Trải nghiệm Thiền vào buổi sáng ở Nhật Bản

Du lịch Nhật Bản, ngoài việc thăm thú những điểm tham quan nổi tiếng, thì tham gia những hoạt động trải nghiệm văn hóa cũng là một trong những hoạt động thú vị mà nhiều khách nước ngoài muốn thực hiện. Đặc biệt trong số đó không thể không kể đến hoạt động Thiền vào buổi sáng (Asazazen) tại các đền, chùa trên khắp “xứ Phù Tang”. 

Trong tiếng Nhật, Thiền được gọi là “坐禅” (zazen), trong đó từ “坐” (za) chỉ hành động ngồi. Những người tham gia Thiền cần phải ngồi ở một tư thế ổn định, không bị xê dịch để tinh thần được thống nhất. Từ “禅” (zen) tức là “thiền”, trong tiếng Phạn, “zen” còn có nghĩa là “yên tĩnh”, tĩnh tâm để cơ thể, hơi thở và tâm trí được thống nhất với nhau. Tóm lại, có thể hiểu Thiền là hành động ngồi ở một tư thế ổn định, điều hòa hơi thở để cơ thể và tâm trí đạt được trạng thái cân bằng, thư thái, loại bỏ tất cả mọi suy nghĩ, căng thẳng để đem đến sự bình yên trong tâm hồn.

Thiền được cho là xuất hiện ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 5 TCN bởi Đức Phật Thích Ca – người đã đạt được giác ngộ thông qua Thiền. Sau đó, Thiền dần lan rộng sang Trung Quốc và được du nhập vào Nhật Bản khoảng thế kỷ 13 và đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa Nhật Bản. Cho đến nay, đã có hơn 20.000 ngôi đền tại Nhật Bản tiếp nhận và thực hành Thiền định như một nghi thức không thể thiếu hàng ngày. ​​

Eisai và Dogen chính là những người tiên phong trong việc truyền bá Thiền vào Nhật Bản. Đến đầu thời kỳ Kamakura, khoảng thế kỷ 13, Thiền trở thành một tông phái độc lập ở Nhật Bản. Thiền sư Eisai là người đặt nền móng cho thiền phái Rinzai – Thiền phái đầu tiên ở Nhật Bản. Thiền phái này đã nhận được sự ủng hộ của tầng lớp thượng lưu như quý tộc và Samurai thời bấy giờ và đã có rất nhiều ngôi chùa và đền thực hiện Thiền theo phái này. Trong khi đó, Dogen sau một khoảng thời gian huấn luyện dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Eisai tại Chùa Kenninji, đã quyết định sang Trung Hoa lĩnh hội kiến thức. Khi trở về Nhật Bản, ông đã sáng lập ra Thiền phái Soto – sau khi Thiền phái Rinzai ra đời khoảng 30 năm. Đây là hai Thiền phái chính phổ biến tại Nhật Bản cho đến ngày nay.

Hai Thiền phái này đều có mục tiêu giống nhau đó là điều chỉnh tâm trí, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, đối mặt với thực tế để nhận thức được mọi thứ trên thế gian này đều là vô thường. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn giữa giáo phái Rinzai và Soto là hướng ngồi. Trong khi phái Rinzai thực hiện Thiền với bức tường ở phía sau, thì phái Soto lại ngồi đối diện với bức tường phía trước.

Thiền mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, thậm chí còn được coi như “liều thuốc” giải tỏa căng thẳng. Đây cũng chính là lý do ngày nay, Thiền trở nên ngày một phổ biến hơn. Lợi ích đầu tiên phải kể đến việc ngồi thiền giúp cải thiện tư thế ngồi, đặc biệt đối những người bị đau lưng và cột sống do thường xuyên phải ngồi trước máy tính, hoặc thường xuyên vận động và sinh hoạt không đúng tư thế. Khi thực hiện thiền, Thiền giả sẽ phải ngồi thẳng lưng, nhờ đó cột sống dần được cải thiện do ngồi đúng tư thế và không còn đau nhức nữa.

Ngoài ra, buổi sáng sớm là thời điểm lý tưởng nhất để Thiền vì đây là khoảng thời gian yên tĩnh nhất trong ngày, cho phép chúng ta có thể bắt đầu Thiền một cách hiệu quả với một tâm thế thoải mái và thư giãn. Bên cạnh đó, thiền còn giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng và lo âu, đồng thời tăng khả năng tập trung, giảm lo lắng và căng thẳng, là một khởi đầu hoàn hảo để bắt đầu một ngày mới. Thông qua việc kiểm soát hơi thở, Thiền giúp mọi người thư giãn và thả lỏng cơ thể cũng như tĩnh tâm hơn. Đặc biệt, tiến hành thiền vào buổi sáng sẽ giúp tinh thần sảng khoái, có thể bắt đầu một ngày mới một cách lạc quan và tích cực. Đây cũng là một trong những lý do phổ biến nhất mà mọi người tìm đến Thiền vào sáng sớm.

