26 linh vật độc đáo của ngành du lịch Nhật Bản

Nhật Bản luôn nổi tiếng với những linh vật đại diện cho từng vùng. Chính những linh vật này là chìa khóa kết nối giữa khách du lịch với nền văn hóa, đặc sản nổi tiếng hay những địa điểm tuyệt đẹp của “xứ Phù Tang”.

“Yuru-kyara” (ゆるキャラ) là một thuật ngữ chỉ về các linh vật Nhật Bản không thuộc nhân vật trong manga, anime hay game nào, được sử dụng nhằm quảng bá địa phương, sự kiện, tổ chức và doanh nghiệp. Không chỉ quảng bá hình ảnh, Yuru-kyara còn có thể thu hút nguồn thu nhập lớn cho địa phương, và tạo sự gần gũi giữa người dân và khách du lịch. Yuru-kyara độc đáo nhờ vẻ ngoài dễ thương và chân thật, thường liên kết với văn hóa, lịch sử, cảnh vật, truyền thuyết và đặc sản địa phương. Ngoài những linh vật Kawaii dễ thương đó, cũng có nhiều Yuru-chara với vẻ bề ngoài khiến du khách “chết khiếp” ngay khi chạm mặt lần đầu tiên.

Hikonyan

Linh vật Hikonyan của Lâu đài Hikone (quận Shiga) có lẽ là linh vật nổi tiếng nhất trong thế giới Yuru-kyara. Đây là một sản phẩm ra đời nhằm kỷ niệm 400 năm xây dựng lâu đài Hikone và trở thành linh vật chính thức của tỉnh Hikone. Những người du lịch đến thăm lâu đài Hikone sẽ được Hikonyan chào đón với nụ cười thân thiện.

Hikonyan là một con mèo trắng đội mũ có sừng Kabuto giống chiếc mũ sắt mà lãnh chúa Ii Naokatsu đã đội. Ii Naokatsu là lãnh chúa đã xây nên lâu đài Hikone. Tên gọi của linh vật này được ghép từ tên lâu đài “Hikone” và “nyan” – tiếng kêu đặc trưng của mèo ở Nhật Bản.

Theo nhiều người kể lại, nguồn gốc của hình tượng này là dựa trên câu chuyện về lãnh chúa Naokatsu ở thời Edo – người đã hoàn thành việc xây dựng lâu đài và thoát khỏi bị sét đánh nhờ vào một con mèo thần tài.

Fujippi

Linh vật Fujippi của tỉnh Shizuoka có liên quan mật thiết đến ngọn núi Phú Sĩ. Fujippi có hình dáng núi Phú Sĩ nhìn từ xa – xanh thẳm với đỉnh núi phủ tuyết trắng. Điểm nhấn của Fujippi là điệu cười nháy mắt tự tin và đôi chân đi giày thể thao để leo núi. Không chỉ đáng yêu, linh vật này còn mang hình tượng trẻ trung, năng động và tràn đầy nhiệt huyết.

Đơn giản và không có quá nhiều chi tiết, nhưng nhờ độ nổi tiếng của núi Phú Sĩ nên ai ai cũng biết đến Fujippi. Đến Shizuoka, du khách sẽ thấy linh vật này ở khắp nơi, thậm chí trường đại học Shizuoka cũng sử dụng một “phiên bản” của Fujippi làm linh vật với tên gọi là Shizuppi.

Toripii

Du khách sẽ phải lòng linh vật Toripii bởi hình dáng ngộ nghĩnh của một chú chim mặc đồ thủy thủ màu trắng cùng cái đầu màu xanh tròn trĩnh. Toripii là sự kết hợp giữa quả lê Nashi, nông sản thơm ngon của tỉnh và một loài chim.

Toripii xuất hiện lần đầu tiên tại một sự kiện ở Tokyo vào năm 2002 và bắt đầu nổi tiếng bởi vẻ ngoài dễ thương, ngộ nghĩnh của mình. Cùng với nhiều linh vật khác, chú góp mặt tại các hội chợ triển lãm văn hóa Nhật Bản ở nước ngoài hay các sự kiện quảng bá cho tỉnh Tottori ở trong nước.

