Hina Matsuri – lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc Nhật Bản

Nhật Bản có rất nhiều lễ hội truyền thống, các lễ hội này phản ánh văn hóa Nhật Bản rất rõ nét. Một trong số đó phải nhắc đến là “Hina Matsuri” – lễ hội búp bê dành cho các bé gái.

Hina Matsuri đã có lịch sử từ hơn 1.000 năm trước. Từ thời Heian (794-1185), người ta tin rằng những con búp bê nhỏ giống như những hình nhân thế mạng. Sau khi những con búp bê được những bé gái chơi, chúng sẽ được vứt xuống sông để mang theo những điểm không may hay những linh hồn xấu xa khỏi những bé gái. Ban đầu, người ta chỉ làm những con búp bê bằng rơm để tượng trưng cho hình nhân thế mạng và ném chúng xuống sông giúp những điều không tốt lành tránh xa những đứa trẻ. Đến thời Edo, những nghệ nhân đã chế tác những con búp bê đạt đến trình độ tinh xảo và người dân cũng không còn làm búp bê rơm để thả sông nữa mà thay vào đó là dùng búp bê để trưng bay trong ngày dành cho các bé gái. Cho đến ngày nay, người Nhật Bản chọn ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm để tổ chức lễ hội cầu chúc cho các bé gái gặp những điều tốt lành gọi là “Hina Matsuri” (雛祭り).

Trong tiếng Nhật, Hina được phiên âm theo nghĩa “búp bê nhỏ”, còn Matsuri là “lễ hội truyền thống”, chính vì vậy mà Hina Matsuri có nghĩa là “lễ hội búp bê truyền thống” hoặc “lễ hội búp bê dành cho các bé gái”. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 3/3 cũng chính là thời điểm bắt đầu của mùa hoa anh đào vì thế ở nhiều nơi khác gọi lễ hội này là “lễ hội hoa anh đào” (Momo no sekku – 桃の節句). Lễ hội này được tổ chức đều đặn mỗi năm và là nét văn hóa độc đáo không thể thiếu đối với người Nhật.

Lễ hội Hina xuất phát từ tục trầm mình trong nước để xua tan những điều không may mắn của người Trung Quốc vào thời xưa. Trước kia trong ngày tổ chức lễ hội Hina, búp bê sẽ bị thả trôi sông để bảo vệ các bé gái. Người Nhật tin rằng những con búp bê nhỏ mang hình dạng của con người có khả năng trở thành hình nhân thế mạng, vì vậy chỉ cần thả những “hình nhân thế mang” này trôi sông thì nó sẽ mang theo tất cả những gì không tốt lành đi theo. Ngày nay, lễ hội này chính là dịp để cả gia đình sum vầy tận hưởng không khí mùa xuân. Người ta sẽ sử dụng búp bê Hina để trang trí trong nhà, cầu phúc sức khỏe và may mắn tới với những bé gái trong gia đình. Đây cũng là dịp hiếm hoi mà các bé gái Nhật Bản có thể tận hưởng bữa tiệc của riêng mình.

Trong lễ hội này, các gia đình sẽ lập một khu vực đặc biệt trong nhà, có thể là căn phòng đẹp nhất của gia đình, để bày trí búp bê Hina (có thân hình chóp tinh xảo với nhiều lớp vải bọc cầu kì quanh một khối hình làm bằng rơm hay gỗ). Chúng sẽ được đặt được trang bày trên một kệ gọi là Hina-ningyo. Kệ này nếu đầy đủ sẽ gồm 7 tầng, mỗi tầng được thiết kế trang trọng trải thảm đỏ, kệ loại nhỏ hơn có thể chỉ có 5 tầng hoặc 3 tầng mà thôi. Ở tầng cao nhất có hai búp bê vua và hoàng hậu mặc trang phục lộng lẫy. Phía sau hai búp bê vua và hoàng hậu bày những tấm bình phong bằng giấy vàng, còn bên cạnh có những chiếc đèn lồng đứng vẽ hoa anh đào nở, gọi là Bonbori. Ở tầng thứ hai là 3 búp bê cung nữ. Có hai người ở tư thế đứng, người còn lại thì ngồi. Nhiệm vụ của 3 cô búp bê này là rót rượu Sake cho nhà vua và hoàng hậu. Ở giữa 3 búp bê cung nữ sẽ có 2 Takatsuki – đây là loại bàn đứng đặt Omochi hình tròn (Maru-mochi) gồm có hai tầng bánh màu hồng và trắng. Tầng thứ ba có 5 nam nhạc công. Họ cầm trong tay những nhạc cụ khác nhau như trống và sáo. Một búp bê nam cầm quạt chính là ca sĩ của bữa tiệc cung đình. Tại tầng thứ tư, người Nhật bày hai búp bê đại thần, một người già và một người trẻ. Họ thường mang cung tên trong tay. Còn ở tầng thứ năm, có 3 búp bê Samurai làm nhiệm vụ bảo vệ vua và hoàng hậu. Các tầng sáu và bảy được bày biện nhiều loại đồ dùng khác nhau, thể hiện sự sang trọng ở hoàng cung.

Với những kệ được đơn giản hóa, Người Nhật sẽ chỉ trưng bày những con búp bê quan trọng ở tầng đầu bởi bộ búp bê Hina có giá trị khá lớn vì thế không phải gia đình nào cũng có thể sắm sửa đủ một bộ búp bê hoàn chỉnh gồm 15 con.

Bộ búp bê Hina này thường được các gia đình mua sau khi sinh được bé gái và mỗi năm đều mang ra trưng bày sau đó lại được gói lại cẩn thận để cất đi. Nhiều gia đình coi bộ búp bê Hina này như là một đồ vật cực kỳ quý giá và là niềm tự hào của gia đình, gia tộc.

Ngoài những con búp bê Hina độc đáo, trong lễ hội Hina, các gia đình còn làm rất nhiều món bánh truyền thống để mời khách. Những món bánh và đồ ăn truyền thống rất được ưa chuộng trong ngày này có thể kể ra như: cơm đậu đỏ Sekihan, rượu ngọt Shirozake, bánh dày Hishi-mochi và các loại bánh kẹo hình trái cây màu trắng, xanh, vàng, hồng tượng trương cho sự tươi sáng của mùa xuân. Trong ngày này, các bé gái sẽ mời bạn bè tới nhà chơi để xem bộ búp bê Hina và ăn những món bánh truyền thống.

Trong Hina Matsuri, người Nhật còn thường chưng hoa đào ở khắp nhà bởi hoa đào tượng trưng cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nó là vật biểu tượng không thể thiếu trong ngày lễ này. Bên cạnh đó hoa đào còn tượng trưng cho những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ đó là nhẹ nhàng, điềm tĩnh, ôn hòa và quý phái.

Mặc dù phong tục thả búp bê rơm đã được hầu hết các địa phương bỏ đi trong ngày Hina Matsuri, nhưng vẫn còn tồn tại một số nơi ở tỉnh Tottori. Họ sẽ dùng những con búp bê được làm bằng giấy và đặt trong những chiếc thuyền bện bằng lá hoặc rơm sau đó được các bé gái mang thả trên sông.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, lễ hội búp bê dành cho các bé gái đã trở thành một nét văn hóa độc đáo trong đời sống người dân Nhật Bản. Khám phá về Hina Matsuri sẽ là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách khi đi tour Nhật Bản./.