12 món đặc sản chinh phục “tín đồ” ẩm thực của tỉnh Gunma, Nhật Bản

Tỉnh Gunma của Nhật Bản không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp phong phú, mà còn may mắn khi có đất đai màu mỡ cùng thời gian mặt trời chiếu sáng kéo dài nên nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhau được sản xuất quanh năm.

Được biết tới như một nhà sản xuất hàng đầu cung cấp nhiều nguyên liệu tươi ngon khác nhau, từ ngũ cốc như gạo, lúa mì, cho đến các loại rau xanh, trái cây, thịt, cá hay các sản phẩm từ sữa cho các khu vực thành thị, Gunma luôn mang lại một cảm giác an tâm về thực phẩm sạch. Nét độc đáo trong ẩm thực của Gunma cũng đến từ việc đặc sản nơi đây đều sử dụng các nguyên liệu và thành phần được nuôi trồng và sản xuất trực tiếp một cách vô cùng cẩn thận.

Đến với tỉnh Gunma, du khách cũng sẽ có cơ hội khám phá ẩm thực vùng miền độc đáo với những món đặc trưng nổi tiếng như:

1. Mì Okkirikomi

Okkirikomi là một món ăn nóng của địa phương, gồm sợi mì bản rộng được ninh nhừ trong nước súp làm từ nước tương hoặc Miso. Ở một số vùng ở Gunma, nó còn được gọi là “Niboutou”. Các nguyên liệu theo mùa như rau và nấm cũng được thêm vào nên đây là một món ăn rất bổ dưỡng! Nước dùng Dashi gồm nhiều thành phần khác nhau hòa tan vào trong nước súp, tạo nên một bát canh bổ dưỡng thơm ngon. Okkirikomi có đặc trưng là không luộc mì trước, khác với mì Udon và Soba.

Sau khi cắt, sợi mì được cho vào nước dùng và ninh nhỏ lửa. Bột mì dùng để cán bột cũng được cho vào trong nồi để tăng thêm độ sánh và làm ấm cơ thể. Vì vậy, nó cũng từng được coi là một trong những món ăn đặc trưng vào mùa đông ở tỉnh Gunma. Bây giờ, món ăn này đã trở thành hương vị của địa phương và có thể thưởng thức được quanh năm.

2. Mì Soba

Gunma là một trong những vựa lúa mì hàng đầu Nhật Bản, cho nên cũng không có gì lạ khi ẩm thực của địa phương luôn ngập tràn với những lựa chọn đa dạng về các loại mì khác nhau. Người dân ở đây thì thật sự yêu thích đối với tất cả các loại mì sợi, chẳng hạn như: Tatebayashi Udon, Kiryu Himokawa. Tatebayashi Udon với hình dạng sợi mì hơi dẹt, Kiryu Himokawa với sợi mì phẳng dẹt và bề ngang hơi rộng. Những sợi mì “đặc biệt” này góp mặt trong món Soba “đặc sản” của Gunma.

Món mì này dù được ăn nóng hay lạnh cũng đều có một vị ngon đặc trưng không thể bị nhầm lẫn. Nước dùng tuỳ từng nơi mà lại có sự thay đổi khác nhau, vùng Kantō sẽ có vị đậm đà hơn, trong khi Kansai lại thanh nhẹ hơn do nước dùng sử dụng tảo bẹ làm thành phần chính. Tỉnh Gunma nằm trong vùng Kantō, tất nhiên nước dùng Sobatsuyu sẽ được nấu từ nước Dashi, tương Koikuchi, Mirin cùng đường khiến màu sắc và hương vị trở nên đậm đà.

3. Lẩu Sukiyaki

Sukiyaki là một sự kết hợp hoàn hảo giữa nhiều loại rau cùng thịt bò Gunma nổi tiếng. Thành phần hoàn hảo cho Sukiyaki là tất cả các loại rau củ tươi mới được thu hoạch ở Gunma, tỏi tây Shimonita Negi đem lại vị ngọt cùng mùi hương mạnh mẽ đặc trưng, bên cạnh là những nguyên liệu khác như nấm Shiitake, bắp cải xanh hay mì Shirataki,… Và sẽ không gì hoàn hảo hơn Lẩu Sukiyaki được ăn với thịt bò mang thương hiệu của tỉnh Gunma, được xem như một trong những loại thịt bò sở hữu chất lượng cao nhất cả nước. Miếng thịt mềm tan, có vị ngọt và luôn mang lại trải nghiệm tinh tế về hương vị ở một cấp độ hoàn toàn mới cho người thưởng thức.

