Kanzashi – chiếc trâm cài tóc truyền thống Nhật Bản

Trang phục Kimono truyền thống của Nhật Bản chắc chắn không còn là điều xa lạ gì đối với khách du lịch. Nhưng du khách có biết, mỗi người phụ nữ Nhật khi khoác trên mình bộ Kimono truyền thống đều phải có những phụ kiện kết hợp không thể thiếu để thể hiện sự thanh lịch và lịch sự. Một trong số đó là trâm cài tóc Kanzashi.

Kanzashi dùng cài lên mái tóc của người phụ nữ, vừa có tác dụng cố định các búi tóc để tạo kiểu lại vừa làm duyên, tạo nên diện mạo vô cùng thu hút cho người cài chúng.

Trong suốt thời gian dài, chỉ có Maiko (những thiếu nữ đang trong thời kỳ luyện tập để trở thành Geisha) và Geisha dùng trâm cài tóc. Sau đó, những người phụ nữ khác nhận ra vẻ đẹp của trâm và bắt đầu dùng Kanzashi. Ngày nay, Kanzashi là một phụ kiện không thể thiếu khi diện những y phục truyền thống Nhật Bản như Kimono, Yukata,… trong những dịp lễ truyền thống cũng như các ngày trọng đại, với hàng triệu hình dáng và màu sắc khác nhau, mỗi cái lại mang một vẻ đẹp riêng.

Trâm cài Kanzashi có nguồn gốc từ thời Jōmon – thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên. Đến thời Heian (794-1192) khi phụ nữ bắt đầu để những kiểu tóc búi cao truyền thống thay vì kiểu Taregami – kiểu tóc dài và thẳng vốn được ưa chuộng vào thời điểm đó. Trâm cài tóc Kanzashi còn được đề cập tới trong những bài thơ và thậm chí là tác phẩm nổi tiếng – “Chuyện kể về Genji”. Nhưng có thể nói, thời kỳ hoàng kim và phát triển nhất của chiếc trâm này vào thời kỳ Edo (1603-1868). Kanzashi đã lan rộng và trở thành một làn sóng thời trang được ưa chuộng trên toàn quốc. Các nghệ nhân bắt đầu sản xuất các sản phẩm tinh xảo hơn, bao gồm một số đồ trang trí trên tóc có thể được sử dụng như vũ khí. Kanzashi thậm chí còn phổ biến tới nỗi các Mạc tướng đều bị cấm sử dụng vì chúng có thể trở thành một vũ khí bí mật gây sát thương hoặc giết người.

Ban đầu, cấu tạo của Kanzashi khá đơn giản, bao gồm phần thân dài từ 8-12cm và phần trang trí đính kèm như hạt ngọc trai, những bông hoa sắc màu, cánh bướm,… Từ những ngày đầu, Kanzashi đơn thuần được sử dụng với mục đích cố định phần tóc búi, song dần dần lại trở thành phụ kiện làm đẹp không thể thiếu của phụ nữ, làm nổi bật hoặc tô điểm, làm gia tăng điểm nhấn của mỗi người. Còn có người cho rằng, Kanzashi không chỉ có công dụng làm đẹp mà chúng còn được tin là những chiếc bùa hộ mệnh quan trọng với mỗi người.

Hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, Kanzashi cũng đã biến đổi và dần hoàn thiện với đa dạng các kiểu dáng và kích thước.

Tama Kanzashi là kiểu dáng đơn giản và thịnh hành nhất trong thời Edo và Meiji, được sử dụng chủ yếu để cài tóc cho cô dâu, tóc búi hình bầu dục hoặc dành cho phụ nữ đã kết hôn. Cấu tạo của chiếc trâm chỉ bao gồm phần thân (có thể là một thân hoặc hai thân), đính kèm là những hạt ngọc tròn, nhỏ và sắc màu.

Kanoko Dome: “Kanoko” nghĩa là “màu nâu vàng”, “Dome” nghĩa là “cái kẹp”. Được hiểu là cái trâm màu nâu vàng, với hình dáng của những chiếc quạt cầm tay, được sáng tạo trên nhiều chất liệu và hình dáng, kích thước khác nhau. Phổ biến nhất là trâm gồm hai chân, với những chiếc quạt được gắn ở phần đầu, đính kèm với hạt ngọc trai và thường được làm bằng chất liệu sơn mài và có tông màu trầm. Loại trâm này thường được dành cho các bà, các mẹ vì nó thường được sử dụng trong những dịp lễ trang trọng.

Kushi Kanzashi có hình dạng giống như những chiếc lược chải tóc dành cho các thiếu nữ ngày xưa. Kushi Kanzashi thời xưa chủ yếu được làm bằng mai rùa hoặc gỗ với những hoa văn và họa tiết trang trí thành hình vòng cung của chiếc trâm. Ngày nay, Kushi Kanzashi chủ yếu được làm bằng sơn mài với gam màu trắng, đen và đỏ là nổi bật nhất, điểm xuyết là những bông hoa được mạ vàng tinh tế.

Bira-bira Kanzashi chủ yếu được sử dụng cho những thiếu nữ Nhật Bản thời xưa. Chiếc trâm này có hình dạng khá nữ tính và thướt tha. Bira-bira Kanzashi được hiểu là chiếc trâm cài phấp phới, bởi chúng thường được gắn phần họa tiết dài và thậm chí còn được làm bằng kim loại hoặc gắn thêm những chiếc chuông nhỏ để phát ra những âm thanh “rung rinh” trước gió. Ngày nay, chúng được thiết kế với nhiều kiểu dáng và kích thước, màu sắc độc đáo hơn và thường được sử dụng với những bộ Kimono sặc sỡ, trẻ trung.

