Đối với những người sành ăn hải sản thì Cua là món ăn không thể không nhắc đến. Cua có thể chế biến thành nhiều món với các hương vị khác nhau. Bài viết này sẽ cung cấp một só món cua mà du khách nên thưởng thức khi đến Hokkaido trong chuyến du lịch Nhật Bản.
Khi nhắc đến ẩm thực Hokkaido, điều đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến là Cua. Ở Hokkaido, du khách có thể thưởng thức các loại Cua đặc trưng như: Cua lông ngựa, Cua hoàng đế đỏ, Cua tuyết, đặc biệt hơn là Cua hoàng đế xanh, Cua Hanasaki. Mỗi loại này cũng sẽ được đánh bắt ở các khu vực khác nhau, tùy thuộc vào khí hậu. Bất cứ khi nào đến Hokkaido, du khách đều có cơ hội nếm thử món cua đặc trưng cho mùa đó.
CÁC LOẠI CUA TRỨ DANH Ở HOKKAIDO
Cua hoàng đế đỏ
Cua hoàng đế đỏ có kích thước lớn và vẻ ngoài khá nổi bật. Đây là loại Cua mai lớn với đặc trưng là toàn thân có gai và càng dài, thịt cua chắc. Những con Cua lớn có thể nặng hơn 4kg, 2 chân kéo dài đến hơn 1m.
Khi chúng được hấp lên, một màu đỏ cam rực rỡ bắt mắt, thịt Cua lại rất ngọt và thanh, được mọi người bình chọn là loài Cua có thịt ngọt nhất. Cũng chính vì chất dinh dưỡng và hương vị tuyệt hảo mà chúng mang lại, chi phí của loại Cua này hay các món ăn được chế biến từ chúng không hề rẻ. Mùa Cua hoàng đế ở Hokkaido là tháng 1 – 5 và tháng 9 – 10. Cảng Wakkanai nằm ở cực Bắc của Hokkaido là địa điểm nổi tiếng nhất để đánh bắt loại Cua này.
Một con Cua hoàng đế đỏ có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: luộc, chiên hay nướng,… Ngoài ra, món Sashimi Cua hoàng đế cũng rất tuyệt vời. Chỉ cần cho Cua vào nước nóng trong vài giây và ngâm trong nước đá lạnh từ 3-5 phút, thân Cua sẽ nở ra như một bông hoa, rất đẹp mắt. Gạch Cua hoàng đế đỏ cũng hấp dẫn không kém. Thực khách chỉ cần cho gạch Cua vào phần mai, trộn thêm với nước tương, Mirin cùng một ít rượu rồi làm nóng lên, thế là đã có món ăn vô cùng tuyệt vời để thưởng thức rồi.
Cua hoàng đế xanh
Cua hoàng đế xanh nhìn khá giống với Cua hoàng đế đỏ. Ở Hokkaido, loại Cua này thường được đánh bắt tại Abashiri, Doutou. Thời gian khai thác khá dài, từ tháng 1 tới tháng 6 hàng năm. Cua hoàng đế xanh rẻ hơn so với các loại cua khác và cũng khá dễ bắt. Nhiều người nhận xét là loại Cua này không ngon như Cua hoàng đế đỏ, nhưng Cua hoàng đế xanh ở Hokkaido có hương vị và kết cấu đặc biệt, dễ ăn và được nhiều người yêu thích.
Với Cua hoàng đế xanh, du khách có thể đem nướng hoặc chiên, vì nếu dùng phương pháp luộc quá kỹ có thể khiến thịt của cua xanh trở nên dai. Một trong những cách tốt nhất để chế biến là chiên Tempura. Du khách hãy nếm thử món Cơm Tempura Cua kèm thêm nước xốt đặc trưng khơi gợi hương vị tự nhiên của Cua. Ngoài ra, Cơm chiên Cua kiểu Trung Quốc hay Cơm Cua cũng là những món rất đáng thưởng thức.