Shimanekko

Chú mèo màu vàng rất dễ thương mang tên Shimanekko chắc chắn sẽ là người bạn đáng yêu mà du khách sẽ muốn làm quen ngay và luôn. Chú có một chiếc mũ trên đầu rất ngộ nghĩnh, mô phỏng mái đền cổ Izumo Taisha nổi tiếng của Shimane. Đây là một trong những đền thờ cầu duyên rất linh thiêng ở Nhật Bản.

Shimanekko biểu diễn trong các lễ hội nhân vật địa phương Sumida, lễ hội Matsue Dan-Dan, các sự kiện quảng bá du lịch,… Thậm chí, bạn có thể vô tình bắt gặp chú đang đi dạo dưới vườn hoa anh đào hoặc bắt gặp hình ảnh của chú trên cánh đồng lúa tại thành phố Izumo.

Minamo

Tỉnh Gifu ở Nhật Bản nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, yên bình, với những con suối, dòng sông trong vắt, mát lành. Tiếng nước chảy róc rách, ánh nắng phản chiếu lấp loáng trên mặt nước, làm dịu tâm hồn du khách bốn phương, xinh đẹp và thơ mộng như chốn tiên cảnh giữa trần thế. Có lẽ chính vì vậy nên tỉnh Gifu chọn tinh linh nước Minamo làm linh vật. Minamo có ý nghĩa là “mặt nước”, là tinh linh nước sạch, sống trong dòng nước tinh khiết của tỉnh Gifu. Minamo có đầu hình giọt nước, với trang phục xanh biển sọc vàng – tượng trưng cho sắc nước biếc và ánh nắng lấp lánh trên mặt sông, hồ tỉnh Gifu.

Minamo có nụ cười tươi tắn và tính cách năng động, nhiệt huyết. Chú thậm chí còn được chọn làm một trong những linh vật cho giải bóng đá Nhật Bản – J-soccer. Ở đó, chú ta được khoác thêm bộ đồng phục đá bóng màu xanh lá cây tươi mát, trông vô cùng khỏe khoắn.

Choru

Choruru nổi tiếng với mái tóc màu xanh lá cây, khuôn mặt tròn và bộ quần áo màu đỏ vàng bắt mắt. Mái tóc của nó đại diện cho chữ “yama”, thể hiện năng lượng dồi dào của thiên nhiên Yamaguchi. Còn khuôn mặt trắng trẻo, tròn trịa chính là đại diện cho chữ “kuchi”, theo ký tự Kanji.

Choruru ra mắt lần đầu tiên tại lễ hội Oidemase! Yamaguchi Kokutai Jump Up Festa năm 2007. Năm 2011, nó trở thành linh vật chính thức của hai Đại hội thể thao quốc gia và Đại hội thể thao quốc gia dành cho người khuyết tật tổ chức tại tỉnh nhà. Sau đó, nó chính thức là đại sứ du lịch của tỉnh Yamaguchi và xuất hiện trong các lễ hội, sự kiện lớn.

Kuroshio-kun

Kuroshio-kun có khuôn mặt tươi cười sẽ truyền cho mọi người nguồn năng lượng tích cực. Nó đại diện cho dòng hải lưu nóng từ Nam Thái Bình Dương, mang đến mưa thuận gió hòa, hải sản dồi dào cho vùng biển Kochi. Tuy vậy, đến nay nhiều người vẫn lầm tưởng nó là một con cá voi.

Năm 1997, Kuroshio-kun chiến thắng trong một cuộc thi và chính thức trở thành linh vật của tỉnh Kochi. Đến năm 2002, nó trở thành linh vật cho Đại hội thể thao quốc gia và bắt đầu nổi tiếng toàn quốc. Kuroshio-kun tham gia nhiều sự kiện, lễ hội quan trọng để quảng bá cho quê hương Kochi xinh đẹp.

