Khi nhắc về đất nước Nhật Bản, hẳn ai cũng nghĩ đến Sumo – một trong những hình tượng nổi bật trong văn hóa và du lịch “xứ Phù Tang”. Không chỉ đại diện nước Nhật nói với thế giới về một loại võ cổ truyền nổi tiếng mà các võ sĩ Sumo còn truyền cảm hứng về sự cố gắng và những nghị lực phi thường trong luyện tập.
Sumo là môn thể thao kết hợp giữa việc thể hiện sức mạnh của đấu sĩ với các nghi lễ tôn giáo Thần đạo của Nhật (đạo Shinto). Theo ghi chép từ cuốn “Biên niên ký sự Nhật Bản”, trận đấu Sumo đầu tiên diễn ra là để chào đón các sứ thần Cao Ly vào năm 642 trước công nguyên. Vào thời bấy giờ, các trận đấu Sumo được xem như nghi thức trong các buổi lễ quan trọng, hoặc được xem như một nghi lễ dâng lên các vị thần Shinto để cầu mong mùa màng bội thu.
Đến thời kỳ Nara (từ năm 710-794), các trận đấu Sumo được biểu diễn cho vua chúa thời bấy giờ xem. Sumo bắt đầu được tổ chức có quy củ, luật lệ, kỹ thuật và trở nên thịnh hành hơn vào thời kỳ Heian. Tuy vậy, nó chỉ kéo dài trong khoảng 300 năm. Khi vua Takakura lên trị vì vào năm 1168, Sumo dần dần biến mất.
Sau đó vào thời kỳ Kamakura (từ năm 1185-1333), khi những chiến binh Samurai phục vụ lãnh chúa xuất hiện lần đầu tiên, Sumo được sử dụng như một hình thức luyện tập võ thuật của các Samurai này.
Mãi cho đến thời Edo (từ năm 1603-1868), Sumo mới bắt đầu được xem xét như là một ngành nghề và có phương pháp huấn luyện bài bản. Đầu thời kỳ Edo xuất hiện 2 dạng đấu sĩ Sumo: một là những người xem Sumo là nghề nghiệp kiếm tiền chân chính, và hai là những đấu sĩ Sumo hội hè mua vui. Những buổi đấu vật Sumo mua vui gây cản trở và phiến phức nên sau đó đã bị cấm tổ chức. Còn những người nghiêm túc theo đuổi Sumo thì được đưa vào lò huấn luyện bài bản nên cách thi đấu cũng có kỹ thuật và tuân theo luật lệ nhất định. Có thể nói, bắt đầu từ đây, khái niệm về các võ sĩ Sumo chuyên nghiệp bắt đầu hình thành.
Tuy nhiên đến thời kỳ cải cách Minh Trị, giai đoạn đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến, Sumo một lần nữa rơi vào khủng hoảng khi bị cấm thi đấu vì được xem là những di tích lỗi thời còn sót lại của chế độ cũ. Vài năm sau đó, Thiên Hoàng Minh Trị cho tổ chức lại các giải đấu Sumo, giúp khôi phục lại danh tiếng và biến Sumo trở thành một môn thể thao thịnh hành hơn trước. Vào năm 1909, nhà thi đấu Sumo đầu tiên gọi là Ryogoku Kokugikan được xây dựng tại Tokyo. Và tiếp sau đó 1925, Hiệp hội Sumo Nhật Bản chính thức được thành lập.
Như vậy có thể thấy, trải qua mấy ngàn năm từ lúc được hình thành cho đến ngày chính thức được công nhận là môn thể thao thi đấu chuyên nghiệp, Sumo đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Từ một nghi thức dâng lên thần Shinto cầu cho mùa màng bội thu, cho đến những trận đấu mua vui cho vua chúa, rồi trở thành một môn võ thuật luyện tập cho các Samurai, đến cuối cùng cũng được công nhận và huấn luyện như những võ sĩ thi đấu chuyên nghiệp. Mỗi giai đoạn phát triển của Sumo đều gắn liền với những giá trị văn hóa và những cột mốc lịch sử đáng nhớ của Nhật.