Hơn thế nữa, sáng sớm cũng là thời điểm tuyệt vời để nhìn lại bản thân và đề ra những mục tiêu cần phải đạt được trong ngày. Qua hoạt động thiền, chúng ta có thể đối mặt với những xung đột bên trong và suy nghĩ về những mục tiêu mà chúng ta thực sự muốn hướng tới. Thay vì tìm đến các giải pháp tạm thời cho các vấn đề của cuộc sống, thiền hướng mọi người đến việc tập trung vào các vấn đề cốt lõi và giúp chúng ta nhận ra rằng chìa khóa thực sự nằm trong tiềm thức của mình. Việc nhận thức được mọi thứ trên thế gian này đều là vô thường giúp chúng ta có thể đón nhận mọi thứ một cách bình tĩnh và luôn giữ được tinh thần lạc quan. Nhờ đó mà chúng ta sẽ bắt đầu buổi sáng sớm với một tâm thế thanh thản hơn, nhận thức rõ những mục tiêu mà bản thân đang hướng tới.

Với nhiều đền, chùa lớn có lịch sử lâu đời, Thiền đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa của Nhật Bản mà mỗi khách nước ngoài khi đến với “xứ Phù Tang” đều nên trải nghiệm một lần. Hãy cùng chúng tôi trải nghiệm Thiền tại những đền, chùa ở Tokyo sau đây:

  • Chùa Korin-in (Địa chỉ: 5-1-21 Hiroo, Shibuya-ku, Tokyo)

Kourin-in là một ngôi chùa thuộc Thiền phái Rinzai, được xây dựng vào năm 1668. Ngôi chùa này chỉ cách ga Hiro-O trên tuyến Hibiya khoảng 3 phút đi bộ nên đây là một địa điểm Thiền định buổi sáng tuyệt vời dành cho người Nhật trước khi đi làm hoặc đi học. Chùa Kourin-in tổ chức Thiền vào buổi sáng tất cả các ngày trong tuần. Sau mỗi buổi thiền, du khách có thể nán lại thưởng thức một tách trà và giao lưu, trò chuyện với người trụ trì của ngôi chùa.

  • Chùa Sozen-ji (Địa chỉ: 2-8-20 Kawasaki, Hamura-shi, Tokyo)

Chùa Sozen-ji cổ kính nằm ở khu vực Hamura của Tokyo. Ngôi chùa này thuộc phái Rinzai và được thành lập vào năm 1615. Không chỉ là nơi để cầu nguyện, Sozen-ji còn thường xuyên tổ chức các buổi thiền vào buổi sáng Chủ nhật hàng tuần. Tham gia hoạt động thiền tại ngôi chùa này, du khách không những được tĩnh tâm, thư giãn mà còn được trải nghiệm nghe đọc kinh tại tháp chuông và thưởng thức món cháo chay cho bữa sáng sau khi Thiền định.

  • Chùa Enyuuji (Địa chỉ: 1-22-22 Himonya, Meguro-ku, Tokyo)

Nằm tại khu vực yên tĩnh ở Meguro, Enyuuji là một ngôi chùa theo giáo phái Tendai và được cho là thành lập cách đây khoảng 1.150 năm vào thời kỳ Heian. Đặc biệt, điện thờ Shakado tại ngôi chùa này là một trong những tòa kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất tại Tokyo và đã được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia vào năm 1950. Chùa Enyuuji không chỉ thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp cổ kính và thanh bình, mà còn là địa điểm tổ chức Thiền định vào thứ Bảy cuối cùng trong các tháng được nhiều người ghé thăm. Du khách sẽ có cơ hội được nghe pháp thoại khoảng 30 phút tại chính điện trước khi thực hiện Thiền. Ngoài ra, chùa cũng tổ chức Thiền định trực tuyến qua Zoom để những ai không tiện qua chùa cũng có thể tham gia.

