Đảo Sado được mệnh danh là “Hòn đảo của Vàng và Bạc” của Nhật Bản. Được bao bọc bởi biển xanh rộng lớn cùng những cánh rừng bạt ngàn, Sado ngày nay là một điểm đến đầy quyến rũ khi không chỉ sở hữu thiên nhiên tươi đẹp, nơi đây còn ôm trong mình đoạn lịch sử vô cùng đặc biệt, góp phần hình thành nên nền văn hóa đảo đầy màu sắc.
Đảo Sado (Sadogashima) đồng thời là Thành phố Sado (Sado-shi) nằm ngoài khơi thành phố Niigata thuộc tỉnh Niigata, ở vùng Chubu. Với diện tích khoảng 855km2, Đảo Sado là một trong những hòn đảo lớn nhất biển Nhật Bản.
Với những ngọn núi hùng vĩ cùng đại dương trong xanh, Đảo Sado luôn có những điều thú vị để du khách khám phá. Dù ngày nay nơi này được biết đến là một “thiên đường” nghỉ dưỡng, nhưng ít ai biết rằng trong quá khứ, hòn đảo này từng là nơi lưu đày tội phạm, những nghệ sĩ, quý tộc thất thế, và thậm chí là cả những vị hoàng đế bại trận. Sau khi phát hiện nơi đây có rất nhiều vàng, người ta đã biến nơi này thành một trung tâm công nghiệp và văn hóa vô cùng phát triển.
Theo Kojiki (Cổ ký sự) – biên niên sử xuất hiện sớm nhất của Nhật Bản, Sado là hòn đảo thứ 7 do 2 vị thần Izanagi và Izanami tạo nên. Theo những tài liệu khảo cổ, đảo Sado đã có người sinh sống cách đây khoảng 10.000 năm.
Vào thời kỳ Nara (710-784), khi chính quyền Nhật Bản đã được củng cố hơn, Sado đã được công nhận là một tỉnh độc lập ở Nhật Bản và do vị trí khá xa với đất liền, Sado đã được chỉ định là một hòn đảo lưu vong, nơi lưu đày “những kẻ thù của đất nước”. Một trong những người bị lưu đày đầu tiên tại đây là nhà thơ Hozumi Asomioyu. Ông đã sống 18 năm trên hòn đảo này từ năm 722-740 sau khi phạm tội chỉ trích Hoàng gia Nhật Bản. Một nhân vật khác cũng bị đày đến đảo Sado chính là Hoàng đế Juntoku – người đã thất bại trong một cuộc nổi dậy liên quan đến chính trị vào năm 1221. Ông đã sống ở đây cho đến cuối đời. Cho đến thời Heian (794 1185), ngoài việc thỉnh thoảng tiếp nhận một vài tù nhân thì cuộc sống trên hòn đảo Sado khá yên bình. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra rằng hòn đảo này có một mỏ vàng và bạc lớn, nhà độc tài quân sự Tokugawa Ieyasu đã đưa hòn đảo này về dưới sự kiểm soát trực tiếp của mình và vào năm 1601. Sau đó, ông đã tổ chức hoạt động khai thác mỏ quy mô lớn tại đây.
Ngành khai thác vàng trên hòn đảo Sado sau đó đã đem lại khối tài sản lớn cho Mạc phủ (chính quyền quân sự Nhật Bản) và vào thời kỳ đỉnh cao, mỗi năm tại đây khai thác được trung bình 400kg vàng và 40 tấn bạc. Thậm chí, lượng bạc được khai thác trên hòn đảo Sado đã từng chiếm tới 20% sản lượng trên toàn thế giới.
Các kỹ sư, kỹ thuật viên, thợ mộc và thợ mỏ từ khắp nơi trên Nhật Bản đã đổ xô đến hòn đảo này trong “cơn sốt” vàng ở Nhật Bản. Để hỗ trợ ngành công nghiệp khai thác đang bùng nổ, các thương gia, thương nhân, ngư dân và các quan chức chính phủ cũng đã hỗ trợ, và chẳng bao lâu, nơi từng là một hòn đảo xa xôi hẻo lánh đã trở thành tâm điểm của hoạt động khai thác vàng bạc.
Năm 1896, trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912) sau khi Mạc phủ sụp đổ, Công ty Mitsubishi đã mua lại mỏ vàng từ Chính phủ. Với đồng yên mới được hỗ trợ dựa trên bản vị vàng, tình hình kinh tế của Nhật Bản trở nên khởi sắc hơn bao giờ hết trên thị trường quốc tế. Nguồn tài nguyên mà Đảo Sado đem lại đã được sử dụng để tài trợ cho việc mở rộng hoạt động quân sự của Nhật Bản trong suốt Thế chiến II.
