Đất nước Nhật Bản với nhiều địa danh xinh đẹp và hấp dẫn ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài tìm đến. Đối với những du khách mới đi du lịch Nhật Bản lần đầu sẽ không khỏi bỡ ngỡ đặc biệt là vấn đề đổi tiền tệ để chi tiêu khi đặt chân đến đất nước này.
1. Thông tin chung về tiền tệ Nhật Bản
Đơn vị tiền tệ chính thức của Nhật Bản đó là: Yên (ký hiệu: ¥; mã: JYP, cũng được viết tắt là JP¥). Đây là loại tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên thị trường ngoại hối sau đồng USD và Euro. Nó cũng được sử dụng rộng rãi như một loại tiền tệ dự trữ sau đồng USD, Euro và bảng Anh.
Khái niệm đồng Yên là một thành phần của chương trình hiện đại hóa của chính phủ Minh Trị đối với nền kinh tế Nhật Bản, trong đó quy định việc thành lập đồng tiền thống nhất trong cả nước, được mô phỏng theo hệ thống tiền tệ thập phân Châu Âu. Trước khi có Minh Trị duy tân, những khu vực cát cứ phong kiến của Nhật Bản đều phát hành tiền riêng của họ, Hansatsu (藩札 phiên trát), với một loạt các mệnh giá không tương thích. Đạo luật tiền tệ mới năm 1871 đã loại bỏ những loại tiền này và thiết lập đồng Yên, được định nghĩa là 1,5g (0,048 ounce troy) vàng, hoặc 24,26g (0,780 ounce troy) bạc, là đơn vị tiền tệ thập phân mới. Các cựu khu vực cát cứ đã trở thành các tỉnh và các kho sản xuất tiền đã trở thành các ngân hàng tư nhân cấp tỉnh, ban đầu vẫn giữ quyền in tiền. Để chấm dứt tình trạng này, Ngân hàng Nhật Bản được thành lập vào năm 1882 và độc quyền kiểm soát nguồn cung tiền.
Tiền Nhật Bản đang được sử dụng hiện nay bao gồm đồng tiền giấy và tiền xu.
* Tiền giấy bao gồm các mệnh giá: ¥1000, ¥2000, ¥5000, ¥10,000.
Tờ ¥1.000: Nhân vật được in ở mặt trước trên tờ tiền ¥1.000 (ấn bản năm 2004) là ông Noguchi Hideyo – bác sĩ nổi tiếng và là nhà nghiên cứu vi khuẩn học. Ông đã đóng góp công lao lớn vào nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến các thể khuẩn sinh học, có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền y học thế giới. Mặt sau của tờ ¥1.000 thì được in biểu tượng núi Phú Sĩ cùng với hình ảnh hoa anh đào.
Tờ ¥2.000 được in hình Shureimon, đây là cổng của Lâu dài Shuri, nơi từng là một địa điểm quan trọng của vương quốc Lưu Cầu( Ryukuy) trên đảo Okinawa. Công trình mang tính lịch sử này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2000. Ở mặt còn lại của tờ tiền là hình ảnh của Genji Monogatari (câu chuyện của Genji) được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới.
Tờ ¥5.000: Nhân vật được in trên tờ ¥5.000 được xem là người đặc biệt nhất, vì bà là người phụ nữ duy nhất được in trên tờ tiền Nhật, mặc dù bà không phải là một chính trị gia hay người quyền lực nào cả.
Bà Higuchi Ichiyo, là một nhà văn nghèo khó được sinh ra trong một gia đình trung lưu nhỏ, phải bỏ học giữa chừng khi còn đang học tiểu học, phải làm nhiều công việc lặt vặt cho gia đình. Trong sự nghiệp, bà đã cho xuất bản được 21 tác phẩm trước khi qua đời sớm vì bệnh lao vào năm 1896, hưởng dương 24 tuổi.
Sở dĩ Higuchi Ichiyo được in trên tờ tiền, vì bà là nhà văn nữ đầu tiên xuất hiện sau hơn 1.000 năm kể từ thời đại Bình An của Nhật, và những tác phẩm của bà đều là những kiệt tác đóng góp rất lớn cho nền văn học của đất nước, và nó còn tạo ngồn cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ Nhật khác phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống.
Hình ảnh mặt sau cùa tờ tiền là họa tiết bức tranh “hoa Yến Tử” của nghệ thuật gia Ogata Korin.
Tờ ¥10.000: Đây là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất trong hệ thống các đồng tiền của Nhật Bản đang được lưu hành cho đến thời điểm hiện tại.