Soft Kuriinu

Khi đặt chân đến Tokyo, hẳn du khách sẽ được nghe kể về câu chuyện chú chó Hachiko trung thành, nằm đợi chủ ở ga suốt nhiều năm kể cả khi ông đã qua đời. Linh vật khổng lồ màu hồng Soft Kuriinu được cho là hậu duệ của loài chó trung thành này, mặc dù hình dạng của chúng không hề liên quan. Chỉ bởi vì “inu” trong Soft Kuriinu có nghĩa là “con chó” trong tiếng Nhật.

Soft Kuriinu có hình xoắn ốc màu hồng, trông khá giống một cục phân phiên bản Kawaii. Yuru-chara này còn được gọi một cách trìu mến là “Chuuken unao”, nghĩa là “phân chó trung thành”. Khác với vẻ ngoài, Soft Kuriinu là đại sứ giữ cho đường phố Tokyo sạch sẽ. Linh vật đi loanh quanh ở phường Shibuya với một chiếc bàn chải trên tay để dọn dẹp lối đi. Soft Kuriinu cũng được cho là mang lại may mắn cho bất cứ ai dành cho nó một cái ôm nồng thắm.

Mikyan

Linh vật chính thức của tỉnh Ehime là một chú chó vàng rực rỡ mang tên Mikyan. Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa chú chó đáng yêu và quả cam, nông sản hảo hạng nhất của Ehime. Tên của nó cũng là một cách chơi chữ, vì “mikan” trong tiếng Nhật có nghĩa là cam quýt.

Khi gặp nó, du khách sẽ nghe thấy lời chào: “Tôi là Mikyan. Tôi là linh vật địa phương và tôi yêu Ehime!”. Tại Ehime, du khách có thể nhìn thấy Mikyan ở khắp nơi, đặc biệt là trong cửa hàng bán đồ lưu niệm, tiệm bánh kẹo. Mikyan đại diện cho tỉnh Ehime tại các lễ hội văn hóa du lịch ở Nhật Bản cũng như trên thế giới.

Hishimaru Takeda

Tỉnh Yamanashi giáp mặt Bắc của Núi Phú Sĩ, nổi tiếng với giống chó săn Kai-ken – được công nhận là một trong những “quốc bảo” của Nhật Bản. Kai-ken có nghĩa là chó của vùng Kai – tên cũ của tỉnh Yamanashi. Giống chó này nổi tiếng trung thành và dũng mãnh, mỗi chú chó cả đời chỉ nhận một chủ, và có thể theo lệnh chủ mà hạ gục cả con hươu đực trưởng thành.

Linh vật Hishimaru Takeda chính là một chú chó săn Kai-ken rất đáng yêu. Đặc điểm nhận dạng là trên người mặc áo in hình núi Phú Sĩ – đại diện cho vị trí giáp với mặt Bắc ngọn núi này; trên đầu đội mũ giáp chiến binh cực ngầu; tay cầm chiếc quạt quân sự.

Hishimaru có họ là Takeda được lấy từ tên vị lãnh chúa nổi tiếng và tài hoa nhất của Yamanashi – Takeda Shingen (1521-1573). Trên mũ giáp chiến binh của Hishimaru chính là gia huy của dòng họ Takeda. Đặc biệt, chiếc quạt mà Hishimaru cầm trên tay có ghi 4 chữ: “phong, lâm, hoả, sơn” – trích từ binh pháp Tôn Tử mà khi xưa lãnh chúa Takeda lấy làm châm ngôn khiển quân, đó là: “Nhanh như gió (phong) – Tĩnh lặng như rừng (lâm) – Dữ dội như lửa (hỏa) – Vững vàng như núi (sơn)”. Vừa đáng yêu, vừa dũng mãnh, lại giúp phổ biến lịch sử địa phương, Hishimaru Takeda quả là một linh vật toàn tài.

