Gia vị Giấm trong ẩm thực Nhật Bản

Gia vị đặc trưng của Nhật Bản có khá nhiều, ví dụ như Miso (đậu nành lên men) và Shouyu (nước tương). Những gia vị này không thể thiếu trong các món ăn của Nhật như Sushi, Sukiyaki, mì Soba, mì Udon,… Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các loại giấm thông dụng trong ẩm thực “xứ Phù Tang”.

Tại Nhật Bản, giấm là một trong những loại gia vị được sử dụng rất nhiều. Có rất nhiều loại giấm khác nhau để chế biến món ăn hay loại giấm riêng biệt được sử dụng để làm Sushi. Các loại giấm tại đây được sản xuất công nghiệp nên luôn đảm bảo chất lượng cũng như an toàn cho mọi người sử dụng.

NGUỒN GỐC CỦA GIẤM

Loài người đã biết chế tạo và sử dụng giấm từ nhiều ngàn năm trước. Khoảng 5.000 năm trước công nguyên, người Babylon đã biết dùng trái chà là để làm rượu và giấm. Vết tích của giấm đã được tìm thấy ở Ai Cập cổ đại từ 3.000 năm trước công nguyên. Theo sự tích Thần Nông, giấm cũng được tìm thấy ở Trung Quốc từ đời nhà Hạ, 2.000 năm trước công nguyên. 500 năm trước công nguyên, ở Hy lạp, Hippocrates, vị cha đẻ của ngành y học hiện đại, đã dùng giấm làm từ nước táo hòa với mật ong để trị những bệnh ho và cảm lạnh.

CÔNG DỤNG

Giấm là một loại gia vị được dùng nhiều trong ẩm thực Nhật Bản. Giấm được gia vào thức ăn, nước chấm để tạo vị chua. Giấm còn được dùng để muối chua rau quả nhằm để tồn trữ được lâu hơn.

Giấm nhận được rất nhiều sự quan tâm do tác dụng của nó đối với sức khỏe con người. Axit axetic và axit xitric có trong giấm được cho là không chỉ ngăn chặn sự gia tăng huyết áp và lượng đường trong máu mà còn có tác dụng giảm mệt mỏi. Giấm còn được dùng để làm giảm đau những vết bỏng hay vết rộp do tiếp xúc với nắng. Một số người uống giấm để giảm cân.

Ngoài việc tăng thêm độ chua cho các món ăn, giấm còn có tác dụng khử trùng giúp ngăn chặn sự hư hỏng của nguyên liệu, và rất hữu ích ở Nhật Bản từ những ngày công nghệ bảo quản còn khan hiếm.

CÁC LOẠI GIẤM THÔNG DỤNG TRONG ẨM THỰC NHẬT BẢN

1. Giấm gạo

Giấm gạo được làm từ rượu gạo hay rượu nếp. Loại giấm nầy được dùng rộng rãi ở các quốc gia Châu Á như: Hàn quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Giấm gạo có thể có màu trong suốt, vàng nhạt, đỏ hay đen.

– Giấm trắng có màu trong suốt đến vàng nhạt. Giấm trắng có mùi thơm khá mạnh vì được làm từ bã bia hoặc đường mật, được hình thành từ sự lên men của rượu etylic, và còn được gọi là giấm tinh luyện. Tuy nhiên, cũng chính vì hương vị quá mạnh mà lại chua gắt nên giấm trắng thường được dùng để ngâm chua các loại thực phẩm. Giấm trắng là loại có nồng độ acid axetic cao nhất trong các loại giấm gạo.

– Giấm đỏ được làm từ gạo Hồng do có mùi vị đặc trưng nhưng ít chua hơn giấm trắng.

– Giấm đen được làm từ gạo nếp than ít chua hơn cả giấm đỏ, nhưng có mùi vị nồng hơn.

2. Giấm táo

Giấm táo được làm từ nước táo cho lên men thành rượu, sau đó thành giấm. Giấm táo thường có màu vàng nhạt, và dĩ nhiên có phảng phất mùi thơm của táo nên giấm táo thường kích thích sự thèm ăn.

Loại giấm đặc biệt này có độ chua thanh, dịu và lý tưởng giúp tạo ra độ chua ngọt cho các món ăn như làm nước trộn salad, gia vị tẩm ướp…, đặc biệt là trong việc chế biến nước xốt dành cho món rau trộn.

3. Giấm nho

Giấm nho được làm từ rượu vang (rượu nho). Loại giấm nầy có màu vàng nhạt hay đỏ, tùy thuộc vào màu sắc của rượu vang. Loại giấm này được phổ biến ở vùng Địa Trung Hải, nơi sản xuất nhiều rượu vang.

Có thể nói, giấm cũng là một trong những “linh hồn” của các món ăn Nhật Bản. Còn nhiều điều thú vị về gia vị giấm trong ẩm thực “xứ Phù Tang”. Du khách hãy book tour Nhật Bản của chúng tôi để có cơ hội khám phá nhiều hơn nhé!