Dù Wagasa – một biểu tượng đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản

Nếu ở Nhật Bản một thời gian đủ lâu, với con mắt của một người nước ngoài, chắc hẳn một số người sẽ nhận ra một hình ảnh thú vị trên đường phố Nhật Bản. Đó là hình ảnh của những chiếc dù Wagasa đủ màu sắc tinh tế được người Nhật sử dụng như một vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. 

Là hình ảnh quen thuộc, gắn bó với người dân Nhật nhưng chiếc dù Wagasa truyền thống lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi được du nhập vào Nhật Bản trong thời kỳ đầu Heian (794-1185), chiếc dù ngay lập tức chiếm được cảm tình của mỗi người dân Nhật. Đến sau thời kỳ Edo, tức là khoảng giữa thời Meiji và Taisho, Wagasa đã thực sự trở thành một vật bất ly thân của người Nhật. Vào thời điểm này, nhu cầu sản xuất Wagasa tăng không ngừng và có tới hơn 100 xưởng sản xuất ra đời.

Vào thời Heian (794-1185), những chiếc dù truyền thống Wagasa làm bằng giấy và tre được giới quý tộc sử dụng như một vật che nắng và trừ tà (bảo vệ họ khỏi những linh hồn xấu xa). Đồng thời, Wagasa cũng được xem là một biểu tượng của tầng lớp cao quý mà dân thường không được sử dụng.

Từ thời Meiji (1868-1912), khi Nhật Bản bắt đầu du nhập văn hóa phương Tây thì đồng thời những chiếc dù nhỏ nhắn này được sử dụng cả những lúc trời mưa và dần dần mang luôn chức năng của một món đồ trang sức.

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, kể từ thời Muromachi (1336-1573), Wagasa dần được sử dụng như một nét chấm phá độc đáo trong các buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống như kịch Kabuki, kịch No, trà đạo,…  Wagasa cũng trở thành một phần của văn hóa Geisha. Hình ảnh Wagasa đã trở thành một biểu tượng đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Mặc dù có nguồn gốc Trung Quốc nhưng chính người Nhật mới khiến cây dù trở nên hoàn hảo. Sở dĩ dù có tên là “Wagasa” vì muốn gợi nhắc tới nguyên liệu chính làm nên vẻ đẹp của nó: giấy Washi, dây và khung tre. Khung tre được tách từ một thân tre lớn. Tổng cộng có 50 khung và tất cả đều được gọt với độ dày bằng nhau. Nó có thể trông mỏng manh, nhưng nếu chăm sóc bảo quản tốt, thời gian sử dụng có thể lên đến 2 thập kỷ. Ngoài ra, chiếc dù được quét một lớp sáp giúp cho nó đàn hồi tốt hơn. Ngoài ra, quét sáp lên Wagasa cũng giúp chống nước và bảo vệ hoàn hảo chống lại tia UV.

Để hoàn thành một chiếc ô, các nghệ nhân phải mất tới vài tháng làm việc tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành phần khung, họ cũng mất rất nhiều thời gian để vẽ trang trí bằng sơn mài. Các họa tiết chủ yếu thường xuất hiện trên Wagasa là các chủ đề liên quan đến các tích truyện xưa hoặc các họa tiết thiên nhiên như chim, hoa, quả và những cô gái đẹp.

Dường như ở Nhật Bản, cái gì cũng thật tinh tế, ngay cả những chiếc dù đơn giản cũng thật xinh đẹp và thơ mộng. Bên cạnh đó, văn hóa sử dụng dù của người Nhật cũng thật đặc biệt đấy chứ. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản vào mùa hè, du khách đừng quên mặc Kimono tay cầm chiếc dù giấy Wagasa để ghi lại những bức ảnh đậm chất “xứ Phù Tang” nhé. Và một chiếc dù gấp gọn gàng cũng là món quà dễ thương du khách có thể mua về làm quà nữa đấy!