Có những điều có thể du khách chưa được biết về Geisha tại Nhật Bản

Nhật Bản không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn được biết đến với bề dày lịch sử và nền văn hóa đậm đà bản sắc. Và khi nhắc đến “xứ Phù Tang”, không thể không nhắc đến Geisha – người lưu giữ văn hóa Nhật Bản.

Geisha (芸者) gọi theo ngôn ngữ Kansai là “Geiko” hoặc “Geiki”, theo phiên âm Hán Việt là “nghệ giả”, tức là “con người của nghệ thuật”. Văn hoá võ sĩ đạo đã góp phần đưa tới sự ra đời văn hoá Geisha. Võ sĩ đạo là một hệ thống luân lý đạo đức hoàn mỹ, họ có một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ (Samurai) buộc phải tuân theo: trung thành, ngay thẳng, quang minh chính đại, cao thượng, nghĩa hiệp… Là một trong những tầng lớp cao quý và được trọng vọng tại Nhật, các Samurai có một lối sống đầy kỷ luật nhưng cũng không kém phần thanh tao: họ thường lấy kiếm đạo, nhã nhạc, thư pháp, thưởng rượu, hoa, trà… làm trò giải trí. Họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hoá lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ. Nhu cầu giải trí cao nhã ấy dẫn tới sự ra đời của Geisha.

Có một sự thật khá bất ngờ, Geisha thực thụ đầu tiên tại “xứ Phù Tang” là nam giới, xuất hiện vào khoảng năm 1730 dưới thời kỳ Edo. Chỉ khoảng 20 năm sau, Geisha nữ bắt đầu chính thức xuất hiện dưới hình thức của một Odiko (踊り子 – vũ công) và người chơi Shamisen, ngay lập tức họ nhanh chóng chiếm lĩnh nghề nghiệp, thống trị nó vào năm 1780. Tuy nhiên, nữ Geisha gặp bất cập lớn khi phải chịu lệnh cấm của chính quyền Shochu. Các cô gái phải đổi nghệ danh thành nam giới, hoạt động lén lút.

Mãi đến giữa thế kỷ 18, chính quyền nơi đây mới công nhận Geisha được dành riêng để gọi cho phái nữ làm nghệ thuật mua vui. Họ ban hành đạo luật riêng nhằm quy định Geisha là nghề truyền bá nghệ thuật, không phải mại dâm. Đến thời Minh Trị vào năm 1872, Geisha chính thức được công nhận là một nghề quan trọng và được truyền bá rộng rãi trong văn hóa Nhật Bản.

Một phụ nữ khi đã làm Geisha thì không được kết hôn. Nếu bỏ nghề Geisha, họ có thể kết hôn và sống bình thường như bao phụ nữ khác.

Các Geisha luôn xuất hiện với lớp trang điểm khá dày. Đây cũng chính là nét đặc sắc, có phần nổi bật đối với những ai hành nghề này. Việc trang điểm được phủ bằng một lớp phấn trắng dày, có màu đục ở phần mặt, ngực, cổ và bàn tay. Tuy nhiên, họ sẽ chừa lại đường viền quanh phần tóc của gương mặt để tạo cảm giác đây chính là lớp mặt nạ sau khi trang điểm. Phần môi thì được đánh son đỏ tươi. Geisha thường tô đen cho lông mày và kết hợp màu đỏ để làm nổi bật phần mắt.

Mái tóc cũng cực kỳ quý giá đối với các Geisha. Họ gìn giữ tóc bằng nhiều cách kể cả khi ngủ cũng như sử dụng gối chuyên dụng để tránh hư tóc. Thông thường có 4 kiểu búi tóc được nhiều Geisha sử dụng: Taka shimada – kiểu búi cao (dành cho những người trẻ); Tsubushi shimada – kiểu búi thấp hơn (dành cho những Geisha đã có tuổi); Uiwata – búi tóc và quấn một miếng vải màu họa tiết bông; Kiểu búi chia múi (dành cho các Maiko – người thực tập để trở thành Geisha).

Các Geisha thường chỉ mặc trang phục Kimono được may bằng tay. Vì muốn gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của quốc gia, các Geisha luôn mặc Kimono cả khi hát, múa, đánh đàn và trò chuyện. Văn hóa Nhật Bản cũng nhờ thế mà được lưu truyền từ nhiều thời kì mặc dù trải qua nhiều biến cố. Tùy thuộc vào các mùa trong năm mà Geisha sẽ chọn Kimono với họa tiết phù hợp. Đối với những Geisha trẻ, họ thường chọn áo với hoa văn sặc sỡ, nhiều màu. Còn ngược lại, các Geisha khi đã có tuổi, người ta ưu tiên những kiểu trang nhã, màu sắc nhu mì.

Công việc chính của các Geisha là mua vui cho khách bằng việc hát, múa, kể chuyện, nói chuyện hay cả những hành động khiêu gợi, nhưng họ tuyệt đối không “bán thân”. “Mãi nghệ, không mãi dâm” là câu tuyên ngôn quan trọng của các Geisha. Câu nói này cũng nhằm khẳng định họ được sinh ra để truyền tải nét đặc sắc của văn hóa Nhật Bản. Khách hàng tìm đến các quán rượu có Geisha để giải trí, thưởng thức rượu và trò chuyện với những cô hầu xinh đẹp.

