Khám phá những “bí mật” về đồng xu của Nhật Bản

Hiện tại, Nhật Bản vẫn duy trì hai dòng tiền là tiền xu và tiền giấy. Trong hệ thống lưu thông tiền tệ, Nhật Bản cho phép sử dụng 6 mệnh giá tiền xu, bao gồm 1 Yên, 5 Yên, 10 Yên, 50 Yên, 100 Yên và 500 Yên. Trong khi đó, tiền giấy chỉ được sử dụng với 4 mệnh giá là 1.000 Yên, 2.000 Yên, 5.000 Yên và 10.000 Yên. Trong giới hạn bài viết này, chúng ta chỉ tìm hiểu sâu về đồng xu của “xứ Phù Tang” nhé!

Đồng xu và tiền giấy không có cùng nơi sản xuất

Tiền giấy do Ngân hàng Nhật Bản phát hành và được in tại Cục In ấn Quốc gia ở Toranomon, Tokyo. Những tờ tiền này chính thức được gọi là giấy bạc ngân hàng, và chúng được in bởi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chứ không phải chính phủ.

Trong khi đó, đồng tiền xu sẽ được phát hành bởi Chính phủ Nhật Bản và được sản xuất tại các xưởng đúc tiền. Cơ sở đúc tiền chính nằm ở Osaka, ngoài ra còn có một cơ sở ở Tokyo và một cơ sở khác ở Hiroshima.

Chi phí tạo ra đồng xu 1 Yên lớn hơn giá trị của nó

Rất khó để biết chính xác cần bao nhiêu tiền để sản xuất ra các đồng xu, sự biến động giá của kim loại dùng để đúc. Nếu ước tính theo giá kim loại trên thị trường thì sẽ mất từ 2-3 Yên để tạo ra một đồng xu 1 Yên.

Tuy nhiên, giá để sản xuất các đồng xu mệnh giá khác thì có vẻ rẻ hơn (do nguyên liệu và các nguyên nhân khác). Ước tính, tốn 7 Yên để làm ra đồng xu 5 Yên; 10 Yên cho đồng xu 10 Yên; khoảng 20 Yên cho đồng xu 50 Yên; khoảng 25 Yên cho đồng xu 100 Yên và tốn khoảng 30 Yên cho đồng xu 500 Yên.

Thiết kế độc đáo 

Đồng 1 Yên là đồng tiền có giá trị nhỏ nhất, đến mức du khách không thể sử dụng nó để mua đồ ở những máy bán hàng tự động và đây cũng là đồng tiền nhẹ đến mức có thể nổi trên mặt nước, một phần là do chúng được làm bằng nhôm.

Đồng 5 Yên là đồng tiền xu duy nhất chỉ được in chữ mà không có số. Đồng xu này được thiết kế với đường kính khoảng 22mm, với trọng lượng là 3,75g, mặt trước có in hình bông lúa nước, chính giữa là một lỗ tròn nhỏ với bán kính 5mm. Chính vì hoa văn trên đồng xu 5 Yên mà người ta coi đây là biểu tượng cho ngành nông nghiệp và công nghiệp của “xứ Phù Tang”. Bên cạnh đó, cách phát âm đồng 5 Yên là “go-en” (五円), gần giống với Hán tự có nghĩa “kết duyên”, ngoài ra là lỗ tròn ở giữa còn mang ý nghĩa “một cái nhìn thông suốt về tương lai”, vì vậy đây được coi là đồng xu may mắn của người dân Nhật. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp những đồng xu 5 Yên trong các ngôi đền, chùa, nơi linh thiêng với ý nghĩa thiết lập mối liên hệ với các vị thần và mong muốn gặp điều may mắn trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đây cũng chính là một món quà vô cùng ý nghĩa dành tặng người thân với sự cầu chúc về tiền tài, vận mệnh, sự may mắn, thể hiện sự trân trọng của người tặng.

Đồng 10 Yên được đúc với đường kính 23,5mm, trọng lượng là 4,5g và được đúc với chất liệu chính là đồng trắng. Một mặt của đồng xu 10 Yên được thiết kế in nổi hình ngôi chùa Byodoin – một trong những ngôi chùa Phật Giáo lâu đời tại Kyoto và đã được bình chọn là di sản thế giới. Đồng tiền này bắt đầu được sản xuất vào năm 2006.

Đồng 50 Yên được thiết kế khá giống với đồng xu 5 Yên với một lỗ tròn nhỏ ở chính giữa có bán kính 4mm và trọng lượng là 4g, chỉ khác là họa tiết trang trí của đồng xu là những bông hoa cúc được chạm khắc tinh tế. Hoa cúc vốn được xem là quốc hoa của Nhật Bản bởi nó là biểu tượng của hoàng tộc và loài hoa này cũng được xuất hiện trên quốc huy của “xứ sở hoa anh đào”.

