Samurai Nhật Bản – hình tượng được cả thế giới ngưỡng mộ

Samurai Nhật Bản là một trong những hình tượng được cả thế giới ngưỡng mộ. Họ được biết đến là những người kiếm sĩ gan dạ, sử dụng vũ khí rất thành thạo, tuyệt đối trung thành với các lãnh chúa và hoàn toàn xem nhẹ cái chết. Cho đến ngày nay, tinh thần Samurai vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến người dân nước Nhật. 

Samurai có nguồn gốc từ chữ “Saburau” (さ守らう), nghĩa là người coi sóc, bảo vệ, phục vụ nhưng mang tính chất quyền quý. Samurai được biết đến là những chiến binh oai hùng, được đào tạo kỹ lưỡng và có kỹ năng chiến đấu điêu luyện. Mỗi Samurai chỉ phục vụ cho một lãnh chúa hay một vị tướng quân Nhật Bản. Tuy nhiên, từ “Samurai” còn được dùng để chỉ tầng lớp võ sĩ nói chung, bao gồm cả những vị tướng quân.

Kể từ khi theo chân chủ tướng, các Samurai dường như nguyện ý trung thành tuyệt đối. Đến khi vị chủ tướng này qua đời, họ đau lòng đến mức sẽ bỏ đi lang thang, phiêu bạc trần gian với đủ các loại nghề như thợ mộc, cày cuốc hay bốc vác chứ không tìm một người chủ tướng mới cho mình. Đôi lúc, họ còn tự mổ bụng kết liễu đời mình để giữ gìn khí tiết và để được bảo vệ chủ nhân ở thế giới bên kia. Đây là một trong những câu chuyện có thật về Samurai Nhật Bản thời đó khiến cho nhiều người không khỏi xúc động và cảm phục.

Nguồn gốc của Sumurai

Trong suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản, chiến tranh luôn đóng vai trò quan trọng. Những bộ tộc hiếu chiến kiểm soát hầu hết quần đảo ở nơi đây, mỗi bộ tộc đều có các tộc trưởng. Nhật Bản chỉ có khoảng 20% đất đai thích hợp cho nông nghiệp, vì vậy hầu hết các cuộc chiến tranh chủ yếu mang mục đích tranh giành quyền quyển kiểm soát đất đai. Chính những cuộc chiến này đã tạo ra tầng lớp Samurai mà chúng ta vẫn quen gọi là “võ sĩ đạo”.

Vào năm 660 trước công nguyên, theo truyền thuyết, Jimmu Tenno trở thành chủ soái của các bộ tộc hiếu chiến. Tenno còn được biết đến với biệt hiệu là “Chiến Binh Siêu Phàm”. Ông đã đưa dân tộc mình từ Kiushu đến chinh phục vùng Kinki, lập nên triều đại Yamoto. Những người đứng đầu triều đại này luôn tin rằng họ là con cháu của một dòng dõi siêu phàm.

Bộ tộc Yamoto đã tấn công vào các quốc gia trên đất liền ở Châu Á. Trong số những mục tiêu của họ có cả Trung Quốc, Hàn Quốc. Họ đã du nhập văn hóa, kỹ thuật và nghệ thuật của hai quốc gia này.

Những chiến binh Yayoi xa xưa đã biết chế tạo áo giáp, vũ khí trong các thế kỷ sau đó. Họ là những nhân tố của các Saimurai tại Nhật Bản. Vũ khí của thời kì sơ khai này là bao gồm cung tên và kiếm. Đến thế kỉ thứ 15 thì súng được đưa vào các trận đánh.

Tầng lớp Samurai đã nổi bật từ những cuộc chiến tranh giành đất đai giữa 3 bộ tộc chính: Minamoto, Fujiwara và Taira.

Một số Samurai có liên hệ khá mật thiết với giai cấp thống trị, số còn lại được các Daimiyo (chủ đất phong kiến) thuê mướn. Họ luôn trung thành tuyệt đối với các chủ đất, đổi lại họ được nhận đất đai và chức vụ. Các Daimyo tuyển dụng các Samurai để bảo vệ đất đai, phát triển quyền lực.