Ngày nay ở Nhật Bản, các võ sĩ Sumo chuyên nghiệp rất được yêu mến và kính trọng. Nếu có dịp được đến xem một giải đấu Sumo, du khách sẽ thấy lượng người hâm mộ hùng hậu xếp hàng xin chữ ký và chụp hình với các Ozumo (Ozumo là tên gọi các võ sĩ Sumo chuyên nghiệp) mà họ yêu thích. Thậm chí họ còn mua áo thun, móc khóa, quà lưu niệm có chữ ký, hình ảnh của các Ozumo. Ở Nhật, các Ozumo vừa nổi tiếng lại vừa được tôn thờ. Thế nhưng, có ai biết được, con đường đạt đến ngưỡng danh vọng đó là con đường thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của những con người quyết hi sinh tất cả vì sự nghiệp đấu vật.
ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP
Tiêu chuẩn để được chọn vào nơi đào tạo võ sĩ Sumo chuyên nghiệp là nam giới ở độ tuổi từ 15-23 tuổi, học vấn từ trung học cơ sở trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,67m và cân nặng tối thiểu là 67kg. Không những thế, người đó phải là người xuất thân từ một gia đình nề nếp, gia giáo, phải có sự tiến cử từ những người trong giới Sumo Nhật Bản thì mới được bước chân vào con đường trở thành võ sĩ Sumo.
Vượt qua vòng loại, tiếp đến là các kỳ kiểm tra về sức khỏe như thị lực, tốc độ, sức bền, sự nhanh nhạy,… Những thanh thiếu niên nào không đạt tiêu chuẩn sẽ phải quay về nhà, cất ước mơ trở thành võ sĩ Sumo. Các võ sinh còn lại bước vào quá trình luyện tập, ăn uống cùng nhau dưới sự điều hành bởi một Oyakata trong vòng 2 năm để tăng trọng lượng mà một Sumo cần phải có. Như vậy, sau 2 năm gian khổ, họ mới được chính thức công nhận là một võ sĩ Sumo và bắt đầu sự nghiệp của mình.
PHÂN HẠNG VÕ SĨ SUMO
Sau 2 năm đào tạo, các võ sinh lúc này đã trở thành các võ sĩ Sumo và được xếp vào các cấp bậc khác nhau tùy theo năng lực, thành tích và kinh nghiệm thi đấu của mỗi người. Cụ thể cấp bậc trong Sumo sẽ phân thành 6 cấp bao gồm: Yokozuna, Ozeki, Sekiwate, Komusubi, Maegashira và Jyuryo. Các võ sĩ Sumo sẽ được tăng hạng bằng các trận thắng.
Yokozuna (hoàng cương) là danh hiệu cao quý nhất trong Sumo. Muốn đạt đến đẳng cấp này, võ sĩ Sumo phải có một thành tích thật ổn định, mỗi vòng đấu phải thắng ít nhất 12/15 trận. Có riêng một hội đồng từ Hiệp hội Sumo Nhật Bản sẽ quyết định cho việc cấp phong cấp bậc này. Cả lịch sử Sumo tính đến nay hơn 1.500 năm nhưng chỉ có 67 người được phong cấp bậc Yokozuna.
Ozeki (đại quan): cấp bậc phong cho các võ sĩ Sekiwake khi thắng khoảng 33 trận hay đoạt chức vô địch ba mùa đấu Sumo liên tục. Nếu thi đấu không tốt, có số trận thắng ít hơn số trận thua trong hai mùa giải liên tiếp võ sĩ Sumo
sẽ bị mất cấp bậc này và trở về cấp bậc Sekiwake. Trước khi có cấp bậc Yokozuna, thì Ozeki là cấp bậc cao nhất trong Sumo.
Sekiwake là cấp bậc cho một võ sĩ Komubusi nếu có số trận thắng nhiều hơn số trận thua trong nhiều mùa giải liên tiếp nhau, hoặc chỉ cần một mùa giải nhưng số trận thắng rất nhiều, thường là từ 10 trận trở lên. Cũng giống như Ozeki, nếu Sekiwake có một mùa giải không thành công, tức là số trận thua nhiều thì sẽ bị mất cấp bậc, trở về với bậc Komusubi.
Komusubi là cấp bậc phong cho lực sĩ Maegashira nào có 10 hay 11 trận thắng hay thắng một lực sĩ có cấp bậc cao hơn mình.
Maegashira là cấp bậc thấp nhất trong nhóm lực sĩ năm cấp kể trên (được gọi là Makuuchi).