Đồng 100 Yên – đồng tiền có niên đại lưu hành lâu nhất trong số các loại tiền xu Nhật Bản khi phát hành và bắt đầu được sử dụng lần đầu tiên từ năm 1957. Trong phiên bản gốc, mặt sau của đồng tiền có in hình chim phượng hoàng tượng trưng cho sự tái sinh và sức sống mãnh liệt. Ngày nay, mặt sau đồng tiền chạm khắc hoa anh đào, tuy không phải là quốc hoa nhưng loài hoa này vẫn được xem như quốc hồn của Nhật Bản và rất được người dân cùng tầng lớp Samurai yêu thích từ xưa cho đến nay.

Đồng 500 Yên: Đây là đồng xu có kích thước cũng như trọng lượng lớn nhất trong 6 đồng xu Nhật Bản. Đồng xu 500 Yên có đường kính 26.5mm, trọng lượng lên tới 7g, được làm từ Niken. Đây cũng chính là đồng xu có mệnh giá cao nhất thế giới, theo tỷ lệ quy đổi, một đồng 500 Yên tương đương với hơn 100.000 VNĐ. Cũng chính vì giá trị cao mà đồng xu được sử dụng rất rộng rãi trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân Nhật.

Đồng xu 5 Yên và 50 Yên có lỗ tròn chính giữa, còn các mệnh giá khác thì không

Nếu để ý, du khách sẽ thấy rằng đồng xu 5 Yên và 50 Yên đều có lỗ ở ngay trung tâm mà các đồng xu với mệnh giá khác thì lại không có lỗ tròn như vậy. Lý do của thiết kế này sẽ khác nhau cho mỗi mệnh giá.

Với đồng xu 5 Yên, chiếc lỗ là để tiết kiệm nguyên liệu sản xuất, không tốn nhiều kim loại. Đồng xu 5 Yên được lưu thông lần đầu năm 1949, một thời gian ngắn sau Thế chiến thứ hai, nên nước Nhật phải “thắt lưng buộc bụng”, chừa ngân sách cho việc tái thiết.

Đối với đồng xu 50 Yên, người ta cũng khoét lỗ tròn là để phân biệt với đồng xu 100 Yên vì cả hai đều có màu giống nhau.

Đồng xu có thể được làm sạch 

Một sự thật đương nhiên đó là tiền xu sau một thời gian sử dụng sẽ bị oxi hóa và xỉn màu theo thời gian. Nếu đặt đồng xu 5 Yên hoặc 10 Yên vào dung dịch giấm hoặc chất lỏng có tính axit, chúng sẽ sáng lại ngay lập tức. Điều này là do cả hai đồng xu này đều được làm bằng đồng và tính axit của dung dịch sẽ loại bỏ bụi bẩn. Tuy nhiên, mẹo này sẽ không hiệu quả với các đồng tiền khác vì chúng được làm từ các kim loại khác nhau.

Chỉ có thể sử dụng tối đa 20 xu cùng một lúc

Theo luật của Nhật Bản thì không có hạn chế về số lượng tiền giấy có thể sử dụng cùng một lúc. Tuy nhiên, có những hạn chế nhất định đối với đồng tiền xu.

Số lượng xu được phép sử dụng cùng một lúc giới hạn bằng 20 lần mệnh giá của đồng xu. Nói cách khác, bạn chỉ có thể sử dụng 20 đồng tiền có cùng mệnh giá cùng một lúc. Theo luật, các cửa hàng có quyền từ chối nhận từ đồng xu thứ 21 trở lên nếu chúng có cùng mệnh giá.

Luật này được ban hành nhằm hạn chế những bất tiện cho người bán hàng khi nhận thanh toán bằng tiền xu. Tuy nhiên, nếu các cửa hàng chấp nhận thì họ hoàn toàn có quyền nhận từ 21 đồng xu trở lên.

Khi đi du lịch, hẳn du khách chỉ thường quan tâm cách giữ tiền hay tiêu tiền mà thôi, ít khi nào để ý những chi tiết đằng sau. Nhưng càng tìm hiểu kỹ, du khách sẽ khám phá được những cái hay về văn hóa, lịch sử,… của đất nước mà mình đang vi vu đó. Ví dụ như các đồng tiền xu Nhật Bản – chúng có nhiều điểm hay ho quá phải không? Nếu du khách có hứng thú với những điều này và muốn tự mình khám phá, hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản nhé! Chúc du khách vui vẻ!