Kumamon

Được mệnh danh là “Doremon đen của Nhật Bản”, chú gấu Kumamon đen béo với đôi má đỏ thân thiện – linh vật đại diện cho tỉnh Kumamonto đã trở thành biểu tượng du lịch của tỉnh và hiện thu hút hơn 800.600 người theo dõi trên Twitter.

Kumamon được sinh ra nhờ sự kiện khai trương tàu cao tốc Shinkansen của Kyushu vào tháng 3/2011. Tỉnh Kumamoto khi đó không muốn Kumamoto chỉ đơn thuần là điểm đi qua của chuyến tàu cao tốc Kansai-Kanto này. Họ tạo ra một chiến dịch mang tên “Chiến dịch bất ngờ của Kumamoto” với mục đích cho tất cả mọi người khi đi trên chuyến tàu cao tốc này đều nhớ về Kumamoto, muốn dừng chân tại đây, vì vậy mà chiến dịch tạo dựng hình ảnh cho tỉnh bắt đầu.

Cũng giống như các linh vật nổi tiếng khác tại “xứ sở hoa anh đào”, Kumamon cũng có nghề nghiệp và tính cách đặc trưng. Đây là một anh chàng viên chức vui tính, yêu thích thể thao, thích nhảy múa và luôn mang đến niềm vui, sự hào hứng cho bất cứ địa điểm nào mà mình xuất hiện. Sau 1,5 năm từ khi công bố, tại “Yuru-Chara Grand Prix”, một cuộc bỏ phiếu phổ biến trực tuyến với 349 nhân vật linh vật từ Nhật Bản và nước ngoài, Kumamon đã được trao vương miện khi giành được 277.000 phiếu bầu và trở thành nhân vật được yêu thích nhất.

Không chỉ nổi tiếng tại Nhật Bản, chú gấu Kumamon còn được chào đón tại nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan,… Dù đến nơi nào, chú gấu đen đều nhận được tình cảm yêu mến của mọi người. Với biểu cảm hạnh phúc trên gương mặt, Kumamon luôn mang lại một không khí vui tươi, sự nhiệt tình trong mỗi hoạt động. Mỗi khi xuất hiện tại các chương trình, Kumamon đều được mọi người mong đợi, thậm chí luôn có hàng dài người đợi được check-in cùng chú gấu này.

Trải qua gần một thập kỷ, cho đến nay, Kumamon vẫn luôn là biểu tượng tinh thần của người dân Kumamoto. Với thiết kế đơn giản nhưng dễ thương của mình, nhân vật này đã thu hút không ít các hợp đồng đến từ đại diện của nhiều các dòng sản phẩm, từ vệ sinh cá nhân đến đồ chơi và cả bao bì thực phẩm. Ở Kumamoto, khách du lịch có thể lựa chọn hàng trăm mặt hàng lưu niệm mang hình ảnh chú gấu đáng yêu này.

Không chỉ là biểu tượng về du lịch, ngày nay, hình ảnh Kumamon xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực của Kumamoto như văn hóa, thể thao, nông nghiệp, giải trí… Với những thành tích đạt được, chú gấu Kumamon xứng đáng là linh vật đa năng nhất “đất nước mặt trời mọc” và là niềm tự hào của người dân Kumamoto.

Funasshi

Là một linh vật không chính thức của thành phố Funabashi (tỉnh Chiba), Funasshi được tạo ra bởi một công dân của Funabashi để quảng bá trang web của riêng mình. Tuy nhiên, sau đó, Funasshi dần xuất hiện tại các sự kiện, lễ hội, các chương trình truyền hình, quảng cáo và hiện nay đã phổ biến trên khắp Nhật Bản.

Funassi có tạo hình là một quả lê. Trong khi những linh vật khác không nói được thì Funasshi lại có cách nói chuyện vô cùng vui nhộn, những cử chỉ, hành động ngộ nghĩnh, đôi khi có phần phấn khích. Đặc biệt, Funasshi luôn kết thúc câu nói của mình bằng chữ “Nasshi”, phát âm tương tự với chữ “Nashi”, tức là quả lê trong tiếng Nhật. Do đó, tuy không có vẻ ngoài đáng yêu, nhưng có thể nói, Funasshi là một trong những linh vật nổi tiếng và được nhiều người yêu thích nhất hiện nay.

