Với những ai yêu thích đất nước Nhật Bản và đặc biệt hứng thú với nền ẩm thực nơi đây, thì có lẽ không còn xa lạ gì với món bánh gạo truyền thống Mochi. Trong văn hóa Nhật Bản, bánh Mochi với ý nghĩa viên mãn và thường được dâng lên thần linh vào những lễ hội quan trọng.
Xuất hiện đầu tiên vào thời đại Nara, Mochi là tên gọi chung của các loại bánh gạo làm từ bột gạo nếp, tương tự như bánh dày của Việt Nam. Theo truyền thống, bánh Mochi được làm trong một buổi lễ gọi là “Mochitsuki”. Mặc dù cũng được ăn quanh năm, nhưng Mochi là một món ăn truyền thống trong năm mới của Nhật Bản và thường được bán và ăn trong thời gian đó.
Nguồn gốc của bánh Mochi
Theo nhiều nghiên cứu, người ta thấy rằng bánh Mochi không phải có nguồn gốc từ Nhật Bản mà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do ảnh hưởng văn hóa và nhiều yếu tố khác, bánh Mochi được cho là du nhập vào Nhật Bản từ khoảng năm 300 trước công nguyên. Khi đó loại bánh này được làm từ loại gạo nếp thượng hạng và nhân đậu đỏ chỉ dùng để phục vụ tầng lớp quý tộc mà thôi.
Ý nghĩa bánh Mochi trong đời sống người Nhật
Hầu hết, người dân “xứ Phù Tang” luôn yêu thích các món ăn có dạng hình tròn. Vì theo quan niệm từ xa xưa, hình tròn tượng trưng cho sự trọn vẹn, no đầy trong cuộc sống, công việc và tiền tài. Họ tuyệt nhiên tránh xa những hình tượng vật nhọn hay góc cạnh.
Bánh Mochi là một món ăn không thể thiếu trong các gia đình Nhật Bản nhân dịp năm mới. Họ bày trí Mochi ở hốc tường Toko-noma trang trọng trong phòng khách hoặc trong nhà bếp. Những chiếc bánh này được gọi là “Kagami Mochi”, tức bánh Mochi dâng lên thần linh.
Ngày Tết, Tết Trung Thu, người Nhật cúng bánh Mochi để cầu nguyện cho một năm dồi dào sức khỏe và trường thọ. Vào những ngày truyền thống, người Nhật cột bánh Mochi trên thanh tre dài rồi nướng trong đống lửa. Họ tin rằng khi ăn bánh Mochi nướng tại lễ Dondo-yaki sẽ mang lại sức khỏe cho suốt cả năm.
Bánh Mochi còn xuất hiện trong lễ cưới của mọi người. Theo phong tục, một số người tiến hành nghi thức giã bánh gạo Mochi ngay trên sân khấu làm lễ cưới. Truyền thống này đã được lưu truyền từ rất lâu. Chú rể cũng tự tay giã bánh ngay tại tiệc cưới của mình. Sau đó, đôi uyên ương thực hiện nghi thức ăn bánh Mochi. Đặc điểm của loại bánh gạo nếp này là rất dẻo và dính, vì vậy, người Nhật cho rằng, những cặp vợ chồng cùng ăn bánh Mochi sẽ sống với nhau mãi mãi, không thể tách rời nhau.
Bánh Mochi cũng có mặt trong lễ dựng nhà mới Choto-shiki của người Nhật. Buổi lễ do một vị chức sắc trong Thần Đạo chủ trì. Sau đó, những người phụ trách công trình sẽ ném bánh gạo ra phía trước hiên nhà với niềm tin các vị thần đất đai sẽ phù hộ cho việc xây dựng tòa nhà thành công, không gặp trở ngại. Số bánh Mochi bị ném đi sẽ được các em nhỏ nhặt hết. Đây được xem là sự chia sẻ niềm vui với gia chủ. Đối với người Nhật, bánh Mochi theo chân họ từ khi mới được sinh ra, đến lúc trưởng thành và tự lập cuộc sống riêng.