Cua Tuyết
Cua Tuyết được mệnh danh là “vua của các loài Cua”. Ở Nhật Bản, chúng có tên gọi chính thức là “Hon-zuwai kani”. Loại Cua Tuyết hiện được bán nhiều trên thị trường là Cua Tuyết đỏ (Beni-zuwai kani).
Ở Hokkaido, hoạt động đánh bắt Cua Tuyết được bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm. Cua Hon-zuwai kani có giá cao gấp khoảng 10 lần Cua Tuyết đỏ, và nó được phân loại thành nhiều thương hiệu Cua khác nhau như: Mae-gani, Kano-gani, và Matsuba-gani (cua Taiza-gani, cua Tsuiyama-gani). Cua Hon-zuwai kani có kích thước nhỏ hơn Cua hoàng đế Alaska, tuy nhiên hương vị thịt Cua và gạch Cua cũng rất hấp dẫn.
Vỏ Cua Hon-zuwai kani sống có màu nâu, còn vỏ Cua Beni-zuwai kani luôn có màu đỏ ngay cả khi chưa luộc. Thịt Cua Tuyết có vị ngọt đậm đà, hấp dẫn nên du khách có thể thưởng thức được hương vị nguyên bản của cua mà không cần chế biến. Ngoài ra, càng Cua dài và không có gai, nên đây cũng là một lựa chọn tuyệt vời để chế biến món lẩu cua Shabu.
Cua Tuyết có các loại: Cua tuyết tươi, Cua đông lạnh sống (loại cua được cấp đông khi vẫn đang còn sống), và Cua luộc (loại có thể luộc và ăn ngay sau khi rã đông). Nếu du khách mua được Cua Tuyết tươi sống thì có thể thử làm món Sashimi Cua. Hãy bóc phần vỏ ở càng cua, thả vào nước đá và thịt Cua sẽ nở ra như hoa sau khoảng 5 phút. Khi đó du khách có thể thưởng thức kèm nước tương và Wasabi. Hoặc chỉ đơn giản là hấp Cua lên để tận hưởng vị tươi ngọt của thịt Cua. Ngoài ra, du khách cũng có thể nướng Cua bằng than đá, cho gạch Cua vào mai và hấp lên để thưởng thức.
Cua lông ngựa
Cua lông ngựa được đánh bắt quanh vùng Hokkaido vào mùa hè, mùa thu và mùa đông, và mùa Cua ngon nhất bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2. Mặc dù vậy, không có nghĩa là du khách không thể thưởng thức Cua ngon vào các mùa khác. Ví dụ như mùa hè ở Hakodate từ tháng 6 đến tháng 7, và Oshamanbe từ tháng 6 đến tháng 8 có loại một loại Cua vô cùng quý được gọi là “Cua lông vàng”. Du khách cũng có thể thưởng thức Cua vào tháng 3 và mùa thu ở Kushiro.
Cua lông ngựa ở Wakkanai cũng nổi tiếng được đánh bắt sớm nhất ở Nhật Bản, từ cuối tháng 1 đến khoảng tháng 2 – thời điểm lạnh nhất trong năm. Ở Hidaka từ khoảng tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Còn ở Monbetsu thời điểm xuất hiện băng trôi cũng chính là thời điểm đánh bắt Cua lông ngựa ngon nhất trong năm. Chính vì vậy, ở đây mới có câu nói: “Cua là loài vật báo hiệu mùa xuân”. Khoảng thời gian này rất ngắn, chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 3 đến tháng 4. Người ta nói rằng mùa Cua lông ngựa ở biển Okhotsk là từ tháng 3 đến tháng 7, kéo dài từ mùa xuân đến đầu mùa hè, và nó được cho là loại Cua lông ngựa ngon nhất ở Hokkaido. Trong đó, cảng Esashi ở Kitamiesashi thuộc thành phố Esashi, đối diện với biển Okhotsk ở Hokkaido được cho là khu vực có sản lượng Cua lông ngựa nhiều nhất Nhật Bản.
Đặc trưng của loài Cua này là toàn thân chúng được bao phủ bởi lớp lông mịn. Tỷ lệ phần ăn được của Cua này cũng nhiều hơn so với các loại Cua khác, du khách có thể cảm nhận được hương vị độc đáo và đậm đà của chúng khác với các loại Cua khác. Vì lý do đó, mọi người thích ăn nó cùng với cơm chín, và đương nhiên là món Cua nướng cũng rất hấp dẫn. Đặc biệt, món gạch Cua lông ngựa cũng có hương vị đậm đà vô cùng thơm ngon mà chắc chắn du khách sẽ muốn một lần được nếm thử.
Cua Hanasaki
Đây là một loài Cua quý hiếm ở vùng Hokkaido chỉ có thể đánh bắt được ở Nga từ ngoài khơi Nemuro (vùng Nemuro). Không nhiều người biết đến loại Cua này cho đến khoảng những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, gần đây, hương vị độc đáo của thịt Cua đã được nhiều người biết đến và món Cua này dần trở nên nổi tiếng hơn. Tên gọi của loài Cua được cho là được đặt theo tên địa danh “Hanasaki” ở Nemuro, Hokkaido, nhưng cũng có giả thuyết cho rằng nó được gọi là “Hanasaki” (có nghĩa là “nở hoa”) vì nó chuyển sang màu đỏ tươi khi luộc chín.
Thời gian đánh bắt Cua Hanasaki thường rất ngắn, từ tháng 7 đến tháng 8. Mùa Cua chỉ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 9.
Đặc điểm dễ nhận biết nhất Cua Hanasaki là nó có khá nhiều gai nhọn ở phần mai và được phủ một lớp vỏ khá cứng. Khi luộc xong, nhiều người có liên tưởng phần mai đó như một bông hoa đỏ rực chứa đầy gai.
Nhiều người ví von nói rằng thịt Cua Hanasaki giống như thịt tôm vây, bởi độ dai, giòn và ngọt của chúng. Hương vị Cua Hanasaki gần giống với Cua hoàng đế nhưng đậm đà hơn. Và không giống như gạch cua lông vàng, gạch Cua Hanasaki có màu hơi xanh đậm rất phù hợp để ăn với rong biển và tảo bẹ. Nếu gạch Cua lông ngựa có dạng đặc thì gạch Cua Hanasaki lỏng hơn và lan tỏa trong miệng khi ăn. Du khách có thể dùng gạch Cua này để chế biến Súp Miso hoặc nước dùng.
MỘT SỐ MÓN ĂN ĐẶC SẢN TỪ CUA
Sashimi Cua
Nếu là Cua tươi (cua còn sống) thì đem chế biến thành món Sashimi sẽ rất ngon. Thịt Cua giòn và ngọt như tôm, nhưng lại có vị đậm đà, đặc trưng chỉ có ở Cua. Tuy nhiên, việc giữ thịt Cua tươi rất khó nên thực khách cần cẩn thận đề phòng ngộ độc thực phẩm và ký sinh trùng. Món ăn này nên tránh sử dụng Cua đông lạnh, kể là Cua sống cấp đông. Thịt Cua chấm với nước tương Wasabi hoặc giấm cua (giấm cua là hỗn hợp gồm giấm, nước tương, nước Dashi với ít muối, đường, gừng) sẽ rất ngon.
Kani Miso
Đây là món “não Cua” được đựng trong phần vỏ, khi rưới lên ăn cùng thịt Cua sẽ tạo ra một món ăn độc đáo và thơm ngon. Từ “Kani” trong tiếng Nhật nghĩa là cua, dịch nôm na món này sẽ thành “Miso Cua”. Tuy nhiên, nó lại không liên quan tới Miso, người bản địa gọi vậy chỉ vì nó có hình dạng như món đậu tương Miso. Loại Cua phù hợp làm món này là Cua lông ngựa.
Cua luộc
Cua luộc khiến cho các thớ thịt Cua quyện vào nhau, đậm đà nên người ta mới nói: “Luộc Cua là cách tốt nhất để hiểu rõ độ ngon của Cua”.
