Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng vì sự tinh tế và cầu kỳ trong cách trình bày và chế biến, độ tươi ngon của nguyên liệu và cả hương vị tuyệt vời. Tuy nhiên, đối với những người ăn chay trường, ẩm thực Nhật Bản lại khá “khó nhằn”. Tuy vậy, vẫn có những món ăn truyền thống của đất nước này phù hợp hoàn toàn với những tín đồ ăn chay.
Mì Ramen chay
Ramen là một trong những món ăn “quốc hồn quốc túy” của đất nước Nhật Bản. Món ăn này chủ yếu được ăn với nước dùng từ xương gà hay xương heo hầm, toàn bộ là những nguyên liệu từ động vật, không phù hợp với những người ăn chay.
Thế nên, nhiều nhà hàng đang bắt đầu thêm các phiên bản Ramen chay vào thực đơn để thu hút nguồn khách thuần chay. Trong đó, nổi tiếng nhất là T’s Tan Tan – chuỗi nhà hàng thuần chay nổi tiếng ở Tokyo. Nhà hàng phục vụ nhiều món Ramen chay với giá cả phải chăng, có cả phiên bản Ramen ăn liền để mang đi. Món Ramen chay tiêu biểu ở đây ăn với rau tươi, mè và một loại gia vị đặc biệt của quán.
Mì Udon chay
Điểm nhấn của mì Udon là nước dùng ngọt thanh mát và những sợi mì vuông cạnh dẹt, có màu trắng ngà, bóng mượt, dai giòn được làm từ bột lúa mì; và sẽ thật đáng tiếc nếu du khách bỏ quan món ăn này khi đến du lịch Nhật Bản.
Món mì này gắn liền với hòn đảo Takamatsu, một trong 4 hòn đảo chính của Nhật Bản. Và mì Udon chính là một trong những “chiêu bài” hút khách và giúp nâng lượng du khách ghé thăm đảo của nơi đây.
Mì Soba chay
Sợi mì soba dài và dai, có màu nâu sẫm, được làm bằng cách trộn bột kiều mạch và bột mỳ, nhào nặn và cắt thành từng sợi nhỏ. Cũng như mì Udon, mì Soba có thể ăn nóng hoặc lạnh. Mì Soba ăn lạnh được chấm với nước tương, củ cải mài, rong biển, mù tạt và hành lá.
Tempura rau củ
Món ăn này được cho là du nhập vào Nhật Bản bởi người Bồ Đào Nha vài thế kỷ trước. Tempura bao gồm phủ nhiều loại rau khác nhau được bao phủ một lớp mỏng từ bột mì và trứng, không phù hợp với người ăn chay.
Farmer’s Cafe Project là một nhà hàng đặc biệt, nơi cung cấp các món ăn hữu cơ trực tiếp từ nông trại. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức nhiều loại rau hữu cơ khác nhau, bao gồm cả những miếng Tempura rau thơm ngon nhất không có trứng.
Món ăn này không chỉ được tín đồ ăn chay mà thậm chí những em bé cũng đặc biệt yêu thích, nó có thể ăn kèm cùng với sốt Mayonnaise làm cho món ăn đậm đà hơn. Ngoài ra, món ăn lạ miệng này cũng cung cấp rất nhiều vitamin và chất xơ tốt cho sức khỏe.
Bánh xếp Gyoza
Bánh xếp Gyoza là một món ăn rất phổ biến ở “xứ Phù Tang”, có thành phần hoàn toàn từ thực vật thuần khiết. Mặc dù có hình dáng như Sủi cảo chiên của Trung Quốc nhưng Gyoza có mùi vị riêng nhờ vào những gia vị ướp đặc trưng của Nhật Bản.
Chiếc bánh Gyoza có phần nhân từ thực vật được gói gọn trong lớp bột mì màu xanh lá cây, phần rìa bên ngoài của bánh sẽ được tạo hình như những phần bột xếp chồng lên nhau. Khi chiên giòn lên, bánh hòa quyện có mùi vị rất thơm ngon.
