Kyudo là một trong những môn thể thao truyền thống của Nhật Bản. Không những vậy, nó còn là một nghi thức tôn giáo, một bài học tâm linh để tu tập nội tâm. Bởi vậy, với tất cả những ai tìm hiểu và yêu mến văn hóa “xứ Phù Tang”, rèn luyện cung đạo là một trải nghiệm vô cùng đáng giá.
Trong tiếng Nhật, “Kyudo” có nghĩa là “Cung Đạo”, môn thể thao sử dụng cung làm vũ khí và dùng kỹ thuật bắn sao cho trúng mục tiêu phía trước.
Về nguồn gốc hình thành bộ môn này thì theo ghi chép trong sách cổ, Cung Đạo đã xuất hiện từ thời kỳ Yayoi (khoảng từ năm 500 TCN – năm 300 SCN). Con người khi ấy sử dụng cây cung làm bằng gỗ, hình dạng ngắn từ đáy và dài từ đầu.
Đến thời phong kiến, đặc biệt trong các cuộc chiến tranh, kỹ năng bắn cung càng được các chiến binh Samurai chú trọng khi nó có thể tấn công địch từ khoảng cách xa. Nhu cầu tăng lên, dẫn đến số lượng các trường bắn cung mở cửa cũng tăng lên đáng kể. Tầm quan trọng của cung đạo bắt đầu giảm khi người Bồ Đào Nha đến Nhật Bản và giới thiệu loại vũ khí mới tiện lợi hơn: Súng cầm tay.
Không muốn môn võ thuật truyền thống này bị thoái trào, một nhóm người đã tập hợp lại với hy vọng làm khôi phục và vực dậy nét văn hóa này. Cuối cùng đến năm 1949, Liên đoàn Cung đạo Nhật Bản được thành lập, biến Cung đạo trở thành môn thể thao chính thức có quy củ và hệ thống như bây giờ.
Khác với những môn thể thao chú trọng vào thể lực, kỹ năng như bóng đá, bóng chày, tennis,… Cung đạo không chỉ thể lực mà còn rèn luyện tinh thần cho người tập. Với những người mới bắt đầu thì họ phải mất từ 2 đến 6 tháng rèn luyện tinh thần, bao gồm thiền và học những nghi thức cơ bản trong Cung đạo. Cách đi đứng, ngồi, chào trong Cung đạo luôn phải tuân theo chuẩn mực nhất định trước khi học 8 trạng thái xả tiễn bằng cung (kỹ thuật bắn Hassetsu). 8 trạng thái này mô tả một Sha (lần bắn), tính từ lúc chuẩn bị tư thế đứng đến lúc bắn xong và trở về vị trí ban đầu. Nó bao gồm: Ashinumi (Đứng theo đường bắn), Doozukuri (Đẩy trọng tâm hơi chuyển về phía trước, cổ thẳng hàng với lưng), Yugamae (Đặt mũi tên vào dây cung và hướng khuôn mặt vào mục tiêu), Uchiokoshi (Từ từ nâng hai tay lên), Hikiwake (Kéo mũi tên theo chiều ngang), Kai (Cố định vị trí mũi tên, nhắm đến mục tiêu phía trước), Hanare (Bắn cung), Zanshin (Khi đã bắn cũng không được mất tập trung). Trong 8 bước này sẽ bao gồm nhiều bước nhỏ và kèm một số kỹ thuật hỗ trợ để quá trình bắn diễn ra thuận lợi. Người bắn phải luôn chú ý làm theo đúng động tác vì cung, tên đều là vũ khí thật, chúng có mức sát thương cao nên nếu tập không đúng kỹ thuật, người tập có thể tự làm bị thương chính mình. Do đó, người mới tập luôn có người hướng dẫn bên cạnh.
Cung đạo có đặc điểm là không phân biệt thuận tay trái hay phải. Người bắn luôn cầm cung bằng tay trái, kéo dây cung bằng tay phải ra quá đằng sau tai. Khoảng cách từ vị trí bắn đến bia được nâng dần lên tùy theo trình độ của cung thủ.
