Trong các loại bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản, có lẽ “Anpan” với tạo hình tròn trĩnh với nhân đậu đỏ ngọt bùi bên trong là món bánh nhận được sự yêu thích hơn cả. Đặc biệt, Anpan còn có riêng một ngày lễ kỷ niệm – “Ngày Anpan” 04/04 hàng năm.
Trong tiếng Nhật, “an” hay “anko” có nghĩa là “nhân đậu đỏ”, còn “pan” nghĩa là bánh mì, như vậy “Anpan” là “bánh nhân đậu đỏ”. Anpan được sáng tạo ra năm 1874, trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912). Khi đó, thời kỳ của các Samurai đã chấm dứt và Nhật Bản đang ở giai đoạn hiện đại hóa. Đây là thời kỳ mới khi văn hóa phương Tây, trong đó có bánh mì và các món ăn Tây khác được du nhập mạnh mẽ. Nhưng lúc ấy, gạo và gạo lứt vẫn là thực phẩm chính của Nhật Bản nên phải mất một thời gian bánh mì mới được chấp nhận. Tuy nhiên, bánh mì vẫn chưa được yêu thích cho đến khi có sự xuất hiện của Yasubei Kimura – một cựu Samurai.
Một ngày khi đang lang thang trên con phố có nhiều cửa hàng bán đồ ăn Tây, Yasubei Kimura đã bị thu hút bởi một chàng trai đang làm bánh mì, từ đó ý tưởng kinh doanh được nảy sinh và đã sáng tạo nên loại bánh Anpan như ngày nay. Theo đó, Yasubei Kimura đã tìm ra phương pháp làm bánh theo công thức của Manju – một loại bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản, bằng cách dùng men Sakadane. Sau đó, ông nhồi nhân đậu vào bên trong.
Vào thời điểm này, Anpan vừa ra mắt đã tạo nên một “cơn sốt”, một phần vì hương vị tươi mới, phần khác là vì người Nhật lúc bấy giờ đang chuộng những thứ mới lạ.
Trong một dịp tình cờ, Yamaoka Tesshu – thị vệ của Thiên hoàng Minh Trị, đã có cơ hội dùng thử Anpan. Nhận thấy hương vị mới lạ của bánh, ông đã yêu cầu cửa hàng làm riêng mẻ bánh để tiến dâng cho Thiên hoàng. Kimura đã rất tâm huyết cho dịp quan trọng này nên để chiếc bánh thêm đặc biệt, ông đã trang trí ở giữa bằng một cánh hoa anh đào kép ngâm muối từ núi Yoshino, tỉnh Nara và đặt tên là “Sakura Anpan”. Thế là món bánh này rất được Thiên Hoàng yêu thích. Và cũng từ đó, Anpan trở thành món bánh nổi tiếng khắp cả nước.
Nếu để ý kỹ, du khách sẽ nhận thấy rằng trên bánh Anpan có hai loại hạt đen, trắng khác nhau. Mục đích là để phân biệt các loại nhân. Vì nhân đậu đỏ truyền thống trong bánh được chia thành hai loại là “Koshian” (đậu đỏ nghiền nhuyễn) và “Tsunbuan” (đậu đỏ còn nguyên hạt). Nếu chỉ nhìn bên ngoài thì không thể biết được bên trong là gì. Chính vì thế, Koshian sẽ được phân biệt bằng hạt anh túc (màu đen) và Tsubuan bằng hạt mè trắng. Tại các cửa hàng khác thì Koshian được phân biệt bằng hạt anh túc, nhân bột đậu nghiền bằng hạt mè đen và nhân bột đậu trắng bằng hạt mè trắng.
Ngày nay, Anpan đã được biến tấu thành nhiều loại nhân khác nhau (như: nhân hạt dẻ,…) và trở thành một trong những món bánh yêu thích của người Nhật. Thậm chí, Anpan còn là “nguồn cảm hứng” cho một Manga Nhật Bản của họa sĩ Takashi Yanase, được sáng tác từ năm 1973 đến năm 2013, khi ông qua đời – đó là “Anpanman”. Bộ truyện đã được chuyển thể thành Anime với tựa đề “Soreike! Anpanman” (Tiến lên! Anpanman), đây là một trong những bộ Anime được trẻ em Nhật Bản yêu thích nhất. Cốt truyện xoay quanh chuyến phiêu lưu của Anpanman, một siêu anh hùng với một cái đầu là bánh Anpan, anh bảo vệ thế giới khỏi một tên ác quỷ Baikinman. Được phổ biến rộng rãi, nhân vật Anpanman xuất hiện hầu như trên khắp các mặt hàng dành cho trẻ em tại Nhật Bản, in trên áo, trên game, đồ chơi và cả đồ ăn nhẹ. Anpanman còn là nguồn cảm hứng cho Series Manga và Anime One-Punch Man, và bài hát “Anpanman” của nhóm nhạc BTS.
Thế mới thấy rằng, Anpan nhận được sự yêu thích của đông đảo người dân Nhật Bản từ người lớn đến trẻ nhỏ. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức hương vị ngọt ngào của những chiếc Anpan nhé! Chắc chắn du khách sẽ thích mê ngay thôi!