Nhân vật được in trên tờ tiền này là ông Fukuzawa Yukichi, có xuất thân là một võ sĩ đạo, là một trong 6 nhà giáo dục có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đất nước này vào thời đại Minh Trị. Ông cũng là người đã sáng lập ra đại học Keio Gijuku. Ông từng có thời gian du học tại Âu Mỹ, sau đó mang những kiến thức tiến bộ từ phương Tây về truyền bá rộng rãi khắp Nhật Bản, góp phần tạo ra những ảnh hưởng to lớn cải cách Duy Tân. Ngoài ra, ông cũng chính là nhân vật đầu tiên phổ biến hệ thống bảo hiểm cận đại cho Nhật Bản.
Mặt sau là biểu tượng của phượng hoàng trong “Bình Tự Viện”, một ngôi chùa lớn và rất nổi tiếng tại vùng đất Kyoto.
* Tiền xu bao gồm các mệnh giá: ¥1, ¥5, ¥10, ¥50, ¥100, ¥500.
Đồng 1 Yên là đồng tiền có giá trị nhỏ nhất, đến mức du khách không thể sử dụng nó để mua đồ ở những máy bán hàng tự động và đây cũng là đồng tiền nhẹ đến mức có thể nổi trên mặt nước, một phần là do chúng được làm bằng nhôm.
Đồng 5 Yên là đồng tiền xu duy nhất chỉ được in chữ mà không có số. Đồng xu này được thiết kế với đường kính khoảng 22mm, với trọng lượng là 3,75g, mặt trước có in hình bông lúa nước, chính giữa là một lỗ tròn nhỏ với bán kính 5mm. Chính vì hoa văn trên đồng xu 5 Yên mà người ta coi đây là biểu tượng cho ngành nông nghiệp và công nghiệp của “xứ Phù Tang”. Bên cạnh đó, cách phát âm đồng 5 Yên là “go-en” (五円), gần giống với Hán tự có nghĩa “kết duyên”, ngoài ra là lỗ tròn ở giữa còn mang ý nghĩa “một cái nhìn thông suốt về tương lai”, vì vậy đây được coi là đồng xu may mắn của người dân Nhật. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp những đồng xu 5 Yên trong các ngôi đền, chùa, nơi linh thiêng với ý nghĩa thiết lập mối liên hệ với các vị thần và mong muốn gặp điều may mắn trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đây cũng chính là một món quà vô cùng ý nghĩa dành tặng người thân với sự cầu chúc về tiền tài, vận mệnh, sự may mắn, thể hiện sự trân trọng của người tặng.
Đồng 10 Yên được đúc với đường kính 23,5mm, trọng lượng là 4,5g và được đúc với chất liệu chính là đồng trắng. Một mặt của đồng xu 10 Yên được thiết kế in nổi hình ngôi chùa Byodoin – một trong những ngôi chùa Phật Giáo lâu đời tại Kyoto và đã được bình chọn là di sản thế giới. Đồng tiền này bắt đầu được sản xuất vào năm 2006.
Đồng 50 Yên được thiết kế khá giống với đồng xu 5 Yên với một lỗ tròn nhỏ ở chính giữa có bán kính 4mm và trọng lượng là 4g, chỉ khác là họa tiết trang trí của đồng xu là những bông hoa cúc được chạm khắc tinh tế. Hoa cúc vốn được xem là quốc hoa của Nhật Bản bởi nó là biểu tượng của hoàng tộc và loài hoa này cũng được xuất hiện trên quốc huy của “xứ sở hoa anh đào”.
Đồng 100 Yên – đồng tiền có niên đại lưu hành lâu nhất trong số các loại tiền xu Nhật Bản khi phát hành và bắt đầu được sử dụng lần đầu tiên từ năm 1957. Trong phiên bản gốc, mặt sau của đồng tiền có in hình chim phượng hoàng tượng trưng cho sự tái sinh và sức sống mãnh liệt. Ngày nay, mặt sau đồng tiền chạm khắc hoa anh đào, tuy không phải là quốc hoa nhưng loài hoa này vẫn được xem như quốc hồn của Nhật Bản và rất được người dân cùng tầng lớp Samurai yêu thích từ xưa cho đến nay.
Đồng 500 Yên: Đây là đồng xu có kích thước cũng như trọng lượng lớn nhất trong 6 đồng xu Nhật Bản. Đồng xu 500 Yên có đường kính 26.5mm, trọng lượng lên tới 7g, được làm từ Niken. Đây cũng chính là đồng xu có mệnh giá cao nhất thế giới. Cũng chính vì giá trị cao mà đồng xu được sử dụng rất rộng rãi trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân Nhật.