Ōgi Kanzashi được gọi là kiểu dáng công chúa, thường được làm bằng kim loại với hình chiếc quạt, có thể phát ra âm thanh trong lúc di chuyển, thường được các Maiko đeo trên tóc ngay trên ngôi đền.

Kanzashi có đa dạng các kiểu dáng khác nhau nhưng phổ biến hơn cả là kiểu Hana Kanzashi – là hình dáng của các bông hoa được khắc họa theo mỗi mùa trong năm hoặc mang những ý nghĩa, thông điệp khác nhau:

Tháng 1: Để chào mừng không khí năm mới tươi vui, Kanzashi thường lấy ý tưởng từ những loài hoa sặc sỡ sắc màu, là đặc trưng của mùa đông như hoa cúc, hoa mơ nở rộ hay hình ảnh của những cây tre với sức sống mãnh liệt.

Tháng 2: Các mẫu thiết kế Kanzashi chủ yếu tập trung vào việc đón chào không khí mùa xuân và sự kiện tình yêu lớn nhất trong năm – ngày lễ tình nhân, vì vậy, màu hồng, đỏ sẽ là gam màu phổ biến được ưa chuộng. Trong tháng 2, hoa mơ trắng, hồng và đỏ thắm sẽ là lựa chọn phù hợp.

Tháng 3: Theo quan niệm của người Nhật, tháng 3 tượng trưng cho sự hạnh phúc của mỗi người. Bởi lẽ đó, Kanzashi lấy ý tưởng của các loài hoa thủy tiên, hoa mẫu đơn và hoa cải vàng.

Tháng 4: Đây là thời điểm mà hoa anh đào nở rộ đẹp nhất trong năm, chính vì vậy, Kanzashi vào tháng 4 chủ yếu sẽ là những bông hoa sakura hồng với đủ các khung màu và kiểu dáng khác nhau.

Tháng 5: Hoa diên vĩ, hoa tử đằng và hoa mẫu đơn sẽ là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế Kanzashi trong tháng 5 này.

Tháng 6: Khi mùa mưa tới gần, hình ảnh những cây liễu rủ thướt tha hay những bông hoa cẩm tú cầu căng mọng tràn đầy sức sống sẽ được khắc họa trên những chiếc trâm cài tóc Kanzashi.

Tháng 7: Là thời điểm mà các lễ hội màu hè diễn ra sôi động và nhộn nhịp nhất trong năm, theo đó, Kanzashi cũng không thể bỏ qua những biểu tượng của mùa hè như chiếc quạt cầm tay, hình ảnh những chú chuồn chuồn nước đính kèm những cánh hoa sắc màu.

Tháng 8: Những chiếc trâm Kanzashi có hình của những ngôi sao lấp lánh với ý nghĩa mang lại hạnh phúc, may mắn và bình an cho mọi người sẽ là hình ảnh chủ đạo trong dịp cuối hè. Trong khi các nàng Geisha chọn cho mình những chiếc Kanzashi màu bạc thì nàng Maiko lại chọn lựa màu sắc bắt mắt hơn là đỏ hoặc hồng.

Tháng 9: Theo truyền thống vào tháng 9 hàng năm, chiếc trâm hoa Kanzashi sẽ chủ yếu mang hình dáng của hoa cát cánh – được biết tới là hoa chuông ở các nước Châu Á. Ngoài ra, một số loài hoa đặc trưng khác của mùa thu như hoa cúc hay cỏ ba lá cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo.

Tháng 10: Loài hoa chi cúc thể hiện cho độ cao và bao la của mùa thu, nên những gam màu hồng và đỏ thường được sử dụng là màu sắc chủ đạo trong tháng 10 này.

Tháng 11: Những chiếc lá phong với gam màu từ xanh lá cho tới nâu đỏ sẽ là ý tưởng chủ đạo chính cho những chiếc trâm cài đầu vào tháng 11 này.

Tháng 12: Biểu tượng của Kanzashi vào tháng cuối năm sẽ là những chú mèo Maneki may mắn, hoa mochi hay hoa gạo.

Cũng giống như hầu hết các mặt hàng thủ công truyền thống khác của Nhật Bản, quá trình tạo ra Kanzashi rất công phu và đòi hỏi trình độ cao cũng như sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Chất liệu để chế tác một chiếc trâm cũng rất phong phú, từ chất liệu bình dân như gỗ, vải và hiện đại hơn là nhựa cho đến những chất liệu cao cấp hơn như đá quý, ngà voi, các loại ngọc và vải lụa.

Cầu kỳ và tinh tế là 2 đặc điểm chính của món đồ trang trí làm đẹp này. Thường có thiết kế màu sắc, kiểu dáng bắt mắt, tinh xảo. Hình ảnh các loài hoa, con vật và những món đồ gợi lên sự nữ tính như quạt giấy, cánh bướm. Tùy vào sở thích mà người dùng có thể chọn cho mình một chiếc như ý. Đó có thể là chiếc trâm mang hình chiếc đũa thon dài với một đầu duy nhất được trang trí hình quạt bằng chất liệu sơn mài. Du khách cũng có thể chọn một chiếc trâm có trang trí hai đầu hoặc có hình dáng xinh xắn như một chiếc lược, bên trên đính những họa tiết bắt mắt.

Cho đến ngày nay, Kanzashi vẫn là một phần không thể thiếu trong bộ trang phục truyền thống của Nhật Bản và được bày bán ở khắp nơi. Bởi vậy khi có dịp ghé thăm “xứ Phù Tang”, du khách có thể dễ dàng nhìn ngắm chúng và mua về làm kỷ niệm. Đó cũng là một cách để du khách hiểu biết thêm về nền văn hoá của đất nước này.