Những điều thú vị về chiếc quạt cầm tay truyền thống Nhật Bản

Quạt xếp và quạt tròn là những dụng cụ quạt tay không chỉ để làm mát mà còn là một vật không thể thiếu trong truyền thống thời trang tại Nhật Bản.  

Nguồn gốc của chiếc quạt truyền thống Nhật Bản

Trong lịch sử, chiếc quạt cầm tay này thể hiện uy quyền và vị thế xã hội của giới quý tộc và các chiến binh Samurai, thậm chí nó còn là phương tiện truyền đạt thông tin. Tương truyền rằng, vào năm 988, một nhà sư Nhật Bản đã tặng một chiếc quạt gấp cho hoàng đế Trung Quốc thời Tống và sự phổ biến của nó đã lan sang cả Hàn Quốc khi vào thế kỷ 11, các đặc phái viên Hàn Quốc tại tòa án Trung Quốc cũng mang theo những chiếc quạt này. Vào thế kỷ 15, Nhật Bản bắt đầu xuất khẩu chúng ra nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc. Vào thế kỷ 18-19, những chiếc quạt này đã trở thành một món đồ yêu thích của những người phụ nữ Châu Âu giàu có.

Các loại quạt ở Nhật

Đến thời điểm hiện tại, ở “xứ Phù Tang” có 5 loại quạt phổ biến là: Uchiwa (quạt tròn), Sensu/Ougi (quạt gấp), Gunbai (quạt chiến tranh), Hiogi (quạt hoàng cung) và quạt Brisé.

Quạt gấp (Sensu/Ougi)

Quạt gấp được phát minh tại Nhật Bản vào giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 9. Một chiếc quạt gấp được làm từ những dải gỗ dẹt và mỏng, ở giữa là giấy Washi hoặc vải lụa. Giấy Washi là loại giấy mà chúng ta thấy trên những cánh cửa trượt truyền thống kiểu Nhật, hầu hết những chiếc quạt gấp cũng được làm bằng loại giấy này.

Ở Nhật Bản, có khá nhiều loại quạt gấp được bày bán với nhiều mức giá khác nhau. Chúng ta cũng có thể tìm thấy những chiếc quạt làm từ gỗ và giấy được bán với giá 100 Yên tại nhiều cửa hàng. Hầu hết đều được trang trí bằng những hình ảnh và họa tiết đáng yêu, phổ biến nhất là hoa anh đào và một số hình ảnh truyền thống khác.

Ưu điểm chính của những chiếc quạt “Sensu” này là sự tiện lợi. Một chiếc quạt gấp chỉ chiếm một phần không gian rất nhỏ trong túi xách của du khách, do đó du khách có thể mang nó đi khắp nơi trong suốt chuyến đi của mình. Thông thường, những chiếc quạt gấp mà du khách thấy là loại quạt được sử dụng trong các điệu múa Nhật Bản như: Kabuki, Nihon,… Với màu sắc sặc sỡ đặc trưng, chúng còn được gọi là “Maiogi”. Bên cạnh đó, có một loại quạt khác lại chuyên được sử dụng trong những buổi thưởng trà. Quạt gấp cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào giới tính của người sử dụng. Người ta thường xem rằng những chiếc quạt với độ dài khoảng 20cm là dành cho phụ nữ, còn những chiếc dài hơn, khoảng tầm 23cm là dành cho đàn ông.

Quạt tròn (Uchiwa)

“Uchiwa” là loại quạt không gấp lại được. Chính vì lí do này nên quạt Uchiwa có phần kém tiện lợi hơn quạt Sensu. Loại quạt này thường được sử dụng trong nhà hay các cơ quan công sở và du khách sẽ thường thấy người ta nhét chúng vào những bộ Kimono. Những người làm ra quạt Uchiwa cũng thường sử dụng những mẩu gỗ hẹp và mảnh như tre để làm khung quạt, bao xung quanh bởi giấy hoặc vải lụa. Kiểu quạt này hiện nay được sử dụng bởi nhiều công ty, tổ chức, cửa hàng,… như một công cụ quảng cáo tại những khu vực tập trung đông người vào mùa hè.

Du khách có thể thấy người ta thường phát tặng những chiếc quạt Uchiwa được làm từ nhựa với mặt quạt in hình quảng cáo trong những lễ hội mùa hè, trước cửa các trung tâm thương mại, dọc các con phố và nhiều nơi khác.

Quạt hoàng cung (Hiogi)

Những chiếc quạt này được làm từ một loại gỗ đặc biệt và thêu lụa tỉ mỉ. Chúng từng được coi là một biểu tượng của giới thượng lưu và những người có địa vị cao trong xã hội Nhật Bản.

Quạt chiến tranh (Gunbai)

Ở Nhật Bản, ngày xưa từng có những chiếc quạt được làm từ kim loại, gọi là “Gunbai”. Chúng được sử dụng bởi những sĩ quan quân đội để ra hiệu cho binh lính trong khi chiến đấu. Những chiếc quạt này cũng khá nguy hiểm khi có cất giấu một chiếc giáo nhỏ.