Như vậy, tiền Yên Nhật có tất cả 10 loại mệnh giá khác nhau từ ¥1 đến ¥10,000. Có một chú ý nhỏ, đó là theo cách phát âm tiếng Nhật 10,000 sẽ đọc là “man” vậy nên khi sang Nhật Bản nếu có người nói giá món đồ này là 1 man, 2 man… thì du khách hiểu là món đồ đó có giá ¥10,000 và ¥20,000.
2. Quy đổi mệnh giá giữa tiền Việt Nam và Nhật Bản
Khi đổi tiền từ loại tiền này sang loại tiền kia thì du khách luôn phải kiểm tra tỷ giá theo từng thời điểm cũng như theo từng ngân hàng hoặc địa điểm quy đổi tiền tệ.
Theo tỷ giá hối đoái cập nhật ngày 16/8/2022, 1 Yên = 175,02 VND (nói ngược lại, nếu du khách bỏ ra 175,02 VND sẽ được quy đổi thành 1 Yên). Lưu ý, đây chỉ là tỷ giá tham khảo, vì nó còn thay đổi theo thời điểm của thị trường.
3. Xác định số tiền nên đổi để du lịch Nhật Bản
Tùy thuộc vào mục đích của chuyến đi, số ngày đi cũng như khả năng chi trả mà du khách sẽ có nhu cầu đổi tiền đi du lịch với số lượng khác nhau.
Một cách khác để xác định số tiền cần đổi đó là tham khảo một số website để biết được chi phí tối thiểu cho một ngày tại Nhật Bản mà du khách chuẩn bị ghé thăm. Sau đó cộng thêm chi phí của các hoạt động khác trong chuyến đi (như vé tham quan, mua sắm,…), du khách sẽ biết được chi phí dự toán cho chuyến du lịch Nhật Bản của mình.
4. Thời điểm đổi tiền thích hợp
Xét cho cùng thì đổi tiền đi du lịch cũng là một dạng mua bán, nghĩa rằng khi chọn đúng thời điểm mua, du khách sẽ mua được giá tốt. Dĩ nhiên nếu du khách chỉ đổi vừa đủ để du lịch ngắn ngày, cứ gần ngày đi rồi mua cũng chẳng thiệt bao nhiêu. Nhưng nếu có dự định đổi tiền đi du lịch cho nhóm lớn, như đoàn từ 10-15 khách trở lên, du khách cần đặc biệt lưu tâm đến thời điểm mua ngoại tệ để đảm bảo giá mình mua là tốt nhất có thể.
Có khá nhiều cách để du khách có thể theo dõi biến động của tỷ giá ngoại tệ. Cách gọi điện cho các ngân hàng là một phương pháp thủ công khá tốn thời gian, tuy vậy lại đảm bảo độ chính xác cao nhất bởi với một số loại ngoại tệ mạnh (như USD) thì chuyện tỷ giá thay đổi theo giờ là hết sức bình thường. Trường hợp du khách không có thời gian, hoặc đơn giản là lười, thì có thể theo dõi lịch sử biến động tỷ giá thông qua một số website của ngân hàng hoặc các công cụ theo dõi của XE.
Tuy vậy, nên nhớ rằng, nếu đổi tiền đi du lịch trước ngày đi quá sớm thì cũng giống như mua hàng về mà chưa được xài vậy. Do đó, với những ai kinh tế không thực sự dư giả thì nên cân nhắc giữa chuyện mua được giá tốt và chuyện không thể sử dụng khoản tiền đã đổi trong một thời gian nhất định.
5. Địa điểm đổi tiền
Trên thực tế, có khá nhiều nơi để du khách có thể đến đổi tiền khi đi du lịch Nhật Bản và mỗi nơi sẽ lại có ưu và nhược điểm riêng:
* Đổi tiền tại Việt Nam
Pháp luật Việt Nam không cho phép mọi người trao đổi ngoại tệ tự do, vì vậy khi du khách muốn đổi tiền thì có thể đến các ngân hàng ở Việt Nam. Việc lựa chọn giao dịch tại ngân hàng đổi tiền Trung Quốc thường được nhiều người lựa chọn bởi tính an toàn tuyệt đối bởi hiện nhà nước đang thắt chặt các hoạt động giao dịch, mua bán ngoại tệ. Tuy nhiên, nên đổi tiền Yên ở ngân hàng nào thì vẫn là một câu hỏi được nhiều người băn khoăn.
