Độc lạ ý tưởng món “mì rút quẻ” ở Nhật Bản

Nissin U.F.O là thương hiệu mì ăn liền vô cùng nổi tiếng ở Nhật Bản. Nissin luôn sử dụng quảng cáo sáng tạo hoặc hương vị mới để làm mới để làm bất ngờ thực khách. Ý tưởng “mì rút quẻ” liên quan đến món mì xào ăn liền tích hợp với việc rút quẻ thử vận của thương hiệu này đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Sự sáng tạo món “Mì rút quẻ” của Nissin U.F.O liên quan đến một bước trong quy trình cách chế biến cốc mì xào ăn liền. Ai thường ăn cốc mì xào ăn liền rồi có lẽ đều biết cách làm. Đầu tiên mở nắp hộp, lấy túi bột súp và gia vị ra, sau đó cho nước nóng vào ngâm mì. Đợi mì nở, sợi mì mềm, rồi lại đổ nước nóng ra, cho tiếp gói nước sốt vào rồi trộn đều. Thành quả là món mì trộn thơm ngon.

Ý tưởng lần này của Nissin U.F.O xuất phát từ bước “đổ nước nóng”. Bất cứ ai đã ăn cốc mì xào của Nissin đều biết rằng, thực khách có thể đổ nước nóng ra từ một lỗ trên miệng cốc mì. Nhược điểm là đôi khi 1-2 sợi mì sẽ rơi ra từ lỗ nhỏ này. Nissin U.F.O đã tận dụng điều này, tạo ra nhiều lỗ hơn và đánh dấu mỗi chiếc lỗ ứng với một quẻ, để mọi người có thể đánh giá vận may ngày hôm nay từ việc sợi mì chảy ra khỏi lỗ.

Ở trường hợp bình thường, có lẽ ai cũng thấy khó chịu khi sợi mì rơi ra từ lỗ thoát nước nóng ngâm mì, nhưng thiết kế này có thể khiến mọi người mỉm cười và tự hỏi sợi mì sẽ “rơi ra ở quẻ nào”, khiến nhận thức xấu ban đầu trở thành một trải nghiệm thú vị.

Ý tưởng sợi mì rơi ra khỏi lỗ quẻ xuất phát từ phong tục rút quẻ (tiếng Nhật gọi là “omikuji”) trong đền thờ của người Nhật. Ngày xưa, để quyết định những vấn đề trọng đại có tính quốc gia, các vị Thiên Hoàng sẽ đến đền thần rút quẻ bói như một công cụ để lắng nghe ý kiến của thần linh. Về sau, omikuji được đổi sang sử dụng để tiên đoán vận mệnh, may mắn trong dân gian, dần trở nên phổ biến hơn không chỉ ở đền thần mà còn ở những ngôi chùa.

Trước khi xin quẻ, người Nhật sẽ đến bái lễ các vị Thần, sau đó lắc chiếc hộp để quẻ xăm rơi ra ngoài. Từ quẻ xăm này sẽ đổi được thẻ omikuji ứng với con số trên quẻ. Quẻ bói omikuji được tính theo thứ tự lần lượt là Đại cát, Cát, Trung cát, Tiểu cát, Mạt cát, Mạt tiểu cát, Hung, Đại hung. Ngoài ra, trên các omikuji sẽ có viết nội dung khác về nguyện vọng, dự đoán tương lai, vận mệnh, tình yêu, học tập, công việc, tiền bạc.

Tất nhiên, ai cũng muốn mình rút được quét cát hoặc quẻ mang ý nghĩa tốt lành khác, song nếu rút phải quẻ không may mắn cũng đừng quá lo lắng vì ý nghĩa đều dừng ở mức chiêm nghiệm và tham khảo.

Trên thực tế, quẻ “Hung” trong đền thờ ở Nhật không có nghĩa là: bạn sẽ chỉ gặp phải những điều xấu, chỉ cần bạn buộc tờ giấy ghi chi tiết quẻ vào giá treo quẻ, ý nghĩa sẽ chuyển thành “kết duyên”. Và nếu bạn sử dụng tay không thuận để thực hiện quá trình buộc thắt nút quẻ Hung, điều đó có nghĩa là bạn có thể vượt qua tình trạng khó khăn và hóa hung thành cát!

Đúng là Nhật Bản, không hổ danh là “đất nước của những điều độc lạ và không kém phần tinh tế”, điển hình như món “Mì rút quẻ”. Đây không phải lần đầu tiên các sản phẩm của Nhật Bản khiến cư dân mạng trầm trồ, nhưng cứ mỗi sản phẩm, dân tình lại thêm “mắt tròn mắt dẹt” hơn trước đất nước thú vị này. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng quên khám phá thêm những sản phẩm tiện ích ở đất nước này nhé!