Juryo là cấp bậc của các võ sĩ chưa lọt được vào nhóm Makuuchi. Các lực sĩ Juryo được phép tham gia thi đấu các giải chuyên nghiệp 15 trận, nhưng đấu riêng giữa họ với nhau. Trong trường hợp một lực sĩ trong nhóm Makuuchi bị chấn thương phải từ bỏ giải đang đấu, thì võ sĩ Juryo có thành tích tốt nhất có thể được phép lên đấu cùng nhóm Makuuchi. Thấp hơn cấp Juryo chỉ còn những người đang học Sumo.
Hiệp hội Sumo quy định rất chi tiết và nghiêm ngặt về đẳng cấp, tất cả các hành vi ứng xử, trang phục, thực đơn ăn uống và hầu hết các mặt trong đời sống mà một võ sĩ Sumo cần phải có.
CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG VÀ SỰ LUYỆN TẬP CỦA VÕ SĨ SUMO
Võ sĩ Sumo luôn được người Nhật Bản coi trọng bởi chính những đức tính của họ nhưng có ai biết con đường trở thành võ sĩ Sumo luôn đầy chông gai, khắc nghiệt mà không phải ai cũng có thể làm được.
Cuộc sống trong trại huấn luyện của các võ sĩ Sumo sẽ tuân theo những quy định chặt chẽ và có sự phân biệt cấp bậc, thứ hạng. Một ngày tập luyện bắt đầu từ 5 giờ cho đến 11 giờ sáng. Những võ sĩ trẻ sẽ dậy tập luyện lúc 5 giờ sáng, trong khi các Sekitori sẽ bắt đầu tập luyện từ 7 giờ. Khi các Sekitori tập luyện, thì những Sumo trẻ sẽ phải làm các công việc tạp vụ như: dọn dẹp, nấu bữa trưa, chuẩn bị bồn tắm, cầm khăn và giúp các Sekitori lau mồ hôi. Sau khi tập luyện đến 11 giờ trưa thì các võ sĩ sẽ đi tắm và dùng bữa ăn đầu tiên trong ngày. Thứ tự ưu tiên của việc dùng phòng tắm và ăn trưa cũng tuân theo cấp bậc.
Loại bữa trưa truyền thống mà các đô vật Sumo ăn là món lẩu Chankonabe được nấu với rất nhiều cá, thịt, rau, đậu… Các võ sĩ Sumo sẽ ăn lẩu Chankonabe với khoảng từ 5-10 tô cơm trắng, và đặc biệt là uống rất nhiều bia. Bữa ăn này đảm bảo cung cấp cho các võ sĩ lượng calories trên 5.000kcal. Sau bữa trưa, các võ sĩ Sumo sẽ đi ngủ trưa theo quy định. Chế độ ăn uống ngủ nghỉ này là để giúp tích mỡ, tạo ra một cơ thể đồ sộ cần thiết cho việc thi đấu.
Vào buổi chiều, các võ sĩ trẻ sẽ tiếp tục làm các công việc như dọn dẹp, tham gia các lớp học hoặc những công việc khác. Các Sekitori thì sẽ được thư giãn, dành thời gian trả lời thư người hâm mộ,… Buổi tối, trong khi các Sekitori có thể ra ngoài dạo chơi thì các võ sĩ Sumo trẻ phải ở lại trong trại làm các công việc lặt vặt, thậm chí phải mát-xa, bóp chân cho các Sumo cấp cao hơn. Nếu được chọn trở thành Tsukebito (người hầu) cho các Sekitori thì họ phải tháp tùng các Sekitori đi ra ngoài, sẵn sàng làm mọi việc các Sekitori sai bảo ở ngoài. Trong doanh trại huấn luyện, các Sekitori có phòng riêng hoặc những người đã kết hôn thì có căn hộ riêng. Các võ sĩ Sumo trẻ sẽ ngủ chung với nhau trong phòng tập thể.
Như vậy có thể thấy, quá trình để phát triển thành những võ sĩ Sumo chuyên nghiệp là cả một chặng đường gian nan, khắc nghiệt và đầy thử thách. Ngoài những mệt mỏi về thể xác khi tập luyện, các đô vật thiếu niên còn phải trải qua cuộc sống phục vụ các đàn anh, làm đủ mọi việc nặng nhọc như một người hầu. Nếu không có một ý chí sắc đá và tinh thần kiên định sẽ khó vượt qua được giai đoạn thử thách đầu tiên này.