Cua nướng
Cua nướng có hương thơm, thịt cua ngọt và càng nhai càng thấy vị Cua lan tỏa trong miệng. Cắt Cua thành những khúc “đã lột vỏ” vừa ăn và xếp trên vỉ nướng cho đến khi phần thịt chuyển sang màu đỏ và hơi vàng. Hoặc thực khách cũng có thể để nguyên trên đĩa nóng cho đến khi ăn. Nếu nướng chín quá, thịt Cua sẽ mất đi độ ngon, nên khi thấy phần thịt Cua phồng lên là lúc thịt cua đã chín, du khách có thể lấy ra để ăn. Phần nước trong con Cua cũng rất ngon nên cần phải khéo léo để sao cho phần nước không bị trào ra ngoài khi nướng. Du khách có thể vắt ít chanh hoặc nước tương lên để ăn kèm. Loại Cua phù hợp làm món nướng là Cua hoàng đế đỏ hoặc Cua Hanasaki.
Lẩu Cua Shabu-shabu
Lẩu Cua Shabu-shabu là lựa chọn phù hợp nhất nếu du khách muốn cảm nhận cả “kết cấu” và “hương vị” của thịt Cua. Shabu-shabu là cách ăn nhúng phần thịt Cua nhiều lần vào nước dùng ninh từ thịt tươi và Cua. Để chế biến nước dùng Shabu-shabu, thực khách bỏ Cua vào nước dùng đã được nấu với tảo bẹ hoặc nước nóng đã được thêm gia vị. Du khách có thể thưởng thức nguyên cua hoặc ăn cùng với nước xốt Ponzu. Cua Tuyết là loại Cua rất thích hợp để chế biến món ăn này. Càng Cua dài cũng rất phù hợp để làm đồ nhúng. Do vậy, du khách nên chọn loại Cua có càng dài thay vì loại càng to.
Súp Cua
Cua được dùng để chế biến thành món Súp Cua thì cũng tuyệt vời không kém. Nước súp với hương vị của tảo bẹ, cua và các loại rau được thêm nước tương, cua, gạo và trứng tạo thành một nồi Súp Cua nóng hổi rất tuyệt vời để thưởng thức trong mùa đông. Nếu du khách cho phần càng Cua sau khi ăn Shabu-shabu vào nồi, du khách sẽ có ngay nước súp đậm đà với mùi thơm của cua. Bí quyết để Súp Cua thơm ngon là phải vo gạo thật sạch. Khi đó, du khách sẽ có món Súp nóng hổi, thơm ngon với vị mặn thanh nhẹ hoàn hảo.
Bánh Korokke Cua xốt kem
Món bánh Korokke sử dụng xốt Bechamel đậm đà (xốt trắng) và Cua. Hương vị của bánh càng thơm ngon hơn khi có thêm vị đậm đà của Cua. Bánh Korokke Cua xốt kem được làm bằng cách trộn thịt Cua tươi – đặc sản của vùng Hokkaido trong một lớp kem dày làm từ sữa và bột Hokkaido, cùng lớp vỏ bên ngoài được chiên giòn.
Rượu mai Cua
Sau khi ăn hết phần gạch Cua, du khách có thể rót rượu Sake vào mai Cua, đun nóng để thưởng thức. Vị của Cua làm cho rượu thêm ngon hơn. Phần mai Cua có thể bị nứt nếu du khách nướng quá kỹ, do đó du khách có thể lót lớp giấy nhôm lên trên. Khi đó, không chỉ rượu mà du khách còn có thể đặt thịt hoặc gạch Cua lên đó để chế biến thành món ăn cũng rất ngon và tiện lợi. Một cách khác ngoài rượu là du khách có thể thưởng thức món “Súp Consomme” cũng rất tuyệt vời!
Một lần đến với vùng Hokkaido – Một lần thưởng thức ẩm thực với các loại Cua nức tiếng sẽ làm xao xuyến bất kỳ du khách nào mỗi khi nhắc đến. Hãy liên hệ với chúng tôi để book Tour Nhật Bản và đến “thiên đường Cua” Hokkaido nhé!