11 loại bánh Mochi được yêu thích
Ở Nhật Bản có hàng trăm loại bánh mochi khác nhau với rất nhiều hương vị được mọi người thêm vào. Tuy vậy, vẫn có những loại bánh Mochi thông dụng mà hầu như mọi người ở Nhật Bản đều biết đến. Các loại bánh Mochi thông dụng có thể kể ra như:
Daifuku Mochi
Đây là một loại bánh Mochi truyền thống tại xứ “Phù Tang” được làm ra từ gạo nếp chứa nhân đậu đỏ bên trong. Một chiếc bánh Daifuku Mochi thường có đường kính chỉ 3cm và được phủ lớp bột ngô (hay bột khoai tây) để giúp chúng không bị dính lại với nhau khi để vào hộp. Màu sắc của bánh thường là màu trắng, xanh lá cây nhạt hoặc màu hồng.
Kusa Mochi
Bánh Kusa Mochi tương tự như Daifuku Mochi nhưng có thêm lá ngải cứu. Vì thế, du khách sẽ thấy loại bánh Mochi này có lớp vỏ màu xanh lá cây. Một số người lại nghĩ rằng đó là trà xanh nhưng thực chất là lá cây ngải cứu. Loại lá này không chỉ dùng để ăn tráng miệng mà nó còn rất tốt cho sức khoẻ.
Ichigo Daifuku Mochi
Cũng tương tự với Daifuku Mochi, bánh Ichigo Daifuku Mochi có phần nhân bên trong là miếng dâu tây căng mọng. Cắn vào một miếng, du khách sẽ cảm nhận được vị bánh độc đáo với độ ngọt và vị chua vừa phải, ngon tuyệt vời.
Sakura Mochi
Sakura Mochi có hương vị và màu giống hoa anh đào. Nhân của bánh này thường là bột đậu đỏ và bên ngoài có bọc thêm lá của cây hoa anh đào. Tuỳ theo vùng miền mà nguyên liệu làm cũng khác nhau, ví dụ như ở Kanto thì sử dụng bột gạo, còn ở Kansai thì sử dụng bột nếp. Thường thì bánh Sakura Mochi này dày hơn và không mịn so với nhiều loại bánh Mochi khác.
Hanabira Mochi
Bánh Mochi với cái tên khá mĩ miều Hanabira Mochi – “bánh Mochi cánh hoa” được dùng vào ngày đầu năm mới và lễ hội trà truyền thống lần đầu tiên bởi Thiên hoàng (Nhật hoàng). Món bánh Mochi này có hình dáng rất dễ phân biệt với bánh Mochi trắng bên ngoài và bánh Mochi đỏ ở bên trong. Phần màu trắng được làm khá mỏng và mờ để lộ ra màu hồng bên dưới để tạo ra một màu sắc nhã nhặn và tinh tế. Kết quả của kỹ thuật này là nhờ vào cánh hoa mận Nhật Bản và bên trong thì có nhân là món mứt đậu đỏ Anko.
Hishi Mochi
Nếu đi du lịch Nhật Bản vào dịp lễ hội búp bê thì du khách sẽ thấy người dân địa phương thường mua bánh Hishi Mochi. Món bánh này có dạng hình thoi với 3 lớp màu hồng (hoa nhài), trắng (củ ấu) và xanh lá cây (lá ngải cứu) từ trên xuống. Hồng mang ý nghĩa bảo vệ đứa bé khỏi quỷ dữ, xanh thể hiện mong ước đứa bé sẽ trở thành người tử tế, trắng tượng trưng cho sự thuần khiết. Tuy nhiên, sẽ có một số nơi thay thế màu đỏ bằng màu vàng hoặc là làm thêm 5-7 lớp bánh nữa.
Warabi Mochi
“Nhìn thôi đã muốn thưởng thức ngay” – là câu nói mà nhiều người khi bắt gặp đĩa bánh Warabi Mochi. Độc đáo nhất phải kể đến thành phần nguyên liệu bao gồm bột dương xỉ và phủ đầy bởi lớp bột đậu nành nướng Kinako.
