Hủ tục Yobai và những hệ luỵ ở “xứ Phù Tang”

Thời xa xưa tại “xứ Phù Tang”, khi con người sống theo quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”, dựng vợ gả chồng phải theo sự sắp đặt của gia đình thì việc hẹn hò, gặp gỡ giữa các cặp tình nhân là một chuyện khó khăn. Vì vậy, tục lệ Yobai đã ra đời để dẫn lối cho những người yêu nhau tìm thấy hạnh phúc. 

Khoảng hơn 1.400 năm trước, tục lệ Yobai đã ra đời và phổ biến ở các vùng nông thôn. Phong tục này được thực hiện bởi trai chưa vợ và gái chưa chồng. Khi đêm xuống, chàng trai sẽ lặng lẽ lẻn vào khuê phòng của cô gái, đến tận giường của nàng và nói lời tán tỉnh mật ngọt. Sau đó, đôi tình nhân sẽ trải qua một đêm mặn nồng và đến khi trời sáng, chàng trai sẽ rời đi. Khi nào cô gái mang thai, hai người sẽ thành vợ chồng. Tục lệ này bắt đầu ngay khi những đứa trẻ trong làng bước vào độ tuổi 13-15 và trở thành người trưởng thành.

Theo quy định, tục lệ diễn ra trong bí mật, không ai hay biết mà chỉ có đôi tình nhân là hiểu rõ sự tình. Tuy nhiên, trong thực tế, Yobai thường được sự đồng ý của gia đình nhà gái. Những căn nhà của người Nhật thời xưa thường là chia phòng bằng vách giấy, thế nên cha mẹ có thể dễ dàng biết được con cái làm gì ở phòng bên cạnh. Trường hợp ngôi nhà có kiến trúc hai tầng thì các bậc phụ huynh chuẩn bị thang để chàng trai có thể leo lên phòng tìm gặp con gái họ. Đây là hành động được xem là coi trọng chàng rể tương lai, một hình thức kén rể rất được ông bà thời phong kiến ưa chuộng.

Như vậy, nếu hiểu theo nghĩa tích cực, Yobai chính là phép thử của cặp đôi yêu nhau về tính “thực tế” của cuộc tình trước khi ràng buộc với nhau mãi mãi. Hoặc cũng có trường hợp Yobai là lựa chọn dành cho những cặp vợ chồng đã hết cảm giác giành cho nhau nhưng vẫn muốn thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Đây cũng chính là cách người Nhật tạo ra nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp mà không cần thông qua hôn nhân chính thống.

Ở các vùng địa phương, Yobai sẽ được thực hiện và có những quy tắc, tập tục riêng tạo nên bản sắc đa dạng trong văn hóa đời sống. Có vùng thì quy định chỉ người dân trong làng mới được thực hiện Yobai, cấm kỵ đối với cư dân ngoài hoặc người mới đến định cư. Lệ làng yêu cầu người tham gia là thiếu nữ đến tuổi cập kê. Làng khác thì lại cấm thiếu nữ hay phụ nữ còn độc thân mà chỉ cho phép góa phụ mới được tiếp nam giới tại khuê phòng. Cũng có địa phương mang tư tưởng khá “thoáng” khi ai cũng đều được tham gia, bất kể là người ở đâu đến và có tình trạng hôn nhân ra sao. Yobai không chỉ thực hiện tại phòng riêng của nữ giới mà vào một vài thời điểm quan trọng trong năm như dịp lễ hội, nó còn được tiến hành tại đền thờ địa phương.

Việc thành công hay thất bại khi diễn ra Yobai đều phụ thuộc vào quyết định của người nữ. Nếu đằng gái đồng ý thì mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp, còn từ chối thì đằng trai phải ra đi trong sự xấu hổ. Trường hợp phía chàng trai vẫn cố chấp tiến tới thì cô gái sẽ la lên và người nhà, hàng xóm sẽ đến trừng phạt anh ta.

Nhưng với tục lệ này, nếu có hệ quả nghiêm trọng xảy ra, nữ giới đều phải gánh chịu. Từng có rất nhiều phụ nữ là nạn nhân và phải chịu đựng sự tổn thương về mặt thể xác lẫn tinh thần. Yobai đã tạo cơ hội cho những tên “yêu râu xanh” thực hiện hành vi phạm pháp. Những kẻ biến thái sẽ lợi dụng tập tục này để lẻn vào nhà đối tượng mà chúng yêu thích sau đó tấn công và cưỡng hiếp nạn nhân. Chúng hành động vào đêm muộn, trói chặt, bịt miệng nạn nhân rồi “hành sự” và ra đi trong yên lặng.

Theo thời gian, Yobai dần trở thành một tục lệ lạc hậu, cổ hủ với hậu quả để lại rất nghiêm trọng, nên vào thời Minh Trị, một đạo luật cấm Yobai đã được ban hành. Tuy nhiên, Yobai vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, nó vẫn tồn tại ở các làng quê cho đến khi vụ thảm sát Tsuyama diễn ra. Đây là một vụ án mạng kinh hoàng chấn động cả nước Nhật vào thời điểm đó.

Vụ án Tsuyama có nguyên căn từ tập tục cổ xưa này, khi người đàn bà vẫn “phục vụ” tên thủ phạm vào mỗi đêm Yobai từ chối nhu cầu của hắn khi biết hắn mắc bệnh lao. Chính từ lý do này, hắn điên tiết và giết hại 30 người trong làng, bao gồm cả người thân của hắn (theo thư tuyệt mệnh của tên sát nhân).

Ngày nay, Yobai đã không còn xuất hiện nữa nhưng nó là một phần văn hóa phong kiến có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, phảng phất trong tư duy của người Nhật hiện đại. Nhiều người cho rằng Yobai chính là một khía cạnh thể hiện suy nghĩ “thoáng” về tình dục của Nhật Bản.

Đất nước, văn hóa và con người “xứ Phù Tang” còn có rất nhiều tập tục độc đáo mà khi đặt chân đến đây du khách mới có thể khám phá chúng một cách trọn vẹn. Nếu du khách yêu thích về vùng đất này thì hãy book ngay tour Nhật Bản nhé! Chúc du khách có một hành trình trải nghiệm đầy thú vị!