Kushimono
Du khách có thể tìm thấy món Kushimono (món que xiên nướng) trong các cửa hàng bình dân ở khu ẩm thực đường phố ở hầu hết các thành phố tại Nhật Bản. Người ta dùng hỗn hợp các loại rau củ như: củ sen, nấm, ớt chuông xanh, đậu bắp, bạch quả,… để tạo thành một que xiên và dùng với loại nước chấm đặc trưng tạo cảm giác thanh ngọt tự nhiên từ nguyên liệu rau quả tươi xanh và độ đậm đà của nước sốt. Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức món Kushiage – món chả giò rau củ chiên hoàn toàn không có nhân thịt cá, là món ăn tuyệt vời dành cho những người ăn chay khi đến Nhật Bản.
“Gà” Karaage
Karaage vốn là một món ăn từ gà của Nhật Bản, được ướp với nước tương, rượu Sake, gừng và tỏi sau đó rán lên ăn kèm Bento. Phiên bản thuần chay của Karaage được làm từ Gluten thực vật để tạo độ dai mềm như thịt gà. Món ăn này được người dân Nhật khá ưa chuộng.
Cà ri Nhật Bản
Ít ai biết, cà ri là một trong những món ăn được yêu thích ở Nhật Bản. Cà ri phiên bản Nhật Bản được coi là hơi ngọt hơn so với cà ri của Ấn Độ hoặc Thái Lan, nó luôn được làm từ thịt, hoàn toàn không thích hợp với người ăn chay.
Tuy nhiên, khi du lịch Nhật Bản, du khách cũng có thể thưởng thức món ăn độc đáo này được nấu theo phương pháp thuần chay. Tại đây, du khách có thể tự chọn một phần cơm trưa với các món ăn như Tempura hoặc thịt rán từ đậu nành ăn kèm với cà ri Nhật Bản hữu cơ tươi ngon.
Natto
Natto là một món ăn truyền thống từ thiên nhiên. Natto được làm từ những hạt đậu nành được luộc chín, ủ cùng Enzim suốt 14-18 giờ trong môi trường 40°C để lên men. Do không qua chế biến (đun, nấu, hấp, xào…) nên chất dinh dưỡng trong món ăn được giữ nguyên vẹn, trong đó enzym Nattokinase là một hoạt chất sản sinh trong quá trình lên men tự nhiên được xem là hoạt chất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các chứng bệnh tim mạch.
Bean Patty
Nhật Bản vốn được biết đến với món Súp Miso trứ danh, tuy nhiên trên thực tế, người Nhật còn sử dụng Miso cho rất nhiều món ăn khác, chẳng hạn như món Bean Patty.
Bean Patty được làm từ đậu phụ, Miso, sữa đậu nành và đường nâu. Nước sốt này được rất nhiều thực khách phải khen ngợi, nó ngon đến mức thực khách sẽ muốn quét sạch đĩa và nhấm nháp tới từng giọt cuối cùng.
Natsu
Cà tím (trong tiếng Nhật là Natsu) là món ăn phụ kèm theo được chế biến theo cách thức khá đặc biệt. Người Nhật sẽ đem cà tím hấp hay nướng vừa chín tới, sau đó họ sẽ tẩm ướp chúng bằng sốt Miso (hỗn hợp gia vị từ muối biển, đậu nành và thực phẩm lên men). Vị ngọt thơm của cà kết hợp với độ đậm đà của nước sốt từ từ hòa tan vào vị giác của thực khách tạo nên một món chay tuyệt vời không thể tả.
Edamame
Ở Nhật Bản, dường như những món ăn được làm từ nguyên liệu tự nhiên, chế biến đơn giản rất được ưa chuộng vào mùa hè. Với hàm lượng chất khoáng, vitamin, protein, chất béo, chất xơ, rất tốt cho đường ruột, làm mịn da mặt và còn có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh về ung thư, món đậu nành này trở thành món khai vị quen thuộc của người Nhật Bản. Những trái đậu còn tươi xanh được rắc một tí muối vào rồi xóc đều và tách hạt ăn đã trở nên rất thu hút không chỉ đối với người dân “xứ sở hoa anh đào” mà còn cả với khách du lịch nước ngoài. Món đậu nành luộc dùng để làm món khai vị hay các món phụ.