Tuy nhiên, không có tài nguyên thiên nhiên nào tồn tại mãi mãi. Việc khai thác liên tục trong nhiều năm đã gây thiệt hại lớn cho hòn đảo. Các loài động vật như chim chào mào Nhật Bản gần như đã tuyệt chủng do môi trường bị ô nhiễm, và cư dân sinh sống tại hòn đảo này cũng bắt đầu rời đi khi vàng dần cạn kiệt. Ngành công nghiệp khai thác đã không còn đáng tin cậy nữa. Đến năm 1952, hầu hết các mỏ vàng đã bị bỏ hoang và chỉ còn khoảng 10% tổng số nhân viên khai thác còn lại trên đảo. Năm 1989, mỏ vàng cuối cùng đã bị đóng cửa hoàn toàn và hòn đảo này dần chuyển hướng sang ngành du lịch.
Cho đến nay, Đảo Sado vẫn còn tồn tại rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Dưới đây là một số điểm tham quan hấp dẫn mà du khách nhất định không nên bỏ lỡ khi đến đây!
Mỏ Sado Kinzan
Hãy cùng trở về 400 năm trước giữa những mê cung mỏ vàng tại Đảo Sado! Những đường hầm được đào thủ công từ thời Edo và Meiji này vẫn được bảo tồn rất cẩn thận, nhằm mục đích tái hiện cho du khách thấy được điều kiện làm việc tàn khốc mà những người thợ mỏ thời đó phải đối mặt. Các đường hầm đi sâu vào lòng đất, trưng bày các thiết bị, công cụ khai thác và tái hiện lại quá trình khai thác qua những hoạt cảnh sống động như thật.
Di tích nhà máy khai thác Kitazawa
Như “Lâu đài trên bầu trời” của Studio Ghibli, Di tích nhà máy khai thác Kitazawa là tàn tích của một quặng mỏ – cơ sở khai thác mỏ đầu tiên đầu tiên ở Nhật Bản. Vào thời hoàng kim, nhà máy này đã xử lý hơn 50.000 tấn quặng thô mỗi tháng, sử dụng một quy trình gọi là “bể tuyển nổi” để sàng lọc vàng. Ngày nay, không còn quặng mỏ nào hoạt động trên đảo, du khách có thể thoải mái chụp ảnh với “Lâu đài Laputa” độc đáo của Đảo Sado (tránh đi vào khu di tích.) Vào ban đêm, tại đây được thắp sáng lung linh, tạo nên một khung cảnh thu hút và đầy mê hoặc.
Công viên vàng Nishimikawa
Tại Công viên vàng Nishimikawa nằm trên nền của mỏ vàng Nishimikawa trước đây, du khách có thể “kiếm tiền” cho riêng mình! Đây là một hoạt động trải nghiệm tuyệt vời dành cho các gia đình. Du khách đến đây có thể trải nghiệm hoạt động lọc bụi vàng giống như những người khai thác mỏ trong thời kỳ Edo. Du khách có thể mang bụi vàng mình tìm được về nhà làm kỷ niệm, hoặc biến nó thành một chiếc móc khóa hay vòng cổ.
Shukunegi
Shukunegi là một khu dân cư đẹp như tranh vẽ với khoảng 100 ngôi nhà làm từ gỗ nằm trên bờ biển phía Nam Sado. Dù có tuổi đời khá lâu nhưng nhiều ngôi nhà này vẫn là nơi sinh sống của những gia đình định cư từ giữa những năm 1800, mang đến cho thị trấn một bầu không khí hoài cổ. Những ngôi nhà này phần lớn được làm từ gỗ tái chế từ những con tàu cũ và tàu chở hàng. Ngày nay, du khách có thể tự do ghé thăm những con hẻm giống như mê cung tại đây để cảm nhận cảm giác như đang được quay ngược về quá khứ.
Công viên rừng Toki
Năm 2003, chim chào mào Nhật Bản (trong tiếng Nhật gọi là “Toki”) đã bị tuyên bố là tuyệt chủng trong tự nhiên. Tuy nhiên, nhờ một dự án thụ tinh nhân tạo, quần thể chim chào mào đã được hồi sinh và hiện đang sinh sống tại một khu bảo tồn được thành lập trên đảo Sado. Tại Công viên rừng Toki, du khách có thể ngắm nhìn những chú chim chào mào tuyệt đẹp trong tự nhiên, đồng thời tìm hiểu những nỗ lực của của con người đằng sau sự hồi sinh loài chim này tại khu vực bảo tàng và sảnh bảo tồn.
Bãi biển Futatsugame
Ở mũi phía Bắc Đảo Sado là Futatsugame, một bãi biển đầy cát với hòn đảo nhỏ ngoài khơi trông giống hai con rùa. Hãy dành một buổi chiều ở đây để thư giãn trong làn nước trong xanh nhất tại Sado, được bầu chọn là một trong 100 địa điểm tắm biển hàng đầu Nhật Bản! Ngoài ra, ở đây còn có một con đường mòn đi bộ tuyệt đẹp đưa du khách lên mỏm đá để ngắm nhìn vài cảnh biển tuyệt đẹp.
