7 loại Nấm ngon trứ danh trong ẩm thực Nhật Bản

Nấm trong tiếng Nhật được gọi là “Kinoko”. Nó vốn được xem như một loại “siêu thực phẩm”, không chỉ mang lại hương vị thơm ngon tuyệt vời mà còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu rất tốt cho sức khỏe. 

Nấm Khiêu vũ Maitake

Năm 1983, Yukiguni Maitake – một trong những công ty nông nghiệp hàng đầu của Nhật Bản đã thành công trong việc nghiên cứu và nuôi trồng rộng rãi nấm Maitake trong nhà kính.

Nấm Maitake được biến đến rộng rãi tại Nhật Bản và được tin dùng nhờ tác dụng dược lý của nó. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng loại nấm này có tác dụng điều hòa huyết áp, đường huyết, insulin, huyết thanh và lipid gan, cholesterol, triglyceride, phospholipid,… Bên cạnh đó, nó cũng có thể hữu ích trong việc giảm cân, đặc biệt là có tác ngăn ngừa và điều trị ung thư, giảm tác dụng phụ của hóa trị.

Nấm Maitake có thể chế biến thành nhiều món ngon, đơn giản như: Súp, xào, chiên Tempura,… cho hương vị giòn, ngọt đặc trưng.

Nấm Matsutake

Người Nhật có câu: “Hương nấm Matsutake, vị nấm Shimeji” như một cách tôn thờ vị trí độc tôn của nấm Matsutake trong ẩm thực. Nấm Matsutake có tên khoa học là Tricholoma Matsutake – loài nấm được cho là quý hiếm và đắt đỏ nhất thế giới hiện tại.

Nấm Matsutake bám vào rễ thông còn sống để sinh trưởng. Thân nấm khá lớn, cao khoảng 8-10cm, hình trụ, màu nâu nhạt. Nấm Matsutake mọc ẩn mình dưới tầng là mục phủ, hơn nữa lại có màu nâu nên rất khó để tìm chúng.

Về hương vị, nấm Matsutake được đánh giá là đúng với cái danh xưng “mùa thu vĩnh cửu” được nhiều người ca tụng. Bởi hương thơm của loại nấm này hoàn toàn riêng biệt, không thua kém gì với sự đặc trưng của “kim cương đen” Truffle. Với một chút tao nhã mùi gió tuyết, một chút dịu nhẹ hương gỗ thông, một chút ngọt thanh vị tự nhiên, nấm Matsutake đã bao hàm tất cả hương vị của mùa thu tại đất nước Mặt trời mọc.

Thông thường, theo truyền thống tại Nhật Bản, hương vị nấm Matsutake thơm ngon cầu kỳ nhất khi được chế biến theo cách giản dị nhất. Chỉ cần nướng nấm tươi trên than hồng, mời khách tới nhà, tất cả cùng tận hưởng dưới gốc cây anh đào vào mùa không có hoa là đủ trọn vẹn cho bất kỳ ai muốn trải nghiệm một mùa thu tuyệt đẹp tại “xứ Phù Tang”. Hay có thể thái lát những cây nấm Matsutake có thân dày, ăn kèm với cá hồi tươi, thêm chút Wasabi và nước tương đậu nành lên men thủ công, đảm bảo thú vị không kém.

Vào cuối thu, khi thời tiết se lạnh, người Nhật cũng thường dùng nấm Matsutake để nấu súp. Tưởng tượng mà xem, giữa thời tiết giá lạnh khắc nghiệt lên từng ngày, một bát súp nấm Matsutake được nấu trong nước dùng Dashi được ninh nhừ từ cá ngừ bào, rong biển và các loại hải sản; nóng ấm, hương thơm loang ra dịu dàng thì còn gì bằng, phải không nào?

Nấm hải sản Shimeji

Đây cũng là một trong những loại nấm phổ biến khác có mặt tại các siêu thị Nhật Bản. Loại nấm này có vị ngọt nhẹ. Khi sống có vị đắng, nhưng khi nấu lên thì lại rất thơm ngon và còn rất giòn. Nhờ kích thước vừa phải nên được sử dụng tối đa trong việc chế biến các món ăn từ súp đến Udon, đến nước sốt mì ý,… Đặc biệt, khi xào lên, nấm gia tăng hương vị rất ngon và có nhiều protein, vitamin D và kẽm.

Nấm Nameko

Hình dáng của loại nấm này gần giống nấm Shimeji nhưng ngắn và khít hơn. Nấm Nameko thường được dùng nấu cơm cà ri Nhật. Phần sốt cà ri thơm lừng, đậm đà hương vị chan cùng cơm trắng chính là món ăn quen thuộc đối với mỗi người dân “xứ Phù Tang”.

Nấm kim châm Enoki

Nấm kim châm Enoki cũng rất được ưa chuộng ở “xứ Phù Tang”. Hình dáng của loại nấm này nhỏ bé, với phần mũ nấm có đường kính khoảng 1cm, thân nấm dài và thon như một chiếc kim. Nấm Enoki thường gặp nhất có màu trắng đục như sữa, đôi khi bạn sẽ bắt gặp loại nấm Enoki có màu nâu với thân nấm to hơn so với loại nấm Enoki màu trắng.

Nấm Enoki có vị ngọt nhẹ, dễ ăn. Người Nhật thường xào nấm Enoki cùng cà rốt, giá,… cho món xào đẹp mắt hấp dẫn, hay nấu cùng hẹ, trứng cho món canh súp thanh nhẹ. Chắc chắn vị giòn sệt đặc trưng của nấm sẽ đem đến tuyệt tác vị giác không thể quên.

Nấm hương Shiitake

Nấm hương Shiitake là loại nấm rất dễ sử dụng, phổ biến tại Nhật Bản. Từ nấm Shiitake có thể chế biến được nhiều món ăn phù hợp với tất cả mọi người từ các buổi tiệc đến các món ăn thường ngày của gia đình Nhật.

Ở “xứ Phù Tang”, nấm Shiitake thường được trồng trên những khúc gỗ sồi trong rừng. Tại miền nam Nhật Bản, tỉnh Oita trồng rất nhiều nấm hương Shiitake, nơi đây nổi tiếng và đã xây cho mình thương hiệu nấm hương Oita riêng. Trồng trên gỗ sồi sản lượng nấm hương không cao nhưng chất lượng và hương vị loại nấm này rất đặc biệt thơm ngon. Đây cũng là lý do khiến giá của nấm hương gỗ sồi luôn nằm trong top nấm ngon nhất ở Nhật Bản và có giá vô cùng đắt đỏ.

Nấm đùi gà Eringi

Mặc dù không có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng nấm đùi gà Eringi là một trong những loại nấm phổ biến nhất trên các kệ hàng ở siêu thị Nhật Bản. Ở nước ngoài gọi loại nấm này là nấm Sò Vua.

Nấm sau khi chế biến giòn và dai, có vị ngọt nhẹ nhàng, và hương vị được tăng lên khi nướng. Nấm đùi gà Eringi cũng thường được thái lát và xào cùng cải thìa hay hành lá trong nước sốt sền sệt hòa cùng vị ngọt, ngon đầy đặn trong từng lát nấm.

Hi vọng qua bài viết này, du khách đã biết thêm một góc trong ẩm thực nấm của đất nước Nhật Bản. Hãy đồng hành cùng chúng tôi trong Tour Nhật Bản để có những khám phá và trải nghiệm nhiều hơn về nền ẩm thực “xứ Phù Tang” nhé!