Nghệ thuật Sampuru – nét đẹp trong văn hoá ẩm thực Nhật Bản

Nhật Bản – đất nước biến những thứ nhỏ bé, tầm thường nhất trở thành nghệ thuật đỉnh cao. Trong số đó, làm đồ ăn giả để trưng bày là một công việc đầy sáng tạo, đem lại cho nghệ nhân và ngành công nghiệp này nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Ở khắp đất nước Nhật Bản, các mẫu thức ăn giả xuất hiện phổ biến trong những tủ kính hoặc cửa sổ trưng bày trước mỗi nhà hàng, quầy thức ăn… Ngoài việc nó khiến món ăn trông bắt mắt, hấp dẫn và kích thích vị giác, việc trưng bày thức ăn giả còn giúp khách hàng có cái nhìn bao quát về món ăn họ sẽ chọn lựa. Một chiến lược kinh doanh rất tuyệt vời: “Những gì bạn thấy là những gì bạn sẽ nhận được sau khi gọi món”. Và rồi dần dần, chúng đã được nâng lên thành một hình thức nghệ thuật thật sự – Nghệ thuật Sampuru.

Nhiều thực phẩm bằng nhựa đã được trưng bày trịnh trọng tại Bảo tàng Victoria và Albert. Đồng thời, tại Nhật, hàng năm, những cuộc thi làm thức ăn giả từ nhựa và những vật liệu khác thường xuyên được tổ chức và thu hút những nghệ nhân trên khắp đất nước. Việc làm món ăn mô hình không chỉ xuất phát từ nhu cầu trưng bày của các nhà hàng mà nó đã lớn mạnh đến nỗi đã phát triển thành một ngành công nghiệp thực phẩm nhựa tại Nhật Bản, cung ứng sản phẩm cho nhiều quốc gia khác.

Quay về lịch sử kể từ sau thế chiến thứ hai, khi nhiều người Mỹ và Châu Âu đến Nhật Bản, họ chẳng hề biết chọn thực đơn vì nguyên nhân kể trên – đó là vấn đề ngôn ngữ, vì thế nhiều nhà hàng Nhật đành nấu hết, trưng tất cả các món ăn ra cho khách nước ngoài lựa chọn, nhưng rồi ai cũng thấy rằng, cách này chẳng hề hợp lý.

Cho đến năm 1926, một người đàn ông tên là Iwasaki Takizo sống tại Osaka có một ý tưởng vô cùng độc đáo. Ý tưởng nảy sinh trong hoàn cảnh gia đình ông đang gặp khó khăn, khi vợ ông bị bệnh nặng. Vào một đêm nọ, Iwasaki Takizo ngồi cạnh vợ để săn sóc cho bà dưới ánh nến le lói trong căn phòng. Tâm trạng ông rối bời vì không biết làm cách nào có tiền để trang trải cuộc sống. Bỗng Iwasaki Takizo thấy sáp nến đang chảy, ông dùng ngón tay hứng lấy và thấy dấu vân tay của mình in lên miếng sáp khi miếng sáp khô lại. Thấy kỳ lạ, ông tiếp tục đổ sáp nến khi còn nóng chảy xuống chiếu và phát hiện miếng sáp khi khô cũng in rõ ràng đường lằn chiếu.

Và rồi ông nảy ra ý tưởng làm món ăn giả từ sáp nến. Sau một thời gian mày mò, học hỏi từ những người thợ làm đồ vật bằng sáp nến, Iwasaki Takizo tự tay làm những mô hình món ăn với các nguyên liệu chính là Gelatin, thạch Kanten và sáp. Thành quả đầu tiên của ông là mô hình món trứng cuộn omelet phủ sốt cà vô cùng thành công. Ngay cả vợ ông cũng phải hoàn toàn sửng sốt vì không thể phân biệt thực giả.

Từ đó, đồ ăn giả của ông trở thành một phần không thể thiếu ở các nhà hàng tại Osaka, cũng như mở rộng toàn Nhật Bản. Không lâu sau, năm 1932, ông thành lập riêng một công ty trong chính căn hộ nhỏ tại Osaka – Công ty Iwasaki Be-I.

