn khác nhau.

Anh vào vai Tokuzo Akiyama, một chàng thanh niên trẻ sống ở vùng nông thôn, các món ăn hàng ngày cũng chỉ là rau, đồ mặn mang hương vị quê nhà. Có lần anh nếm được vị thịt bò, đầu lưỡi tê cứng, trái tim thì loạn nhịp, anh biết chắc rằng mình đã bị món ăn “bỏ bùa”. Từ đó, anh bắt đầu nghiên cứu các món ăn của Châu Âu, thực hiện thì càng khó hơn, để tìm đuọc nguyên liệu tốt nhất phải bỏ ra khá nhiều tiền, cách chế biến thì khác xa quê hương mình. Anh không ngại khó khăn ngày đêm luyện tập, mọi người xung quanh kì thị bảo anh ăn theo phương Tây làm mất truyền thống Nhật Bản, anh mặc kệ những lời dèm pha đó, hôm nay người ta hiểu lầm mình ngày mai lại hiểu lầm, chắc gì ngày mốt đã hiểu nhưng anh vẫn là anh, vẫn đam mê nấu ăn không ngừng. Cuối cùng anh đã thành công và trở thành một đầu bếp giỏi của nhà hàng Pháp và không quên phát huy ẩm thực nước nhà, anh trở về đứng tại vị trí đầu bếp Hoàng gia của đất nước Nhật Bản khi mới ở tuổi 26.

9 – An Sweet Bean (2015)

An Sweet Bean không chỉ là một bộ phim về ẩm thực Nhật Bản hay mà nó còn mang đến những câu chuyện về tình người ý nghĩa. An Sweet Bean muốn gửi gắm đến thông điệp về sự kiên trì, tỉ mỉ trong quá trình chế biến món ăn.

Bộ phim nói về tiệm bánh nhỏ ế ẩm của Sendotaro, ở đây chỉ bán duy nhất một loại bánh có tên gọi là “An”. Ngày nọ, có bà lão đến xin vào làm tại tiệm bánh, Sendotaro tìm cách từ chối vì ngón tay bà dị tật như thế thì sao làm được chiếc bánh ngon. Sự thành ý của bà cũng đã lay động được ông chủ, ông nhận bà vào và đặt thử thách cho bà là làm ra chiếc bánh đầu tiên giống của tiệm. Khi bắt tay vào việc, cung cách của bà cứ như người chuyên nghiệp vậy, cuối cùng chiếc bánh đầu tiên ra lò. Vẻ ngoài thì giống nhưng bên trong bà đã thay đổi lại bằng nhân đậu nhuyễn, điều đó đã làm thay đổi cái nhìn về bà. Khi đưa sản phẩm mới ra bán thử nghiệm, khách quen cho lời khen, họ truyền tai nhau bánh ở đây rất đặc biệt nên dần dần tiệm bánh trở nên đông khách.

10 – Little Forest (2015)

Nổi bật giữa hàng loạt những phim về ẩm thực cầu kì, sang trọng là Little Forest, bộ phim “xanh” và “thiên nhiên” nhất. Được chuyển thể thành 4 phần – mùa hạ, mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Phần Hạ và Thu ra mắt tháng 8/2014, phần Đông và Xuân công chiếu tháng 2/2015.

Nhân vật xuyên suốt trong bộ phim Little Forest là Ichiko (Hashimoto Ai) sống ở một thành phố lớn, trở về quê nhà Komori, nằm ở miền núi thuộc vùng Tohoku. Hàng ngày, Ichiko sống tự cung tự cấp giữa thiên nhiên và nấu những món ăn làm từ các nguyên liệu theo mỗi mùa.

Phim có thời lượng khá dài, nội dung không kịch tính của dòng phim slice of life (cuộc sống thường ngày) lại khiến người xem chẳng thể rời mắt bởi thiên nhiên hiện lên trong phim đẹp ngây người. Những món ăn đều được nấu từ sản phẩm thiên nhiên đặc trưng qua mỗi mùa.

11 – Osen (2014)

Osen là một bộ phim truyền hình tình cảm hài hước về đề tài ẩm thực của đạo diễn Mikami Eriko phát hành vào năm 2014.

Nội dung bộ phim xoay quanh người phụ nữ xinh đẹp tài giỏi tên là Osen hiện đang sở hữu một nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn truyền thống tại Nhật Bản. Cô và các đầu bếp của nhà hàng thường xuyên tham gia các lễ hội và cuộc thi nấu ăn toàn quốc nhằm đánh bật những món ăn lai tạp đến từ nơi khác trên thế giới.

Qua câu chuyện của Osen, phim truyền tải thông điệp “rất đời” và sâu sắc, khuyên mỗi người hãy sống chậm lại, biết trân trọng những giá trị truyền thống đã dần bị lãng quên trong một xã hội đang phát triển quá vội vã.

12 – Jiro Dreams of Sushi (2011)

Đây là một phim tài liệu của đạo diễn David Gelb ra mắt vào năm 2011. Bộ phim kể về Ono Jiro, một bậc thầy về Sushi ở Tokyo. Mặc dù đã gần 90 tuổi, nhưng ông vẫn không ngừng sáng tạo để mang đến món Sushi theo tiêu chuẩn riêng của mình.

Nhà hàng tiêu chuẩn 3 sao Michelin Sukiyabashi Jiro của ông luôn đông khách, nhiều khi phải đặt chỗ trước nhiều ngày dù giá cao ngất ngưởng. Hành trình theo đuổi không ngừng nghỉ của ông Ono Jiro trên con đường hướng tới sự hoàn hảo về ẩm thực có nhiều gian nan, nhưng ông vẫn quyết tâm để giành được thành quả.