Hầu hết các ngân hàng lớn ở Việt Nam như: Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, BIDV hay Agirbank… đều được nhà nước cấp phép thực hiện các giao dịch mua bán ngoại tệ. Hơn nữa, ưu điểm khi đổi tiền tại các ngân hàng sẽ giúp hạn đảm bảo an toàn cũng như hạn chế tối đa rủi ro khi gặp phải tiền giả. Hơn nữa, du khách còn có thể yêu cầu ngân hàng đổi theo nhiều mệnh giá khác nhau. Tuy vậy, ngân hàng lại vô cùng khắt khe trong khâu kiểm duyệt hồ sơ trước khi quyết định bán ngoại tệ cho du khách. Đơn cử như nếu du khách lấy lý do là du lịch nước ngoài để mua ngoại tệ, nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu du khách xuất trình Passport, vé máy bay, hợp đồng du lịch với công ty du lịch,… để chứng thực chuyến đi. Sau đó, tùy vào từng hồ sơ mà họ sẽ quyết định du khách được phép mua bao nhiêu. Nói cách khác, mặc dù đổi tiền đi du lịch Nhật Bản tại ngân hàng du khách sẽ được tỷ giá tốt nhất nhưng lại nhiều thủ tục nhất, đó là chưa kể đến việc bị hạn chế số tiền muốn đổi.
Ngoài các ngân hàng, du khách còn có thể lựa chọn đến các địa điểm được cấp phép thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng để thực hiện đổi tiền. Du khách hãy tìm tới một số cơ sở kinh doanh, tiệm vàng được cấp phép ở khu vực phố Hà Trung (Hà Nội) hoặc một số tiệm vàng như: PNJ, Thịnh Quang, Bảo Tín Minh Châu, SJC, Mi Hồng, Ngọc Thẫm, Kim Tín,…
Nếu du khách đi theo đoàn và có hướng dẫn viên thì đây cũng là nơi mà du khách có thể đổi tiền. Dĩ nhiên đừng mong du khách sẽ có được tỷ giá tốt nhất nhưng ít ra vẫn cao hơn so với đổi tại sân bay, đồng thời cũng tiện hơn là tự đi kiếm đại lý đổi tiền tại một đất nước xa lạ.
* Đổi tiền tại Nhật Bản
– Đổi tiền tại các quầy CURRENCY EXCHANGE, hay các máy đổi tiền tự động ở sân bay.
– Đổi tiền tại các quầy đổi và ngân hàng: Cũng tương tự như đổi tiền ở máy tự động thôi, chỉ có điều là du khách được hỗ trợ hơn, nhưng thủ tục cũng mất nhiều thời gian hơn, du khách phải xuất trình hộ chiếu. Nói chung là những ai ngại “giao tiếp với máy tự động” thì chọn phương án này cho chắc ăn. Du khách có thể tìm thấy quầy đổi tiền ở khách sạn và các trung tâm thương mại lớn hay ở bưu điện.
6. Một số lưu ý cần thiết khác khi đổi tiền và sử dụng tiền tại Nhật Bản
– Ở Nhật Bản, việc đổi tiền với tỷ giá cao hay thấp tùy thuộc vào đồng tiền mà du khách đang giữ. Ví dụ USD là ngoại tệ được giao dịch khá cao nên khi đổi từ USD sang đồng tiền Yên, du khách sẽ có tỷ lệ đổi tiền Yên tốt hơn.
– Du khách không nên đổi tiền VND sang tiền USD, rồi sau đó lại phải đổi từ USD sang tiền Yên, thì sẽ bị mất lệ phí chuyển đổi 2 lần.
– Du khách nên đổi tiền Yên ở Việt Nam trước thì tốt hơn (vì tỉ giá tốt hơn ở Nhật Bản).
– Máy bán hàng tự động rất phổ biến ở Nhật Bản, vì vậy du khách nên đổi một ít tiền xu để mua hàng tại đó như: nước ngọt, bánh kẹo, thuốc lá,…
– Du khách không cần phải mang quá nhiều tiền mặt, có thể đem theo thẻ ATM để gọn nhẹ và tránh bị kẻ xấu chú ý. Du khách có thể đem theo thẻ Visacard, Mastercard, hoặc thẻ tích hợp IC… để thanh toán nếu mua sắm trong những trung tâm thương mại sang trọng, ăn uống tại các nhà hàng cao cấp ở Nhật Bản.
– Khi đi du lịch, công tác hay chữa bệnh thì du khách không được phép đem số tiền quá 7.000 USD quy đổi ra các ngoại tệ khác. Vì vậy, đừng đổi tiền Yên nhiều hơn số tiền quy định trên.
Với những thông tin chia sẻ trên đây, hi vọng du khách sẽ yên tâm với vấn đề đổi tiền và chi tiêu một cách hợp lý khi du lịch Nhật Bản. Chúc du khách có hành trình du lịch đầy thú vị!