Bánh Senbei nổi danh cả thế giới như một phần văn hóa ẩm thực không thể tách rời của của Nhật Bản. Đây là một trong những đồ ăn vặt độc đáo, được nhiều thế hệ yêu thích trong đó đặc biệt là trẻ em. Không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà giá cả lại rất bình dân.
Senbei chính là một loại bánh gạo truyền thống, đặc trưng của “xứ Phù Tang”. Khác với bánh gạo Hàn Quốc, bánh gạo của Nhật Bản là loại bánh khô.
Món này được chế biến từ nguyên liệu chính là bột gạo hay bột mì, tạo hình rồi được đem đi nướng chín trong lò nướng hoặc sử dụng sức nóng của bếp than củi.
Món bánh gạo khô có rất nhiều hình dạng, kích thước cũng như hương vị khác nhau. Tuy nhiên, món bánh truyền thống với hương vị ngọt ngào, thơm ngon đặc trưng của gạo chính là loại bánh phổ biến và được lòng nhiều người nhất.
Senbei thường được dùng kèm với trà xanh. Món này được xem như một món ăn giản dị dành cho quan khách đến nhà và đây chính là các đãi khách nhẹ nhàng mà vẫn vô cùng lịch sự.
Tuy là món truyền thống, đặc trưng của Nhật Bản nhưng Senbei lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Món này được du nhập vào Nhật Bản và trở nên quen thuộc từ thời kỳ Nara. Ban đầu, bánh Senbei khá đơn giản, được tạo ra từ 2 nguyên liệu cực kì đơn giản là bột mì và đường. Sang đến thời kỳ Edo, sau sau đó là thời Tokugawa, Senbei trở nên hấp dẫn hơn nhiều khi có thêm nhiều sáng tạo trong phương pháp chế biến.
Các hình dạng, kích thước và hương vị của bánh gạo Senbei trở nên phong phú hơn rất nhiều. Và cũng từ đó, có 2 loại bánh gạo khô của ngày nay là Senbei làm từ bột mì và Senbei làm từ bột gạo. Mỗi loại Senbei này đều có nguyên liệu và cách chế biến riêng.
Senbei làm từ bột mì loại Senbei truyền thống của vùng Kansai. Nó được chế biến từ bột mì, đường và trứng gà, có vị giống với bánh quy. Senbei làm từ gạo là loại Senbei được sản xuất chủ yếu tại vùng Kanto – vùng sản xuất lúa gạo chủ yếu của Nhật Bản, phần lớn loại Senbei này có vị hơi mặn.
Senbei gạo thường được chế biến bằng cách trộn đều bột gạo với nước ấm. Bột sẽ được nhào thật kĩ và hấp chín ngay sau đó. Hấp xong bột được nhào lại một lần nữa rồi được cuốn lại thành những cuộn lớn. Sau đó, khối bột sẽ được cán mỏng và cắt thành hình, hình dạng truyền thống thường là hình vòng tròn. Bột bánh có thể kết hợp với một số nguyên liệu thích hợp như các loại hạt, đỗ, rong biển,… tạo nên nhiều hương vị phong phú cho bánh Senbei. Những chiếc bánh khi đã được cắt thành hình sẽ được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Cuối cùng những chiếc bánh này sẽ được nướng chín trên bếp than củi. Bếp than củi truyền thống sẽ mang đến cho Senbei hương vị “nguyên bản” thơm ngon và ấn tượng hơn. Bánh sẽ được phết thêm hỗn hợp gồm nước tương và Mirin, thêm một lớp rong biển khô để hương vị thêm hấp dẫn.
Từng loại bánh khác nhau thì sẽ có những cách chế biến khác nhau, mang đến đặc điểm hương vị rất riêng. Ngoài cách nướng trên bếp than củi truyền thống, người thợ còn có thể sử dụng những chiếc kẹp “kata” có hình dạng và kích thước riêng để nướng, đồng thời tạo hình cho loại bánh này thêm độc đáo.
Bánh Senbei rất phong phú về hình dạng. Senbei truyền thống thường có kích thước lớn, tròn và dẹp. Hay cũng có loại Seibei hình dạng nhỏ và tròn như viên bi, hay mang hình dạng động vật, hình hạt giống, chiếc lá, hoa anh đào,… Nhìn chung hình dạng của Senbei khá đơn giản nhưng lại rất quen thuộc với đời sống con người, có lẽ chính đặc điểm này đã tạo nên sự hấp dẫn của Senbei với mọi người.