Kinako Mochi
Kinako Mochi được làm bằng cách nướng Mochi trong lò, sau đó rắc đường và bột Kinako (bột đậu nành nướng) lên phía trên. Món bánh Mochi này thường dùng kèm với trà xanh, có thể là dùng kèm với một số quà vặt khác như: Nama chocolate chẳng hạn. Một số nơi sẽ bán món này dưới dạng quà vặt và đem xiên que nó.
Kiri Mochi
Bánh Mochi này thường được làm thành hình chữ nhật, được nướng lên sau đó sẽ phủ một lớp đường hoặc kem. Nhiều cửa hàng thì lại dùng bánh Mochi bỏ vào mì và đem hấp lên dùng kèm với các món ăn như: Tempura hoặc dùng chung với bột trà xanh pha sữa.
Ice Cream Mochi
Nghe tên thôi chắc du khách đã biết loại bánh Mochi này có nhân kem rồi phải không? Ice Cream Mochi có kết cấu mềm mại của lớp vỏ ngoài được làm từ bột Mochiko chứ không phải bột nếp và nhân bánh làm từ các loại kem khác nhau (kem trà xanh, kem vani, kem dâu, kem đậu đỏ, kem socola). Bình thường sau khi làm xong người Nhật sẽ để bánh trong tủ lạnh, khi chuẩn bị ăn họ mới bỏ ra ngoài để tránh làm nhân bánh bị tan chảy.
Oshiruko Mochi
Đây là loại Mochi ướt rất phổ biến của người dân “xứ Phù Tang”. Bánh Mochi sau khi được làm xong sẽ được bỏ vào trong chè đậu đỏ và đun lên. Món bánh Mochi ướt này khá giống với món bánh chay ở Việt Nam chỉ khác là họ dùng đậu đỏ thay vì nước đường đậu xanh mà thôi.
Ngoài các loại bánh kể trên, vẫn còn rất nhiều loại bánh Mochi khá nổi tiếng như Hanabira Mochi, Dango Mochi, Natto Mochi, Zunda mochi, Nagamashi Mochi, Iwai Mochi, Kashiwa Mochi,…
Hành trình tạo nên chiếc bánh hoàn hảo
Gạo được chọn làm bánh là đó chính là gạo mochi – loại gạo nếp dẻo, ngọt và có độ kết dính cao. Người làm bánh sẽ trộn đều gạo với đường, nước cốt dừa và đem đi hấp cách thủy. Khi gạo đã chín thành cơm và có mùi thơm sẽ được cho vào cối giã nát để tạo thành một khối bột mịn. Bánh Mochi sau khi tạo thành sẽ có hình dáng của những khối tròn nhỏ trông rất dễ thương. Khi ăn, bánh có vị ngọt, dẻo và mùi thơm dịu nhẹ của gạo.
Một khi đã nếm thử một chiếc bánh Mochi đúng chuẩn, du khách sẽ khó lòng mà quên đi hương vị tuyệt diệu mà loại bánh này đã đem lại
Ngoài ra, ta cũng có thể tạo thêm nhiều màu sắc và mùi vị cho những chiếc bánh Mochi bằng cách trộn thêm các nguyên liệu khác vào vỏ bánh và bên trong nhân bánh. Các nguyên liệu thường xuyên được sử dụng có thể kể tên như socola, kem tươi, đậu đỏ, đậu xanh, matcha,… Nhưng thứ nhân phổ biến và được yêu chuộng nhiều nhất của Mochi đó chính là đậu đỏ.
Trên đây là những điều thú vị về một món bánh nổi tiếng của “xứ Phù Tang”. Nếu du khách có hứng thú và muốn một lần thưởng thức qua hương vị thơm ngọt của bánh Mochi, hãy thực hiện một chuyến du lịch Nhật Bản nhé! Ngoài ra, bánh Mochi, ẩm thực “xứ Phù Tang” còn rất nhiều điều đang chờ du khách khám phá đấy! Chúng tôi luôn đồng hành cùng du khách!