Momocchi

Linh vật Momocchi là cậu bé có mái tóc vàng, đôi mắt to tròn và luôn mỉm cười. Nguyên bản của cậu chính là cậu bé trái đào Momotaro trong truyền thuyết nổi tiếng. Cậu sinh ra từ quả đào khổng lồ, được hai vợ chồng già nuôi nấng. Momotaro và những người bạn đã giết quỷ vương trừ hại cho dân làng.

Linh vật Momocchi thường xuất hiện tại các sự kiện quan trọng như lễ hội Thể thao Quốc gia Momochi, lễ hội văn hóa quốc gia, lễ hội đón năm mới,… Cùng với người bạn gái mang tên Urachi có mái tóc màu hồng, Momocchi chính là tâm điểm thu hút du khách vào mỗi dịp lễ hội.

Tochisuke

Linh vật chính của thành phố Tochigi là một anh chàng Tochisuke với hình dáng của một căn nhà kho di động. Sở dĩ linh vật này có hình dạng như vậy là do chúng đại diện cho một loại công trình truyền thống của địa phương này, đó là căn nhà kho truyền thống ngay tại thành phố Tochigi.

Tochisuke thường xuất hiện trong các lễ hội của Nhật Bản, đặc biệt là lễ hội Gotouchi-chara hàng năm ở Sumida, Tokyo.

Sasebo Burger Boy

Sau thế chiến thứ 2, Hải Quân Mỹ đã tiếp quản các bộ phận cơ sở sản xuất ở Sasebo, Nagasaki. Người dân ở đây bắt đầu làm bánh mì kẹp thịt để phục vụ cho nhu cầu của những thủy thủ Mỹ đóng quân ở đó. Với truyền thống lâu đời về chế biến bánh kẹp thịt truyền thống, Sasebo đã trở nên nổi tiếng khắp Nhật bản. Cha đẻ sáng tạo nên linh vật này là Takashi Yanase, cũng là người đã tạo nên hình tượng Anpanman nổi tiếng.

Nebaru-kun

Hustle Komon, linh vật thương nhân cao tuổi của tỉnh Ibaraki đã nghỉ hưu vào tháng 3/2019 và trao lại “sứ mệnh” cho Nebaaru-kun – một nàng tiên Natto đáng yêu. Linh vật này chính là đại diện cho món “Natto” – một loại thực phẩm lành mạnh được làm từ đậu nành lên men có nguồn gốc từ Ibaraki.

Một nàng tiên ẩn mình với dáng vẻ ban đầu là một cô nhóc “nấm lùn” hay nhún nhảy khắp nơi trên đường phố. Cô nàng có thể nhanh chóng vươn lên cao hơn một cách đáng kinh ngạc, đồng thời “hô biến” thành một nàng tiên với chiều cao ấn tượng. Ngoài ra, cô tiên Natto này còn có một chiếc lưỡi có khả năng co giãn thần kỳ khiến du khách phải trầm trồ thích thú.

Dựa trên một nhân vật trong bộ phim truyền hình dài kỳ của Ibaraki, Nhật Bản. Komon, người giao dịch cũ đã từ chức sau 12 năm vì quyền của nhân vật đã hết hạn. Thay vào đó là Nebaaru-kun. Chắc chắn Nebaara-kun sẽ chứng tỏ mình là người kế thừa xứng đáng cho vị trí này.

Ayukoro-chan

Ayukoro-chan là linh vật biểu tượng của thành phố Atsugi. Ayukoro-chan với hình dạng là một chú heo màu hồng với chiếc nón cá đội đầu kết hợp cùng bộ Kimono truyền thống đầy màu sắc, trông chú vô cùng ấn tượng và thu hút. Chính tạo hình nổi bật của Ayukoro-chan đã giới thiệu về hai sản vật nổi tiếng tại thành phố Atsugi xinh đẹp là cá (ayu) và thịt heo.