MỘT SỐ LUẬT LỆ TRONG GIỚI SUMO
Các võ sĩ Sumo khi đã vào nghề phải áp dụng những quy tắc trong ngành và những luật lệ như: Trang phục của các võ sĩ được quy định bởi cấp bậc thông thường là quốc phục Kimono Nhật Bản. Các Sumo phải mặc những trang phục bắt buộc khi xuất hiện ở nơi công cộng. Các võ sĩ cùng trại huấn luyện không được thi đấu cùng nhau. Anh em họ hàng không được thi đấu với nhau. Võ sĩ Sumo phải để tóc dài để búi lên. Các võ sĩ Sumo cũng không được lái xe. Đặc biệt, trong văn hóa Nhật, ngoài việc thực hiện các nghi thức để tôn vinh thần linh, các võ sĩ Sumo phải tuân thủ lời thề trọn đời gắn bó với Sumo. Họ không được tham gia bất kỳ một môn thể thao nào khác sau khi đã giải nghệ.
TRẬN ĐẤU SUMO
Các trận đấu Sumo thường diễn ra rất ngắn, thường là dưới 1 phút (hầu hết chỉ diễn ra có vài giây). Nếu một trận đấu diễn ra hơn 4 phút thì trọng tài sẽ cho thời gian nghỉ uống nước, gọi là “Mizu-iri”.
Hai võ sĩ Sumo sẽ thi đấu với nhau trên Võ đài Dohyo với đường kính 4,55m có vòng tròn được bện bằng rơm khô nằm lọt thỏm bên trong cái bệ cao hình vuông làm từ đất sét trộn với cát. Mái che của võ đài cũng được mô phỏng theo kiến trúc mái đền đạo Shinto. Điều này thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng Thần Đạo trong Sumo.
Trước mỗi trận đấu là nghi lễ Dohyo-iri (Lễ nhập vòng). Các võ sĩ sẽ mặc Kesho-mawashi (loại trang phục tương tự như chiếc tạp dề được trang trí công phu bằng các hình thêu) và tiến vào võ đài thi đấu, xếp thành vòng tròn, quay mặt về phía khán giả. Sau đó họ sẽ quay lại, đối mặt với nhau trong vòng tròng, vỗ tay, rồi giương tay lên cao. Hành động vỗ tay là một nghi thức quan trọng trong đạo Shinto. Những tín đồ đi đền thờ tại Nhật thường vỗ tay để gây sự chú ý tới các thần linh trước khi hành lễ khấn bái. Sau đó một võ sĩ Sumo cấp bậc Yokozuna sẽ thực hiện nghi thức rảy muối như là một nghi thức hướng tới thần linh và xua đuổi ma quỷ. 4 phút sau khi nghi lễ kết thúc, hai đấu thủ bắt đầu dùng hết sức bình sinh lao vào nhau – cú húc đầu tiên có tên gọi Tachi-ai. Trận đấu thực sự bắt đầu.
Người chiến thắng trong một trận đấu Sumo là người đẩy được đối thủ của mình ra khỏi vòng tròn đấu vật, hoặc buộc đối thủ của mình chạm đất bất kỳ bộ phận cơ thể nào trừ chân của anh ta. Trong thi đấu Sumo, không cho phép dùng đòn đá, đòn cùi chỏ, không được nắm tóc, không được đấm, không được xia vào mắt hoặc tấn công hạ bộ nhưng được húc vào người đối thủ, được ngáng chân thậm chí được tát vào mặt đối thủ. Sumo thi đấu không phân biệt theo hạng cân, do đó khán rất thích thú khi xem trận đấu giữa một võ sĩ nhẹ cân hơn, thấp hơn đấu với võ sĩ to hơn và không phải lúc nào kẻ to lớn hơn cũng thắng.
Trong mỗi trận đấu Sumo cũng không thể thiếu sự có mặt của các trọng tài (Gyoji). Ngoài nhiệm vụ phân định thắng thua, trọng tài còn chủ trì các nghi thức Thần đạo liên quan đến trận đấu. Trọng tài chính trên võ đài, thường là một nguời chỉ khoảng 45-55kg, mặc như một thầy cúng Thần đạo, miệng thì hò hét “nhào vô!”, tay cầm thẻ lệnh trông giống cái quạt Gunbai để ra lệnh. Bốn góc có 4 trọng tài phụ, đều là các tay võ sĩ nổi tiếng đã về hưu. Cũng như các đấu sĩ, trọng tài cũng có nhiều cấp bậc, cấp cao nhất gọi là Tate-gyoji. Những trọng tài ở cấp bậc này mặc trang phục truyền thống giống như các vị thầy tu trong Thần Đạo. Khi điều khiển một trận đấu, tay phải trọng tài cầm 1 cây quạt gỗ, trên thắt lưng giắt 1 chiếc dao găm.