Để trở thành một Geisha thực thụ không phải chỉ cần một vẻ ngoài xinh đẹp là đủ, các cô gái còn phải luyện tập một cách khắc nghiệt ngay từ khi còn nhỏ. Vào khoảng 10 tuổi, các cô gái sẽ được gửi vào một trường chuyên đào tạo Geisha (sau này, độ tuổi được nâng lên 14-15 do sự thay đổi của luật lao động Nhật vào năm 1950).

Sau khi vào trường, những người học việc mới được sống ở nơi được gọi là Okiya (屋) – một loại nhà trọ chỉ dành cho nữ thuộc sở hữu của một bà chủ được gọi là Okāsan và những người làm khác. Tại đây, Okāsan là người sẽ trả mọi chi phí cho người học việc bao gồm: quần áo, dụng cụ, thực phẩm, nhà ở và các chương trình đào tạo…; có nghĩa là trước khi trở thành Geisha, các cô gái đã mang trên mình một khoản nợ rất lớn. Khi trở thành Geisha, việc đầu tiên họ phải hoàn thành là hoàn trả toàn bộ số nợ khổng lồ này, sau khi trả hết nợ thì họ hoàn toàn có được tự do.

Sau khi vào Okiya, các cô gái sẽ được coi là một Shikomi và phải làm việc như một người giúp việc. Công việc chủ yếu của Shikomi là giúp các Geisha và Maiko khác mặc quần áo… – nhưng đồng thời, thời gian ấy, các Shikomi cũng dần được đào tạo, hình thành lối sống một cách chỉn chu, đúng mực. Ví dụ điều chỉnh mặc Yukata truyền thống như quần áo bình thường. Tiếp đến, họ sẽ được theo học một chương trình như đào tạo và luyện tập hết sức nghiêm ngặt. Những thiếu nữ phải học cách cư xử, cắm hoa, phà trà, khiêu vũ, ca hát, cách hầu chuyện, tiếp rượu, cùng cách chơi hàng loạt những nhạc cụ truyền thống như Kotsuzumi, Shimedaiko, Shamisen và Fue… Sau khoảng nửa năm, các Shikomi sẽ được đào tạo một cách chính thức, lúc này, họ được gọi là “Minarai”.

Trong thời gian này, các Minarai phải tìm được cho mình một Geiko cố vấn (một thuật ngữ khác của Geisha), người mà những cô gái sẽ gọi là Onsan (chị gái) có thể đưa họ cùng tới Ozashiki (tiệc trong các phòng chiếu truyền thống) để họ có thể quan sát cách người cố vấn của mình và các Geisha khác tương tác với khách. Bằng cách này, một khi người học việc hoàn thành khóa đào tạo chính thức của mình, cô ấy sẽ có một số kinh nghiệm trong thế giới thực, gây dựng được thiện cảm và nhận biết những khách hàng tiềm năng.

Thời gian đào tạo một Minarai sẽ bắt đầu khoảng một vài tháng trước khi cô gái ấy trở thành Maiko (Geisha tập sự). Nhưng ngay cả sau khi đã trở thành Maiko, các cô gái vẫn sẽ tiếp tục học hỏi bằng cách tham gia các sự kiện với người cố vấn lớn tuổi của mình, và cũng tiếp tục đào tạo về nghệ thuật cổ điển. Sau khi trở thành Maiko, những cô gái phải mất thêm một giai đoạn dài (có thể lên đến vài năm) để có thể kết thúc khóa học, đồng thời tốt nghiệp trở thành một Geisha thực thụ.

Có thể thấy, để trở thành một Geisha thực thụ là cả một quá trình khó khăn, vất vả. Những cô gái phải đánh đổi rất nhiều công sức để luyện tập, thực hành một cách trôi chảy, tự nhiên và khéo léo nhất. Chính vì điều đó mà tại Nhật Bản, Geisha rất được coi trọng, thậm chí trong một khoảng thời gian dài, Geisha đã trở thành hình mẫu của cái đẹp, sự thanh lịch và duyên dáng mà tất cả những người phụ nữ ở “xứ sở Phù Tang” muốn hướng đến.

Ngày nay, nghề Geisha không còn rầm rộ như trước. Số lượng Geisha đã sụt giảm dần. Tuy nhiên, văn hóa Nhật Bản vẫn luôn tồn tại và vinh danh những người Geisha chân chính. Bởi lẽ họ là người một đời vì sự nghiệp gìn giữ và lưu truyền bản sắc độc đáo của dân tộc.

Tour Nhật Bản sẽ thật đặc biệt nếu được quan sát và ngắm nhìn vẻ đẹp của Geisha tại các quán ăn truyền thống. Hãy khám phá nét văn hóa đặc sắc này khi đến Nhật Bản nhé!