Udon Brain

Tỉnh Kagawa nổi tiếng là nơi sản sinh ra món mì Udon Sanuki trứ danh. Nơi đây có tỷ lệ tiêu thụ món mì này cao nhất Nhật Bản. Từ ga xe lửa nhộn nhịp đến cánh đồng lúa hẻo lánh, tỉnh nhỏ thuộc vùng Shikoku này có hơn 600 cửa hàng Udon trải dài khắp nơi.

Udon Brain chính là linh vật quảng bá cho tỉnh Kagawa, vì vậy nó có hình dạng “não Udon” vô cùng độc đáo. Nghe có vẻ ghê rợn, nhưng linh vật Udon Brain trông vô cùng đáng yêu với những sợi mì tượng trưng cho não và trí tuệ.

Sudachi-kun

Du khách biết không? Sudachi-kun là một trong những linh vật lão làng nhất Nhật Bản với hơn 25 năm kinh nghiệm. Gương mặt khổng lồ, hài hước và đôi mắt biết cười sẽ làm bạn thấy vui vẻ ngay từ khi gặp mặt. Đầu của Sudachi-kun chính là quả chanh Sudaichi, niềm tự hào của ngành nông nghiệp tỉnh Tokushima.

Linh vật lần đầu xuất hiện tại Đại hội thể thao quốc gia Higashi-Shikoku năm 1993. Đến năm 2007, nó được chọn là linh vật của Lễ hội văn hóa quốc gia tổ chức tại tỉnh. Từ đó đến nay, nó luôn mang đến hình ảnh vui tươi cho mọi người trong nhiều sự kiện văn hóa, triển lãm sản phẩm, lễ hội,…

Zushihocky

Được bao quanh bởi thiên nhiên, thành phố Hokuto (tỉnh Hokkaido) nổi tiếng với hai sản vật địa phương: gạo Fukkurinko và ngao Hokki-gai. Zushihocky được kết hợp từ hai sản vật này tạo nên một linh vật kỳ quái với thân như hạt gạo màu trắng sần sùi với một con sò trên lưng.

Ngay từ khi ra mắt, Zushihocky đã được quảng cáo theo một hướng hoàn toàn mới như một linh vật kỳ lạ của Nhật Bản. Thân hình cao lêu nghêu cùng với nụ cười bất cần đời của nó để lại ấn tượng sâu sắc. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Zushihocky được trao vương miện linh vật đáng nhớ nhất ở Nhật Bản năm 2020.

Melon Kuma

Melon Kuma đứng đầu danh sách những linh vật kỳ lạ của Nhật Bản bởi vẻ ngoài vô cùng đáng sợ và ghê rợn. Có nguồn gốc từ thành phố Yubari ở tỉnh Hokkaido nổi tiếng với dưa và gấu, linh vật Melon Kuma được cho là sự kết hợp thất bại giữa hai đặc sản này.

Thay vì tạo cho nó một vẻ ngoài dễ thương, Melon Kuma trông rất đáng sợ với đầu như một quả dưa hấu có vân và hàm răng nhuốm máu, liên tục húc vào những người qua đường.

Sento-kun

Sento-kun là linh vật của thành phố Nara xinh đẹp với vẻ ngoài được cho là khá kỳ quặc. Được giới thiệu vào năm 2010, Sento-kun là một phần trong hoạt động kỷ niệm ngày Heijo-kyo ở Nara từng là thủ đô của Nhật Bản.

Linh vật là sự kết hợp hình ảnh giữa một vị La Hán trẻ cùng một cặp sừng hươu trên đầu. Bởi hình dạng kỳ dị như vậy mà ngay từ khi ra mắt, nó bị nhiều người dân địa phương, Phật tử, các nhóm hội Phật Giáo chỉ trích. Cuộc tranh cãi đã đẩy linh vật Sento-kun vào cuộc chiến truyền thông và góp phần tăng thêm sự nổi tiếng trên khắp nước Nhật.