Tập luyện các động tác, kỹ thuật bắn cung không phải là quá khó nhưng để bắn “bách phát bách trúng” thì cần có sự kết hợp cả về mặt thể lực và tinh thần. Cung đạo đòi hỏi người tập phải luôn trong trạng thái ổn định, vững vàng (Fudoshin), đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và tính kỷ luật cao.
Một lần bắn thành công không chỉ là mũi tên cắm chính xác mục tiêu mà còn phải đúng cả về động tác lẫn tư thế. Từng động tác, bước đi nhẹ nhàng mà dứt khoát, chậm rãi mà duyên dáng, kết hợp với cung tên tạo nên một hình thể đẹp. Điều này đã tạo nên nét tinh hoa trong võ thuật Cung đạo Nhật Bản. Vì vậy, ở một số nơi, việc bắn trúng đích không phải là mục tiêu cao nhất của Cung đạo mà cần đạt đến “Chân – Thiện – Mỹ” – trình độ cao nhất trong Cung đạo.
Kyudo phù hợp với cả nam và nữ ở mọi độ tuổi, miễn là với một cây cung có kích thước và cường độ phù hợp. Độ chính xác của Kyudo phụ thuộc vào tư thế và tinh thần người bắn, nên môn này có thể tập luyện trong mọi điều kiện thời tiết cũng như không giới hạn thời gian luyện tập.
Khác với những môn bắn cung thông thường, cây cung (Yumi) trong Kyudo được cấu tạo hết sức đặc biệt. Cây cung có chiều dài trên 2m hoặc hơn, làm từ nhiều chất liệu khác nhau như tre, gỗ hay sợi cacbon tổng hợp. Cánh cung dài mảnh, khối lượng khác nhau tùy thuộc vào thể lực từng người tập. Những cây cung này được nhập hoàn toàn từ Nhật Bản.
Dụng cụ tiếp theo cần có trong Kyudo là mũi tên. Việc làm ra một mũi tên cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần nhiều công đoạn. Mũi tên được làm bằng các vật liệu như tre, gỗ. Để làm thẳng phần thân mũi tên, người ta hơ nóng nó và uốn chỉnh. Mũi tên càng thẳng thì độ chính xác khi được bắn đi càng cao. 3 chiếc lông nằm ở phần đuôi của mũi tên cũng đóng vai trò quan trọng giúp làm ổn định hướng đi của mũi tên. Chiều dài mũi tên sẽ phù hợp với người bắn, thường dài hơn sải tay từ 6 đến 10cm.
Ngoài ra, phải kể đến một dụng cụ khác là găng tay (Yugake). Găng tay trong Kyudo được chia thành nhiều loại dựa trên nhiều tiêu chí như năng lực, thói quen, mục đích của người tập. Chẳng hạn nếu người tập quen kéo loại cung có lực kéo từ 20kg trở xuống thì dùng loại găng tay 3 ngón. Nếu lực kéo trên 20kg thì sẽ chọn loại găng tay 4 ngón.
Trang phục thường dùng trong Kyudo là “Hakama”, một loại trang phục truyền thống của Nhật Bản như Kimono. Hakama là loại quần ống rộng, thường có màu đen hoặc trắng, mặc với áo Nagajuban trắng (áo lót kimono).
Nhật Bản vốn được biết đến là một quốc gia giàu bản sắc dân tộc và sở hữu một nền văn hóa mang nhiều nét độc đáo riêng biệt. Đặc biệt trong đó, Võ đạo Nhật Bản nói chung và Cung đạo nói riêng vẫn giữ được những đặc trưng và tinh hoa vốn có từ thời xưa, trở thành biểu tượng đại diện cho tinh thần và văn hóa “xứ Phù Tang”. Du lịch Nhật Bản sẽ là cơ hội cho du khách khám phá và trải nghiệm với nét tinh hoa võ thuật này.