Khoai lang – thực phẩm được người Nhật ưa chuộng

Được mệnh danh là “Sâm xứ Nam”, khoai lang là loại thực phẩm được người Nhật rất ưa chuộng. Không chỉ bởi công dụng bổ dưỡng với sức khỏe, mà còn bởi cách thưởng thức khoai cũng mang lại sự thú vị đặc trưng cho người dân nước này.

Trồng và thu hoạch khoai lang ở “xứ Phù Tang”

Người Nhật trồng khoai lang với hai vụ: vụ Đông và vụ Xuân Hè. Đất trồng khoai lang được xới tơi, cày bừa kỹ nhằm đảm bảo độ tơi sống và loại bỏ sạch toàn bộ cỏ dại. Người Nhật thường trồng khoai lang theo luống, luống có độ rộng từ 1,2 – 1,5m, với chiều cao dao động từ 35 – 40cm, luống trồng theo hướng Đông Tây.

Người Nhật rất chú trọng đến chất lượng đất khi trồng khoai, cũng như giống khoai. Thông thường họ trồng khoai theo hàng đơn, vùi dây giống dọc theo chiều của luống và nối đuôi nhau. Trong quá trình trồng, thường xuyên tưới nước và bón phân cho cây với liều lượng vừa đủ giúp cây luôn mạnh khỏe. Ngoài ra, việc phòng trừ các loại sâu bệnh hại khoai rất được người Nhật quan tâm. Một số phương pháp phòng trừ sâu bệnh cho khoai được người Nhật áp dụng như luân canh trồng lúa hoặc những loại hoa màu khác, tiêu hủy các cùng khoai bị sùng, cho nước ngâm ruộng,…

Tùy vào giống khoai lang mà tiến hành thu hoạch đúng thời điểm. Người Nhật thường dựa vào các dấu hiệu để thu hoạch khoai lang như: lá tại vị trí gốc chuyển sang màu vàng, vỏ cũ nhẵn, ít nhựa thì chính là thời điểm thu hoạch phù hợp.

Hình dáng, màu sắc, hương vị

Ở Nhật Bản, Khoai lang có thân to mập, ít phân cành và có thân màu tím. Lá khoai lang có hình tim, màu xanh, ngọn và lá non màu xanh vàng. Củ khoai lang thuôn dài, nhẵn với vỏ củ màu tím đỏ, ruột có màu vàng đậm.

Khoai lang Nhật Bản có mùi rất thơm, khi ăn có vị ngọt, bở, vì thế cũng được nhiều người yêu thích. Cũng như những loại khoai lang thông thường, khoai lang Nhật Bản dễ ăn và vị ngọt đậm hơn.

Thành phần dinh dưỡng có trong khoai lang

Khoai lang được công nhận là tốt cho sức khỏe con người vì những thành phần dinh dưỡng có trong nó. Theo đó, ước tính trung bình trong mỗi củ khoai lang có chứa khoảng 26 gram tinh bột (bằng 1/2 lượng tinh bột có trong củ khoai tây và 1/3 tinh bột có trong một bát cơm trắng). Với lượng tinh bột này sẽ giúp người dùng no lâu mà không cần phải tiếp thu nhiều loại thức ăn khác nữa.

Khoai lang có chỉ số Glycaemic Index thấp, giúp đảm bảo trình quá trình tăng giảm của đường huyết, giúp ổn định năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, khoai lang cũng có nhiều chất xơ, với tỷ lệ khoảng 3,9 gram đối với 1 củ khoai có kích thước trung bình. Dưỡng chất này có tác dụng hạn chế sự gia tăng lượng đường trong máu.

Ngoài ra, trong khoai lang còn chứa các loại khoáng chất và Vitamin như: Vitamin A, Vitamin C, Vitamin B6, Magie, Kali, Canxi,… Đặc biệt, khoai lang hầu như không chứa bất kỳ chất béo nào nên rất phù hợp cho những người đang giảm cân.

Cũng nhờ những thành phần dinh dưỡng như trên mà khoai lang được mệnh danh là “Sâm xứ Nam”, với rất nhiều công dụng bổ ích cho sức khỏe con người như: hỗ trợ cải thiện thị lực, tốt cho tóc và da, tăng cường đề kháng cho cơ thể, chống viêm hiệu quả, có hiệu quả tốt cho tim mạch và những người bị bệnh huyết áp, đái tháo đường, giúp giảm lượng cholesterol xấu, ngăn ngừa béo phì và tiểu đường cho cơ thể, hỗ trợ ổn định huyết áp,… Đặc biệt, đối với những người lớn tuổi, khoai lang còn được gọi là bài thuốc phòng chống các căn bệnh tuổi già và bệnh ung thư.

Những món ăn từ khoai lang trong ẩm thực Nhật Bản

Là một thực phẩm được ưa chuộng tại Nhật Bản, khoai lang cũng xuất hiện trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản với nhiều dạng món ăn khác nhau. Phổ biến nhất là các món:

Khoai lang nướng: Đây là một món ăn rất được ưa chuộng tại các quốc gia Châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng. Vào mùa thu, đi dạo trên những con phố nhỏ ở Nhật Bản, du khách dễ dàng bắt gặp những xe khoai lang nướng thơm phức cả góc phố. Du khách sẽ có cơ hội nếm được hương vị khoai lang được nướng theo kiểu truyền thống ở “xứ Phù Tang”, nóng hổi, dậy mùi thơm với hương vị bùi bùi, ngọt lịm.

Suiito Poteto: Người Nhật rất ưa chuộng món Suiito Poteto – một loại bánh được làm từ bột khoai lang nghiền nát, trộn chung với bơ và đường rồi đem nướng lên. Đây là món bánh cực phẩm mà du khách không thể bỏ qua khi du lịch Nhật Bản. Sự thơm béo từ bơ, hương vị ngọt ngào từ khoai lang sẽ khiến du khách “nghiện” ngay khi thử qua.

Khoai lang viên: Đây là một món ăn có hương vị đặc biệt với sự kết hợp giữa khoai lang và hạt dẻ. Khoai lang và hạt dẻ nghiền nát, rồi trộn với nhau và vo tròn lại, phủ trên các viên được vo tròn là một lớp lòng đỏ trứng gà rồi đem nướng.

Rượu Sake từ khoai lang: Tại Kagoshima ở Nhật Bản, người ta dùng khoai lang để tạo ra một loại rượu Sake có tên là “Imo Shochu”. Loại rượu này có màu trắng trong với vị ngọt tự nhiên và có mùi thơm dịu của loại khoai lang trắng đã làm nên nó.

Ngày khoai lang ở Nhật Bản – “Satsumaimo no hi”

“Satsumaimo no hi” được định vào ngày 13/10 hằng năm. Đây cũng là khoảng thời gian mà người dân Nhật Bản thu hoạch khoai lang nhiều nhất trong năm. Từ xa xưa khoai lang trở thành món ăn phổ biến trong đời sống của người dân Nhật bản, chính vì vậy người Nhật mới lấy ngày này hằng năm là ngày khoai lang để nói lên sự đặc biệt và giá trị của loại củ này trong cuộc sống của người Nhật cho đến ngày nay.

Trên đây là những thông tin thú vị về khoai lang tại Nhật Bản. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức loại thực phẩm bổ dưỡng này nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!