Hiyawan

Linh vật Hiyawan đến từ thành phố Nabari (tỉnh Mie) có hình dạng như một chú chó giống Snoopy kỳ lạ với khuôn mặt gợi nhớ đến chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản. Tuy được tạo ra để bày tỏ sự tôn kính đối với nghệ thuật truyền thống nhưng Hiyawan bị cho rằng trông giống như một “người đàn ông trung niên hư hỏng” nhìn chằm chằm vào người khác một cách đáng ngờ.

Marimokkori

Có nguồn gốc từ Hokkaido nhưng hình ảnh của Marimokkori lại có thể nhìn thấy trên khắp Nhật Bản. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2005, linh vật này bị chỉ trích là có hình tượng thô tục, kì quái và nhiều cửa hàng địa phương đã từ chối trưng bày hình ảnh này. Nhưng sau khi một số nhân vật nổi tiếng được bắt gặp mang theo bên mình móc khóa Marimokkori thì linh vật này ngày càng được yêu thích.

Tên của Marimokkori kết hợp từ “Marimo” – một loại tảo cầu xanh có nhiều trong hồ Akan (Hokkaido) và từ “Mokkori” (tiếng lóng nghĩa là “cộm lên trong quần”). Tuy có tạo hình khá kì cục nhưng Marimokkori là minh chứng cho lối suy nghĩ sáng tạo và có phần kì quái của người Nhật.

Okazaemon

Tỉnh Aichi có khá nhiều linh vật, nhưng độc đáo nhất trong số đó phải nói đến Okazaemon – linh vật của thành phố Okazaki. Thành phố này nổi tiếng là nơi chào đời của Tokugawa Ieyasu – vị tướng quân đầu tiên của mạc phủ Edo.

Linh vật Okazaemon mang đến sự “kinh hoàng” cho người nhìn. Toàn thân trắng toát, đôi mắt đen kịt mở trừng trừng như soi vào tâm can người đối diện. Ngoài việc mũi và miệng của Okazaemon tạo thành hình Hán tự “oka” và trên ngực là chữ “zaki” để ghép lại thành tên thành phố Okazaki, thì linh vật này chẳng có một chút gì liên quan đến đặc trưng địa phương hay định nghĩa của từ “dễ thương” hết.

Giữa một rừng các linh vật dễ thương thì Okazaemon “tỏa sáng” bằng vẻ kỳ dị, độc đáo, chỉ cần xuất hiện là đã thu hút mọi ánh nhìn. Sự kì lạ, cộng thêm thái độ ngả ngớn, cù nhây của linh vật này chính là điểm thu hút công chúng. Okazaemon nổi tiếng bất ngờ, và được yêu thích đến độ người ta đã thiết kế thêm phiên bản nữ Okazaennu để bắt cặp với nó!

Gajiro

Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, Kappa là một con quỷ nước có vẻ ngoài giống loài ếch cư trú ở sông và suối trên khắp Nhật Bản. Gajiro là một linh vật ma quỷ được lấy cảm hứng từ Kappa.

Đây là một phần trong nỗ lực của thành phố Fukusaki (tỉnh Hyogo) nhằm thu hút nhiều khách du lịch hơn. Ngoài ra, thành phố cũng cho lắp đặt những chiếc ghế dài Yokai với các linh vật quỷ siêu thực tế khiến khách du lịch cũng như người dân địa phương khiếp sợ trên khắp thành phố.

Vậy là chúng tôi đã giới thiệu đến du khách 26 linh vật của Nhật Bản. Mỗi linh vật đều là đại sứ thương hiệu của mỗi tỉnh, mang trên mình sứ mệnh truyền tải văn hóa “xứ Phù Tang” đến với du khách trong và ngoài nước. Hãy du lịch Nhật Bản, để có cơ hội nhìn ngắm các linh vật độc đáo này nhé!