Nếu có dịp bước vào ngôi nhà truyền thống ở “xứ Phù Tang”, du khách sẽ bắt gặp một món đồ nội thất quen thuộc, đó là chiếc bàn ăn Chabudai. Món nội thất đậm chất Nhật Bản này mang ý nghĩa biểu tượng tượng trưng cho sự hòa hợp trong mỗi căn bếp gia đình.
Trước cách mạng công nghiệp, những gia đình Nhật vốn không dùng bữa cùng nhau. Khi ấy, khác biệt giới là điểm quyết định xem ai được phép ngồi bên chiếc bàn Chabudai. Cụ thể, chỉ có đàn ông mới có thể ngồi dùng bữa, còn phụ nữ thì không bao giờ được phép ăn chung. Đó là lý do tại sao ban đầu Nhật Bản không sử dụng bàn. Thay vào đó, các gia đình ăn ngay trên chiếu Tatami.
Tới thời Minh Trị, đồ nội thất nước ngoài bắt đầu du nhập vào Nhật Bản. Và những người thợ thủ công ở Nhật Bản bắt đầu làm Chabudai từ ý tưởng phát triển từ các sản phẩm ngoại lai này. Tuy nhiên, nếu người phương Tây ưa dùng bữa trên bàn cao, ngồi trên ghế, thì người Nhật – vốn coi trọng văn hóa ngồi trên mặt sàn – đã sáng tạo ra chiếc bàn thấp sát sàn. Chabudai ra đời từ đó.
Khác với loại bàn bình thường khác, Chabudai có chiều cao khá thấp. Thời sơ khai, những chiếc bàn này chỉ cao ở mức 15cm, nhưng hiện nay, nhằm giúp người dân dễ dàng sinh hoạt hơn, kích thước tiêu chuẩn đã nâng lên gấp đôi, ở khoảng 30cm.
Nếu chiều cao được xem là cố định với một chiếc Chabudai thì chiều dài và chiều rộng lại đa dạng, tùy theo không gian trong phòng. Chiếc bàn thường được phối với chiếc chiếu Tatami hoặc đệm Zabuton, được làm chủ yếu từ gỗ thông và gỗ sồi.
Từ khi ra đời cho đến nay, qua hàng thế kỷ, nhờ đặc trưng phù hợp với văn hóa Nhật Bản mà Chabudai tồn tại, phát triển, phổ biến. Ngoài việc phù hợp với “văn hóa ngồi trên mặt sàn”, người Nhật cũng thích sử dụng bàn Chabudai vì nó dễ cất giữ và di chuyển. Hơn thế nữa, người Nhật hiện đại cho rằng Chabudai có thể làm tăng tính gắn kết giữa các thành viên trong gia đình khi cùng quây quần quanh bàn để thưởng thức bữa cơm. Xã hội đã có nhiều thay đổi, và mối quan hệ trong gia đình không còn chặt chẽ như xưa. Trong nhiều gia đình Nhật Bản hiện đại, con cái ở độ tuổi vị thành niên có thể ăn riêng trong phòng. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh tìm tới Chabudai như một nỗ lực để kết nối cả gia đình với nhau. Cũng có lẽ vì vậy mà món nội thất đậm chất Nhật Bản này giờ đây còn mang ý nghĩa biểu tượng tượng trưng cho sự hòa hợp trong mỗi gia đình.
Văn hóa “xứ Phù Tang” nói chung quả thật có rất nhiều điều thú vị. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành thời gian khám phá và trải nghiệm nhiều hơn về nét văn hóa đặc sắc này nhé! Chúc du khách du khách có một chuyến đi vui vẻ!