Lễ hội Tanabata còn được gọi là “Lễ hội Sao” – là một lễ hội đẹp và lãng mạn nhất trong các lễ hội của Nhật Bản. Ngày lễ có nguồn gốc từ Lễ thất tịch của Trung Quốc.
Mỗi năm, vào ngày 7 tháng 7, hai ngôi sao xuất hiện và nhảy múa với nhau trên bầu trời đêm. Ở Nhật Bản, ngày này được gọi là “Tanabata” (七夕), hiểu nôm na là một tối thứ 7. Hai ngôi sao được cho là Orihime (sao Chức Nữ, là cô gái dệt lụa) và Hikoboshi (sao Ngưu Lang, một chàng trai chăn bò). Và đây là những ngôi sao có thật trong tiếng Anh gọi là “Vega” và “Altair”. Nhưng Orihime và Hikoboshi là một phần của một truyền thuyết về sự lãng mạn, để ngày 7 tháng 7 hàng năm là ngày nhớ về câu chuyện của họ. Nhiều người cho rằng đây có lẽ là một phiên bản dân gian của ngày Valentine chỉ dành cho các cặp tình nhân (tất nhiên, Nhật Bản cũng dành sự đặc biệt trong ngày Valentine), nhưng sự thật là bất cứ ai cũng có thể tham gia ngày lễ này.
Theo truyền thuyết, Orihime là con gái của Ngọc Hoàng, nàng dệt khung cửi và thêu thùa rất khéo. Khi đến tuổi lấy chồng, Ngọc Hoàng cho nàng lấy chàng chăn bò Hikoboshi sống ở bên kia dải Ngân Hà. Nhưng sau khi lấy nhau, hai vợ chồng Orihime và Hikoboshi mải mê vui chơi bỏ bê công việc ở Thiên đình, khung cửi mạng nhện giăng đầy, còn con bò của HIkoboshi thì lang thang khắp nơi. Ngọc Hoàng nổi giận đùng đùng, ra lệnh chia cách hai người ở hai đầu sông Ngân Hà và chỉ cho phép hai người mỗi năm gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7. Vào ngày này, đàn chim ô thước sống bên hai bờ sông sẽ lấy thân mình làm cầu để hai người gặp nhau.
Từ thế kỷ thứ 8 thời Heian, giới quý tộc cung đình ở Nhật tổ chức một ngày hội cúng sao để tôn vinh hai chòm sao Ngưu Lang và Chức Nữ cùng với câu chuyện tình của họ. Ngoài ra, các nữ quý tộc thời ấy còn gửi gắm mong ước trở thành những người phụ nữ khéo léo nữ công gia chánh như nàng công chúa Orihime. Tên của ngày lễ hội Tanabata đồng âm với từ “Khung cửi” của cô gái dệt lụa trong những truyền thuyết ở “xứ Phù Tang”.
Đến thời Edo (1600-1868), lễ hội Tanabata đã trở nên phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp khác trong xã hội Nhật Bản, chứ không chỉ giới hạn là ngày hội của tầng lớp quý tộc nữa. Tanabata không chỉ là một trong những ngày hội mùa hè lớn nhất ở Nhật, mà còn là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã qua đời vì thiên tai, cũng như hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.
Vào ngày lễ hội, người Nhật viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc gọi là Tanzaku. Sau đó họ sẽ treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu khấn mong ước sớm thành hiện thực. Đặc biệt, đối với trẻ em, Tanabata gắn liền với những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ. Ở trường hay cả ở nhà, trẻ em sẽ cùng nhau trang trí cho các cành trúc, rồi treo lên đó những mảnh giấy ghi những điều mơ ước. Màu sắc chủ đạo để trang trí cành tre theo thuyết ngũ hành, nghĩa là gồm 5 màu: xanh lục, hồng vàng, trắng, đen. Sau khi lễ hội kết thúc cây tre và đồ trang trí thường được đưa lên thuyền trôi nổi trên mặt sông hoặc là đốt đi.
Trong ngày này, những người yêu nhau cũng sẽ đến đền thờ Thần đạo Shinto để cầu nguyện bên nhau trọn đời, những ai cô đơn sẽ cầu nguyện mong tìm thấy ý trung nhân. Đặc biệt hơn nữa là trên khắp các tuyến phố hay những con đường đến Đền thờ Thần đạo Shinto sẽ được giăng đèn hoa rực rỡ, trên những cành trúc tươi là những chùm giấy ngũ sắc được trang trí rực rỡ sắc màu, tạo thành những vòm cung sặc sỡ.
Một nét đặc trưng khác không thể thiếu trong lễ hội Tanabata đó là sự xuất hiện của món mì Somen lạnh sợi nhỏ. Bởi người Nhật quan niệm rằng những sợi mì Somen này giống như những sợi tơ mà nàng Chức Nữ Orihime đã dệt trong những ngày chờ chồng. Nó có thể kết nối những người yêu nhau dù ở phương xa cũng luôn nhớ về nhau và kết nối cũng tâm hồn đang còn cô đơn về cùng một phía.
Ở Nhật Bản, nơi nào cũng tổ chức ngày lễ Tanabata nhưng lớn nhất là 3 thành phố Sendai (tỉnh Miyagi), thành phố Hiratsuka (tỉnh Kanagawa) và thành phố Anjou (tỉnh Aichi). Có khoảng 1.000-1.500 cây tre được sử dụng để trang trí cho lễ hội ở Hiratsuka hoặc Sendai. Ngoài ra, Tanabata Matsuri còn có rất nhiều hoạt động thú vị thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham gia, như: diễu hành, bắn pháo hoa, biểu diễn văn nghệ và khiêu vũ độc đáo, đám cưới Tanabata,…
Tanabata Matsuri tuy không phải là một sự kiện nằm trong các ngày lễ theo quy định quốc gia nhưng lại là một lễ hội có tính chất tôn giáo rõ nét. Sự dung hợp hài hòa giữa tín ngưỡng bản địa Thần đạo cùng với triết lý sâu sắc của Phật giáo đã khiến cho nó trở thành một lễ hội dân gian không thể thiếu của mùa hè Nhật Bản. Nếu du lịch Nhật Bản vào tháng 7, du khách nhớ tham gia lễ hội để cầu nhân duyên cho mình nhé!