  • Chùa Kouonji (Địa chỉ: 1577 Yamatamachi, Hachioji-shi, Tokyo)

Chùa Kouonji thuộc Thiền phái Rinzai, tọa lạc tại khu vực Hachioji của Tokyo, cách ga Yamada trên tuyến Keio Takao khoảng 8 phút đi bộ. Được xây dựng vào năm 1389, ngôi chùa cổ kính này đã hơn 600 tuổi. Chùa Kouonji là một trong 4 ngôi chùa được xây dựng vào cuối thời kỳ Edo và được chỉ định là tài sản văn hóa của thành phố Tokyo. Chùa Kouonji thường tổ chức Thiền định vào Chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng. Những người mới làm quen với bộ môn này cũng có thể tham gia, nhưng cần phải đến trước 30 phút để được hướng dẫn qua về Thiền. Ngoài ra, du khách cũng sẽ có cơ hội nghe pháp thoại và tham gia buổi thưởng trà khi tham gia Thiền tại đây.

  • Chùa Monshuin (Địa chỉ: 3-1578 Kurosawa, Ome-shi, Tokyo)

Monshuin là một ngôi chùa thuộc phái Soto, được thành lập từ năm 1532 – 1555. Ngôi chùa này nằm trong khu vực được bao quanh bởi núi non và thung lũng. Bước vào khuôn viên ngôi chùa, du khách sẽ ngỡ ngàng trước khung cảnh thanh bình của khu vườn với phong cảnh tuyệt đẹp thay đổi theo bốn mùa. Chùa Monshuin tổ chức Thiền định vào các ngày Chủ nhật trong tuần. Du khách sẽ tham gia Thiền từ 5h30 và thực hiện Thiền trong khoảng 40 phút. Sau đó, du khách sẽ được thưởng thức cháo cho bữa sáng và nhâm nhi một tách trà sau khi thiền xong.

  • Chùa Chokoku-ji (Địa chỉ: 2-21-34 Nishiazabu, Minato-ku, Tokyo)

Chùa Chokoku-ji được thành lập năm 1598, nằm thanh tịnh giữa lòng thủ đô Tokyo đông đúc, tấp nập. Tại đây, người ta chia khóa Thiền thành 3 khóa: Khóa cho người mới bắt đầu, Khóa dành cho người đến Thiền từ lần thứ 2 đến lần thứ 5, và khóa Thiền dành cho những người tham gia từ lần thứ 6 trở lên. Nếu không hiểu tiếng Nhật, trong 2 buổi đầu của khóa Thiền, du khách nên đi cùng với người phiên dịch của mình. Từ lần thứ 3 trở đi, khi đã quen với các động tác cũng như nghi thức của thiền, du khách hoàn toàn có thể tự mình tham gia khóa Thiền này.

  • Chùa Seisho-ji (Địa chỉ: 2-4-7 Atago, Minato-ku, Tokyo)

Chùa Seisho-ji được thành lập từ năm 1476, là một ngôi chùa có truyền thống lâu đời tại Tokyo. Đến với Seisho-ji, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm nhiều hoạt động liên quan đến Phật giáo như: Thiền, chép kinh, nghe giảng pháp,… Bên cạnh thời gian tổ chức Thiền hàng tháng, chùa cũng nhận đăng ký thiền cá nhân (không nhận đăng ký tập thể). Tại đây cũng có hướng dẫn chi tiết về Thiền cho người mới bắt đầu.

  • Chùa Toun-ji (Địa chỉ: 4-14-1 Naruse, Machida, Tokyo)

Toun-ji cũng là một trong số những ngôi chùa có lịch sử lâu đời tại Tokyo. Người ta không rõ ngôi chùa được thành lập từ năm nào nhưng Tháp đá Koseijin – một trong những điểm nhấn trong ngôi chùa này được ghi nhận đã hoàn thành từ năm 1532. Chùa Toun-ji có 2 hoạt động tiêu biểu là Thiền và tụng kinh. Đặc biệt, tại đây còn tổ chức buổi Thiền dành riêng cho trẻ em vào 7h00 ngày Chủ nhật thứ 4 hàng tháng. Mỗi tháng, người ta lại tổ chức một sự kiện Phật giáo riêng. Nếu du khách quan tâm đến Thiền cũng như tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo tại Nhật Bản thì ngôi chùa có truyền thống lâu đời như Toun-ji rất đáng để du khách đưa vào danh sách những địa điểm tham quan của mình đấy!

Sau khi hiểu rõ hơn về Thiền cũng như lợi ích của hoạt động Thiền vào buổi sáng đối với sức khỏe, chắc hẳn du khách rất muốn bắt đầu buổi sáng của mình với trải nghiệm thú vị này phải không nào? Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy ghé thăm những địa điểm được giới thiệu trên đây để có những trải nghiệm Thiền buổi sáng thật tuyệt vời nhé!