Nhật Bản là quốc gia sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc và phong phú, với những huyền thoại và sự tích li kì. Niềm tin vào con vật linh thiêng và linh hồn là một trong những chủ đề phổ biến nhất của tín ngưỡng dân gian Nhật Bản. Trong đó, nổi tiếng nhất là “Tứ Thánh Thú” bảo vệ bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc.
“Tứ Thánh Thú” còn được gọi là “Tứ Tượng” bao gồm: Seiryu (Thanh Long) của phương Đông, Suzaku (Chu Tước) của phương Nam, Bạch Hổ (Byakko) của phương Tây và Huyền Vũ (Genbu) của phương Bắc. Theo truyền thuyết thì chúng là do linh khí của buổi sơ khai tụ lại mà thành, đại biểu cho ý chí của Trời và Đất, mang trọng trách trông coi và bảo vệ thế giới này, tránh để nó bị hủy diệt. Mỗi thánh thú cai quản một phương và tượng trưng cho một mùa, chúng có những đặc điểm và nguồn gốc riêng.
1. Seiryu
Seiryu được sinh ra trong thời kỳ hỗn độn, do linh khi thiên địa tích tụ mà thành, là linh thú đứng đầu trong Tứ Đại Thần Thú, là biểu tượng cho sự cao quý vĩnh hằng. Tương truyền, hiện thân của Seiryu là một con rồng mang hai màu xanh dương và xanh lục.
Seiryu có sức mạnh, trí tuệ và quyền uy bậc nhất bởi nó là sự kết hợp từ những đặc điểm mạnh nhất của muôn loài như: đầu rắn, mình hổ, bờm sư tử, trên đầu mọc thêm sừng hươu, mào gà, đuôi giống thằn lằn, tứ chi mọc vuốt chim ưng, toàn thân được bao phủ bởi tầng tầng vảy cá, có thể đi lại tự nhiên trên đất liền, lại có thể bay thẳng lên trời, nuốt gió phun mưa.
Seiryu là biểu tượng của sự hùng mạnh và vĩ đại, nó tỏa ra sức mạnh đáng sợ và bất bại, luôn được yểm trợ bởi những đám mây. Khi thời đại của thánh nhân bắt đầu, tiên giới được thành lập thì Seiryu trở thành thần thú trấn thủ Phương Đông trấn áp tà ma xâm nhập tiên giới, nó trở thành biểu tượng cao quý biểu trưng cho quyền uy tuyệt đối trong tín ngưỡng của người Châu Á nói chung và người Nhật nói riêng.
Thần Seiryu trấn giữ phía Đông của Nhật Bản. Tại Đền Kiyomizu-dera nằm ở phía Đông thành Kyoto, người ta dựng một bức tượng rồng ngay lối vào và tổ chức lễ hội hàng năm, nhằm tôn vinh vị linh thú hộ mệnh. Truyền thuyết còn kể rằng có lần Seiryu đã hiện ra uống nước từ thác nước của ngôi đền.
2. Byakko
Hiện thân của vị thần thú là một con hổ trắng, và cái tên “Byakko” (Bạch Hổ) cũng có ý nghĩa như vậy. Byakko được sinh ra trong thủa hỗn độn hồng hoang, sinh ra từ lúc vũ trụ sơ khai Bạch Hổ hấp thụ linh khí của trời đất, nó nhanh nhẹn, mạnh mẽ, có sức mạnh uy nghiêm và năng lực chiến đấu vượt trội, có thể trấn áp tất cả các loài. Byakko có tính cách đặc trưng là kiên nhẫn nhưng rất dứt khoát. Giống như Seiryu, khi thiên giới thành lập với sức mạnh uy nghiêm, Byakko trở thành một trong Tứ Thánh Thú lãnh trọng trách trấn giữ phương Tây, thu phục tà ma ác quỷ.
Byakko nắm giữ yếu tố kim loại, điều khiển gió và đại diện cho mùa thu. Theo truyền thuyết, thần hổ bảo vệ cho chân lý và sự công bình của loài người. Thần cũng chính là biểu tượng cho sự công bằng và lòng dũng cảm.
Thần hổ không chỉ hỗ trợ quân đội của Hoàng đế chống lại kẻ thù, mà còn chiến đấu với ma quỷ đe dọa người chết trong mồ mả của họ. Vì vậy, trong nghi lễ chôn cất và thờ cúng của giới quý tộc cổ đại như nhà vua và các tướng lĩnh, luôn xuất hiện hình ảnh thần Byakko. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những bức tranh vẽ hình hổ trắng trên những ngôi mộ ở Nara.