4. Súp Suiton

Món ăn ngon ở tỉnh Gunma vừa đặc trưng vừa bổ dưỡng chính là súp Suiton. Súp Suiton là sự cân bằng giữa các loại rau củ, thịt gà và bánh bao vừa đảm bảo dinh dưỡng lại đủ no.

Món súp Suiton có nguồn gốc từ lâu đời, nguồn gốc là món mizu-dango có nguồn gốc từ bột mì. Các loại rau củ được hàm ăn cùng với bánh bao. Món súp Suiton của mỗi của hàng khác như vị nước tương, vị Miso. Món súp thường được dùng vào mùa đông.

5. Ginhikari

Ginhikari là một giống cá hồi cầu vồng hạng nhất chỉ được sản xuất và nuôi dưỡng tại tỉnh Gunma. Chúng được nuôi trong điều kiện vô cùng nghiêm ngặt về chất lượng nước, nhiệt độ cũng như điều kiện vệ sinh. Phòng thí nghiệm thuỷ sản của tỉnh Gunma đã dành tới 10 năm để nghiên cứu và tạo nên giống cá Ginhikari này.

Cá hồi cầu vồng thông thường sẽ chỉ mất chưa tới 2 năm để trưởng thành, nhưng giống cá này lại mất tới những 3 năm, nhưng cùng với đó là hương vị thịt có độ ngon nổi trội hơn, hàm lượng EPA và DHA cao hơn rất nhiều, Ginhikari cũng giàu protein và chứa ít chất béo hơn hẳn. Thịt cá có sắc hồng tươi lấp lánh căng mọng và có thể được ăn dưới dạng món Sashimi. Số lượng cá được chế biến rất hạn chế nên những chú cá tuyệt vời này chỉ xuất hiện trong các nhà hàng và khách sạn của tỉnh Gunma mà thôi, vì vậy du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món cá đặc biệt này nhé!

6. Inago no Tsukudani

Món ăn nổi tiếng này được chế biến từ côn trùng, cụ thể là châu chấu rang, vì thế, không phải ai cũng đủ can đảm để ăn. Tuy nhiên, khi đã thưởng thức quen thì du khách sẽ bị “nghiện” ngay đấy!

7. Yakimanju

Yakimanju là món ngọt dùng để ăn nhẹ rất phổ biến và được yêu thích tại Gunma, thế nhưng lại không được mấy ai ở ngoài Gunma biết tới. Đây là một món ăn địa phương rất đơn giản, 4 chiếc bánh được làm bằng bột được xiên que tre, bánh hình tròn có đường kính khoảng 5-6cm với độ dày từ 1-2cm, rưới đẫm nước sốt Miso ngọt cay rồi cẩn thận nướng qua lửa than cho tới khi ngả màu.

Bánh Manju thông thường luôn có lớp nhân ở giữa là mứt đậu đỏ ngọt hoặc nhiều loại nhân khác, nhưng bánh Manju để làm ra món ăn Yakimanju lại chẳng hề cầu kỳ bởi chúng không hề có nhân, những chiếc bánh nhỏ được làm bằng bột lên men với mạch nha từ gạo và hấp lên. Phần nước sốt Miso đậm đà rưới lên bánh cũng được chế biến rất dễ dàng, người ta sẽ dùng Miso, đường và một chút rượu Sake ngọt.

8. Thạch Shimonita Konnyaku

Gunma sản xuất phần lớn Shimonita Konnyaku của Nhật Bản. Konnyaku có độ dai, giàu chất xơ và hầu như không chứa calo. Đây là một nguyên liệu phổ biến cho món hầm Nhật Bản gọi là Oden.

9. Sữa và các sản phẩm từ sữa

Ngoài lúa mì, Gunma còn là nhà sản xuất sữa lớn thứ ba của Nhật Bản. Nguồn sữa tươi dồi dào từ bò được chăn nuôi cẩn thận với quy trình vô cùng khắt khe đã trở thành nhiều phiên bản sản phẩm từ sữa khác nhau xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình khắp Nhật Bản. Không chỉ mỗi bơ, phô mai hay sữa chua mà kem Gelato và kem tươi cũng đã trở thành các sản phẩm từ sữa vô cùng được ưa chuộng. Hàm lượng chất béo vừa phải cùng hương vị ngọt ngào dịu nhẹ đầy tự nhiên khiến du khách không thể dừng việc thưởng thức lại được.

