Sự yêu thích đặc biệt của người Nhật dành cho Bánh mì

banh mi nhat ban 11

Đặt chân đến Nhật Bản và khám phá về văn hóa ẩm thực ở nơi đây, hẳn nhiên du khách sẽ cảm thấy bất ngờ. Ở quốc gia này người dân vô cùng trú trọng các bữa ăn chính. Tuy nhiên, các biến tấu của bánh mì Nhật Bản với đủ chủng loại, hương vị cũng là điểm nhấn tuyệt vời trong ẩm thực Nhật. Mỗi một loại đều có nét hấp dẫn riêng, đủ sức chinh phục được vị giác của đông đảo du khách.

Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng bởi sự cầu kỳ trong cách chế biến lẫn bày trí mỗi món ăn. Sự nổi bật này được hình thành từ sự pha trộn một cách tinh tế và hài hòa giữa món ăn Nhật với các món ăn Trung Quốc và phương Tây. Điều này giải thích cho lý do tại sao đôi khi trên bàn ăn của người Nhật lại có thêm xúc xích, bánh mì hay thói quen uống cafe vào buổi sáng.

Và nếu tìm hiểu kỹ hơn về nền ẩm thực của “xứ Phù Tang”, du khách sẽ biết được đây là một quốc gia sử dụng gạo là phổ biến. Gạo Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới vì độ ngon, dẻo và đóng vai trò quan trọng trong những món ăn của ẩm thực Nhật Bản. Chính vì vậy không đáng ngạc nhiên khi đất nước này cũng sở hữu nhiều loại bánh mì ngon và độc đáo.

Tên gọi chung của bánh mì Nhật Bản

Người Nhật có một từ dùng để chỉ các loại bánh mì nói chung, đó là “pan”. Đối với những ai học tiếng Nhật hẳn cũng biết người Nhật hiện đại mượn từ tiếng Anh rất nhiều, từ nhà hàng (resutoran) đến cà-vạt (nekutai), bánh ngọt cake (keki). Nhưng chỉ mỗi từ “bánh mì”, hay “bread” là có hẳn một từ khác để gọi, ấy chính là “pan (パン)”. Được biết, chữ pan này thực ra có nguồn gốc từ chữ latinh “panis”, nghĩa là bánh mì.

Tuy nhiên, có một sự thật là dù từ này – cũng như bản thân những chiếc bánh mì – có nguồn gốc từ phương Tây, thì hiện tại nó đã trở thành “thương hiệu” của riêng những loại bánh mì Nhật Bản mà không đâu có. Trong thực tế thì “pan” chỉ chung các loại bánh mì, nhưng nhắc tới pan thì phần lớn người Nhật đều nghĩ đến những loại bánh mì “độc quyền” của “xứ sở hoa anh đào” không đâu có.

Lịch sử gần 500 năm của bánh mì Nhật Bản

Bánh mì du nhập vào Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 1543. Thời điểm đó, một con tàu của Bồ Đào Nha dạt vào bờ biển nước Nhật mang theo những người truyền giáo thuộc đạo Cơ đốc cùng rất nhiều hàng hóa và súng. Sau đó, những người truyền giáo này đã hành hương khắp xứ Phù Tang để truyền bá thông điệp của họ và mang theo bánh mì trên đường đi.

Theo một vài ghi chép lịch sử cho thấy, Oda Nobunaga, một “Daimyo” (người cai trị thời đại phong kiến) đang nắm quyền vào thời điểm đó, cũng rất thích ăn các loại bánh mì do các nhà truyền giáo mang đến.

banh mi nhat ban 10

Tuy nhiên, vào năm 1587 với lệnh cấm của quân chính Toyotomi Hideyoshi đối với các nhà truyền giáo Dòng Tên, Cơ đốc giáo đã được áp dụng như một mối đe dọa cho hệ thống nhất quốc gia. Theo đó, bánh mì cũng biến mất một thời gian dài sau đó.

Sau khi Chiến tranh Nha phiến nổ ra vào năm 1840, bánh mì đã được sản xuất lại hàng loạt vì sự tiện lợi thích hợp để mang theo nhiều ngày. Từ đó, bánh mì cũng phổ biến trở lại trong đời sống người dân “xứ Phù Tang”.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vào thời điểm Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, một lượng lớn lúa mì đã được chuyển đến Nhật Bản. Sau đó, bánh mì ngày càng trở thành thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của người Nhật.

Bánh mì Nhật Bản hiện có nhiều phiên bản ngon và hấp dẫn

banh mi nhat ban 1

Theo thời gian bánh mì bắt đầu có sự sáng tạo. Mở đầu bằng sự ra đời của Anpan (bánh mì nhân đậu đỏ). Trước sự lên ngôi của Quân đội Hoàng gia Nhật Bản và sự giải thể của tầng lớp Samurai, một Samurai đã đánh mất địa vị của mình có tên Kimura Yasubei đã tạo ra chiếc bánh Anpan đầu tiên vào năm 1875, vào thời Minh Trị (Meiji). Đó là bởi vì thời Minh Trị chịu ảnh hưởng mạnh từ nền văn hóa Tây phương nên rất nhiều Samurai thời đó đã phải tìm cho mình một công việc mới, trong đó là trở thành thợ làm bánh. Yasubei đã suy nghĩ và tạo nên một loại bánh có lớp nền như bánh Manju và nhồi nhân đậu để phù hợp với khẩu vị của người Nhật. Kết quả là chiếc bánh Anpan nhân đậu đỏ đã trở nên phổ biến khắp toàn Nhật Bản. Ngày nay, du khách có thể tìm mua Anpan với rất nhiều loại nhân như đậu đỏ, trắng, mè hoặc hạt dẻ.

banh mi nhat ban 4

Năm 1900, nhiều phiên bản bánh mì khác đã lần lượt ra đời, như:

Jam-pan (bánh mì nhân mứt). Bánh đã được giới thiệu bởi người chủ thứ ba của Kimura Sohonten vào năm 1900. Nó đã được “cố ý” đưa ra một hình dạng hình bầu dục (bề ngoài “hình dạng lá”) để phân biệt nó với Anpan.

banh mi nhat ban 5

Cream-pan (bánh mì nhân kem lấy cảm hứng từ bánh Su kem). Vào thời Minh Trị, một người phụ nữ tên Souma Kokkou đã ăn thử bánh Su kem ở Shinjuku và bị “thu phục” hoàn toàn bởi vị ngon của nó nên cô ấy đã tạo nên một loại bánh mì có nhân kem Custard tương tự như nhân của bánh su kem. Đó chính là nguồn gốc của bánh mì nhân kem hiện tại (Cream-pan). Đây là loại bánh mà người Nhật thường hay dùng trong bữa sáng, đặc biệt là những người hảo ngọt.

banh mi nhat ban 2

Đến năm 1972, Curry-pan (bánh mì cà ri) xuất hiện và rất được ưa chuộng. Ở Nhật Bản, Curry-pan được tất cả mọi lứa tuổi yêu thích, đặc biệt khi họ cần một món ăn lót dạ trong những ngày trời se lạnh. Bánh mì cà ri thực chất là một chiếc Doughnut đặc ruột được chiên giòn, có kích thước cỡ một lòng bàn tay, và được nhồi đầy cà ri gà, bò hoặc cừu. Trong anime Anpanman, họa sĩ Yanase Takashi đã đặt tên cho một trong những nhân vật của mình là Karepanman với năng lực dùng cà ri để đốt chết kẻ thù của mình.

banh mi nhat ban 3

Tiếp sau đó là Melon-pan (bánh mì dưa lưới) cũng ra đời và trở thành những loại bánh mì Nhật Bản chính gốc phổ biến. Melon-pan là một loại bánh mì ngọt có những vết cắt trên thân bánh trông như trái dưa gang của người Nhật. Đây là một loại bánh rất dễ ăn và thường hay xuất hiện trên Anime, Manga. Ví dụ, hình ảnh Shana ăn Melon-pan đầy hạnh phúc được rất nhiều fan của Shakugan no Shana biết đến. Ở Nhật Bản, du khách có thể thưởng thức ở tiệm bánh Kokado thuộc thành phố Kamisu, tỉnh Ibaraki. Nơi đây sản xuất nên những chiếc Melon-pan thơm lừng mùi dưa gang vì người thợ làm bánh chỉ sử dụng duy nhất nước ép dưa gang trong suốt quá trình nhào bột nướng bánh.

banh mi nhat ban 6

Koppe-pan là một loại bánh mì mềm thường được phục vụ trong bữa ăn của học sinh Nhật kể từ thời Showa. Cái tên “Koppe” bắt nguồn từ một loại bánh Pháp có tên là Coupe. Đây là loại bánh rất mềm và thơm ngon nên rất được trẻ em ưa thích. Vì đây là loại bánh đơn giản có hương vị nhẹ nhàng, người ta thường phết thêm mứt hoặc dùng cùng với sữa đều ngon.

banh mi nhat ban 8

Corne – một loại bánh xoắn ốc có nhân kem hoặc chocolate ở giữa, có nguồn gốc từ một loại bánh Pháp có tên là Corne. Đa số bánh Corne hiện nay được nhân chocolate nhưng cũng có một số trường hợp nhân bánh là Whipped Cream hay bơ đậu phộng. Nhân bánh khá ngọt nên đây là loại bánh được bán trong nhà hàng, quán ăn để dùng chung với sữa hoặc cafe nhiều hơn là ở các cửa hàng, siêu thị.

banh mi nhat ban 7

Baguette – Chiếc bánh mì Pháp cổ điển đầu tiên ở Nhật Bản ra đời cách đây khoảng 120 năm. Chiếc bánh này do Sekiguchi France-pan một tiệm bánh lâu đời ở Nhật Bản sản xuất và vẫn giữ công thức nguyên bản cho đến hiện nay. Baguette có lớp vỏ mỏng giòn tan với nhân mềm thơm ngon tuyệt là món ăn ưa thích của nhiều người dân Nhật. Nó cũng có nhiều phiên bản đặc biệt chỉ có ở Nhật Bản như Matcha Baguette với lớp vỏ kết hợp đậu nành đen và Matcha, hay Goma-france – món bánh mì baguette có kem mè đen.

banh mi nhat ban 9

Trong số những loại bánh mì Nhật Bản kể trên, còn có một món bánh mì có phần “kì lạ” mang tên Yakisoba-pan. Yakisoba là mì xào tương truyền thống, được nhồi nhét vào chiếc bánh mì Hotdog ta vẫn quen thuộc. Cách ra đời của chiếc bánh mì này cũng “kì lạ” như chính bản thân nó vậy. Được biết là vào khoảng năm 1950 ở Tokyo có một quán ăn chuyên bán hotdog và mì Yakisoba như hai món riêng biệt. Tuy nhiên, đã có một vị khách, vì không thể quyết được là nên ăn mì hay Hotdog nên bèn kêu chủ quán nhét mì vào Hotdog luôn. Và có lẽ vì hương vị độc đáo, thơm ngon lạ kì nên món bánh này đã trở thành một trong những món bánh mì kinh điển của Nhật Bản, được người dân yêu thích. Chiếc bánh mì này, cùng với Melon Pan cũng là một món bánh nổi tiếng với học sinh.

Có thể thấy, tuy có nguồn gốc là phương Tây, nhưng với sự sáng tạo của người Nhật thì những món bánh mì này đã trở thành đặc sản “cộp mác” Nhật Bản không đâu có, đến mức người phương Tây phải xa xôi lặn lội đến để thưởng thức những chiếc bánh mì lẽ ra là phải quen thuộc với họ lắm. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng bỏ qua cơ hội trải nghiệm hương vị độc đáo của bánh mì ở đây nhé!