Thông thường, trọng tài sẽ là người quyết định thắng thua. Tuy nhiên trong một sơ trường hợp, 5 vị giám khảo ngồi cạnh võ đài có thể triệu tập hội nghị ở giữa võ đài, gọi là “Momo-ii” để hội ý lại kết quả trọng tài đưa ra. Kết quả sau đó có thể là tán thành, hoặc có thể đảo ngược quyết định của trọng tài, hoặc cũng có thể ra lệnh tái đấu.
VÕ SĨ SUMO ĐƯỢC XÃ HỘI NHẬT TRỌNG VỌNG
Điều này trước hết thể hiện qua mức lương và thu nhập rất cao của các Sumo. Võ sĩ Sumo ngày nay được xem là ngành nghề có mức thu nhập thuộc trong top đứng đầu của Nhật Bản: Yokozuna được nhận 30.500 USD, Ozeki: khoảng 25.000 USD, Sanyaku: khoảng 18.000 USD, Maegashira: khoảng 14.000 USD, Juryo: khoảng 11.000 USD. Ngoài ra, họ còn được nhận thêm tiền thưởng, tiền thâm niên, tiền quảng cáo,… Khi về hưu, mặc dù họ sẽ không nhận lương, nhưng vẫn có tiền trợ cấp hàng tháng. Các võ sĩ có thể trở thành huấn luyện viên hoặc tự mở lò luyện Sumo. Nói chung, đối với các Sumo cấp bậc cao thì chuyện cuộc sống vật chất phải gọi là vương giả, giàu có.
Sumo được xem là một nghề cao quý ở “xứ sở Phù Tang”, vì thế, đối với phụ nữ khi được làm vợ của các Sumo là điều đáng tự hào. Bất kể là một cô gái bình thường hay những nữ nghệ sĩ nổi tiếng đều mong muốn có được điều này.
Như vậy, có thể thấy, đổi lại những năm tháng lao động khổ cực, chịu nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần, các võ sĩ Sumo khi bước lên đỉnh cao nghề nghiệp sẽ nhận lại rất nhiều thứ mà nhiều người đàn ông trong xã hội mong muốn: địa vị, danh tiếng, tiền bạc, vợ đẹp,… Tuy nhiên, các võ sĩ đồng thời cũng đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sức khỏe. Các võ sĩ Sumo có tuổi thọ trung bình ngắn hơn người bình thường đến 10 năm. Chế độ ăn uống “vỗ béo” sẽ khiến các võ sĩ có nguy cơ đối mặt với nhiều căn bệnh như tiểu đường, huyết áp, tim mạch…
SUMO HIỆN ĐẠI
Trong thế giới Sumo ngày nay, có 2/3 võ sĩ Sumo trong hạng Makunouchi đến từ các quốc gia khác như Mông Cổ, Gruzia, Bulgaria… Hiệp hội Sumo Nhật Bản rất đau đầu vì đứng giữa hai dòng “truyền thống” và “thể thao”. Do Sumo thi đấu không tách hẳn khỏi tính lễ nghi truyền thống nên rất khó để đưa ra ngoài ranh giới Nhật Bản và người Nhật cũng không hẳn muốn môn này trở thành môn thi đấu quốc tế giống như Judo, Kendo. Mặt khác, Hiệp hội vẫn công nhận sự có mặt của những lực sĩ ngoại quốc giúp cho giải đấu sôi động hơn, lôi cuốn nhiều người xem và các võ sĩ nước ngoài này trám vào chỗ trống do thiếu người kế thừa tại các lò đào tạo Sumo.
Dù trải qua nhiều thay đổi của cuộc sống hiện đại và du nhập của văn hóa phương Tây, Sumo vẫn là nét văn hóa truyền thống, một nghi lễ tôn giáo trong nền văn hóa đa dạng, đầy cổ kính và tính nhân văn của Nhật Bản.
Hi vọng, qua bài viểt này, du khách có thêm sự hiểu biết về Sumo và những nét văn hóa truyền thống của “xứ sở hoa anh đào”. Hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản để có sự khám phá và trải nghiệm thực tế nhé!