10. Gạo Yukihotaka

Gạo Yukihotaka, một loại gạo ngon của Nhật, được nuôi trồng dưới sự chăm sóc tối đa và quản lý cẩn thận của những người nông dân trong làng Kawaba, hương vị đặc biệt của loại gạo này có lẽ đến từ nguồn nước suối thiên nhiên giàu khoáng chất của núi Hotaka nổi tiếng. Hạt gạo có màu trắng ngà, kích thước hơi nhỏ và sở hữu độ liên kết giữa các hạt gạo rất vừa phải đã mang lại độ dẻo cho Yukihotaka sau khi được nấu chín.

Gạo Yukihotaka đã giành được giải vàng tại một cuộc thi quốc tế về đánh giá hương vị gạo, đây là cuộc thi lớn nhất về gạo tại Nhật Bản, trong suốt 7 năm liên tiếp. Yukihotaka nổi tiếng cũng được biết đến như một loại gạo dùng để cung cấp cho Hoàng gia Nhật Bản.

11. Dâu tây Yayoihime

Yayoihime là một giống dâu tây nguyên bản được nghiên cứu và phát triển trong khoảng thời gian lên tới những 10 năm ở tỉnh Gunma. Những quả dâu tây này có màu đỏ nhạt, mềm mại, mọng nước và có sự cân bằng hài hoà đầy tinh tế của vị ngọt và vị chua.

Sở dĩ loại dâu này có tên gọi là Yayoihime là vì chúng có thể ăn được sau tháng 3 (được gọi là Yayoi trong lịch truyền thống của Nhật Bản), thời điểm khi mà các giống dâu khác đều không thể giữ vững phong độ về hương vị của mình được nữa. Các loại dâu thông thường sẽ ra quả trong khoảng thời gian giữa tháng 9 đến tháng 3 năm sau, nhưng du khách lại có thể nếm thử Yayoihime từ tháng 12 cho tới tận tháng 5 năm sau.

Vì có hương vị hài hoà tuyệt hảo nên dâu tây Yayoihime được biết tới vô cùng rộng rãi bên ngoài tỉnh Gunma, nhưng tuy nhiên, các loại đồ ngọt như bánh kem và các loại kẹo địa phương sử dụng giống dâu này làm nguyên liệu chính chỉ có thể được tìm thấy ở trong Gunma thôi nhé.

12. Maikaze Sake

Để chưng cất được một chai rượu Sake ngon tuyệt, cần phải có sự kết hợp hoàn hảo giữa nhiệt độ, nguồn nước, gạo được chà xát, đánh bóng kĩ càng và men rượu. Maikaza Sake được ủ với một loại gạo mới nghiên cứu bởi Trung tâm công nghệ nông nghiệp Gunma, và ủ với loại men rượu mang tên “Gunma Kaze”.

Maikaze sẽ là tên gọi chung cho loại rượu tuyệt hảo được sản xuất trong tỉnh, đã được bán hết từ 15 nhà máy sản xuất rượu Sake thực thuộc Hiệp hội hợp tác xã sản xuất bia rượu từ tháng 4/2012. Mặc dù cùng ủ rượu chung một loại gạo và men, thế nhưng mỗi một nhà máy sản xuất lại mang đến cho khách hàng một hương vị hoàn toàn khác. Có thể nhắc tới rượu Sake Yamahai Junmai sản xuất theo mùa được chế biến với 60% là gạo được chà xát kỹ lưỡng, loại này có hương vị sâu đậm rõ ràng của gạo Sake Maikaze và vị chua mạnh của phương pháp ủ rượu Yamahai truyền thống tập trung vào quá trình lên men.

Yamahai là một phương pháp ủ rượu Sake cổ xưa sử dụng khéo léo các nguồn tài nguyên thiên nhiên như vi khuẩn axit lactic, nấm men và thời tiết mùa đông lạnh khô. Đây là một phương pháp ủ rượu thủ công đòi hỏi thời gian và kinh nghiệm, nhưng bù lại sẽ là hương vị mạnh mẽ và ấn tượng của rượu. Loại rượu này sẽ là sự kết hợp hoàn hảo với Buri Daikon (cá cam Nhật kho củ cải), gà xào cùng sốt nấm, thịt cừu nướng, thịt bò và các món lẩu. Đặc biệt, khi rượu được làm ấm gần 70°C và được dùng chung với thịt nướng, thì rượu sẽ làm tan mỡ trong miệng và hoà quyện cùng vị đậm đà của thịt. Lựa chọn khá hoàn hảo cho những ai luôn thích được trải nghiệm những điều mới lạ đấy nhỉ?

Hi vọng những chia sẻ bên trên sẽ giúp du khách khám phá thế giới ẩm thực Gunma của “xứ hoa anh đào” đặc biệt như thế nào? Chúc du khách có một chuyến du lịch Nhật Bản thật vui vẻ với thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ!