Từ giữa tháng 9 đến tháng 10 hàng năm là thời điểm hoa bỉ ngạn nhuộm đỏ thắm khắp các công viên hay những con đường thôn quê ở Nhật Bản. Hoa Bỉ Ngạn với sắc đỏ kiêu sa được xem như một trong những loài hoa biểu tượng của mùa thu Nhật Bản.
Trong tiếng Nhật, hoa Bỉ Ngạn được gọi là “Higanbana” – một loài hoa thuộc họ Lycoris, hay còn được biết đến với tên gọi hoa huệ đỏ/hoa Equinox. Đây là loài cây lâu năm thường mọc thành bụi ở nơi có nhiều ánh nắng như ven đường, bờ ruộng, bờ đê,…. Mỗi đóa hoa gồm 5 đến 7 nụ nở tỏa đều các hướng trên ngọn thân cây xanh lục mọc thẳng đứng. Hoa Bỉ Ngạn có nhiều màu khác nhau nhờ vào nhân giống, nhưng màu đỏ là phổ biến nhất ở Nhật Bản. Hoa Bỉ Ngạn thường nở đồng loạt tạo cảnh sắc như biển hoa đẹp đến nao lòng.
Mang màu sắc rực rỡ với những cánh hoa mong manh, đồng thời Bỉ Ngạn là loài hoa đại diện cho hồi ức đau thương, phân ly, khổ đau và là vẻ đẹp của cái chết. Đây cũng chính là một ý nghĩa được ghi trong sách phong thủy và cũng là loài hoa có mặt ở 18 tầng địa ngục trong quan niệm Phật giáo.
Người xưa cũng có câu “càng đẹp thì càng độc, càng rực rỡ lại càng chóng phai tàn”. Đây cũng chính là câu nói dùng để ví về hoa Bỉ Ngạn. Nó gợi lại cảm giác như trăng trong nước, bông hoa trong gương, càng nhìn lại càng muốn giữ…
Chuyện kể rằng, xưa kia, có hai yêu tinh là Manju (Mạn Châu) và Saka (Sa Hoa) được giao nhiệm vụ trông giữ hoa Bỉ Ngạn. Manju phụ trách cánh hoa, còn Saka thì bảo vệ phần lá. Họ đã canh giữ hoa Bỉ Ngạn suốt mấy nghìn năm nhưng chưa một lần được thấy mặt đối phương bởi lúc hoa nở thì không thấy lá, khi có lá thì lại không có hoa. Hoa và lá cuối cùng cũng không gặp được nhau, thế nhưng Manju và Saka đã quyết định làm trái quy định của Thần để lén lút gặp nhau. Kể từ đó họ nhung nhớ đối phương điên cuồng và cùng bị nỗi đau khổ hành hạ. Khi Thần biết chuyện đã trách tội Manju và Saka. Họ bị đánh vào luân hồi và bị lời nguyền vĩnh viễn không thể ở cùng nhau, đời đời kiếp kiếp phải ở nhân gian để chịu đựng đau khổ.
Về sau, hoa Bỉ Ngạn chỉ nở trên đường hoàng tuyền, hoa có hình như những cánh tay hướng về thiên đường để cầu khẩn. Mỗi khi Manju và Saka luân hồi chuyến thế thì con đường hoàng tuyền lại ngửi thấy mùi hương của hoa Bỉ Ngạn, họ lại nhớ về bản thân ở kiếp trước, sau đó họ thề không bao giờ chia lìa nữa nhưng lại vẫn bị lời nguyền kéo vào. Kể từ đó, bên bờ hoàng tuyền, phía dưới cầu Nại Hà có cây hoa đỏ rực rỡ sinh sôi, nảy nở, dẫn đường cho các đôi tình nhân chia cắt, cho những linh hồn còn nhiều oán khí quay lại kiếp luân hồi…
Nói về tên gọi của loài hoa này, tên gọi trong tiếng Nhật của nó là “Higanbana”, trong đó “Higan” được dịch là “bờ bên kia” – vùng đất của người chết. Vì vậy, khi loài hoa Bỉ Ngạn nhuộm đỏ cả cánh đồng cũng là lúc người Nhật đi tảo mộ và tưởng nhớ về người đã khuất. Ngoài ra, hoa nở vào tiết thu phân, cũng là lúc mà người dân Nhật đi tảo mộ, bởi họ quan niệm đây là khoảng thời gian giao thoa với người thân đã mất hoàn hảo nhất. Hoa Bỉ Ngạn cũng vì thế mà mang trên mình ý nghĩa linh thiêng, như một sợi dây kết nối giữa hai thế giới.
Vào ngày Thu Phân “O-higan” (23/9), nhiều Phật tử đã trồng hoa Bỉ Ngạn vào mộ phần của người đã khuất để bày tỏ lòng thành kính, rằng họ vẫn luôn ghi nhớ và kính trọng những người không còn ở trần thế. Bên cạnh đó, việc trồng hoa Bỉ Ngạn vào mộ phần cũng để chống các loại động vật gây hại. Nhật Bản thời nay rất thịnh hành hình thức hỏa táng, nhưng người Nhật khi xưa thường chôn trực tiếp thi thể người đã khuất xuống đất nên việc chuột chũi, cáo hay lửng ăn di thể là chuyện dễ dàng xảy ra. Do đó, trồng hoa bỉ ngạn được xem là một giải pháp ngăn chặn điều này, vì trong hoa bỉ ngạn có độc nên chuột chũi cũng như các loài động vật khác sẽ tránh xa, giúp bảo vệ các ngôi mộ.
Hoa bỉ ngạn nở vào mùa thu, ngay khi không khí oi bức mùa hè vừa chấm dứt, đây cũng là thời điểm ruộng lúa bắt đầu chín. Chính vì thế, hoa Bỉ Ngạn cũng được người nông dân trồng quanh ruộng lúa để ngăn chuột đồng và sâu bệnh phá hoại mùa màng. Nếu đi về miền quê Nhật Bản vào mùa này, không khó để du khách bắt gặp hình ảnh những đóa hoa bỉ ngạn đỏ thắm nổi bật xen lẫn màu vàng của lúa chín.
Hoa Bỉ Ngạn còn có dược tính hữu ích. Theo tạp chí Weed Biology and Management, khi trồng cây trong đất trộn với lá Bỉ Ngạn, cây trồng bị ức chế sinh trưởng nên Bỉ Ngạn được xem là có tiềm năng làm cây che phủ mặt đất giúp phòng trừ cỏ dại.
Theo y học cổ truyền, củ Bỉ Ngạn đắng và độc nên nếu ăn nhầm có thể bị ngộ độc, nôn mửa, tê liệt thần kinh và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, nếu được dùng với liều lượng phù hợp, các hoạt chất như lycopene và galantamine trong củ Bỉ Ngạn sẽ giúp giảm đau, sưng, chống viêm, giảm nôn, an thần, hỗ trợ điều trị ung thư, bại liệt,…
Không chỉ gắn liền với đời sống của người Nhật, hoa Bỉ Ngạn còn xuất hiện trong Anime. Trong phim hoạt hình Nhật, hoa Bỉ Ngạn gắn liền với lời tạm biệt cuối cùng, những kỷ niệm và lòng trắc ẩn nên sẽ xuất hiện ở những nơi mọi người chia tay nhau, không còn cơ hội gặp nhau nữa hay những cảnh chết chóc. Trong Anime Tokyo Ghoul, nhân vật chính Kaneki đã dần vứt bỏ bản chất con người để trở thành bộ dạng nửa người nửa quỷ ăn thịt người, hoa Bỉ Ngạn đỏ chính là hình ảnh đại diện cho phần “quỷ” trong nhân vật này.
Hoa Bỉ Ngạn xanh từng xuất hiện trong bộ truyện tranh nổi tiếng Kimetsu no Yaiba khi Muzan nỗ lực tìm kiếm loài hoa này để điều chế thuốc trường sinh và không còn phải trốn chạy ánh nắng mặt trời. Hoa Bỉ Ngạn xanh không có thực nhưng có một loại hoa cùng họ Lycoris với Bỉ Ngạn gọi là Lycoris sprengeri (Electric Blue Spider Lily). Loài hoa này có cánh màu tím hồng và một chút màu xanh ở đầu cánh hoa, mỗi đóa hoa cũng có 5 đến 7 nụ mọc tỏa thành vòng tròn trên đỉnh của thân cây.
Hoa Bỉ Ngạn đẹp là thế nên đã có rất nhiều người muốn nhìn ngắm và chụp với loài hoa này. Thời điểm đẹp nhất để ngắm và chụp hoa Bỉ Ngạn là khi nắng chiếu sáng rực cả thảm hoa vào bình minh hay hoàng hôn. Lúc này, du khách chỉ cần đưa máy ảnh lên là đã có những bức hình đẹp lung linh.
Ở vùng Kanto, du khách đến Công viên Kinchakuda, tỉnh Saitama sẽ được ngắm cánh đồng Bỉ Ngạn lớn nhất Nhật Bản với hơn 5.000.000 cây cùng nở mỗi độ thu về. Ngoài ra, Công viên Kenei Gongendo, tỉnh Saitama, đền Gugyo-ji, tỉnh Ibaraki là hai nơi trồng nhiều hoa Bỉ Ngạn.
Đến vùng Kansai, du khách muốn ngắm hoa Bỉ Ngạn không thể bỏ qua đền Anao-ji ở cố đô Kyoto, đền Katsuragi Hitokotonushi ở tỉnh Nara, hoặc Công viên Katsuhama ở tỉnh Shiga.
Ở vùng Chubu, đặc biệt là thành phố Handa thuộc tỉnh Aichi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 3.000.000 cây Bỉ Ngạn nở đỏ rực dọc theo bờ sông Yakachi. Đi dạo sông, ngắm cảnh xong du khách có thể ghé Bảo tàng tưởng niệm Nankichi Niimi gần đó.
Hoa Bỉ Ngạn không chỉ có ở các công viên lớn mà còn mọc ở khắp các cánh rừng hay bên những con đường ở nông thôn, khoe sắc rực rỡ cạnh màu xanh của cây cỏ, rau màu.
Những ai ghé Tohoku mùa thu nên đến thăm Công viên Haguroyama ở tỉnh Miyagi chụp ảnh thảm hoa Bỉ Ngạn mà không mất phí tham quan. Còn vùng Kyushu, cánh đồng Tsuzura ở Fukuoka mùa thu sẽ đem đến một quang cảnh độc đáo khác cho du khách khi hoa Bỉ Ngạn đỏ được trồng để điểm tô cho những ruộng lúa vừa chín vàng.
Nơi nào có nhiều hoa Bỉ Ngạn đều tổ chức lễ hội hoa, tuy nhiên, sự kiện lớn và nổi tiếng nhất diễn ra tại Công viên Kinchakuda, thuộc thành phố Hidaka, tỉnh Saitama. Các lễ hội hoa Bỉ Ngạn là dịp du khách và người dân các vùng xung quanh đến ngắm hoa, thưởng thức đặc sản, mua các sản vật địa phương hoặc cắm trại, dã ngoại,…
Hi vọng rằng những thông tin chia sẻ trên đây của chúng tôi đã giúp du khách hiểu biết thêm về loài hoa Bỉ Ngạn. Du khách hãy book Tour Nhật Bản chúng tôi để có cơ hội tự mình khám phá nhiều hơn nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!