Triều đại Tokugawa hay thời kỳ Edo, là thời kỳ thịnh vượng của Samurai, diễn ra hơn 2,5 thế kỷ trong hòa bình. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ này, Nhật Bản đã bế quan tỏa cảng suốt 250 năm. Đến khi phó đề đốc người Mỹ Matthew Calbrath Perry xuất hiện ở vịnh Edo vào tháng 7/1853 để thương thuyết về mở cửa kinh tế, khi đó Nhật Bản mới chính thức giao thương trở lại với thế giới. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu thời kỳ Edo suy tàn.

Trong suốt 250 năm bế quan tỏa cảng, Nhật Bản đã xây dựng chế độ phong kiến vững mạnh cùng với sự phát triển của tầng lớp võ sĩ đạo Samurai. Đội quân Samurai khi đó phục tùng cho các Shogun (mạc chúa, chỉ những vị lãnh tướng có quyền lực rất cao trong bộ máy phong kiến Nhật Bản thời bấy giờ).

Khi thời kỳ Edo suy sụp, các Samurai không còn lãnh chúa để phục tùng. Từ đó, họ cũng không còn vị thế nào ở Nhật Bản. Cuối cùng, năm 1876, Thiên Hoàng cấm Samurai mang kiếm dẫn đến việc kết thúc thời kỳ Samurai.

Samurai xuất hiện tại Nhật Bản từ khoảng thế kỷ thứ 6 và bị giải tán trong cuộc Duy tân Minh Trị vào nửa sau thế kỷ thứ 19. Dù vậy, những cựu Samurai vẫn đóng vai trò quan trọng trong quân đội và giới trí thức sau này. Cho đến ngày nay, tinh thần Samurai vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều đến người Nhật.

Trang phục Samurai

Tương tự như Sumo, trang phục thường ngày của Samurai là những bộ Kimono truyền thống nhưng bỏ bớt các tiểu tiết rườm rà, chỉ giữ lại 2 lớp trong và ngoài. Và điểm khác biệt lớn nhất trong phục trang của Samurai đó chính là chất liệu vải. Chất vải may Kimono cực kỳ thoáng mát, nhẹ nhàng và có khả năng hút mồ hôi tốt cho thấy sự sang trọng, quyền quý và đẳng cấp của các Samurai thời đó. Trình độ hay đẳng cấp của Samurai còn được thể hiện qua chất liệu vải bền, tốt hơn so với những người mới nhập môn.

Còn đối với trang phục chiến đấu, Samurai sẽ khoác lên mình chiếc áo giáp với cân nặng từ 15-20 kg. Những chi tiết trên bộ giáp phần nào thể hiện được tinh thần mạnh mẽ của Samurai và bảo vệ họ khi ra chiến trường. Trong bộ giáp nặng trĩu, các Samurai vẫn phải hoạt động hết sức linh hoạt, nhạy bén. Đây là điểm cho thấy tinh thần kiên cường và khả năng đáng khâm phục của võ sĩ đạo Samurai.

Thông thường, có 2 bộ giáp phổ biến dành cho Samurai chính là Do-Maru và Yoroi. Do-Maru có trọng lượng nhẹ hơn Yoroi nên thích hợp để trang bị cho lính bộ. Còn Yoroi rất nặng do trọng lượng của mũ sắt và bộ sắt bảo vệ vai nên dùng cho kỵ binh.

Các Samurai thường đi bằng dép cỏ (Waraji) và guốc gỗ (Geta). Họ cũng hay mang vớ (Tabi), đó là loại vớ “hai ngón”: chỉ có hai phần, để tách riêng ngón cái và các ngón khác (rất thuận tiện khi xài waraji). Tabi dùng hàng ngày thường có màu trắng và chúng được làm theo mùa. Vào những ngày mưa, samurai, như tất cả mọi người, mặc áo mưa làm bằng rơm (Kappa) và dùng ô gấp.

Samurai đeo kiếm ở phía trước thắt lưng (Obi). Trong đó, thanh kiếm chính thì được buộc vào Obi bởi một sợi dây nhỏ (giông giống với phương Tây) còn kiếm ngắn (Wakizaki) hay dao (Tanto) thì đeo xuyên qua Obi.

Hầu hết các văn bản và gia quy luôn nhấn mạnh vai trò to lớn của một vẻ ngoài lịch lãm, mà trong đó tóc của Samurai là một phần rất quan trọng trong diện mạo của một người đàn ông. Kiểu tóc truyền thống (được dùng tới hơn một nghìn năm) là búi tóc, nó không phải là của riêng samurai mà gắn bó mật thiết với tất cả mọi người, ngoại trừ những nhà sư, và ngay cả các chuyên gia cũng gần như không thể tìm hiểu được nguồn gốc của búi tóc.

Vũ khí của Samurai

Samurai đã đi vào huyền thoại khi họ đánh bại kẻ thù bằng các loại kiếm sắc bén với nhiều mục đích sử dụng khác nhau.

Yumi là một trong những vũ khí ra đời đầu tiên của Samurai. Yumi gồm một cây cung và những mũi tên sắc nhọn. Trong lịch sử, các vũ khí này được làm bằng gỗ và tre ép để có thể sử dụng lâu dài. Giới chuyên môn nhận định sức mạnh của Yumi sẽ được đo bằng số lượng các Samurai sử dụng nó.

Katana là vũ khí nổi bật nhất của các Samurai với chiều dài ít nhất 60cm và chỉ có một lưỡi. Các Samurai sử dụng loại kiếm hình hơi cong và vô cùng sắc bén này để chém đối phương trong khi tác chiến. Chuôi kiếm Katana đủ dài để người sử dụng dùng hai bàn tay nắm chặt. Theo truyền thống, các Samurai sẽ đeo lưỡi kiếm quay lên phía trên.

Wakizashi có lưỡi kiếm dài khoảng từ 30 cm đến 60 cm. Những thanh kiếm Wakizashi có độ dài gần bằng Katana có tên gọi là O-wakizashi, còn những thanh có độ dài gần với Tanto sẽ gọi là Ko-wakizashi. Khi các võ sĩ đeo Wakizashi cùng Katana, giới chuyên môn sẽ gọi chúng là Daisho. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, Wakizashi là lưỡi kiếm danh dự của một Samurai. Các võ sĩ không bao giờ để chúng ở phía sau người và thường để Wakizashi dưới gối khi họ ngủ. Ngoài ra, Samurai phải để lại kiếm ngắn này khi muốn vào nhà một người khác. Nhiều chuyên gia nhận định Wakizashi là thanh kiếm hỗ trợ cho Katana và mục đích của chúng là để chặt đầu địch thủ bại trận hoặc tự tử.

Tachi là thanh kiếm một lưỡi và cũng là trường kiếm. Nó có chiều dài lưỡi kiếm khoảng 70-80 cm và nhỏ hơn Katana nhưng Katana dài và nhẹ hơn.

Odachi là một loại trường kiếm truyền thống của Nhật Bản và các Samurai thường sử dụng trong thời kỳ phong kiến. Nhiều người hay nhầm lẫn Odachi với kiếm Nodachi vì chúng đều là những thanh kiếm dài. Trên thực tế, Odachi không dùng để chiến đấu mà các võ sĩ thường sử dụng chúng làm vật thờ và trang bị cho kỵ binh. Vì chiều dài của chúng từ 165cm đến 178cm nên chúng không phù hợp với cận chiến. Theo nghiên cứu, các kỵ binh có thể dễ dàng hạ bộ binh bên dưới mà không lo ngã ngựa với loại vũ khí này.

Zanbato là một loại kiếm lớn và vô cùng đặc biệt của Nhật. Ngoại hình của kiếm có thể gần giống với Odachi nhưng bề ngang của kiếm có thể từ 30 đến 45cm. Theo nghiên cứu, những người thợ rèn nhiều kinh nghiệm tạo ra Zanbato với mục đích thử thách bản thân.

Chokuto là một trong những thanh kiếm đầu tiên trong lịch sử rèn gươm của Nhật Bản. Loại vũ khí này có lưỡi dao thẳng và vô cùng sắc bén. Mặc dù Chokuto không quá hữu dụng trong những trận chiến nhưng các Samurai thường sử dụng chúng để chiến đấu với các thanh kiếm nhẹ có lưỡi kiếm cong.

Shikomi-zue, một thanh gươm ngắn được ngụy trang như một cây gậy. Mục đích của loại vũ khí này là để không khơi dậy sự nghi ngờ của mọi người khi các Samurai thực hiện nhiệm vụ tại nơi công cộng.

Tanto còn có tên gọi khác là Đoản đao vì chiều dài của dao rất ngắn. Tanto kết hợp với Katana để trở thành bộ kiếm đôi gọi là Đại – Tiểu, biểu tượng cho tác phong và danh dự của Samurai. Theo nghiên cứu, loại vũ khí này được sử dụng để đâm các đối phương. Tuy nhiên, võ sĩ cũng sử dụng loại dao găm nhỏ này trong nghi thức Seppuku, tự mổ bụng, khi họ muốn khẳng định lòng trung thành hoặc danh dự của bản thân. Ngoài ra, nhiều người vợ của các samurai Nhật Bản đã dùng Tanto để bảo toàn danh tiết.

Aikuchi thường sử dụng Aikuchi trong những trường hợp khẩn cấp hoặc tự sát để bảo toàn danh dự hoặc danh tiết. Trong thời kỳ Edo (1603-1868), loại dao găm này trở thành trào lưu khi các võ sĩ kết hợp nó với bộ áo giáp chiến đấu của nhiều võ sĩ.

Suburito là thanh kiếm gỗ với trọng lượng khá nhẹ. Mục đích chính của nó là để ngăn hoặc đỡ các thanh kiếm khác trong quá trình luyện tập của các Samurai.

Tessen là loại quạt chiến của Nhật Bản và được thiết kế để các võ sĩ sử dụng trên chiến trường trong những trường hợp tấn công bất ngờ. Ngoài ra, Samurai còn sử dụng chúng để ra hiệu lệnh. Loại quạt chiến này có rất nhiều kích cỡ, vật liệu, hình dạng và cách sử dụng. Tessen được chia làm hai loại. Loại thứ nhất là quạt thật, gồm khung làm bằng gỗ hoặc kim loại với giấy sơn mài được gắn với khung và bọc ngoài bằng kim loại. Loại thứ hai là quạt rộng, cứng được làm bằng kim hoặc gỗ mà các Sumo thường dùng trong ngày nay. Người chỉ huy sẽ nâng hoặc hạ chiếc quạt theo những cách khác nhau để ra lệnh cho binh sĩ.

Cách chiến đấu

Samurai là những chiến binh được huấn luyện kĩ càng, được học về thiền định và gần như là không hề sợ chết. Họ tự ý thức được rằng bản thân họ vốn là những cỗ máy hủy diệt bất khả xâm phạm, và khả năng để ai đó “không phải Samurai” hạ gục được họ trong một trận đấu tay đôi gần như là không thể. Chính vì thế, Samurai tập trung phần lớn vào kiếm thuật, cách vận dụng nhiều loại vũ khí sát thương “đường đường chính chính” khác như kiếm hay Naginata, rèn luyện kỹ thuật chiến đấu trực diện đến mức bậc thầy. Họ luyện cho đến khi cả thân thể và tinh thần của họ trở nên vững chãi còn phản xạ thì nhanh như cắt, cho đến khi từng đường kiếm của họ mạnh tới mức kết liễu kẻ địch chỉ với một chiêu.

Samurai rất thông thạo các dạng kỹ thuật như: Kenjutsu (Kiếm thuật), Iaijutsu (Thuật rút kiếm), Jujutsu (Nhu thuật) và các kĩ thuật khác như Bojutsu (Côn thuật), Naginatajutsu (Thế đao thuật), Sojutsu (Thương thuật), Kodachijutsu (Đoản đao thuật) lẫn Niten (Song kiếm thuật).

Nhưng nhìn chung thì họ đều là những kiếm sĩ rất giỏi. Chính xác thì, nước Nhật không có dưới 10 kiếm sĩ xuất chúng, bởi thời đại nào cũng có vô số cái tên. Tuy nhiên, chúng ta có thể liệt kê những cái tên như: Bất bại kiếm sư Miyamoto Musashi, Bạo chúa Oda Nonunaga, Uesugi Kenshin, Hattori Hanzou, Minamoto no Yorimitsu và Minamoto no Yoshitsune.

Trong lịch sử, kiếm thuật của các Samurai đã phát triển và phân hóa thành rất nhiều kiếm phái. Dĩ nhiên, có những kiếm phái đã lụi tàn do không còn thế hệ nào thừa kế chúng. Chính những Samurai đã tạo nên sự phong phú cho nền võ thuật Nhật Bản thời kỳ phong kiến.

Bushido: biểu tượng danh giá của Samurai

Các Samurai không phải là các chiến binh đánh thuê mà là thuộc hạ của các lãnh chúa, tuân theo giá trị luân lý được gọi là “tư tưởng võ sĩ đạo” (Bushido). Bushido gồm một số các quy tắc mà các chiến binh Samurai phải tuân theo.

Người nào muốn trở thành Samurai thì phải hội đủ ba yếu tố: trung thành – can đảm – danh dự. Để gìn giữ các yếu tố này một cách tuyệt đối, có trách nhiệm, các Samurai phải qua những chuẩn bị cần thiết để có thể đương đầu với kẻ thù. Họ được tập luyện kiếm cung từ nhỏ, thực hành trà đạo, thi ca và hội họa. Từ đó, tinh thần Thần Đạo, Võ sĩ đạo đã dần dần thấm nhuần vào tư tưởng hành động của các Samurai.

Các võ sĩ đạo Samurai được ví như hoa anh đào. Bởi đời sống của những đóa hoa này rất ngắn ngủi, nhưng chúng có hai lần tuyệt đẹp: một là khi hoa nở rực rỡ dưới ánh nắng xuân và hai là khi hoa bay theo làn gió lìa cành. Samurai tự ví đời sống của mình đẹp như đời sống của những đoá hoa này. Ở đó, sự sống và sự chết đều có nét đẹp khác nhau. Sự can đảm đã tạo dựng cho các Samurai xem cái chết như là một điều vinh dự, một cái đẹp của cánh hoa đào rơi.

Trong giới võ sĩ đạo thì cái chết đối với họ nhẹ tựa như bông, nhưng chết trong danh dự hay chết trong ô nhục mới là vấn đề then chốt. Seppuku là một hình thức tự sát được xem là danh dự, đây là một phần truyền thống võ sĩ đạo, một phần mà những kiếm sĩ không thể từ chối. Nếu danh dự của họ bị xúc phạm, phạm tội tày đình, bị rơi vào tay giặc hoặc muốn chứng minh sự trong sạch, họ sẽ tự sát. Hình thức tự sát của họ có tên là “Hara-kiri” hay “Seppuku” (mổ bụng), một nghi lễ rất rườm rà và đòi hỏi tinh thần can trường của cá nhân người kiếm sĩ. Nghi lễ bắt đầu với việc Samurai đi tắm để cơ thể được sạch sẽ, thanh tịnh. Sau đó, họ mặc một chiếc áo choàng trắng và ăn bữa ăn yêu thích của mình. Sau khi hoàn tất, Samurai đặc một lưỡi kiếm nhỏ trên đĩa trống và viết một bài thơ chết tanka để bày tỏ những tâm tư, tâm trạng của mình. Tiếp theo đó, Samurai dùng kiếm và rạch bụng, tự kết liễu đời mình. Họ dùng kiếm đâm vào dạ dày và đưa kiếm từ trái sang phải. Trên phim ảnh, nghi thức mổ bụng của Samurai luôn dừng lại ở đây nhưng thực tế, đó chưa phải là bước cuối cùng. Nghi lễ rùng rợn này chỉ kết thúc khi có một người khác giúp Samurai tiếp tục dùng kiếm, chặt đứt đầu mình văng về phía trước, rơi đúng trong vòng tay của bản thân.

Ở Nhật Bản thời trung cổ có 7 quy tắc đạo đức mà các Samurai phải tuân theo, và nó phản ánh tinh thần võ sĩ đạo rất sắc nét, mạnh mẽ, chính trực và thanh tao:

義 (Gi – Công lý): việc đánh giá danh dự và công lý đối với Samurai phải tuyệt đối rõ ràng, trắng là trắng mà đen là đen. Họ luôn đặt danh dự và lòng tự trọng lên trên tiền bạc, tự chủ được bản thân, không để những ham muốn cám dỗ làm sa ngã, tinh thần trượng nghĩa chống lại mọi thế lực xấu xa, tàn ác. Đối với họ, niềm tin không phải ở người khác, mà trong chính bản thân mình. Con người trung thực không bao giờ sợ sự thật.

仁 (Jin – Nhân từ): Có thể nói đây là thuộc tính cao nhất của tinh thần. Đó là sự từ bi cho người khác. Sự cảm thông và bao dung, độ lượng, có thể chấp nhận mọi bất đồng kể cả kẻ thù của mình. Lòng nhân từ có thể cuốn trôi bất cứ điều gì cản trở sức mạnh dưới sự ảnh hưởng của nó, cũng giống như sức mạnh của nước có thể dập tắt lửa. Sức mạnh của Samurai là để dùng cho lợi ích chung chứ không phải những toan tính, vụ lợi hay hận thù cá nhân.

勇 (Yu – Can đảm): Việc trốn tránh nguy hiểm đối với các võ sĩ thì thà cho họ chọn cái chết. Samurai phải có tinh thần của một người anh hùng, nhưng không phải là sự hy sinh mù quáng, Samurai sáng suốt và mạnh mẽ, họ lấy sự tôn trọng và thận trọng thay thế nỗi sợ. Cái chết cho một nguyên nhân không xứng đáng được gọi là cái chết của một con vật. “Đó là sự can đảm thật sự để sống khi đáng sống, và chỉ chết khi thật sự phải chết”. Người Nhật nói chung có triết lý rằng “nếu chết thì phải chết đẹp”, đẹp ở đây không phải là ở hình thức mà là sự trong sạch của tâm hồn. Tinh thần võ sĩ đạo coi trọng cái chết, họ luôn quan niệm rằng: “Một cái chết có ý nghĩa, hơn là một cuộc sống vô nghĩa”. Bởi cuộc đời họ tựa như sự rực rỡ ngắn ngủi của hoa anh đào như đã nói ở trên là như vậy.

礼 (Ray – Tôn trọng): Samurai quan niệm: “Hình thức lịch sự cao nhất là sự tôn trọng”. Vậy nên mọi hành động phải xuất phát từ sự thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Họ không cần thiết phải tàn nhẫn để chứng minh sức mạnh của mình. Ngay cả với kẻ thù độc ác nhất các Samurai cũng phải lịch sự. Nếu không có phẩm chất này, họ nghĩ mình sẽ không hơn gì một con thú.

誠 (Makoto – Sự chân thành): Không cần phải nhiều lời, không cần hứa gì thêm. Samurai đã nói là làm, không gì khác có thể cản trở. Những gì Samurai nói ra sẽ được đảm bảo thực hiện.

名誉 (Meyё – Danh dự): Ý thức về nhân phẩm là giá trị cốt lõi trong mỗi con người, “Mất danh dự giống như một vết sẹo trên cây mà theo thời gian, thay vì giúp cây phát triển lại làm cho nó còi cọc hơn”. Với các Samurai, người duy nhất được phán xét ta là “chính ta”, nên những hành động của bạn phải thể hiện chính con người của bạn và luôn được đánh giá cẩn trọng.

忠義 (Chu gi – tận tâm): Đây được xem là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà một võ sĩ phải có. Trong cuộc xung đột giữa lòng trung thành và tình cảm các võ sĩ không bao giờ có được sự lựa chọn nào khác ngoài lòng trung thành. “Một samurai buộc phải đấu tranh với trí tuệ và lương tâm của mình bằng cách thể hiện sự trung thành”. Samurai tự chịu trách nhiệm cho mỗi một hành động của mình bằng tất cả sự trung thành, không ích kỷ, trung thành với lãnh tụ của mình, và là tấm gương cho cấp dưới noi theo.

Samurai đã chi phối lịch sử và chính trị của Nhật Bản trong khoảng 700 năm. Đến năm 1876, Thiên Hoàng của thời Minh Trị cho quyết định cấm sử dụng kiếm để phù hợp với những thay đổi của Nhật Bản thời đó. Điều này cũng chính thức khép lại thời đại của Samurai.

Như vậy, mặc dù vị trí của Samurai đã không còn nữa kể từ khi bị phế đạo nhưng tinh thần thượng võ, lòng dũng cảm và trung thành tuyệt đối của các Samurai thì mãi mãi là những điều tốt đẹp còn mãi đối với người dân Nhật Bản. Nếu có dịp đến Nhật Bản, du khách hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản cũng như về các Samurai thời xưa, chắc hẳn du khách sẽ có những bài học quý giá về lòng kiên cường và dũng cảm./.