Kinpira
Kinpira là món ăn được chế biến từ rau củ từ phương pháp chế biến “áp chảo và ninh nhừ” các hỗn hợp như: củ ngưu bàng, cà rốt, củ sen, đậu hủ, rong biển, sau đó món này sẽ được dùng với nước sốt mirin và đậu nành. Trong đó, tinh hoa của món Kinpira phải kể đến sự đóng góp quan trọng của nguyên liệu củ ngưu bàng – một loại củ phổ biến ở Nhật, có màu nâu dài và vị ngọt thanh hòa quyện vào vị đắng nhẹ, là thực phẩm chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe. Món Kinpira từ củ ngưu bàng và các loại rau khác là món ăn dinh dưỡng được các gia đình Nhật nấu thường xuyên, đặc biệt là vào dịp lễ truyền thống được dùng cùng với rượu Sake.
Dưa chua Tsukemono
Là món phụ kèm theo không thể thiếu trong các bữa ăn của người Nhật, món dưa chua Tsukemono thường được dùng chung với cơm và súp Miso. Nguyên liệu chính để làm Tsukemono chính là: các loại rau củ có vị chua, muối, giấm, đậu nành, Miso và cám gạo.
Với hương vị độc đáo từ độ mặn của muối kết hợp với độ chua ngọt của giấm đường và vị tươi của rau củ, đây là món ăn yêu thích của người Nhật được dùng để cân bằng chế độ ăn uống và trung hòa vị giác cũng như hỗ trợ hệ tiêu hóa. Món Tsukemono này rất phổ biến và được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản.
Cơm Taco
Nằm trong danh sách các món ăn chay truyền thống Nhật Bản được nhiều người ưa chuộng đó chính là món cơm Taco. Khi ăn có thể ăn kèm với nước tương hoặc rượu Sake.
Cơm nắm Onigiri
Là món ăn phổ biến trong cuộc sống thường ngày của người Nhật, món cơm nắm Onigiri được ưa chuộng bởi tính tiện lợi với cách chế biến đa dạng tạo nên hương sắc hấp dẫn độc đáo. Được làm từ gạo hạt tròn của Nhật và tạo thành hình dáng tam giác hay hình bầu dục rồi được phủ lên một tấm rong biển và các loại vừng đen trắng bắt mắt. Đây là món ăn được yêu thích trong các set đồ ăn trưa và chiều của các thực khách yêu thích tinh hoa ẩm thực Nhật Bản.
Súp Miso
Súp Miso là món ăn chay được sử dụng hàng ngày trong các bữa ăn của người Nhật Bản. Món súp này được làm từ nước sốt kết hợp với tương đậu nành nên hương vị rất đặc biệt.
Chưa kể món súp Miso có rất nhiều loại khác nhau nên tùy theo khẩu vị và sở thích, du khách sẽ lựa chọn các món súp Miso phù hợp để thưởng thức. Tuy nhiên, nếu là món súp Miso thuần chay thì thành phần của nó sẽ chủ yếu là đậu nành kết hợp cùng với rong biển.
Yudofu
Xuất xứ từ vùng Kyoto, món đậu hủ luộc Yudofu là món ăn đặc sản được chế biến cầu kỳ mà các du khách yêu thích món ăn chay không nên bỏ qua. Nguyên liệu để tạo nên đậu hủ mà người Nhật thường dùng là từ hạt mè trắng và đậu nành khô tách nước. Sau đó, đậu hủ sẽ được luộc trong một nồi nước hầm chứa các gia vị đặc trưng tùy theo bí quyết của mỗi nhà hàng, khi đậu chín và gia vị đã ngấm đều thì các đầu bếp sẽ thêm rau và tảo bẹ lên trên. Món này sẽ được dùng kèm với Yuzu kosho và Ponzu (hai loại gia vị đặc biệt). Người ta nói rằng cho dù bạn không thích ăn đậu hủ như thế nào thì cũng khó mà “chống lại” sức hút tuyệt vời của món Yudofu ngon tuyệt này.
Các món ăn chay kể trên đều là những món ăn ngon hấp dẫn mà du khách khi có dịp du lịch Nhật Bản nên thưởng thức. Chắc chắn những món ăn chay này sẽ giúp du khách tìm hiểu được rất nhiều điều thú vị về nền ẩm thực “xứ Phù Tang”.