Ngày nay, bánh Senbei được cải tiến mạnh về phương pháp chế biến lẫn hình thức. Nhiều nguyên liệu hiện đại được đưa vào công thức chế biến Senbei khiến món bánh này càng phong phú thêm về chủng loại, hương vị mà vẫn giữ được nét truyền thống. Có thể kể đến như:
Senbei nước tương – loại Senbei phổ biến nhất của Nhật Bản, được làm bằng cách nhúng bánh gạo trong nước tương và nướng trên ngọn lửa. Cầm trên tay món bánh Senbei nước tương này, du khách sẽ khó mà cưỡng lại được hương vị và mùi thơm vô cùng quyến rũ của nó.
Senbei rong biển: Để làm loại Senbei này, người ta cuộn một tấm rong biển khô quanh bánh gạo đã được nướng hoặc trộn bột rong biển với bột gạo trước khi nướng.
Senbei vừng đen: Thay cho bột gạo thông thường, bột được sử dụng để làm loại Senbei này là bột trộn lẫn hạt vừng, khi ăn sẽ có cảm giác giòn tan trong miệng.
Senbei ớt đỏ: Sau khi nướng bánh như cách thông thường, người ta sẽ tẩm bánh với một lớp dày bột ớt đỏ. Mặc dù đây là một món ăn vặt nhưng đối với nhiều người Nhật, vị của nó cũng khá cay.
Senbei mực: Có rất nhiều cách để làm Senbei mực như tẩm kín bột gạo quanh con mực, sau đó đem nướng trên lửa hoặc nướng cả con mực cùng một chiếc bánh Senbei đã được làm sẵn.
Senbei tôm được làm bằng cách trộn tôm băm nhuyễn vào bột Senbei trước khi nướng. Màu hồng của tôm làm cho màu của bánh trở nên khá bắt mắt. Đây chắc chắn sẽ là một món ăn gây nghiện cho những người yêu tôm.
Senbei đậu đen được làm từ bột nhào và đậu đen nấu chín. Bởi vì có thêm thành phần đậu đen nên nó khá dày.
Senbei đường: Mặc dù bề ngoài khá giống bánh quy nhưng hương vị của nó có vị ngọt khá độc đáo, là một món quà lưu niệm rất được yêu thích cho những ai hảo ngọt.
Nure-Senbei có nghĩa là “bánh gạo ướt” bởi nó được nhúng vào nước tương trong quá trình chế biến. Đây là một đặc sản địa phương của thành phố Chosi, nơi chuyên sản xuất nước tương Shoyu.
Mentaiko Senbei: Để làm bánh Senbei này, người ta trộn bột gạo với trứng cá tuyết cay trước khi nướng để vị cay của cá quyện được vào trong bột bánh. Bánh này rất phổ biến ở khu vực có nhiều cá tuyết ở Fukuoka.
Kare Senbei: Mặc dù cà ri của Nhật Bản ngọt hơn cà ri của Ấn Độ hay Thái Lan nhưng sự kết hợp thú vị của cà ri và senbei mang lại một hương vị rất đặc biệt làm nó trở nên khá phổ biến ở Sapporo, Hokkaido.
Arare: Loại bánh này được làm từ gạo giã nhỏ trộn với hạt Wasabi, sau đó được nướng trên lửa, có kích thước nhỏ với nhiều hình dạng khác nhau như hình ngôi sao, hình hạt giống. Sở dĩ nó có tên là Arare bởi âm thanh khi nướng bánh nghe giống với tiếng mưa đá. Món bánh này rất thích hợp dùng để chiêu đãi bạn bè khi tới thăm nhà.
Kawara Senbei: Tên của món bánh này xuất phát từ việc hình dạng của nó giống với hình của viên ngói lợp trên các mái nhà Nhật Bản. Nguyên liệu để làm Kawara Senbei bao gồm bột mì, đường, trứng, thường được thưởng thức kèm với trà hoặc cafe.
Hone Senbei được làm từ cá hoặc xương lươn chiên giòn rồi tẩm gia vị. Món ăn này thường được phục vụ trong các địa điểm uống rượu Sake.
Bánh Senbei của Nhật Bản thật đa dạng, phong phú phải không nào? Hi vọng trong một dịp du lịch Nhật Bản, nếu có cơ hội được thưởng thức món bánh truyền thống này, du khách cũng đừng quên mua một ít đem về làm quà dành tặng cho gia đình và bạn bè của mình nhé!