Nhật Bản luôn nằm trong top các quốc gia hiện đại phát triển bậc nhất thế giới. Tuy vậy, vùng đất này vẫn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống từ hàng trăm năm trước. Và lễ hội Aoi Matsuri là một trong số đó. Đây là lễ hội mang tên một loài hoa của cố đô Kyoto có tuổi đời hơn một nghìn năm.
Aoi Matsuri mang tên một loài hoa – thục quỳ – loài hoa mang trong mình vẻ đẹp thanh cao và ngọt ngào. Aoi Matsuri bắt đầu được tổ chức từ thế kỷ thứ VII, được xem là một trong những lễ hội lâu đời nhất trên thế giới. Aoi Matsuri cùng với Jidai Matsuri và Gion Matsuri là “tam đại lễ hội” (ba lễ hội lớn và quan trọng nhất) ở cố đô Kyoto của Nhật Bản.
Theo tài liệu lịch sử cổ đại, sách Nihon Shoki, lễ hội Aoi Matsuri bắt nguồn từ triều đại của vua Kinmei (539-571). Vào thời này, vùng đất Kyoto thường xuyên xảy ra thiên tai, nạn đói hoành hành. Người dân cho rằng do các vị thần ở đền Shimogamo và Kamogamo đang tức giận. Sau khi Thiên hoàng tổ chức các nghi lễ thờ cúng, dâng vật phẩm lên các vị thần thì thiên tai dường như cũng lắng lại và một tập tục truyền thống mới đã bắt đầu.
Thật ra, tên gọi “Aoi Matsuri” bắt nguồn từ một sai phạm nhỏ của nội cung, khi vào năm 1964 (thời Edo), trong lúc tái hiện lại lễ hội, nội cung đã cho trang trí hoa thục quỳ (Aoi) lên tất cả các đồ vật sử dụng trong lễ hội như xe bò cho đến trang phục của đoàn diễu hành. Đây cũng là loài hoa được người Nhật tin tưởng rằng có tác dụng bảo vệ con người khỏi thiên tai.
Lễ hội Aoi được tổ chức thường niên vào ngày 15/5 hàng năm. Xuyên suốt nhiều thế kỷ, lễ hội này trở thành một truyền thống không thể nào tách rời khỏi văn hóa và con người Nhật Bản nói chung và Kyoto nói riêng.
Có 2 hoạt động chính trong lễ hội, đó là lễ rước và nghi lễ thờ cúng. Trong đó, hoạt động hấp dẫn nhất và thu hút nhiều người dân đến xem chính là lễ rước với đoàn diễu hành hơn 500 người trong trang phục thời Heian vô cùng uy nghiêm. Vào lúc 10h30 ngày 15/5, đoàn sẽ bắt đầu cuộc diễu hành từ Hoàng cung Kyoto (Kyoto Gosho), đi đến đền Shimogamo và cuối cùng hướng về phía đền Kamogamo.
Đoàn diễu hành được dẫn dắt bởi các Sứ giả của Thiên hoàng (Chokushi), theo sau là 3 kỵ binh dàn từ trái qua phải, 2 xe bò được trang trí với hoa thục quỳ lộng lẫy, 4 con bò, 36 con ngựa trang trí hoa thục quỳ và hàng trăm người trong bộ trang phục thời Heian để thể hiện sự tôn kính với thần linh.
Trong đoàn người diễu hành còn có rất nhiều tùy tùng nữ trong bộ Kimono đi cùng với nhân vật gọi là “Saio-dai”. Saio-dai là một người nữ trẻ trong Hoàng tộc, có thể là chị em hoặc con gái của Thiên hoàng và là người đại diện cho Thiên hoàng. Trong suốt buổi lễ, Saio-dai sẽ thực hiện các nghi thức tại đền thờ và có vai trò như là một người duy trì sự tinh khiết và trong sạch cho nghi lễ. Sứ giả và Saio-dai chính là 2 nhân vật quan trọng nhất của Aoi Matsuri.
Sau khi đoàn đã đi qua cả 2 đền, Saio-dai và Sứ giả sẽ thực hiện các nghi lễ thờ cúng. Trong khi Saio-dai chỉ đơn giản là bày tỏ lòng kính trọng của mình đến các vị thần linh thì Sứ giả sẽ ngâm những lời ca ngợi của Thiên hoàng dành cho các đấng tối cao, đồng thời cầu mong các vị thần tiếp tục phù hộ.
Khi kết thúc lễ rước và thờ cúng, sẽ có hàng loạt tiết mục biểu diễn khiêu vũ và sự kiện văn nghệ diễn ra phục vụ người dân và du khách. Mọi người nhân dịp này cùng nhau nhảy múa và gửi gắm tâm tư mong ước sức khỏe, may mắn đến với gia đình, bạn bè.
Aoi Matsuri là một lễ hội vô cùng lớn và có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Nhật Bản. Chính vì vậy, nếu có cơ hội du lịch Nhật Bản vào ngày 15/5, du khách hãy trải nghiệm chiêm ngưỡng không gian độc đáo của lễ hội này nhé!