Quạt Brisé

Đây là loại quạt đẹp nhất trong tất cả 4 loại, được làm hoàn toàn bằng ngà hoặc gỗ cứng, không có giấy hoặc lụa bao phủ.

Ý nghĩa biểu trưng và niềm tin từ những chiếc quạt

Ở Nhật Bản, những chiếc quạt mang nhiều ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Bản thân hình dáng của chiếc quạt đã tượng trưng cho sự thịnh vượng do cách chúng xòe ra khi được mở, giống như một bông hoa đang bung nở hay sự gia tăng của tài lộc. Hình dáng của chiếc quạt, như chúng ta có thể thấy, bắt đầu từ một điểm và dần dần chĩa ra nhiều hướng khác nhau, do đó chúng được coi là biểu tượng của những ngã rẽ dẫn lối chúng ta trong cuộc đời sau khi chúng ta được sinh ra.

Thông thường, những chiếc quạt được in hình trang trí sẽ có tổng số hình vẽ là số lẻ, do số lẻ được xem là những con số may mắn. Người ta tin rằng những chiếc quạt màu vàng sẽ thu hút tài lộc trong khi những chiếc màu đỏ và trắng sẽ mang đến may mắn. Du khách cũng có thể nhận thấy những ý nghĩa màu sắc tương tự cũng được áp dụng trên các mặt hàng khác ở Nhật Bản, như mèo Maneki Neko và búp bê Daruma. Người Nhật cũng từng lấy quạt để biếu tặng nhau và làm quà lưu niệm. Có cả những chiếc quạt được thiết kế đặc biệt để mọi người tặng nhau vào ngày sinh nhật. Với những hình ảnh như hoa cúc, chim sếu và rùa, chúng mang theo lời chúc có một cuộc sống dài lâu và may mắn đến cho người nhận.

Bản thân những hình ảnh được in trên quạt cũng mang những ý nghĩa của riêng chúng, do đó hãy suy nghĩ cẩn thận về mục đích và đối tượng mà du khách đang định mua quạt để tặng. Hình những chú chim theo cặp tượng trưng cho một đôi uyên ương. Hoa mận (Ume) tượng trưng cho một khởi đầu mới, trong khi hoa anh đào tượng trưng cho tình yêu của bậc làm cha mẹ. Hoa anh đào cũng là biểu tượng của sự giàu có và may mắn. Hoa hồng, cây thông,… thể hiện tình yêu trong khi cây tre, quả thông,… đại diện cho sự nhẫn nại.

Một con ngựa trắng là đại diện của lòng bao dung và một con sư tử tượng trưng cho sức mạnh. Cá Koi là biểu tượng của sự may mắn và trường thọ. Một đôi bươm bướm tượng trưng cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc trong khi một con bướm mang đại diện cho một người phụ nữ bất hạnh. Người ta không dùng hình ảnh một con bướm đơn lẻ để in lên quạt hay những đồ dùng khác liên quan đến hôn nhân do nó đại diện cho một tâm trí hay thay đổi, hay nói cách khác là sự không chung thủy. Hình ảnh những con chim sáo trên quạt được coi là hiện thân của quỷ dữ.

Trong chuyến du lịch Nhật Bản, có thể du khách sẽ mua một chiếc quạt để làm quà hoặc để chính du khách dùng. Du khách có thể tìm thấy những chiếc quạt với hình thức và cách trang trí đa dạng được bày bán ở gần như tất cả các tiệm quà lưu niệm dọc theo đất nước mặt trời mọc. Khi mua quạt, đừng quên xem xét những họa tiết và biểu tượng để xác định ý nghĩa của từng chiếc quạt và cân nhắc một cách cẩn thận nhé!

Cách sử dụng quạt

Ngày nay, những chiếc quạt này được dùng để làm mát vào mùa hè và trang trí nhà cửa. Thời Edo là thời kỳ hoàng kim của quạt gấp, tiêu biểu là nghệ nhân Takaku Aigai đã tạo ra những chiếc quạt rất tinh xảo với hình ảnh những cây trúc và dòng thác đầy nghệ thuật. Một nghệ nhân tài hoa thời Edo khác là Katsushika Isai với hình ảnh những bông hoa mùa hè trên nền vải lụa. Nghệ nhân Ikeda Taishin thời Meiji sáng tạo chiếc quạt đẹp như một bức tranh sơn mài. Trong thời kỳ chiến tranh đẫm máu, những chiếc quạt được in họa tiết hình mặt trời sáng nổi bật trên nền quạt đen để có thể dễ dàng nhận lệnh chỉ huy từ đằng xa. Trong các lễ hội truyền thống của Nhật Bản, quạt làm từ giấy và trúc được dùng để làm đạo cụ trong khi biểu diễn.

Những chiếc quạt tay truyền thống Nhật Bản là món quà hấp dẫn mà du khách có thể tìm thấy trong hành trình du lịch ở đất nước này. Đừng chần chừ để sở hữu chúng cho bản thân và làm quà tặng gia đình, bạn bè nhé!