13 – Shinya Shokudo (2009 – 2019)

Bộ phim được chuyển thể từ Manga cùng tên của Yaro Abe vào năm 2009, sau đó đã trở thành một series với 5 phần phim truyền hình và 2 phần phim điện ảnh.

“Shinya Shokudo” mang nội dung đơn giản, khắc họa công việc của ông chủ một quán ăn chỉ mở cửa từ 12 giờ khuya đến 7 giờ sáng, thực khách đến quán gọi ông là “Master”.

Mỗi tập phim là từng câu chuyện gắn với một món ăn được thực khách yêu cầu. Những vị khách đến quán đủ mọi thành phần trong xã hội, ở đây mọi thân phận và định kiến được gỡ bỏ, mọi người đến để ăn, tâm sự và sống thật với chính mình giữa thành phố phồn hoa, náo nhiệt.

Những món ăn mà Master tạo ra gắn liền với ký ức của mỗi vị khách, mang theo hương vị của hoài niệm, thương nhớ từ những gì đã qua. Không chỉ là để lấp đầy chỗ trống trong dạ dày mà quan trọng hơn, tâm hồn họ cũng tìm được chốn an trú.

14 – Nankyoku Ryorinin (2009)

Có lẽ trong số các bộ phim ẩm thực, “Nankyoku Ryorinin” là một trong những phim có đầu bếp “vượt khó” nhất. Phim xây dựng dựa trên những tiểu luận tự truyện của bếp trưởng Jun Nishimura – một trong những thành viên của đoàn nghiên cứu Nam Cực gồm 8 người Nhật Bản. Jun Nishimura do nam diễn viên tài năng Sakai Masato thể hiện, đã nấu các món ăn tuyệt ngon và vô cùng hấp dẫn tại trạm Dome Fuji, nơi đội dừng chân để nghiên cứu với điều kiện nhiệt độ âm 54°C.

Không chỉ có những món ăn đặc sắc được nấu bởi người bếp trưởng tài hoa, phim còn khắc họa thành công ảnh hưởng của anh tới cả nhóm, làm nổi bật vai trò của ẩm thực trong việc gắn kết cộng đồng và gợi nhớ về gia đình. Sống giữa nơi có điều kiện khắc nghiệt, các thành viên trải qua nhiều gian khó nhưng họ vẫn không cảm thấy đơn độc.

15 – Kamome Shokudo (2006)

Kamome Shokudo là bộ phim đầu tiên của Nhật Bản được quay hoàn toàn tại Phần Lan. Bộ phim kể về cuộc sống của cô gái Nhật Bản Sachie tại thị trấn Helsinki, Phần Lan.

Sachie đã nỗ lực để giới thiệu cơm nắm Onigiri, “món ăn linh hồn” của đất nước Nhật Bản, cho người dân địa phương. Mạch phim là hàng loạt những tình huống hài hước nhưng không kém phần tình cảm. Quán cafe nơi bộ phim được quay hiện trở thành một điểm thu hút khách du lịch.

16 – Tampopo (1985)

Đây là một bộ phim hài đỉnh cao của Nhật Bản về chủ đề ẩm thực phát hành vào năm 1985. Với tài năng tuyệt vời của mình, đạo diễn Juzo Itami đã đem đến cho người xem cái nhìn chân thực nhất về sự kết nối giữa ẩm thực và đời sống hàng ngày của con người Nhật Bản.

Bộ phim “Tampopo” quảng bá món mì truyền thống của Nhật Bản. Vai chính là Tampopo, người phụ nữ kiên cường đã làm cho món mì Ramen trở nên thật nổi tiếng. Thường thì Ramen ăn nhiều rất dễ ngán bởi vị bột trên sợi mì, qua đôi tay xử lý khéo léo của cô cùng với nước dùng đặc biệt đã khiến thực khách đến đây ăn nhiều hơn. Chưa dừng lại ở đó, mì thì chỉ một nhưng nước dùng có thể chế biến nhiều vị khác nhau. Cô dày công thực hiện để tìm ra nhiều hơn vị nước dùng cho món mì Ramen đặc trưng của quán. Cô không tham lam chế biến quá nhiều món ăn mà chỉ trung thành với món mì này. Cô đã thành công với ước mơ của mình, cuộc đời cho cô tài năng nấu nướng nhưng cướp đi sức khỏe của cô, trước khi mất Tampopo cố gắng nấu hoàn thành bữa cơm cho gia đình. Đây sẽ là mùi vị để đời trong lòng gia đình cô.

17 – The Flavor of Green Tea Over Rice (1952)

Qua “lăng kính” nghệ thuật độc đáo của đạo diễn bậc thầy người Nhật – Yasujirô Ozu, ái tình và đời sống hôn nhân hiện lên trong “The Flavor of Green Tea Over Rice” chứa đựng không ít tầng ý nghĩa riêng biệt.

Bộ phim xoay quanh cuộc sống gia đình của một người vợ thượng lưu và một người chồng quê mùa, không có chung sở thích cũng như thói quen sống. Người vợ, Taeko, không thích Ochazuke, món ăn mà chồng cô Mokichi gọi là “bữa ăn của dân gian”, nhưng một lần Mokichi phải đi công tác nước ngoài, cuối cùng cô nhận ra rằng cô nhớ anh và hương vị món ăn đó đến nhường nào.

Ochazuke là một món ăn bao gồm dưa chua, các đồ ăn kèm khác ăn cùng cơm và nước trà xanh được đổ lên trên. Đây là một bữa ăn bình dị, quen thuộc của người dân Nhật Bản.

Văn hóa nghệ thuật cũng như nền ẩm thực Nhật Bản quả thực có nhiều điều thú vị khiến nhiều người phải thích thú. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành thời gian khám phá thêm nhé!