Vịnh Senkakuwan
Dọc theo bờ biển là Vịnh Senkakuwan có một loạt các vách đá dựng đứng trông vô cùng ấn tượng với một công viên biển để du khách ghé thăm. Du khách có thể thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt vời từ trên đỉnh vách núi hoặc tham gia chuyến du ngoạn bằng thuyền dọc theo bờ biển.
Tảng đá Onogame
Onogame là một tảng đá hình con rùa cao 167m nhô ra biển được bao quanh bởi những cánh đồng cỏ thơ mộng. Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, những bông hoa màu cam nở rực rỡ khắp khu vực này, tạo nên một khung cảnh đẹp như tranh vẽ.
Đền Chokokuji
Đền Chokokuji được xây dựng phỏng theo Đền Hasedera ở Nara. Chokokuji được biết đến là ngôi đền của thỏ vì có thỏ thả rông xung quanh khuôn viên đền. Chắc du khách thắc mắc tại sao lại có chuyện như vậy? Thật ra, ngoài lý do thu hút khách du lịch, thì đây là biện pháp diệt cỏ dại một cách tự nhiên ở ngôi đền này.
Một điểm thú vị khác về ngôi đền này là ở đây có hai bức tượng thỏ (Usagi Kannon) với những chùm tia laze đỏ phát ra từ mắt của tượng vào buổi tối. Bức tượng thỏ này được cho là bắt chước tượng Hải Sư Merlion ở Singapore!
Nếu du khách vô tình gặp vị tu sĩ ở đền thờ, nhớ chuẩn bị tinh thần đưa tay ra đỡ những con thỏ con mà ông sẽ lấy ra từ túi áo choàng nhé! Hãy thử một số trải nghiệm độc đáo của đền như: thiền định (zazen) và trải nghiệm nằm trong quan tài (kurayami taiken).
Chùa Myosenji
Chùa Myosenji, nơi thờ Nichiren – người sáng lập ra ngôi đền này khi bị lưu đày đến Đảo Sado. Myosenji cũng tự hào là ngôi chùa 5 tầng duy nhất ở tỉnh Niigata. Khuôn viên ngôi chùa khá mộc mạc, giản dị và từng là nơi ở của phó Thống đốc Sado.
Sado Taiko Taiken Kōryūkan
Đảo Sado là quê hương của đội hòa tấu Taiko nổi tiếng thế giới – Kodo, hãy đến trải nghiệm chơi các loại trống Taiko khác nhau tại Sado Taiko Taiken Kōryūkan (Trung tâm Taiko đảo Sado), còn được người dân trìu mến gọi là “Tatakokan”. Tatakokan là nơi có hai chiếc trống khổng lồ, được chính tay các thành viên đội hòa tấu Kodo chạm khắc từ cây du Nhật (zelkova) 600 năm tuổi, cùng nhiều chiếc trống nhỏ hơn khác.
Hãy thử đánh trống cùng những người hướng dẫn thân thiện, và cảm nhận âm thanh dội vang, xuyên qua cơ thể du khách. Ngoài ra, du khách sẽ được thưởng thức màn trình diễn của người hướng dẫn chuyên nghiệp. Đây là một hoạt động thú vị mà du khách mọi lứa tuổi đều có thể trải nghiệm.
Nhà hát Noh
Năm 1434, diễn viên Zeami đã khiến một vị tướng quân Nhật Bản nổi giận và đã bị lưu đày đến đảo Sado. Khi bị đày đến đây, Zeami vẫn tiếp tục phát triển nghệ thuật kịch Noh truyền thống và hiện được tôn là “cha đẻ” của ngành nghệ thuật cổ đại này. Sau đó, loại hình nghệ thuật này đã được lan truyền và phát triển trên khắp hòn đảo này trong thời kỳ Edo (1603-1868), sau khi nhà cầm quyền đầu tiên của Sado – Nagayasu Okubo, đưa hai diễn viên từ Nara đến Sado.
Ngày nay, hòn đảo Sado vẫn được biết đến như thánh địa dành cho kịch Noh ở Nhật Bản và thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn trên khắp hòn đảo vào các dịp lễ hội và lễ kỷ niệm. Ngày nay có hơn 30 sân khấu Noh rải rác trên Đảo Sado và 8 trong số đó vẫn tiếp tục tổ chức các buổi biểu diễn vào các thời điểm khác nhau trong năm.
Đảo Sado – “thiên đường” nghỉ dưỡng mới tại Nhật Bản nhất định sẽ chinh phục mọi khách du lịch trong và ngoài nước. Vì thế, hãy dành ra chút thời gian để ghé thăm nơi đây trong chuyến du lịch Nhật Bản chắc chắn sẽ không khiến du khách phải thất vọng.