3. Suzaku
Suzaku được cho là đẹp và lộng lẫy nhất trong “Tứ Thánh Thú”. Suzaku xuất hiện dưới hình dạng chim phượng hoàng với đôi cánh sải rộng, đuôi dài và đỏ thẫm. Vị thần này thường bị nhầm lẫn với những linh thú có vẻ ngoài tương tự trong truyền thuyết các nước trên thế giới, như: Phượng hoàng Hoo của Trung Quốc hay chim Garuda của Ấn Độ. Không có bằng chứng nào đủ thuyết phục để nói rằng những sinh vật này có mối quan hệ với nhau.
Suzaku sinh ra đã có lòng đại từ, đại bi, bao la quảng đại sẵn sàng quên mình vì nghĩa, vì cứu giúp muôn sinh hỏa quang trên thân nó có khả năng xoa dịu sự cô độc, đau khổ, bi thương. Lông vũ của nó có thể cải tử hoàn sinh, nước mắt của nó có thể hồi sinh cho những sinh vật đã chết. Vì có đức hi sinh, từ bi bao la quảng đại nên khi chết, Đại Bi Tâm của Suzaku có thể phát ra Đại Linh Quang, ánh linh quang hóa thành Tứ Đại Bất Diệt rồi từ đống lửa tro tàn Suzaku có thể hồi sinh, niết bàn từ thân xác đã chết. Là một trong “Tứ Thánh Thú”, Suzaku trên giữ phương Nam ứng với mùa Hạ.
Các kinh đô cổ ở “xứ Phù Tang” như: Fujiwara, Heijo và Heian đều có các cổng phía Nam (Suzakumon – Cổng Suzaku) được bảo vệ bởi biểu tượng của Suzaku. Tuy nhiên, ngày nay, những cánh cổng này không còn được nhìn thấy nữa.
4. Genbu
Cái tên “Genbu” có nghĩa là “chiến binh bóng đêm”. Vị thần này hiện diện trong hình dáng của một con rùa khổng lồ, quấn quanh là một con rắn với chiếc đuôi cực dài. Vỏ rùa là một biểu tượng của trời đất. Phần bằng phẳng bên dưới tượng trưng cho mặt đất, phần vòm cong bên trên là các tầng trời.
Rùa đại diện cho sự trường sinh bất tử, trong khi rắn lại là hóa thân của sự khôn ngoan, linh hoạt, sự sinh sản dồi dào. Hai loài vật cùng tồn tại trong một thực thể, chính là sự cân bằng âm dương. Màu sắc thường thấy của Genbu là màu đen, nhưng khi cần thích nghi trong một số hoàn cảnh, thần cũng biến hóa thành màu vàng hoặc tím.
Thần Genbu điều khiển nguyên tố nước và thống trị vào mùa đông. Cũng như các vị linh thú khác, thần nắm giữ 7 trong số 28 chòm sao, chiếm một phần tư bầu trời. Thần Genbu trấn giữ ở phía Bắc Cung điện Hoàng gia Kyoto, mang năng lượng âm – nguồn năng lượng của bóng tối. Sở hữu chiếc mai rùa trông như một chiếc áo giáp sắt, Genbu còn được coi là một vị thần chiến binh.
Trên đây là “Tứ Thánh Thú” mà người Nhật sùng kính, thờ phụng. Theo thời gian, những yếu tố ly kỳ được thêm thắt xung quanh bốn thần thú bảo hộ, tạo nên những câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ. Cũng chính vì thế mà không chỉ tồn tại trong thần thoại, truyền thuyết, ngày nay, “Tứ Thánh Thú” còn xuất hiện trong tiểu thuyết, Manga, Anime, trò chơi điện tử,… của Nhật Bản và trở nên phổ biến trong đời sống tinh thần người dân. Tiêu biểu có thể kể đến các Anime như: “Fushigi Yugi” và “Yu Yu Hakusho” hay trong nhiều game, mà nổi tiếng nhất là “Final Fantasy XI” đều có sự xuất hiện của Tứ Thần.
Văn hóa Nhật Bản nói chung quả thật có rất nhiều điều thú vị. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành thời gian khám phá và trải nghiệm nhiều hơn về nét văn hóa đặc sắc này nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!