Mặc dù sau này, lĩnh vực này bắt đầu có nhiều cạnh tranh nhưng Iwasaki Be-I vẫn là công ty lớn nhất về mô hình thức ăn giả (Sampuru), chiếm lĩnh khoảng 60% nhu cầu của thị trường nội địa. Vào thập niên 1970, cùng với xu thế mới trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo của thế giới, Công ty Iwasaki Be-I bắt đầu ứng dụng kỹ thuật và nguyên liệu cải tiến cho sản phẩm. Bấy giờ, nhựa tổng hợp được đưa vào sử dụng, sau đó là silicon thay thế cho nguyên liệu truyền thống. Các chuyên gia thường sử dụng nhựa để tạo độ bền cho sản phẩm, mỗi món đều có khuôn đúc riêng, cách thành phần đều cụ thể, riêng biệt.

Điều đáng nói, mỗi chiếc Sampuru là một tác phẩm nghệ thuật và gần như được làm thủ công bằng chính đôi tay khéo léo của những nghệ nhân cao tay nghề. Mọi sản phẩm thức ăn giả không được sản xuất hàng loạt, mà mỗi nhà hàng, quán ăn sẽ có những yêu cầu riêng, không nhà hàng nào giống nhà hàng nào. Tuy nhiều công ty khác cũng vận dụng mô hình sản xuất hàng loạt có giá cả phải chăng hơn, người ta vẫn chuộng những tác phẩm được làm một cách thủ công, vốn rất đắt đỏ. Mỗi một vật mẫu Sampuru thường có giá gấp 10 đến 20 lần so với giá của món ăn thật đó.

Theo nghệ nhân chế tác đồ ăn giả, mọi thực phẩm đều có thể làm mẫu vật giả. Đầu tiên, nhựa trộn màu sẽ được đun nóng từ 10-30 phút, sau đó đổ vào khuôn (được tạo ra bằng cách nhấn thực phẩm cần tạo vào silicon nóng chảy) và để nguội cho đến khi cứng lại. Tiếp theo, nghệ nhân sẽ đánh bóng khối sản phẩm rồi thực hiện công đoạn sơn vẽ, và cuối cùng phủ một lớp sơn bóng để bảo quản màu bề mặt. Công đoạn khó nhất là làm sao để màu trên sản phẩm giả giống thật nhất có thể. Chưa hết, mọi chi tiết nhỏ nhặt cũng phải bắt chước làm sao cho thật giống, do đó họ đều tốn công sức tạo ra từng bộ phận nhỏ của sản phẩm với số lượng nhân đôi, nhân ba. Chẳng hạn như, nếu muốn làm mô hình đĩa cơm, họ phải làm riêng lẻ từng hạt cơm một bằng cách dùng keo đính lên nhiều hạt cườm màu trắng.

Với những món sử dụng đũa như mì Ramen, mọi thành phần của món ăn sẽ được chế tác riêng lẻ rồi sau đó lắp ráp vào trong chiếc bát một cách cẩn thận. Những nghệ nhân còn tạo hình sản phẩm kết hợp với đũa, muỗng và trang trí thêm những vật dụng khác trong nhà hàng. Sợi mì được làm từ những chuỗi nhựa dẻo kéo dài và uốn cong y như thật. Lát thịt heo, tỏi xắt nhỏ và nửa quả trứng luộc sẽ được đúc khuôn tỉ mỉ trước khi cho vào nước lèo bằng nhựa cứng.

Ngày nay, Sampuru không chỉ gói gọn sau cửa kính của các quầy hàng mà đã trở thành một phần của văn hóa Nhật Bản. Người ta làm Sampuru để đeo móc chìa khóa, giá kính, giá để điện thoại, đồ trang trí nhà bếp, đồ lưu niệm,… Để mua những mô hình Sampuru, du khách hãy đến khu Kappabashi-dori, con đường chuyên về buôn bán thức ăn ở Tokyo. Tại đây, du khách còn có thể tự làm một chiếc Sampuru trị giá cỡ 230.000VND từ sáp nóng chảy, vì phương pháp cổ điển an toàn hơn cho du khách so với phương pháp sử dụng nhựa nóng chảy. Các du khách được hướng dẫn đổ sáp nóng chảy vào nước lạnh cho sáp cứng lại, sau đó bỏ vào khuôn để tạo hình.

Chắc hẳn du khách sẽ rất thích thú với những mô hình thức ăn giả tinh xảo này. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, du khách hãy tham gia ngay Tour Nhật Bản cùng chúng tôi để khám phá nền ẩm thực độc đáo của “xứ Phù Tang” và tìm mua cho mình những mô hình Sampuru đẹp mắt thôi nào!