Nếu bước chân vào những tiệm bánh tại Nhật Bản, du khách để ý sẽ thấy những ổ bánh mì vuông vức và lầm tưởng đó là Sandwich. Dù hình dạng tương đồng nhưng đó là loại bánh Shokupan với kết cấu mềm, ẩm, hơi dai và đặc trưng nhất là mùi sữa thơm lừng.
Shokupan là một loại bánh mì sữa nổi tiếng với sự mềm mịn, xốp nhẹ và vị ngọt thanh. Trong tiếng Nhật, “shoku” có nghĩa là “ăn”, và “pan” có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha “pão”, có nghĩa là “bánh mì”. Điều này phản ánh sự du nhập của bánh mì vào Nhật Bản từ các thương gia phương Tây. Tuy nhiên, người Nhật đã tinh chỉnh công thức bánh mì này để phù hợp với khẩu vị địa phương, biến nó thành một món ăn đặc trưng trong bữa sáng hàng ngày. Ngày nay, Shokupan không chỉ đơn thuần là một loại bánh mì, mà còn là một biểu tượng của nền ẩm thực hiện đại Nhật Bản, được ưa chuộng không chỉ ở quê hương mà còn trên toàn thế giới.
Bánh Shokupan xuất hiện ở Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị, khi nước này bắt đầu mở cửa giao lưu văn hóa và thương mại với các quốc gia phương Tây. Ban đầu, bánh mì là một món ăn khá xa lạ đối với người dân Nhật, vốn quen thuộc với cơm và các loại ngũ cốc khác. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ XX, Shokupan đã trở nên phổ biến nhờ khả năng thích ứng với khẩu vị người Nhật.
Điều làm cho bánh Shokupan khác biệt so với các loại bánh mì phương Tây là sự mềm mịn và kết cấu nhẹ, dễ tiêu hóa, thích hợp với cả người già và trẻ nhỏ. Dù vẻ ngoài khi để nguyên ổ hay cắt lát thì Shokupan cũng sẽ khiến liên tưởng đến Sandwich, loại bánh nổi tiếng của phương Tây. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ kết cấu và ngửi hương thơm thì du khách sẽ nhận thấy sự khác biệt lớn. Shokupan có đặc điểm là bên trong ẩm mịn như kem và lớp vỏ thơm. Các quảng cáo thường cho thấy một ổ bánh mì bị xé toạc, với phần bên trong màu trắng gối hơi co giãn. Kết cấu này gọi là “mochi-mochi”, một từ tượng thanh Nhật Bản dùng để mô tả thực phẩm mềm, dai, được lấy từ kết cấu của bánh Mochi truyền thống.
Shokupan được làm bằng các nguyên liệu cơ bản như bột mì, sữa, đường, men nở và bơ. Tuy nhiên, điều làm nên sự đặc biệt của loại bánh mì này là phương pháp làm bột được gọi là “Yudane” hoặc “Tangzhong”. Đây là kỹ thuật tạo ra sự mềm mịn và giữ ẩm cho bánh mì trong thời gian dài hơn so với các loại bánh mì thông thường.
Bánh Shokupan được ra đời với mong muốn giảm được tình trạng lãng phí thực phẩm. Phần viền nâu bên ngoài của bánh Shokupan thường mỏng và mềm hơn những loại Sandwich khác nhưng chúng vẫn bị bỏ đi như một thói quen. Hành động này vô tình làm tăng lượng rác thải thực phẩm. Mới đây, đầu bếp Sugimoto, làm việc trong một khách sạn cao cấp ở Nhật Bản, đã cho ra mắt một loại bánh Shokupan đặc biệt với phần viền bên ngoài màu trắng và có kết cấu mềm như cốt bánh. Ông hI vọng sản phẩm này sẽ giúp giảm thiểu phần rìa bánh mì bị bỏ phí.
Món bánh đã được ông và nhóm đồng nghiệp nghiên cứu trong vòng 6 tháng. Vị đầu bếp này đặt ra tiêu chí chiếc bánh khi đến tay thực khách phải được ăn hết và không bỏ lại bất cứ thứ gì.
Thay vì tìm cách tận dụng lại phần viền bánh mì bị bỏ đi, đầu bếp Sugimoto lại muốn nó được thưởng thức hết ngay từ đầu. Ông cũng cho biết thêm loại bánh này sử dụng phương pháp nướng chậm và nướng ở nhiệt độ thấp hơn so với bánh mì thông thường. Vì vậy, khi chín, lớp vỏ bánh vẫn giữ nguyên màu trắng và kết cấu cũng ẩm và mềm hơn.
Bánh Shokupan thường có 2 hình dạng: Yama (tức là “núi”, với đỉnh cao) và Kaku (kiểu bánh mì có góc vuông). Sữa hoặc kem tươi thường được thêm vào để tạo độ ngậy, hoặc để có một ổ bánh thêm mịn, như ở tiệm bánh Morethan, Mascarpone được sử dụng. Nhưng đa phần các tiệm bánh sẽ sử dụng sữa tươi, cụ thể là sữa Hokkaido bởi sự thơm, béo cùng nguồn dinh dưỡng nổi tiếng của nó.
Cách ăn Shokupan rất đa dạng, người Nhật có thể thưởng thức chúng tại các tiệm bánh thủ công hiện đại, quán cafe Kissaten kiểu cũ, và cả tại nhà. Mặc dù nó là món phổ biến nhất được nướng và phủ bơ cho bữa sáng, lớp phủ và nhân được sáng tạo tùy ý thích: Shokupan nướng có thể phủ “Shirasu” (cá cơm trắng) và pho mát; trứng và rong biển; hoặc bắp và Natto (đậu nành lên men) trộn với sốt Mayonnaise; hoặc Shokupan có thể được cắt lát dày để làm món bánh mì kiểu Pháp (French toast) hay bánh mì trái cây nổi tiếng của Nhật Bản – Sando.
Du lịch Nhật Bản là cơ hội để du khách thử qua các “món ngon vật lạ” mà không nơi nào có. Chắc chắn điều này giúp du khách có thêm được rất nhiều trải nghiệm khó quên trong cuộc đời.